Thế giới hôm nay 30/08/2022: Ukraine “tấn công nhiều hướng” ở vùng Kherson, Ukraine


Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các lực lượng Ukraine đã “tiến công trên nhiều hướng” ở vùng Kherson miền nam đất nước, theo phát ngôn viên của quân đội Ukraine. Thời gian gần đây Kyiv đã thường xuyên ngụ ý sẽ phản công. Thành phố Kherson, thủ phủ của tỉnh này, là thành phố lớn đầu tiên của Ukraine bị Nga đánh chiếm hồi tháng Ba. Chiến dịch phản công dường như khởi đầu với các cuộc tấn công trong đêm bằng rocket vào các trung tâm chỉ huy và cầu đường. Vẫn chưa rõ liệu đây có phải phát súng mở màn cho một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn của Ukraine ở phía nam hay không.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga khủng bố kinh tế khi thắt chặt nguồn cung khí đốt làm giá năng lượng ở châu Âu tăng cao. Uniper, một công ty năng lượng của Đức, vừa yêu cầu chính phủ nước này cho vay thêm 4 tỷ euro (4 tỷ USD), dù đã có gói cứu trợ 15 tỷ euro như thỏa thuận hồi tháng 7. CEO Ben van Beurden của tập đoàn dầu khí Shell của Anh cũng cảnh báo khủng hoảng sẽ kéo dài trong vài mùa đông tới.

Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu của Pakistan gọi những đợt mưa gió mùa chưa từng có hiện tại là “thảm họa nhân đạo cực kỳ nghiêm trọng do [biến đổi] khí hậu gây ra.” Số người thiệt mạng dọc các con sông của nước này đã vượt 1.000 người, trong đó có hàng trăm trẻ em. Trong lời kêu gọi giúp đỡ từ quốc tế, thủ tướng Shehbaz Sharif nói có tới 33 triệu trong số 230 triệu dân Pakistan bị ảnh hưởng. Bộ trưởng ngoại giao cũng cầu xin IMF: khi mùa màng của nông dân bị hủy hoại ngay giữa lúc Pakistan đứng bên bờ vực thảm họa tài chính, sự hỗ trợ bền vững của IMF là rất cần thiết.

Ít nhất 12 người chết và hơn 100 người bị thương trong một cuộc biểu tình ở Iraq sau khi Muqtada al-Sadr, một giáo sĩ người Shia nhiều ảnh hưởng, tuyên bố rút lui khỏi chính trị. Hàng trăm tín đồ của ông al-Sadr đã xông vào cung điện chính phủ ở thủ đô Baghdad và đụng độ dữ dội với cảnh sát cũng như các phe phái Shia đối địch. Iraq chìm trong bế tắc chính trị kể từ khi đảng của ông al-Sadr thắng cuộc bầu cử tháng 10 năm ngoái, nhưng lại không có đủ ghế để lập chính phủ đa số.

Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm khi diễn giải thông điệp từ hội nghị ngân hàng trung ương ở Wyoming, Mỹ, vào cuối tuần qua. Tại đó, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã ngụ ý cuộc chiến chống lạm phát sẽ còn tạo ra thêm nhiều “nỗi đau” hơn nữa. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 2,7% vào thứ Hai, trong khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm lên mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2007-09.

Singapore nới lỏng quy định thị thực với hy vọng thu hút người lao động nước ngoài vào thị trường lao động đang thắt chặt của mình. Từ tháng 1, người nước ngoài kiếm được ít nhất 30.000 đô la Singapore (21.500 đô la) một tháng sẽ đủ điều kiện được cấp giấy phép làm việc 5 năm. Bộ trưởng nhân lực Tan See Leng cho biết động thái này nhằm “củng cố vị trí của Singapore như một trung tâm nhân tài toàn cầu.”

Cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc, IAEA, đã cử thanh sát viên tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở đông nam Ukraine, trong bối cảnh vẫn tiếp tục bắn phá các thị trấn xung quanh nhà máy. Nhà máy này bị quân đội Nga đánh chiếm từ tháng 3 nhưng vẫn do nhân viên Ukraine điều hành và, theo Nga, đang bị Ukraine nã pháo vào. Cư dân quanh Zaporizhia đang được hướng dẫn cách tự điều trị bằng i-ốt để phòng nhiễm xạ.

Con số trong ngày: 80, là số binh lính thuộc tiểu đoàn Azov của Ukraine bị bắt và phải ra hầu tòa do Nga dàn dựng.

TIÊU ĐIỂM

Ukraine phản công ở Kherson

Vào thứ Hai, đúng dịp kỷ niệm 8 năm vụ thảm sát binh sĩ Ukraine ở tỉnh Donetsk, quân đội Ukraine đã mở cuộc phản công nhắm vào lực lượng Nga ở tỉnh miền nam Kherson.

