Thời sự quốc tế và Việt Nam ngày 10/9/2023: *TBT CSVN chủ trì Lễ tiếp đón chính thức TT Hoa Kỳ Joe Biden *Dân biểu Mỹ hối thúc TT Biden nêu vấn đề nhân quyền *CSVN càng đi với Mỹ, càng đàn áp bất đồng chính kiến! *Việt Nam thả TNLT Nguyễn Bắc Truyển sang Đức *Vì sao Hà Nội cần nâng cấp quan hệ với Mỹ? *Việt Nam và Phi Luật Tân Ký Hiệp Định Về Gạo *Phi Luật Tân Phản Đối “Các Tàu Dân Quân” ở Biển Đông



Hôm nay 10/9/2023, Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ tiếp đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden

vnp_1mot.jpg

Chiều 10/9, Lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.

gguguiguigugugug.jpg

 (Hình: Tổng Bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trên bục danh dự, thực hiện nghi thức chào cờ.)

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9.

Chiều 10/9, Lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón rước,

Tham dự Lễ đón có Ủy viên Bộ Chính trị CSVN, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo thành phố Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Văn phòng Tổng Bí thư…

Đông đảo các thiếu nhi Thủ đô Hà Nội đã chào đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các thành viên trong Đoàn.

Đúng 16 giờ 50 phút, đoàn xe chở Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiến vào Phủ Chủ tịch. Tổng Bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng chào đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Hai bên giới thiệu các quan chức có mặt tại Lễ đón. Tổng Bí thư VSVN Nguyễn Phú Trọng mời Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bước lên bục danh dự. Quân nhạc cử quốc thiều hai nước.

Tổng Bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden duyệt qua đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước, theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện. Đây cũng là sự tiếp nối truyền thống trong gần 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ.

Ngay sau Lễ đón, Tổng Bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ tiến hành Hội đàm, tại Trụ sở Trung ương Đảng.

 vnp_4 bon.jpg


Các dân biểu Mỹ hối thúc Tổng thống Biden nêu ra vấn để về nhân quyền khi đến Việt Nam

hgh89h8hhhihi.png

(Hình: Dân biểu Michelle Steel (trái) thuộc Đảng Cộng hòa và Dân biểu Zoe Lofgren thuộc Đảng Dân chủ nói với VOA rằng Tổng thống Joe Biden cần phải lên tiếng với các nhà lãnh đạo Việt Nam về vấn đề nhân quyền khi ông đến thăm nước này. )

-Các nhà lập pháp trong Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi Tổng thống Joe Biden sử dụng các cuộc hội đàm của mình với các nhà lãnh đạo Việt Nam để lên tiếng mạnh mẽ về hồ sơ nhân quyền “tồi tệ” của Hà Nội trong chuyến thăm chính thức bắt đầu vào Chủ nhật, trong đó có phần chắc quan hệ của hai nước sẽ được nâng cấp.

Các dân biểu thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nói với VOA những ngày gần đây rằng chuyến thăm của ông Biden tới Việt Nam lần này là thời điểm tốt nhất để Mỹ nêu rõ với Hà Nội những lo ngại của mình về nhân quyền – một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ giữa hai nước – và rằng sẽ là một “sai lầm” nếu sự cải thiện quan hệ không đi kèm với “cải thiện hành vi.”

Ông Biden dự kiến sẽ đến Hà Nội vào ngày 10 tháng 9, nơi ông sẽ được tiếp đón bởi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và sau đó hai bên sẽ hội họp, theo lịch trình chính thức do Nhà Trắng công bố. Tổng thống Biden vào ngày 11 tháng 9 sẽ gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trước khi lên đường quay trở về Mỹ.

Chuyến đi dự kiến sẽ chứng kiến mối quan hệ của hai nước được nâng từ mức “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược toàn diện,” một bước nhảy vọt đáng kể đặt Mỹ lên ngang bằng với các nước mà Việt Nam có quan hệ hữu hảo truyền thống như Trung Quốc và Nga.

Cả Washington và Hà Nội chưa chính thức xác nhận bước đi này. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói các chuyến thăm cao cấp “sẽ làm sâu sắc hơn nữa” quan hệ của hai nước trong khi Tòa Bạch Ốc cho biết trong một thông cáo rằng hai nhà lãnh đạo “sẽ khám phá những cơ hội” để thúc đẩy phát triển trong nhiều lĩnh vực hợp tác.

Dân biểu Cộng hòa Michelle Steel, đồng chủ tịch một khối các nghị sĩ Hạ viện Hoa Kỳ quan tâm đến các vấn đề về Việt Nam (Vietnam Caucus), nói với VOA rằng bà hiểu Tổng thống Biden đang tìm cách mở rộng giao thương với Việt Nam, cụ thể là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn, nhưng Mỹ có thể đáp ứng những nhu cầu của mình thông quan các mối quan hệ đối tác và đồng minh vốn có ở Châu Á.

Vẫn theo lời dân biểu Steel, thay vào đó, Tổng thống Biden nên nhân chuyến thăm này lên tiếng về “những vi phạm nhân quyền” của Việt Nam mà bà nói bao gồm việc bắt bớ và bỏ tù những người thực hành các quyền tự do căn bản của mình.

“Tôi có hơn 200.000 cử tri người Mỹ gốc Việt sống ở Quận Cam và họ đến đất nước này để được hưởng những quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận, và đó chính xác là điều mà Việt Nam phải làm,” nữ dân biểu gốc Hàn đại diện một địa hạt Quốc hội miền nam bang California nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Việt Nam có được rất nhiều cơ hội làm ăn không chỉ từ Mỹ hay Hàn Quốc mà còn những nước khác, vì các doanh nghiệp né Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam. Việt Nam phải chỉnh đốn lại trước khi [Mỹ] bắt đầu bất cứ hoạt động kinh doanh nào với Việt Nam vì họ rất khuất tất và vì họ đang xâm hại và giam giữ những tù nhân này nhắm đổi chác được điều gì đó.”

Việt Nam hiện đang giam cầm 193 nhà hoạt động, theo thống kê của tổ chức nhân quyền The 88 Project ở Mỹ.

