Thiếu điện gây cản trở cho tham vọng môi trường của Việt Nam


24/7/2023

Việt Nam được đánh giá cao tại Hội nghị COP26 về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Glasgow năm 2021 khi cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việt Nam cũng nằm trong số ba nước trên thế giới (Nam Phi và Indonesia) được nhóm G7 viện trợ (15,5 tỉ đô la) để giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện.  

Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, tỉnh Hải Dương, Việt Nam, ngày 12/06/2023.

Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, tỉnh Hải Dương, Việt Nam, ngày 12/06/2023. AP – Huy Han 

Nhưng từ đó, kế hoạch được ngưỡng mộ dường như giậm chân tại chỗ, trong khi tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu đang khiến Việt Nam thúc đẩy nguồn nhiệt điện.

Hạn hán nghiêm trọng trong tháng 06/2023 đã khiến miền bắc Việt Nam chịu cảnh cắt điện luân phiên do các nhà máy thủy điện không có nước hoạt động. Thiếu điện ở miền Bắc đã được cảnh báo vài năm trước, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường, được trang VnExpress trích dẫn ngày 14/06/2023, nhưng để đưa vào được nguồn điện phải cần ít nhất 3-4 năm, thậm chí lâu hơn. Chưa kể nhiều dự  án nguồn điện lớn chậm tiến độ nhiều năm so với quy hoạch được phê duyệt.

Điện là điều kiện cơ bản, tiên quyết để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để đối phó với tình trạng thiếu điện do hạn hán có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn vì biến đổi khí hậu, nhiệt điện (than, dầu, khí) được đẩy mạnh hết công suất, và như vậy, chưa thể thực hiện ngay những tham vọng trung hòa khí phát thải. Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII, được công bố sau thời gian dài trì hoãn, vẫn tập trung sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngoài than, khí hóa lỏng trở thành một phần cơ bản của cơ cấu năng lượng, trong khi đây cũng là một nguồn nhiên liệu góp phần làm Trái đất nóng lên. 

RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Éric Mottet, giám đốc nghiên cứu các Thế giới trỗi dậy (CReME), Đại học Công giáo Lille và bà Pauline Vo, trợ lý nghiên cứu tại CReMe, sinh viên thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Nhân văn (FLSH).


RFI : Nhóm G7 cam kết tài trợ cho Việt Nam 15,5 tỉ đô la Mỹ để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2050. Nhóm G7 đặt ra những điều kiện gì ? Và Việt Nam cam kết gì ? 

Éric Mottet : Đúng là có một thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với nhóm được gọi là “các đối tác quốc tế”. Hai bên nhất trí một hợp tác đối tác (JETP) trị giá 15,5 tỉ đô la đầu tư công và tư, từ 3 đến tối đa là 5 năm, có nghĩa là tới khoảng năm 2028. Điều thú vị trong hợp tác đối tác này là một nửa ngân sách là do các đối tác quốc tế công cấp, như Ngân hàng Phát triển châu Á. Nửa còn lại, khoảng 7,75 tỉ đô la, là từ các ngân hàng tư nhân của châu Âu, châu Á hoặc Mỹ. Nhưng khoản đầu tư 7,75 tỉ đô la, tương đương khoảng 50% tổng ngân sách, sẽ chỉ được giải ngân nếu như lĩnh vực công đầu tư ồ ạt vào các chương trình giúp Việt Nam bắt đầu chuyển đổi năng lượng. 

Đổi lại, Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu gì ? Thực ra những yêu cầu đó không quá đáng. Đây là điểm đáng ngạc nhiên. Nhóm G7 yêu cầu cho đến năm 2030, Việt Nam giảm 30% lượng khí thải CO2, tăng thêm 47-48% lượng điện từ năng lượng tái tạo và giảm lượng điện than. Và để thực hiện được những mục tiêu đó, các nước G7 sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai toàn bộ khung pháp lý mới, thực hiện chuyển hóa xanh, nền kinh tế xanh của Việt Nam. Việt Nam được yêu cầu cải thiện hiệu quả năng lượng và tăng cường mạng lưới điện. Cải thiện hiệu quả năng lượng có nghĩa là Việt Nam phải tiêu thụ ít điện hơn. Đây là điều mà chúng ta đã thấy phần nào trong thời gian vừa qua.

RFI : Quy hoạch Điện VIII đặt trọng tâm vào sự kết hợp các loại năng lượng, trong đó có khí hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, việc vận chuyển và chuyển đổi khí LNG đặt ra vấn đề về phát thải khí CO2 ! 

