“Quyền dân tộc tự quyết” và trò chơi lắt léo chữ nghĩa của người cộng sản


Lynn Huỳnh/VNTB – 21/6/2023 –  

VNTB – “Quyền dân tộc tự quyết” và trò chơi lắt léo chữ nghĩa của người cộng sản

Quyền dân tộc tự quyết được đặt trong quyền của các dân tộc thiểu số theo pháp luật quốc tế và Việt Nam.

“Quyền dân tộc tự quyết” là quyền tự mình định đoạt những công việc thuộc về vận mệnh của dân tộc mình, như lập ra một nhà nước dân tộc riêng, độc lập, hoặc cùng với các dân tộc khác thành lập một nhà nước nhiều dân tộc trên cơ sở bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

“Quyền dân tộc tự quyết” được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế quan trọng như: Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa năm 1960; Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966; Tuyên bố năm 1970 về các nguyên tắc của Liên hợp quốc.


Cái lưỡi không xương

Khoản 2 Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc ghi nhận “phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và dân tộc tự quyết”.

Như vậy, theo lập luận của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam thì khái niệm “dân tộc tự quyết” được nhắc đến trong Hiến chương Liên hợp quốc không phải là quyền đòi ly khai hay đòi độc lập của một hay nhiều nhóm sắc tộc, dân tộc thiểu số vốn đã là những thành phần trong một quốc gia – dân tộc thống nhất.

Vẫn theo đảng cộng sản Việt Nam, thì quyền dân tộc tự quyết ở đây chỉ thuộc về nhân dân theo nghĩa là tất cả dân cư thường xuyên sinh sống trên lãnh thổ của một quốc gia nhất định – chủ thể luật quốc tế.

Tuyên bố năm 1970 về các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế đã khẳng định “việc thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập vào nhà nước độc lập khác hoặc liên kết với quốc gia đó cũng như việc thiết lập bất cứ chế độ chính trị nào do nhân dân tự do quyết định là các hình thức thể hiện quyền dân tộc tự quyết”.

Nguyên tắc dân tộc tự quyết bao hàm các nội dung sau: Được thành lập quốc gia độc lập hay cùng với các dân tộc khác thành lập quốc gia liên bang (hoặc đơn nhất) trên cơ sở tự nguyện; Tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế xã hội; Tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài;

Quyền các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ và ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự; Tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý.

Tất cả các quyền nêu trên của mỗi dân tộc đều được các dân tộc và các quốc gia khác tôn trọng.

Như vậy, “quyền dân tộc tự quyết” được hiểu là việc một “quốc gia – dân tộc” hoàn toàn tự do trong việc tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như lựa chọn thể chế chính trị, đường lối phát triển đất nước.


Quyền của các dân tộc thiểu số trong pháp luật quốc tế

Khái niệm “quyền dân tộc thiểu số” được chính thức ghi nhận trong hai Công ước quốc tế là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc (UDHR) năm 1948: “Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội” (Điều 2);

Và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 ghi: “Tại những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ” (Điều 3).

Hai văn kiện pháp lý quốc tế nêu trên là nền tảng, ghi nhận các quyền pháp lý cơ bản của con người về dân sự, chính trị mà quyền dân tộc thiểu số được coi là quyền cơ bản trong nhóm các quyền dân sự, chính trị đó, điều đó có nghĩa là người dân tộc thiểu số có đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa như những người thuộc dân tộc đa số trong xã hội, hoàn toàn bình đẳng và không có sự phân biệt đối xử.

Bên cạnh việc ghi nhận quyền của các dân tộc thiểu số, pháp luật quốc tế còn quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên Công ước phải bảo đảm cho các cá nhân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số quyền được hưởng nền văn hóa, ngôn ngữ trong các điều kiện đặc thù của mình.

Trong Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992 ghi: “Các quốc gia sẽ bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người thiểu số trong phạm vi lãnh thổ thuộc sự quản lý của họ và khuyến khích những điều kiện để thúc đẩy bản sắc đó; các quốc gia sẽ thông qua những biện pháp lập pháp và những biện pháp thích hợp khác để đạt được những mục tiêu này” (Điều 1).

“Như vậy, quyền dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của pháp luật quốc tế về quyền con người. Việc thúc đẩy và thường xuyên thực hiện quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ như là một phần gắn liền trong sự phát triển xã hội nói chung và khuôn khổ dân chủ, pháp luật nói riêng, góp phần vào việc tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc và các quốc gia” – phía lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam lập luận như vậy cho việc không chấp nhận “quyền tự trị” của nội hàm “quyền dân tộc tự quyết”.

Comments are closed.