Trong những năm qua, nhà chức trách Việt Nam đã tăng cường trấn áp xã hội dân sự không những bằng việc truy tố và bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà còn nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động vì môi trường. Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam “bi đát ở gần như khắp các mặt,” theo nhận định của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).

“Thiết lập quan hệ mạnh mẽ hơn với những người cộng sản ở Việt Nam mà không có được những cải thiện về nhân quyền sẽ là một cơ hội to lớn bị bỏ lỡ,” dân biểu Dân chủ Zoe Lofgren, đồng chủ tịch khối Vietnam Caucus và đại diện một địa hạt Quốc hội ở miền trung California, nói với VOA khi bà nêu nhận định về chuyến thăm.

“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vốn tồi tệ và giờ đang trở nên tệ hơn chứ không hề tốt lên, và chúng tôi đã bày tỏ với tổng thống những lo ngại của chúng tôi.”

“Chúng tôi đã đưa cho ông ấy một danh sách các tù nhân lương tâm đã được xác nhận và nêu ra một số ví dụ điển hình về hành vi sai trái của Đảng Cộng sản trong việc đàn áp nhân quyền. Và tôi thực sự hy vọng rằng tổng thống sẽ nêu ra những vấn đề này với chính phủ Việt Nam vì sẽ là một sai lầm nếu cải thiện quan hệ mà không cải thiện hành vi của họ.”

VOA có được một bức thư gửi đến Tổng thống Biden vào ngày 8 tháng 9 đồng kí tên bởi năm nhà lập pháp lưỡng đảng của Hạ viện Hoa Kỳ, trong đó họ nêu lên “lo ngại sâu sắc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

“Chúng tôi mạnh mẽ hối thúc ông tận dụng chuyến thăm này để lên tiếng những vi phạm nhân quyền này, và ở mức tối thiểu, giúp đạt được việc phóng thích các tù nhân lương tâm và có được sự bảo đảm rằng sẽ không có vụ bắt giữ nào nữa khi mối quan hệ của chúng ta với [Việt Nam] được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược.”

Nhà chức trách Việt Nam luôn bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng họ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật Việt Nam. Các quan chức Mỹ thì nói rằng họ có nêu lên những quan ngại về nhân quyền với phía Việt Nam nhưng làm điều đó một cách kín đáo và tế nhị.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, trong một cuộc đàm luận về quan hệ giữa hai nước do một viện nghiên cứu chính sách ở Washington tổ chức vào tháng 3, cho biết Mỹ cố gắng không để cho những cuộc thảo luận về nhân quyền với Việt Nam “xuất hiện trên trang nhất.”

Cách tiếp cận này được một quan chức ẩn danh của chính quyền Biden xác nhận trong một bài báo của tờ Washington Post đăng tải gần đây. Người này được dẫn lời nói rằng Mỹ có nêu ra những lo ngại về nhân quyền với các Việt Nam, nhưng ở nơi riêng tư, “một cách thầm lặng, có phần nể nang.”

“Tại sao chúng ta phải thầm lặng về những vi phạm nhân quyền?” Dân biểu Steel đặt câu hỏi, bày tỏ quan điểm bất đồng với cách tiếp cận này. “Đừng nói năng nhỏ nhẹ. Nói năng nhỏ nhẹ chẳng bao giờ có tác dụng với những chính phủ này.”

“Chúng ta có thể dùng chuyến thăm này để củng cố quan hệ. Tôi nghĩ một mối quan hệ vững mạnh hơn sẽ là điều tốt khi họ chấm dứt những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam,” bà nói thêm.

Dân biểu Lofgren nói không nên quá chú trọng vào cách thức nêu vấn đề ra sao mà là vấn đề có được giải quyết hay không. “Nếu như giải quyết tế nhị mà thành công thì cũng được,” bà nói.

Khi được hỏi bà có thấy vấn đề đã được giải quyết thành công hay chưa, bà thừa nhận: “Rõ ràng là chưa.”

Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ Mỹ “thường xuyên hợp tác” với Chính phủ Việt Nam ở mọi cấp độ về các vấn đề nhân quyền và pháp quyền và sẽ tiếp tục làm như vậy.

“Thông điệp của chúng tôi nhất quán và dựa trên niềm tin mãnh liệt rằng các quốc gia thành công nhất là những quốc gia tôn trọng và bảo vệ nhân quyền cũng như các quyền tự do cơ bản,” bộ nói trong một phát biểu gửi cho VOA hôm thứ Năm.

Trong một cuộc họp báo vào cuối tháng 8, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre từ chối cho biết liệu Tổng thống Biden sẽ nêu vấn đề nhân quyền khi ông gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không, nhưng nói rằng ông Biden “không bao giờ né tránh” vấn đề này với bất cứ nhà lãnh đạo nào.

“Chúng ta phải lên tiếng,” dân biểu Steel nói. “Tôi nghĩ chúng ta có lợi thế để thương thảo với chính phủ Việt Nam và đây là cơ hội rất tốt để làm điều đó.”

 vnp_10sau.jpg


Trái lại! Việt Cộng càng cải thiện quan hệ với Mỹ, càng đàn áp bất đồng chính kiến!

uyu90uj90u9u9-ii0-i0.png

(Hình: Công an tỉnh Đắk Lắk gia tăng trấn áp người Thượng sau vụ bạo động hồi tháng 6)

-“Từ năm 2016 đến nay thì việc đàn áp nhân quyền càng ngày càng thô bạo hơn, việc đàn áp, bỏ tù, bắt bớ người bất đồng chính kiến vẫn diễn ra, và không chỉ giới bất đồng chính kiến không, ngay cả những người hoạt động về môi trường, và làm cho những viện nghiên cứu cũng bị bắt. Đây là xu hướng rất xấu cho những người muốn thay đổi Việt Nam.“

Mặc dù mối quan hệ Việt-Mỹ có chiều hướng đi lên và ngày càng trở nên chặt chẽ, nhưng ở khía cạnh nhân quyền lại có xu hướng ngược lại, khi tình hình đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn.

