Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đến Mỹ trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Blinken


VOA Tiếng Việt 

14/4/2023

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên. Photo: Facebook Phạm Thanh Nghiên.

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên. Photo: Facebook Phạm Thanh Nghiên. 

Bà Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân và là nhà văn bất đồng chính kiến Việt Nam, cùng gia đình đã đến thành phố Houston, bang Texas, vào tối ngày 13/4 để tị nạn chính trị, theo báo Người Việt và các nhà hoạt động nhân quyền.

Một nhà hoạt động nhân quyền không nêu tên ở Tp. Hồ Chí Minh xác nhận với VOA hôm 14/4 rằng gia đình bà Nghiên đã đến thành phố Houston.

Bà Phạm Thanh Nghiên đến Mỹ tị nạn vài giờ trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trường Hoa Kỳ Antony Blinken.

Ông Blinken dự kiến đến thăm Hà Nội từ ngày 14 đến 16 tháng 4, trong đó ông sẽ dự lễ động thổ xây dựng tòa đại sứ mới và gặp gỡ giới lãnh đạo Việt Nam, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ nêu vấn đề nhân quyền tại Hà Nội.

Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu nhận định với VOA về việc nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đế Mỹ tị nạn:

“Hoa Kỳ luôn luôn gây áp lực đối với phía Việt Nam trong vấn đề cải thiện nhân quyền. Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, phía Việt Nam có một chỉ dấu nhỏ nhỏ, đó là cho phép gia đình chị Phạm Thanh Nghiên được tới Hoa Kỳ tị nạn chính trị.

“Đây là một tiến trình rất nhiều năm. Tôi biết gia đình chị Phạm Thanh Nghiên đã làm thủ tục xin tị nạn chính trị cách đây ít nhất là hơn 3 năm. Về phía chị Nghiên thì thủ tục dễ dàng, nhưng chồng của chị là anh Huỳnh Anh Tú, do vấn đề không có hộ khẩu nên phía Việt Nam gây khó khăn rất nhiều năm”.

“Sau nhiều năm đàm phán, gây áp lực trong vấn đề ngoại giao thì phía Việt Nam mới chấp nhận cho gia đình chị đi”, Luật sư Đài cho biết.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, yêu cầu bình luận việc bà Nghiên và gia đình đến Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.

Ông Huỳnh Anh Tú, chồng bà Nghiên, cũng là một cựu tù chính trị, mãn án 14 năm tù hồi năm 2013.

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, 46 tuổi, từng thụ án bốn năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá nhà nước,” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Ra tù, bà viết cuốn hồi ký “Những mảnh đời sau song sắt”. Bà nhận được giải Văn Việt năm 2021 cho tác phẩm này, sau khi hồi ký được tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản tại Mỹ vào 11/2017, và được nhà xuất bản Tự Do ấn hành và tái bản nhiều lần ở Việt Nam, mặc dù bị cấm lưu hành.

Trước đó, bà được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao Giải thưởng Hellman/Hammett dành cho các nhà văn bị đàn áp chính trị.

Vào hồi tháng 9/2008, bà Phạm Thanh Nghiên bị bắt trong khi bà đang tọa kháng tại gia, phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền của Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com

Comments are closed.