Éric Mottet : Đúng là hiện giờ Việt Nam, ít hướng đến tiêu thụ khí hóa lỏng, đã triển khai một dự án đầy tham vọng bởi vì có đến 13 trạm vận hành sẽ được xây dựng để tiếp nhận khí hóa lỏng. Nhưng việc này cũng đặt ra vấn đề về chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, như chị nêu. Đúng là khí hóa lỏng không gây ô nhiễm môi trường như than, ít hơn 50% so với than, nhưng sẽ phát thải nhiều khí CO2, kể cả khí metan, trong quá trình sản xuất, vận tải và tiêu thụ. Đó là một nguồn năng lượng gây ô nhiễm. 

Nhưng đáng tiếc, tôi cho rằng hiện giờ Việt Nam không có quá nhiều lựa chọn do khó khăn trong cung ứng khí đốt tự nhiên của Nga, bị trừng phạt do chiến tranh Ukraina. Nhưng qua sự kết hợp các nguồn năng lượng tương lai này, Việt Nam cho thấy quyết tâm đa dạng hóa các nguồn năng lượng tiềm năng, trong đó có khí hóa lỏng được xếp ngang với điện gió, điện mặt trời. 

Đúng là nghịch lý khi muốn sử dụng khí hóa lỏng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhưng phải nói là hầu hết các nước Đông Nam Á đều gộp khí hóa lỏng vào chiến lược chuyển đổi năng lượng của họ, cho nên Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt. Đó là điều mà người ta thường thấy ở khắp châu Á.

RFI : Miền bắc Việt Nam bị cắt điện luân phiên vào đầu mùa hè. Tình hình chỉ có thể ổn định trở lại vào cuối năm. Hạn hán là một trong nhưng nguyên nhân gây thiếu điện. Điện than được huy động để bù phần nào. Thế nhưng đây lại cũng là một nghịch lý giữa thực tế và mục tiêu môi trường được vạch ra trong chiến lược chung ?

Éric Mottet : Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đã xảy ra, nhất là ở miền bắc Việt Nam nơi nhiều nhà máy thủy điện bị giảm sản lượng 30-40%. Vấn đề này là rất lớn bởi, vì cần biết là khoảng 40-50% điện ở miền bắc Việt Nam là nhờ vào thủy điện. Tình trạng này diễn ra theo chu kỳ, có nghĩa là sẽ kéo dài vài tháng, gây khó khăn cho sản xuất điện và kéo theo hệ quả nghiêm trọng về cung cấp.

Ngoài khó khăn của thủy điện, phải nói thêm khó khăn về cung ứng than mà Việt Nam gặp phải, nhất là than nhập từ Indonesia không đến đúng hạn. Vừa bị hạn hán khiến sản lượng điện giảm, vừa bị chậm trễ trong nhập khẩu than nên các nhà máy nhiệt điện không hoạt động hết công suất, dẫn đến hệ quả là cắt điện hàng loạt, đôi khi không báo trước. Chúng ta đã thấy có rất nhiều phàn nàn từ các nhà công nghiệp nước ngoài gửi đến chính phủ Việt Nam để nói rằng chuyện cắt điện là không bình thường, hoặc nếu phải cắt thì ít ra họ phải được báo trước.

Vấn đề này mang tính tình thế. Than được tiêu thụ nhiều hơn để sản xuất điện vì các nhà máy thủy điện không còn khả năng cung cấp đủ lượng điện cho tất cả các doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đúng là có một nghịch lý, nhưng chính phủ Việt Nam tỏ ra khá yên tâm, vì đây chỉ là vấn đề tạm thời. Tình hình sẽ cân bằng trở lại vào cuối năm, ít ra là hy vọng thế !

RFI : Các loại hình năng lượng tái tạo đã phát triển ở Việt Nam từ nhiều năm qua, nhưng dường như không được khai thác một cách hợp lý. Người ta nói đến lãng phí. Phải giải thích hiện tượng này như thế nào, trong khi Việt Nam lại bị thiếu điện ?

Éric Mottet : Đối với những người biết Việt Nam thì hiểu rằng việc này có lẽ do mạng lưới vận tải và lưu trữ điện và năng lượng vô cùng yếu kém. Theo một nghiên cứu mới được công bố, chính phủ Việt Nam thẩm định là từ nay đến năm 2030, có lẽ cần phải đầu tư 15 tỉ đô la để xây dựng và hiện đại hóa khoảng 36.000 km đường điện trung thế và cao thế. Ngoài ra, cũng cần kinh phí để xây dựng hoặc chuẩn hóa 170.000 trạm biến thế giúp lưu trữ phân phối điện. Chúng ta thấy rõ là có một nhu cầu lớn về mặt hiện đại hóa vấn đề tải điện. Đây đúng là một vấn đề lớn cho Việt Nam với những đợt cắt điện nghiêm trọng. Cho nên hiện giờ, Việt Nam đang cố dựa vào nhiều đối tác khắp thế giới. Tôi thấy Nga vừa mới ký một thỏa thuận với Việt Nam để hiện đại hóa hệ thống vận tải điện. 