Do vậy, giới quan sát cho rằng triển vọng để Hoa Kỳ giúp cải thiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam kể cả khi nâng cấp quan hệ là không cao.

Từ Đức, nhà báo Võ Thị Hảo cho biết:

“Tôi nghĩ rằng các cường quốc dân chủ, nhân quyền vẫn có phần ngây thơ trước việc nói một đằng, làm một nẻo của những người đứng đầu các nước độc tài. Theo số liệu, khi tổng thống Obama thăm Việt Nam vào năm 2016 thì có khoảng 100 nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù, từ đó đến nay tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi rất nhiều, theo thống kê của các tổ chức nhân quyền trên thế giới hiện nay đang có khoảng 193 người bất đồng chính kiến bị cầm tù.”

Ông Trần Đức Tuấn Sơn, đảng Việt Tân, chỉ ra rằng xu hướng đàn áp trong những năm qua còn mở rộng ra khỏi nhóm đối tượng là giới bất đồng chính kiến, bất chấp việc Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đông Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc:

“Từ năm 2016 đến nay thì việc đàn áp nhân quyền càng ngày càng thô bạo hơn, việc đàn áp, bỏ tù, bắt bớ người bất đồng chính kiến vẫn diễn ra, và không chỉ giới bất đồng chính kiến không, ngay cả những người hoạt động về môi trường, và làm cho những viện nghiên cứu cũng bị bắt.

Đây là xu hướng rất xấu cho những người muốn thay đổi Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng tình hình này sẽ không thay đổi trong thời gian tới.”

Về phần mình, luật sư Nguyễn Văn Đài cũng cho rằng xu hướng thực tế cho thấy chính quyền Việt Nam sẽ trở nên độc đoán hơn khi Hoa Kỳ chủ động muốn cải thiện quan hệ, ông cho hay: “Từ năm 2011 cho đến nay, khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ càng gần gũi thì tình hình nhân quyền càng xấu đi. Đặc biệt là khi Hoa Kỳ chủ động muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam về mặt kinh tế, chính trị, và quân sự, do vậy sẽ bỏ lơ vấn đề nhân quyền.”

 vnp_11bay.jpg


Làm quà! Việt Nam thả TNLT Nguyễn Bắc Truyển sang Đức ngay trước khi TT Biden đến Hà Nội

(Tấn Chương)uj9j9uj90j9-jjj0-k=0k0k=.png

-Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu vừa lên tiếng về việc tù nhân lương tâm tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển tuyệt thực ở trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, ngày 27/11/2020.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, người đang thụ án 11 năm tù, bất ngờ được nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích, và cùng vợ đến Đức hôm 8/9, hai ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Hà Nội.

Đăng tải trên trang Facebook Kim Phuong Bui, tên của vợ ông, ông bà Truyển- Phượng viết “Vợ chồng tôi đã đến thủ đô Berlin- CHLB Đức bình an vào đêm ngày 8/9/2023 (giờ Berlin).”

“Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự vận động để trả tự do cho tôi của Chính phủ CHLB Đức và sự hỗ trợ nhiệt tình của các Viên chức Toà Đại sứ và Tổng lãnh sự CHLB Đức trong suốt chuyến đi.”

Ông bà Truyển- Phượng cũng nói rằng “Chúng tôi cần thời gian để hồi phục sức khoẻ và ổn định cuộc sống. Trong tương lai chúng tôi sẽ trò chuyện nhiều hơn với Quý thân hữu.”

Báo TAZ của Đức nói rằng Bộ Ngoại Giao Đức “hoan nghênh việc trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển.”

Taz trích lới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói rằng “Chúng tôi hoan nghênh việc trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền này. Đây là một động thái nhân đạo quan trọng của chính phủ Hà Nội.”

VOA tìm hiểu thấy truyền thông Việt Nam hoàn toàn im lặng trước thông tin này và cũng không giải thích lý do vì sao ông Truyển được trả tự do khi mới bị giam tù 6 năm trong bản án 11 năm tù.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) nhiều lần kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế 2023 (IRF Summit) ở thủ đô Washington hồi tháng 2, USCIRF nói:

“Luật sư Nguyễn Bắc Truyển, lãnh đạo Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, thực hiện nhiều công tác vận động cho cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo nói riêng, và do đó ông là người bênh vực cho các nạn nhân của chiến tranh. Ông bị bắt vào tháng 7/2017, chính ông trở thành nạn nhân và năm sau bị kết án 11 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, nói rằng “quyền tự do tín ngưỡng của mọi công dân” luôn được Đảng và Nhà nước “tôn trọng”.

 vnp_13nam.jpg


Vì sao Hà Nội rất cần nâng cấp quan hệ với Mỹ?

-Có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, mối đe dọa chiến lược từ Trung Quốc và tình hình kinh tế hiện đang gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia nhận định với VOA.

Vào ngày 10/9 sắp tới, ông Joe Biden sẽ là vị tổng thống Mỹ thứ năm đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Mặc dù chỉ ở Hà Nội trong khoảng thời gian ngắn ngủi, ông Biden được cho là sẽ cùng các lãnh đạo Việt Nam nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ từ mức đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện.

Đây là bước nhảy vọt hai cấp, đưa Mỹ vào nhóm nhỏ vài nước có khuôn khổ quan hệ ở mức độ cao nhất với đất nước từng là cựu thù của Washington – ngang bằng với mối quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh và Moscow.

Ngoài Nga và Trung Quốc, Việt Nam hiện chỉ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, Hàn Quốc và sắp sửa có thêm Úc, Singapore và Indonesia gia nhập vào câu lạc bộ này.

‘Mong mỏi hết sức’

Việc nâng cấp quan hệ lên mức độ cao nhất với Mỹ là ‘diễn biến hệ trọng’, ông Greg Poling, giám đốc chương trình đông nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nói với VOA.

“Nó cho thấy hai nước ngày càng sát cánh chiến lược với nhau,” ông lưu ý.

