Quan hệ Việt – Mỹ: Chính trị thực dụng và cơ hội cho Việt Nam 31/8/2023 – Ls. Lê Quốc Quân


Quan hệ Việt - Mỹ: Chính trị thực dụng và cơ hội cho Việt Nam

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/7/2015 (minh hoạ) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

” Vào độ tuổi 100 của mình, Henry Kissinger vẫn tiếp tục thăm người bạn “tri âm” Trung Quốc và nói về việc hợp tác Mỹ Trung. Nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục coi ông là chiến lược gia của thế giới trong thế kỷ 21 với cách tiếp cận đầy thực dụng. Câu chuyện “mèo trắng hay mèo đen” có vẻ như không chỉ là của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng nếu không giải quyết những vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam hay Trung Quốc thì Hoa kỳ cũng sẽ gặp phải những thách thức từ các đồng minh của mình. Người ta sẽ hiểu như thế nào về quan điểm của người Mỹ đối với một Việt Nam cộng sản, đang là đàn em thực sự của Trung Hoa cộng sản? Tiêu chuẩn kép (Double standard) trải rộng từ đông sang tây và kéo dài từ quá khứ sang hiện tại, vẫn tiếp tục được chính quyền Biden phát huy mạnh mẽ?..”

Quan hệ Việt Mỹ đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và hiện nay đang tiến dần đến một ngưỡng quan trọng và có ý nghĩa, đòi hỏi cao và thách thức các giá trị của các bên. Nhân chuyến đi hai ngày của Tổng thống Biden đến Việt Nam vào trung tuần tháng 9 này, chúng ta cần có những phân tích thấu đáo và dự báo nghiêm cẩn về mối quan hệ này.

Nhu cầu của cả hai bên Mỹ – Việt

Thực tế chiến lược “Xoay trục sang Châu Á” đã được hình thành từ thời tổng thống Barack Obama và vẫn tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ bởi tổng thống Joe Biden. Những kết hợp như QUAD (1) (tứ giác kim cương gồm Nhật, Ấn, Mỹ, Úc) hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây cũng không nằm ngoài chiến lược để thúc đẩy hợp tác giữa các đối tác và kiềm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Ngoài một số chiến lược lớn toàn cầu, Hoa Kỳ liên tục tìm kiếm những đồng minh mới, ở dạng “vùng đệm” gần hơn với Trung Quốc mà những cuộc thảo luận gần đây với Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và cả Campuchia đã cho thấy điều đó. Với vị trí đặc biệt và lịch sử đầy chông gai với Trung Quốc, Việt Nam không thể không thu hút sự chú ý lớn lao của Hoa Kỳ.

Đối với Việt Nam thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp những thách thức lớn khi không giải quyết được vấn đề tham nhũng và tình hình kinh tế đang trì trệ. Trong khi tuổi đang trở nên cao và không thể cầm quyền mãi được, ông buộc phải chấp nhận “binh” những đường banh mới, hầu gia tăng uy tín chính trị và tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế cho đất nước.

Khả năng kiểm soát quyền lực của ông Trọng bằng những lời rao giảng đạo đức đang dần dần chết khô giữa một xã hội mà tính lý tưởng đã trở nên cạn kiệt. Hầu hết các quan tham hủ bại mới ra toà gần đây đều từng giáo huấn, thậm chí viết sách (2) về chống “diễn biến” và có những lời dạy kinh điển về đạo đức. Lối giáo huấn suông đã rất lỗi thời và bị thực tế phủ nhận trên mọi phương diện.

Vì thế, việc nâng cấp là bước tiến quan trọng và có lợi cho cả đôi bên. Đối với Mỹ là tính kế lâu dài, đối với Việt Nam là ưu tư trước mắt. Hoa Kỳ cần an ninh khu vực, thích thú ngắm bãi biển “dài và đẹp” hơn 3.200 km với nhiều cảng nước sâu ưu việt có thể sử dụng đa mục đích, trong khi Việt có thêm một phương tiện vừa thu lợi được kinh tế và vừa cân bằng được với mối quan hệ đối với Trung Quốc và Nga, đồng thời nâng tầm của mình trong toàn khu vực.

Ý đồ của Trung Quốc và bước đi của Việt Nam

Việt Nam hiểu rõ dã tâm của Trung Quốc khi mới đây ngoại trưởng Vương Nghị đã đề nghị Việt nam duy trì lý tưởng cộng sản (3), bảo vệ an ninh chế độ và chống lại sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài, trong khi khẩn trương tiến hành các hoạt động quân sự hoá trên đảo Tri Tôn. Kiểu nói “một đàng làm một nẻo” thì các quan của Việt Nam cũng đều ở bậc thượng thừa, cho nên họ đọc vị nhau rất kỹ.