Phải giải thích hiện tượng này như thế nào ư ? Hệ thống hiện đang đặt ra vấn đề và phần nào khiến cả chính phủ cũng như các đối tác chán nản. Chúng ta thấy hiện tượng thừa ở nhiều vùng sản xuất năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời. Nhưng mạng lưới điện đang bị quá tải và không thể quản lý được lượng điện dư thừa này hay đơn thuần là chỉ chuyển đến các khu vực tiêu thụ. Đây là một ví dụ về khó khăn, có những vùng sản xuất quá nhiều điện nhưng lại không thể chuyển điện đến những vùng bị thiếu, nhất là ở miền bắc hiện nay. 

Do đó, Việt Nam đang suy tính để cùng với các đối tác nước ngoài đầu tư những khoản tiền lớn để có thể chuyển điện từ vùng này sang vùng khác trong tương lai và tránh lặp lại vấn đề thiếu điện như ở miền Bắc Việt Nam hiện nay. 

RFI : Ông nêu ở trên là các nước G7 đề nghị Việt Nam giảm tiêu thụ điện. Chúng ta cũng đã nói đến tình trạng thiếu điện. Những vấn đề này có thể tác động đến sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, trong khi Việt Nam vẫn còn bất cập về quỹ đất cho doanh nghiệp nước ngoài ? 

Éric Mottet : Về mặt chính thức, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các ngành công nghiệp giảm 2% lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm cho đến năm 2030. Nhưng trên thực tế, chúng tôi đã trao đổi với một số người và họ cho biết một số ngành công nghiệp được yêu cầu giảm 10% lượng điện tiêu thụ, thay vì 2%. Việc này đã gây ra một vài căng thẳng nhỏ và lo lắng trong một số lĩnh vực công nghiệp mới chỉ bắt đầu hoạt động ở Việt Nam được vài năm, từ gia công đến các ngành công nghiệp nặng như luyện thép, sản xuất nhôm cần tiêu thụ lượng điện lớn. Công ty Điện lực Việt Nam bị yêu cầu giải trình và đưa ra biện pháp khắc phục. Nhiều lĩnh vực công nghiệp chất vấn Công ty Điện lực tại sao họ bị cắt điện và yêu cầu được bồi thường. 

Có thể nói là đang có một số vấn đề có thể rất nghiêm trọng trong tương lai đối với Việt Nam. Việt Nam đã triển khai chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài trên toàn lãnh thổ nhưng hiện giờ lại không thể cung cấp điện theo tỉ lệ thông thường. Về lâu dài, việc này có thể khiến các tập đoàn lớn đã hoạt động ở Việt Nam như Samsung hay Apple dời một phần hoạt động khỏi đất nước. Và như vậy sẽ không thuyết phục được những doanh nghiệp khác đến Việt Nam hoạt động.

Vì vậy, năng lượng là một vấn đề vô cùng nhạy cảm ở Việt Nam, có thể dẫn đến việc giảm đáng kể đầu tư vào Việt Nam và như vậy tác động đến phát triển kinh tế của đất nước. Cho nên cần phải theo dõi vấn đề này. Cách đây 3-4 năm, tôi nói vấn đề của Việt Nam liên quan đến đất đai, có nghĩa là quản lý đất như thế nào, hoặc việc thu hồi đất gây ra hàng loạt vấn đề. Hiện giờ, vấn đề đất đai vẫn còn đó, nhưng tôi cho là đã bị đẩy xuống hàng thứ hai, sau những khó khăn về năng lượng và cung cấp điện cho các nhà máy phải hoạt động 24/24 giờ để có thể có lãi.

Chính phủ Việt Nam dường như hiểu hết vấn đề này. Họ đang cố tìm kiếm các đối tác nước ngoài để có thể giúp Việt Nam sản xuất điện một cách ổn định. Nhưng mọi chuyện chưa được giải quyết và sẽ cần đến những khoản đầu tư khổng lồ. Cần phải hiểu khoản đầu tư 15,5 tỉ đô la của nhóm G7 chủ yếu là các khoản vay, rất ít viện trợ. Dù có lãi suất rất ưu đãi so với tỉ giá trên thị trường chung, đó cũng là những khoản tiền phải hoàn trả.

Tôi cho là tình hình hiện giờ khá là kịch tính. Nhưng chính phủ Việt Nam sẽ phải rất lanh lợi, mở rộng được các mối quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực để có thể tiếp tục có chính sách phát triển dựa trên đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó thu hút các công ty nước ngoài vào Việt Nam.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Éric Mottet, giảng viên Trường Đại học Công giáo Lille.

https://www.rfi.fr/vi

Comments are closed.