Về lý do Hà Nội phải tiến gần hơn đến Mỹ, ông Poling giải thích rằng do Hà Nội ‘xem Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược’ nên quan hệ gắn bó hơn với Mỹ và các nước cùng chí hướng ‘là cần thiết để giữ tự chủ chiến lược’.

Tại một sự kiện tranh cử ở Freeport, bang Maine, hồi cuối tháng 7, ông Biden tiết lộ ông ‘nhận được một cuộc gọi từ lãnh đạo Việt Nam nói rằng họ rất mong gặp ông và muốn đưa Mỹ lên thành một đối tác chủ chốt ngang hàng với Nga và Trung Quốc’. Nguyên văn chữ ông Biden dùng là ‘desperately’, dịch thoát là ‘mong mỏi đến tuyệt vọng’.

“Nó truyền đi thông điệp trong khắp bộ máy chính quyền Việt Nam rằng giới lãnh đạo cấp cao xem mối quan hệ kinh tế, quân sự và giữa người dân hai nước chặt chẽ hơn với Mỹ là ưu tiên hàng đầu,” ông Greg Poling nói.

Theo thông cáo báo chí phát đi từ Nhà Trắng, ông Biden và các lãnh đạo Việt Nam sẽ ‘tìm hiểu các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế tập trung vào công nghệ lấy sáng tạo làm động lực và tăng cường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

“Làm sâu sắc hơn thương mại, đầu tư với Mỹ giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện nay,” Tiến sỹ Võ Trí Thành, cựu phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nói với VOA.

Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tốc độ tăng trưởng còn 4.14% trong quý 2 năm nay, mức tăng trưởng quý 2 thấp nhất kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 6.5% do nhu cầu chậm lại trên thị trường Mỹ và châu Âu, khiến cho hàng trăm ngàn công nhân thất nghiệp.

Tiến sỹ Thành lưu ý Mỹ là ‘đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt’ của Việt Nam. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, sau Trung Quốc, và nhà đầu tư lớn thứ tám của quốc gia đông nam Á này. Kim ngạch thương mại song phương đạt 139 tỷ đô la trong năm 2022, theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ và Mỹ đã đăng ký số vốn đầu tư 405 triệu đô la trong sáu tháng đầu năm nay, theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam.

“Thời điểm hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn bước ngoặt cải cách và phát triển. Nếu lúc trước Việt Nam dựa vào những nguồn lực sẵn có như lao động, tài nguyên, đất đai, thì trong những năm gần đây Việt Nam đã đặt ra vấn đề phát triển dựa vào năng suất, tập trung nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, vào công nghệ,” ông Thành nói.

Ông nói thêm là Việt Nam đang chuyển tiếp sang nền kinh tế số và kinh tế xanh cũng như muốn hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là những chỗ mà Washington có thể giúp Việt Nam.

Xây dựng chuỗi cung ứng có tính chống chịu cao, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn là những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden. Trong chuyến thăm đến Việt Nam hồi cuối tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong lĩnh vực này.

‘Điều phải làm’

Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo độc lập còn được biết đến là blogger Ba Sàm, nói rằng theo tin tức rò rỉ từ hậu trường thì để đi đến quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam ‘đã tranh luận rất nhiều’.

“Bộ Chính trị có sự đồng thuận rất là chắc chắn về nâng cấp quan hệ với Mỹ, nhưng chỉ tranh cãi là nâng lên đến mức nào. Trong các cuộc họp, Bộ Chính trị đã nâng lên đặt xuống hai phương án là đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện,” ông nói và cho biết tin này rò rỉ ra trước khi ông Biden xác nhận Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ nên ‘khả tín’.

Thông tin ban đầu cho biết Việt Nam muốn nâng một cấp lên thành đối tác chiến lược nhưng gần đây Reuters cho biết Hà Nội sẽ nâng lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’.

“Cái áp lực của tình hình bên ngoài, của Trung Quốc, rồi cuộc chiến Nga-Ukraine, tình hình kinh tế Việt Nam – có nhiều yếu bắt buộc người ta có thể thay đổi và cân nhắc,” ông Vinh nói.

Theo lời ông thì lâu nay giới lãnh đạo Việt Nam ‘cứ trù trừ việc mở rộng quan hệ với Mỹ’ vì sợ gây hấn với Trung Quốc ‘nhưng Trung Quốc có nới cái gì cho Việt Nam đâu mà còn liên tục gây sức ép’.

“Nếu các lãnh đạo Việt Nam nhìn nhận tình hình như thế và thấy lòng dân như thế thì cần phải có quyết định dứt khoát,” ông khẳng định.

“Từ phương diện người quan sát, người dân và lợi ích quốc gia thì tôi thấy việc nâng cấp quan hệ với Mỹ rất là cần, rất là đáng, không những nâng lên đối tác chiến lược mà còn là đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam có thể thuận lợi nhiều cái. Mỹ có thể giúp trong vấn đề vũ khí, vấn đề kinh tế, chuyển giao công nghệ… rất nhiều thứ,” ông Vinh nói thêm.

Nga hiện là nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam, nhưng với những khó khăn của Nga do cuộc chiến ở Ukraine, blogger này cho rằng Việt Nam nên dần giảm bớt sự lệ thuộc vào vũ khí của Nga để tìm đến vũ khí của Mỹ.

“Việt Nam cần sớm chuyển hướng trong mối quan hệ với Nga, nhất là về vũ khí, nếu chậm thay đổi thì sau này xảy ra chuyện thì sẽ rất khó,” ông lưu ý.

Nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng như với các đồng minh của Mỹ như Úc, Hàn, Singapore là những tín hiệu cho thấy Việt Nam ‘có vẻ như đang xoay chiều về phía phương Tây’. Ông ca ngợi đây là ‘điều đáng mừng’ và là ‘điểm cộng cho các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam’.

“Thay vì họ phải đối đầu trực diện, cứng rắn, lên gân với Trung Quốc thì giờ đây họ đi theo ngả khác,” ông giải thích.

Cũng theo lời nhà báo độc lập này thì Hà Nội ‘không sợ phản ứng từ Bắc Kinh’.