Thành phố Kherson là thành phố lớn đầu tiên của Ukraine bị rơi vào tay Nga. Sau nhiều tháng ám chỉ về quá trình chuẩn bị cho một cuộc phản công, vào đầu giờ chiều thứ Hai các tướng lĩnh Ukraine đã chính thức phát động tiến công. Trong đêm trước đó Ukraine đã đánh phá các cây cầu quan trọng và trạm chỉ huy của Nga.

Song xuyên thủng tuyến phòng thủ thứ hai của Nga khó khăn hơn. Do đó chiến sự vào thứ Ba sẽ mang tính bản lề cho số phận của Kherson. Nhưng Ukraine tin họ nắm thế chủ động. Tiền tuyến của cuộc chiến hầu như đã không thay đổi kể từ cuối tháng 6. Và nếu Ukraine giờ đây tìm ra được điểm yếu của Nga, nó sẽ mở ra một giai đoạn mới của cuộc xung đột.

Thảm họa lũ lụt ở Pakistan

Trong khi hạn hán hoành hành khắp nơi trên thế giới, nhiều vùng ở Nam Á lại bị nước lũ nhấn chìm, trong đó tồi tệ nhất là Pakistan. Băng tan trái mùa từ dãy Himalaya vào tháng 5 khiến các hồ chứa bị quá tải; để rồi mưa gió mùa ngay sau đó nhấn chìm vùng nông thôn. Ước tính của chính phủ cho thấy số người chết hiện tại là hơn 1.000, trong đó có 348 trẻ em. Lịch sử khí hậu cho thấy mọi chuyện sẽ còn nghiêm trọng hơn. Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu Sherry Rehman đã gọi đây là “thảm họa biến đổi khí hậu ngay trước cửa nhà chúng ta.”

Và Pakistan còn có nhiều khó khăn khác. Ban điều hành của IMF đã họp vào thứ Hai để thông qua các đợt giải ngân cuối cùng của khoản vay trị giá 6 tỷ đô la được thống nhất từ đầu năm nay. Lập luận cầu cứu của ngoại trưởng Bilawal Bhutto Zardari là Pakistan sẽ bị thiệt hại hàng tỷ USD do mùa màng thất bát, và rằng Pakistan có lượng khí thải carbon trên đầu người không đáng kể. Song giá hàng hóa và áp lực lạm phát đã đè nặng lên kinh tế Pakistan từ trước khi có thảm họa khí hậu.

Tròn một năm Mỹ rút khỏi Afghanistan

Ngày này tròn một năm trước, thiếu tướng Chris Donahue, tư lệnh Sư đoàn Dù 82 của Mỹ, đã trở thành người lính Mỹ cuối cùng rời Afghanistan sau hơn hai thập niên chiến sự.

Vào thời điểm đó, Taliban đã cam kết bảo vệ quyền phụ nữ và tha thứ cho những người từng làm việc cho liên minh của Mỹ. Hóa ra lời hứa của họ hoàn toàn rỗng tuếch. Giờ đây, cảnh sát đạo đức tuần tra hàng ngày trên đường phố để đảm bảo phụ nữ phải che kín toàn thân, trong khi trẻ em nữ bị cấm đi học cấp hai. Nền kinh tế tiếp tục rơi tự do. Và al-Qaeda lại một lần nữa được tìm thấy ở Afghanistan – thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của họ bị máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt trong một khu dân cư giàu có ở Kabul. Và mặc dù bạo lực đã giảm nhiều, đây hẳn không phải là loại hòa bình mà người Afghanistan kỳ vọng.

EU xem xét cắt ưu đãi thị thực cho người Nga trên toàn khối

Các bộ trưởng ngoại giao EU sẽ quay lại sau kỳ nghỉ hè để họp tại Praha vào thứ Ba, với cuộc chiến của Nga ở Ukraine đứng đầu chương trình nghị sự. Các nước Trung và Đông Âu muốn cấm cấp thị thực cho công dân Nga. Nhưng các lãnh đạo Tây Âu rụt rè hơn vì cho rằng làm vậy thể hiện thông điệp trừng phạt tập thể.

Nhiều khả năng EU sẽ tiến tới một thỏa hiệp, trong đó người Nga bị mất ưu đãi khi nộp đơn xin thị thực châu Âu, vốn là đặc quyền dành riêng cho các quốc gia thân thiện. Điều này khiến du khách Nga phải chịu chi phí cao và thời gian chờ đợi lâu hơn. Nó cũng xoa dịu lo ngại của các nước như Phần Lan, một đồng minh vững chắc của Ukraine, khi nước này thường được người Nga dùng làm điểm quá cảnh cho các chuyến đi quốc tế.

Nguồn:

Nghiên Cứu Quốc Tế

Tags: ,

Comments are closed.