Báo chí chính thống của Việt Nam vô cùng dè dặt trong việc lên tiếng cụ thể về chuyến đi mặc dù mọi thứ đã chính thức. Thực tế thì trước đó hai bên đã tiến hành các bước đi rất cẩn thận và chi tiết. Sau chuyến đi của Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tháng 4 thì Trưởng ban đối ngoại trung ương Lê Hoài Trung đã đến Washington DC vào cuối tháng 6, gặp cả Ngoại trưởng Anthony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và hai bên đã bàn bạc nhiều vấn đề về quan hệ hai nước và cả chuyến đi của tổng thống.

Có lẽ để tôn trọng Việt Nam và cũng đề phòng những bất trắc như trong chuyến đi của Phó tổng thống Kamala Harris vào năm 2021, trong thông báo(4) của Nhà trắng ban đầu cũng chỉ đề cập đến việc Tổng thống Biden đi dự hội nghị G20 từ ngày 4-7 tháng 9 và Phó tổng thống Kamala Harris đi dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta, Indonesia. Mãi cho đến ngày 28/8, thì mới có thông báo về chuyến đi Việt Nam vào ngày 10/9 (5).

Việc Joe Biden đi thăm Việt Nam ngay sau khi dự hội nghị G20 trong khi không dự thượng đỉnh Jakarta cách đó không xa thể hiện một uy thế đặc biệt của Việt Nam trong khu vực. Tất cả các bên đều nhận thức rõ rằng Việt Nam là một thách thức chính yếu của Trung Quốc trong việc bành trướng lãnh thổ và chủ quyền ở biển Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ coi bước đi của Biden như là một hành động táo bạo và đầy ưu ái cho một “quân cờ” mới.

Việt Nam cũng có cách của mình. Vừa im lặng để đi xa nhưng cũng ý thức rõ về tránh nhiệm mới, vị thế mới của mình nên đang hết sức thận trọng trong mối quan hệ này. Để có thể cân bằng và pha loãng một sự liên kết mới với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã muốn gia nhập khối BRICS và chuẩn bị ký “Đối tác chiến lược” (5) với Australia. Báo chí trong nước cũng liên tục nói về sự nâng cấp quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện với Singapore.

000_9LL8JH.jpg

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội hôm 25/8/2021. AFP 

Mèo trắng – Mèo đen và chính trị thực dụng

Chính trị luôn có sự phiêu lưu và sức hấp dẫn riêng của nó. Nhưng loài người đang trở nên nhanh và ranh hơn trên tất cả các phương diện. Đồng thời sự mập mờ về chủ nghĩa và trỗi dậy của thực tế Trung Quốc đang đặt ra những mâu thuẫn lớn về lý thuyết và thực tiễn, về nói và làm, về khả năng phân biệt đúng và sai, tốt và xấu… trong nền chính trị toàn cầu.   

Hoa Kỳ hiện cũng đang thực thi một chính sách chính trị thực dụng và điều đó ít nhiều có mâu thuẫn với các giá trị mà Họ vẫn thường đề cao. Các giá trị như “Tự do, Dân chủ và Nhân quyền” luôn được người Mỹ cổ suý nay có thể tạm bị gác một bên cho những chương trình hành động thực tế hơn. Vào độ tuổi 100 của mình, Henry Kissinger vẫn tiếp tục thăm người bạn “tri âm” Trung Quốc và nói về việc hợp tác Mỹ Trung. Nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục coi ông là chiến lược gia của thế giới trong thế kỷ 21 với cách tiếp cận đầy thực dụng. Câu chuyện “mèo trắng hay mèo đen” có vẻ như không chỉ là của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng nếu không giải quyết những vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam hay Trung Quốc thì Hoa kỳ cũng sẽ gặp phải những thách thức từ các đồng minh của mình. Người ta sẽ hiểu như thế nào về quan điểm của người Mỹ đối với một Việt Nam cộng sản, đang là đàn em thực sự của Trung Hoa cộng sản? Tiêu chuẩn kép (Double standard) trải rộng từ đông sang tây và kéo dài từ quá khứ sang hiện tại, vẫn tiếp tục được chính quyền Biden phát huy mạnh mẽ?

Việt nam cũng thế nhưng công khai và thách thức hơn. Khi ký kết hiệp định thương mại với EU, Việt Nam sẵn sàng sửa luôn cả luật lao động, cho phép thành lập “công đoàn độc lập” để hài lòng các đối tác. Nhưng trong thực tế thì không, sau hơn ba năm trôi qua, không một tổ chức công đoàn độc lập nào được ra đời, mà ngược lại, xã hội dân sự ngày càng bị tấn công, thu hẹp. Trong những năm vừa qua, chính quyền Việt Nam đã bắt đến sáu giám đốc (6) thuộc VUSTA là cơ quan “ô dù” của các tổ chức xã hội “bán nhà nước”. Còn Hoa Kỳ, liệu có quá tự tin khi khi lao vào một cuộc chơi không phải sở trường của mình?