“Họ thấy trước vấn đề này và họ đã chuẩn bị trước tất cả cho những khả năng này từ lâu rồi. Có thể họ rất hiểu nội tình ban lãnh đạo Việt Nam và có thể họ không mấy lo lắng với một số động thái của Việt Nam vừa rồi,” ông giải thích.

Ông đưa ra dẫn chứng là gần đây không thấy Trung Quốc có ‘sức ép gì tương xứng với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ ngoài việc gây sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam’.

“Bắc Kinh rất tự tin rằng Hà Nội sẽ không rời xa quỹ đạo của họ để đi về phía Washington,” ông khẳng định.

Chỉ vài ngày trước khi ông Biden đến Hà Nội, ông Lưu Kiến Siêu, trưởng Ban liên lạc đối ngoại trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đến Hà Nội gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đảng, hai nước. Reuters cũng đưa tin rằng có khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc Thủ tướng Lý Cường sẽ gặp các lãnh đạo Việt Nam sau khi ông Biden thăm Hà Nội.

“Đối với Washington, Việt Nam là một đối tác kinh tế năng động trong khu vực và là một nước không liên minh quan trọng ở bán cầu Nam – nơi diễn ra cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc,” chuyên gia Greg Poling lưu ý.

 vnp_2 ba.jpg


Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ: Trung Cộng không thích nhưng cần chấp nhận thực tế!

-Nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với cựu thù Hoa Kỳ, Việt Nam đang được xem là một trong những “sân chơi” của “song hổ tranh hùng” là Mỹ và Trung Quốc.

Những ngày này, truyền thông quốc tế đổ dồn chú ý đến Việt Nam, xem quốc gia Đông Nam Á như một sân khấu tiêu biểu được tổng thống Hoa Kỳ lựa chọn đến thăm trong khi bỏ qua một diễn đàn lớn của khu vực là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia.

Theo lịch trình Nhà Trắng công bố, Tổng thống Joe Biden sẽ đến Hà Nội vào Chủ nhật (10/9) và gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền là ông Nguyễn Phú Trọng. Sau đó, ông sẽ lần lượt gặp gỡ các lãnh đạo trong nhóm “tứ trụ” của Việt Nam.

Chuyến thăm dự kiến sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt – Mỹ, đó là hai quốc gia cựu thù nâng cấp mối quan hệ của họ lên cấp độ cao nhất: Đối tác chiến lược toàn diện.

Sự kiện mang tính biểu tượng này được xem là một nước cờ chiến lược có lợi cho cả Mỹ lẫn Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc, mặc dù Hà Nội luôn khẳng định “không đứng về phía nào”, còn phía Trung Quốc cho rằng nó có “tác động rất hạn chế” đến họ.

Cân nhắc đã đủ

Hiện nay, Việt Nam chỉ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 nước là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Việc Hà Nội quyết định đưa mối quan hệ với Mỹ lên mức ngang bằng với Trung Quốc và Nga sau một thời gian dài nỗ lực thuyết phục của Mỹ, dù đứng ở góc độ nào, cũng có thể thấy đây là một cú bứt phá của Hà Nội ra khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Sự bành trướng và thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, trong thời gian qua chính là một trong những yếu tố dẫn đến quyết định “chốt đơn” của Hà Nội, theo nhận định của một số chuyên gia.

“Tôi đoán có nhiều yếu tố [dẫn đến quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ của Hà Nội]. Sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông có lẽ là một [yếu tố]”, nhà ngoại giao kỳ cựu Scot Marciel, nguyên Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với VOA.

“Thứ hai là thực tế mối quan hệ này đã rất mạnh mẽ, và do đó, việc này chỉ là thay đổi tên chính thức để phản ánh chất lượng cao của mối quan hệ. Thứ ba, có lẽ đây là thời điểm thuận tiện là 10 năm kể từ khi hai bên nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện và tất nhiên, lại có chuyến thăm của tổng thống nữa. Thứ tư, Việt Nam dường như đang nâng cấp quan hệ với một số nước, và việc làm tương tự với Hoa Kỳ cũng có rất nhiều ý nghĩa. Và cuối cùng, tôi không biết chi tiết nhưng dường như có rất nhiều cuộc nói chuyện về việc Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Việt Nam đề cập tới việc hợp tác kinh tế nhiều hơn, bao gồm cả việc hỗ trợ cho những nỗ lực của Việt Nam để phát triển về mặt công nghệ và đổi mới, đồng thời trở thành đối tác kinh tế quan trọng hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, điều đó có thể đã được tính đến”, nhà ngoại giao từng đại diện cho Mỹ mở văn phòng đầu tiên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Hà Nội vào năm 1993 trước khi hai nước thiết lập bang giao, phân tích thêm về những lý do khiến Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ vào lúc này.

Trong khi đó, ông Greg Poling, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nói với VOA khi Ngoại trưởng Blinken đến Việt Nam vào tháng 4 rằng “việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược là điều mà cả hai bên đều muốn, nhưng có thể hiểu được rằng Hà Nội đang lo lắng về việc liệu những lợi ích hữu hình mà họ nhận được từ việc này có đủ để bù đắp cho bất kỳ hình phạt nào đó về chính sách ngoại giao và kinh tế từ Bắc Kinh hay không”.

Do vậy, theo chuyên gia này, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 3 cũng như chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken “tất cả có lẽ nhằm mục đích cố gắng trấn an Hà Nội rằng không thể nào biết được thế nào là đủ hay không”.

Ngoài ra, thêm yếu tố về thời điểm, năm nay là năm thuận lợi để hai bên chính thức nâng cấp quan hệ song phương vì ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, và năm tới thì chính trị nội bộ của Mỹ lại chiếm vị trí trung tâm, theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Đại học New South Wales, thuộc Học viện Quốc phòng Australia.

Hình ảnh của Mỹ và mối quan hệ ‘biểu tượng’

Tờ Politico trong bài viết hôm 7/9 cho rằng Tổng thống Mỹ đã đến tận “sân sau” của Bắc Kinh bằng việc sử dụng Hội nghị thượng đỉnh G20 và chuyến thăm Việt Nam sau đó để quảng bá rằng liên minh toàn cầu do Mỹ dẫn đầu là sự đặt cược an toàn hơn cho các nước trên thế giới, so với việc dựa vào Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và kinh tế.

Việt Nam và Mỹ kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013, thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng lên gần gấp 4 lần, từ khoảng 35 – 36 tỷ USD lên hơn 123 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam là phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc trong nhập khẩu nguyên liệu thô và linh kiện cho các ngành sản xuất. Hơn nữa, Trung Quốc lại là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ bất động sản cho đến cơ sở hạ tầng.

Trong nỗ lực giành ảnh hưởng với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ trong cuộc họp với G20 đã đề cập đến đề xuất dành cho các nước đang phát triển và thu nhập trung bình bằng cách tăng cường khả năng cho vay của Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế khoảng 200 tỷ USD.

Đây được xem là một nỗ lực nhằm đưa ra giải pháp thay thế đáng kể, dù nhỏ hơn, cho sáng kiến cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” khổng lồ của Trung Quốc, mà Mỹ coi là chiến lược “con ngựa thành Troy” do Trung Quốc dẫn đầu đối với sự phát triển khu vực và mục tiêu mở rộng về quân sự.

Một số chuyên gia cho rằng rất khó để xếp Việt Nam vào diện “thân Mỹ” hay “thân Trung Quốc” bởi một mặt, Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều điểm chung về mặt chính trị với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng mặt khác, Bắc Kinh lại luôn là mối đe dọa của Hà Nội trong những tranh chấp lãnh thổ lâu nay.

Trả lời AFP hôm 8/9, ông Nguyễn Quốc Cường, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ từ năm 2011 đến năm 2014, nói rằng Việt Nam không muốn đóng vai trò cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh.

“Việt Nam có chính sách rất rõ ràng về việc kết bạn với tất cả mọi người. Việt Nam luôn nói không đứng về phía nào, không chọn Mỹ chống Trung Quốc. Mỹ hoàn toàn nhận thức được điều này”, hãng thông tấn Pháp dẫn lời ông Cường khẳng định.

Nhà ngoại giao Scot Marciel cũng đồng thuận về ý kiến này khi cho rằng có vẻ như Việt Nam đang có chiến lược xây dựng mối quan hệ bền chặt với nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, để đa dạng hóa các mối quan hệ.

Theo ông, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện chỉ mang tính biểu tượng giữa bối cảnh mối quan hệ song phương đã phát triển rất mạnh mẽ, và đây chỉ là một hình thức “đổi tên”.

“Nâng cấp quan hệ chính thức không tự động thay đổi bất cứ điều gì. Nó gửi một thông điệp rất rõ ràng. Vì vậy, về mặt biểu tượng, nó rất quan trọng, nhưng bản thân nó không làm thay đổi ngay chất lượng của mối quan hệ. Nó có tính phản ánh nhiều hơn”, ông Marciel lưu ý thêm.

Để đánh giá những ảnh hưởng trên thực tế, theo ông, cần phải xem xét những nội dung mà các nhà lãnh đạo hai phía sẽ thỏa thuận với nhau trong từng lĩnh vực cụ thể, như thông báo của hai phía về các mối quan hệ kinh tế, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu…

Trung Quốc nên “chấp nhận thực tế”

Kể từ khi ông Biden chính thức đề cập đến mong muốn của Hà Nội trong việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất, Trung Quốc gần như không đưa ra phản ứng công khai nào trước động thái mà hầu hết các hãng truyền thông quốc tế xem là “chống Trung Quốc” của Washington.

Mặc dù vậy, theo AFP, Trung Quốc “không hề lơ là” đối với sự kiện này. Cụ thể là họ đã cử một phái đoàn cấp cao tới Việt Nam trong tuần này để “tăng cường đoàn kết và hợp tác” trước chuyến thăm của ông Biden.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, vốn được xem là cái loa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước đó có bài viết nói rằng quan hệ Mỹ-Việt “có tác động rất hạn chế đến Trung Quốc” khi ông Biden tới Hà Nội.

Bài báo nói rằng Washington đang nỗ lực trong việc sử dụng hoặc buộc các nước láng giềng của Trung Quốc phải tham gia vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cuộc cạnh tranh quyền lực do Mỹ khởi xướng nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, và mặc dù Việt Nam muốn thúc đẩy sự phát triển và muốn hưởng lợi từ chiến lược của Mỹ, nhưng Hà Nội sẽ không để Mỹ lợi dụng để kiềm chế Trung Quốc.

“Quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á này có mức độ tin cậy lẫn nhau cao và hợp tác sâu rộng với Trung Quốc, đồng thời sẽ có những hạn chế trong việc xích lại gần nhau hơn giữa Mỹ và Việt Nam vì những lý do phức tạp về tư tưởng và lịch sử”, Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định.

Tờ báo dẫn nhận định của ông Xu Liping, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng Việt Nam có kế hoạch ngoại giao lâu dài nhằm phát triển quan hệ đối tác chiến lược với tất cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và “Mỹ là nước cuối cùng có được nó do quan hệ Mỹ-Việt phức tạp”.

“Tôi đoán là Bắc Kinh sẽ không thích điều này lắm, nhưng đó là thực tế”, cựu Đại sứ Marciel đưa ra nhận xét với VOA về phản ứng có thể có của Bắc Kinh sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ.“Họ có thể không thích nó.

Nhưng tôi nghĩ cả Trung Quốc và Mỹ đều cần hiểu rằng các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, họ sẽ tự đưa ra quyết định. Và họ là những quốc gia có chủ quyền độc lập, họ có quyền có quan hệ chặt chẽ với bất kỳ quốc gia nào họ lựa chọn”.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ lưu ý thêm rằng không chỉ Việt Nam mà toàn bộ khu vực Đông Nam Á hiện nay đang mở rộng quan hệ không chỉ với Mỹ, Trung Quốc mà còn với nhiều quốc gia khác theo nhu cầu lợi ích riêng của họ.