Dù sao khi các bên đã bước qua quá khứ để dấn bước trong hiện tại, hướng tới tương lai. Đây là một hành động hoàn toàn hợp xu thế tiến bộ và điều này là mong ước của rất nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam hiện nay. 

Hiểm nguy có rình rập đôi bên?

Nhân loại đã sững sờ khi thấy sự hài hoà tuyệt vời giữa “đầu tư tư bản” và “chuyên chế cộng sản” tại Trung Quốc và Việt Nam trong suốt 20 năm qua, nay thì có lẽ không quá bất ngờ khi ngoại giao “cây tre” đang vờn quanh cùng “cây gậy” nhỏ và một “củ cà rốt” to tướng.

Cũng sẽ vô cùng hoà hợp, như con rắn cuộn quanh cây gậy của thần Asclepios, vươn lên một chiếc ly đựng dược liệu, trong biểu tượng của ngành y. Hình ảnh đó không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan và sức khoẻ mà còn ám chỉ khả năng giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất của mối bang giao: “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” như lời của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói trong mối quan hệ với Trung Quốc. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh với bên này, trong một quan hệ “tay ba” thì đồng nghĩa với bên kia cũng phải “vừa hợp tác, vừa đề phòng”.

Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến ly rượu “mao đài” sóng sánh mà Mao Trạch Đông đã uống cạn cùng Nixon trước khi ký “Tuyên cáo chung Thượng Hải” vào năm 1972. Chuyến thăm bắt đầu từ một cuộc “Ngoại giao bóng bàn” mà sau đó các nhà báo đã ví von “trái bóng nhỏ” (bóng bàn) đã làm thay đổi trái bóng lớn (trái đất).  Sau hơn 50 năm, từ một cuộc chia chác lịch sử của các cường quốc, Hoa Kỳ chợt nhận ra rằng Trung Quốc đã thực sự đã lớn mạnh và trở thành một đối thủ tiềm tàng không thể tránh khỏi. Hai con dê này đang đi qua một chiếc cầu hẹp và có vẻ như không tránh nhau.

Cũng bởi vậy mà có hàng loạt động thái “dồn dập” để nâng cấp quan hệ ngoại giao như đang xảy ra. Liệu Việt Nam lại có tiếp tục đi vào quỹ đạo của những nước lớn mà biết đâu lại trở thành một tiền đồn của những cuộc chiến tranh uỷ nhiệm trong tương lai?

Quyết định có nuôi dưỡng lòng phản trắc?

Trong hoàn cảnh lúc này, Việt Nam như một cô gái đa tình có thể “bắt cá hai tay” nhưng giả sử có một cuộc chiến tranh xảy ra, dù trên Biển Đông, ở Đài Loan hay bất cứ một nơi nào khác quanh khu vực, Việt Nam rất có thể buộc phải chọn bên như đã từng chọn bên. 

Khi đó, một Việt Nam đang “bắt cá hai tay” có thể lại trở nên cực kỳ nguy hiểm khi tự nó đã nuôi dưỡng cả “sự thuỷ chung” và “lòng phản trắc” trong các mối quan hệ. Rất có thể quyết định bắt cá hai tay của Việt Nam hôm nay sẽ “xé” Việt Nam ra làm đôi, vào thời điểm bất ngờ nhất của ngọn triều lịch sử như nó đã từng xảy ra. Còn Hoa Kỳ và Trung Quốc, họ vẫn luôn là một nước lớn, họ sẽ chơi ván lớn với những người chơi xứng tầm? 

Lịch sử thì phiêu du và không ai có thể dự báo được, nhưng có một điều chúng ta có thể làm được là đất nước mình phải thực sự mạnh lên. Nhân dân được tự do, ấm no, đất nước được phát triển và thịnh vượng. Có như vậy thì chúng ta mới giữ được chủ quyền, bảo vệ sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của mình trong thế đứng của toàn nhân loại. Đó là lúc chúng ta có thể tự hào được “sánh vai với các cường quốc năm châu” mà không phải “ngả nghiêng” kiểu cây tre.

_________

Tham khảo:

1. https://en.wikipedia.org/wiki/Quadrilateral_Security_Dialogue

2. https://vtc.vn/ong-truong-minh-tuan-nhan-hoi-lo-cuon-sach-phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-do-ong-chu-bien-co-bi-thu-hoi-ar496224.html

3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/beijing-s-top-diplomat-wang-yi-urges-vn-to-help-uphold-communist-ideal-08172023102842.html

4. https://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20230829-nhà-trắng-thông-báo-tổng-thống-mỹ-biden-công-du-việt-nam-thắt-chặt-quan-hệ-song-phương

5. https://dangcongsan.vn/thoi-su/thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-australia-644808.html

6. https://www.voatiengviet.com/a/cac-nha-hoat-dong-bi-bat-giu-vi-tron-thue-thuc-chat-va-he-luy/7140303.html

https://www.rfa.org/vietnamese

Comments are closed.