Tin Việt Nam Hôm Nay

***

Thứ Trưởng Bộ Công An: Nguyên Nhân Sâu Xa Vụ Đắc Lắc Từ Phân Hóa Giàu Nghèo, Quản Lý Đất Đaiy8hy8h80h8h8hhijh.jpg

 (Hình: Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ.)

-Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ khẳng định sự việc nghiêm trọng xảy ra ở Đắc Lắc hồi tháng 6 là hệ quả của việc thế lực thù địch không ngừng chống phá, nhưng cũng có nguyên nhân sâu xa từ các vấn đề như phân hóa giàu nghèo, quản lý đất đai ở địa phương.

Phát biểu được ông Tỏ đưa ra với tư cách Đại biểu Quốc hội trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra báo cáo về công tác Tư pháp của Chính phủ hôm 6/9/2023.

Mạng báo Tiền Phong dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công an nói, sự việc xảy ra ở Đắc Lắc vừa qua là điều rất đáng tiếc, khẳng định đó là hệ quả tất yếu, tích tụ do thế lực thù địch không ngừng chống phá, chứ không đơn thuần là vấn đề sơ suất.

Chính phủ Việt Nam và các tờ báo trong nước thường quy kết những người phản biện ôn hòa, chỉ trích các chính sách của chính phủ, đòi hỏi nhân quyền cho người dân, nhất là người Việt Nam ở hải ngoại là thế lực thù địch.

Bên cạnh đó, em trai của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang thừa nhận nguyên nhân sâu xa là những vấn đề kinh tế xã hội của đồng bào trong vùng, phân hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị và một số nội dung khác về quản lý an ninh trật tự ở cơ sở.

Đây là lần đầu tiên phía cơ quan chức năng thừa nhận sự việc hàng chục người Thượng tấn công vào hai trụ sở chính quyền, công an ở Đắc Lắc còn có nguyên nhân khác, chứ không chỉ đơn thuần là “các thế lực thù địch lôi kéo, giật dây” như báo đài Nhà nước tuyên truyền.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ nói thêm, trước và sau khi xảy ra sự việc, Bộ Công an đã có nhiều văn bản tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, đã có cuộc họp cấp ủy với 10 tỉnh khu vực Tây Nguyên.


Bình Thuận Họp Báo Về Việc Phá Rừng Nguyên Sinh Làm Hồ Chứa Nướcy8hy80yhy0h0u90uj9u9.jpg

(Hình: Phối cảnh hồ chứa nước Ka Pét.)

-Vào chiều ngày 7/9/2023, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận kiêm Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này, ông Dương Văn An chủ trì cuộc họp báo về dự án lấy 600 héc-ta rừng nguyên sinh làm hồ chứa nước Ka Pét ở Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.

Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày. Theo đó cuộc họp báo được tiến hành vào khi nhiều ý kiến tranh cãi về dự án này diễn ra mạnh mẽ trong công luận.

Tại cuộc họp báo, ông Bí thư Dương Văn An và các lãnh đạo tỉnh liên quan đều nêu ra yêu cầu bức thiết phải làm hồ chứa nước trên 600 héc-ta rừng nguyên sinh tại địa phương.

Những lý giải đưa ra trái với các lập luận của giới phản đối dự án phá rừng làm hồ chứa nước của tỉnh Bình Thuận.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Chu vào ngày 6/9 có bài nêu ý kiến trên mạng báo Tiếng Dân rằng “Xem bản đồ của Google, rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh có màu xanh đậm nhất trên toàn bộ dải đất phía Nam Tây Nguyên và Bình Thuận, kéo dài từ Gia Nghĩa, qua Bảo Lộc đến Phan Thiết. Mở rộng lên toàn bộ đất nước thì Mỹ Thạnh là một trong số rất ít các vùng có màu xanh đậm nhất”.

Ông đưa ra đề xuất “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần thành lập một tập thể các nhà khoa học có năng lực, với nhiệm vụ đi khảo sát và đề xuất các phương án giải quyết. Trong đoàn các nhà khoa học, cần bao gồm cả người ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả những người không còn trong biên chế, cả những người dám nói khác ý lãnh đạo, và không bao gồm những người đã đồng ý với quyết định phá bỏ 680,41 héc-ta rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh vào năm 2014”.


IFC Đầu Tư Gần 1,9 Tỉ Mỹ kim Cho Việt Namghgguigughh8hhh.jpg

 (Hình: IFC tính đến nay đã cam kết tài trợ dài hạn cho Hà Nội hơn 900 triệu Mỹ kim cho các dự án trong nước liên quan đến khí hậu.)

-Công ty Tài Chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2023, đầu tư cho Việt Nam gần 1,9 tỉ Mỹ kim. Và nước này là một trong năm quốc gia nhận được đầu tư dài hạn nhiều nhất của IFC tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương trong thời kỳ này với con số 520 triệu Mỹ kim.

IFC tại Việt Nam vào ngày 6/9 cho biết như vừa nêu. Theo đó phần lớn số vốn đầu tư dài hạn được dành để tăng cường cho hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ vay; đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; cũng như cho người thu nhập thấp, trung bình mua nhà….

Trong lĩnh vực giúp Việt Nam có thể đạt mục tiêu kép là thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; IFC tính đến nay đã cam kết tài trợ dài hạn cho Hà Nội hơn 900 triệu Mỹ kim cho các dự án trong nước liên quan đến khí hậu.

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Cam Bốt và Lào, phát biểu rằng “Khi các doanh nghiệp dần phục hồi sau đại dịch (COVID-19), đồng thời vượt qua những bất ổn do các cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra; đây là thời điểm thích hợp để khu vực tư nhân tiến hành chuyển dịch xanh nhằm nâng cao khả năng chống chịu và hiệu quả hoạt động”.

IFC còn cung cấp tài trợ ngắn hạn thông qua tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp, đặc biệt các nhà cung cấp hàng may mặc và kinh doanh nông sản. Mục tiêu giúp các công ty trong hai lĩnh vực này tiếp tục xuất-nhập cảng hàng hóa và duy trì khoảng 100.000 công ăn việc làm.


Việt Nam và Phi Luật Tân Ký Hiệp Định Về Gạo Khi Giá Gạo Toàn Cầu Tăng Cao

h8h8h89h8hhhijhi.jpg

(Ảnh: Một cửa hàng bán gạo tại thành phố Quezon, Phi Luật Tân. Các quốc gia trên thế giới đang tranh giành để bảo đảm nguồn cung gạo sau khi lệnh cấm xuất cảng một phần của Ấn Độ đã cắt giảm nguồn cung khoảng một phần năm.)

-Chính phủ Việt Nam và Phi Luật Tân sẽ sớm ký kết Hiệp định Thương mại về Gạo để bảo đảm an ninh lương thực, chính quyền Việt Nam cho biết hôm thứ Năm (7/9/2023).

Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh giá gạo tăng vọt ở Phi Luật Tân, lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, mặc dù chính phủ cho biết nguồn cung ngũ cốc trong nước vẫn dồi dào.

Thông tin về thỏa thuận được đưa ra trong một tuyên bố sau khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) ở Nam Dương, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Theo một tuyên bố do văn phòng của ông Marcos đưa ra, ông Marcos nói với ông Chính: “Chỉ cần có điều đó, như một sự bảo đảm sẽ ổn định tình hình, không chỉ cho Phi Luật Tân mà còn cho tất cả chúng ta trong khu vực”.

Năm 2022, Việt Nam là nước xuất cảng gạo lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan, và Phi Luật Tân là khách hàng lớn nhất của nước này, đáp ứng gần 90% nhu cầu nhập cảng của Phi Luật Tân.

Ông Marcos, đồng thời cũng là Bộ trưởng Nông nghiệp Phi Luật Tân, hoan nghênh lời đề nghị của quốc gia láng giềng về hợp đồng cung cấp 5 năm.

Tuần này, Phi Luật Tân bắt đầu áp dụng giá trần về gạo để bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng mà nước này gọi là thao túng giá tràn lan của các thương nhân liên minh với các tập đoàn công nghiệp.

Giá gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm sau khi Ấn Độ, quốc gia chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu, hồi tháng 7 ra lệnh dừng xuất cảng gạo, mặt hàng xuất cảng lớn nhất của họ, nhằm xoa dịu giá gạo trong nước.


Tổng Thống Phi Luật Tân Phản Đối “Các Tàu Dân Quân” ở Biển Đông

u9uhy90u90h9j9j9j9-j.jpg

(Hình: Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43.)

-Vào ngày 7/9/2023, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. bày tỏ phản đối việc sử dụng “tàu Hải giám và tàu Dân quân” tại Biển Đông. Phản đối của người đứng đầu Chính phủ Manila được đưa ra với lãnh đạo 18 nước đang tham gia Thượng đỉnh Đông Á diễn ra ở Jakarta, Nam Dương. Trong số này có Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris.

Thông tấn xã AFP loan tin dẫn lời Tổng thống Phi Luật Tân về quan ngại của Manila đối với những hành động liên tục vi phạm cam kết luật pháp quốc tế tại khu vực biển có tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong khu vực.

Ông Ferdinand Marcos không chỉ đích danh quốc gia nào có những hành động như thế; tuy nhiên trong những tháng gần đây, tàu Phi Luật Tân bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Vào ngày 5/8 vừa qua, tàu Hải giám Trung Quốc phun vòi rồng nhằm chặn hoạt động tiếp tế của một tàu Phi Luật Tân đến chiến hạm đắm làm tiền đồn ở Bãi Cỏ Mây. Đến cuối tháng, thêm một chuyến tiếp tế của Phi Luật Tân cũng bị Trung Quốc quấy nhiễu.

Vào ngày 28/8 vừa qua, Trung Quốc công bố một ấn phẩm bản đồ mới gồm 10 đường đứt đoạn nhằm tuyên bố chủ quyền chừng 90% Biển Đông, chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước khác.

Các nước Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Việt Nam… có chủ quyền tại Biển Đông đã phản đối mạnh mẽ bản đồ đó.


Bộ Thông Tin và Truyền Thông: Hơn 12 Triệu SIM Không Có Thông Tin Thuê Bao Chính Xác

h8h8hh90j9ujuj9.jpg

(Hình: Một cửa hàng bán sim tại Sài Gòn.)

-Trong ngày 6/9/2023, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết các nhà mạng đã loại bỏ 12,5 triệu thuê bao thông tin không khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông được tờ VTC News dẫn lời xác nhận đến thời điểm hiện tại 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống bị loại bỏ đều là các SIM mà chủ thuê bao không cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho hay, trước kia, Bộ chưa có thước đo nhằm kiểm tra xem thông tin thuê bao của người sử dụng có chính xác hay không. Điều này đã thay đổi khi Bộ Công an cho ra đời Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Đây là căn cứ để các doanh nghiệp viễn thông đối soát thông tin thuê bao.

Theo thống kê, hàng tháng có khoảng 1,5 triệu thuê bao mới xuất hiện trên thị trường. Khoảng 85% thuê bao mới sẽ thuộc về các nhà mạng lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel và những doanh nghiệp này đều đã được kết nối trực tuyến với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối soát trực tiếp.

Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Wintel, Itel… hiện chiếm 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hàng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, ông Long khẳng định, định kỳ hàng tháng, các nhà mạng này sẽ phải gửi số liệu về thuê bao mới đến Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong trường hợp sau quá trình đối soát, nếu thuê bao mới không đúng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao sẽ bị xóa khỏi hệ thống.

Ông Long cũng cho biết để chống nhận các cuộc gọi lừa đảo, các doanh nghiệp phải sử dụng brandname (tên thương hiệu) khi liên hệ với người dùng di động. Cơ quan công quyền như tòa án, công an, viện kiểm sát cũng phải dùng tên hiển thị khi gọi tới người dân.

Theo thống kê của Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong sáu tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 37,82% so với sáu tháng cuối năm 2022.

Ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Trong tổng số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến được Cục An toàn thông tin nêu tên, việc giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để thực hiện cuộc gọi lừa đảo cũng diễn ra rất phổ biến.

Kq Lê Văn Hải

Comments are closed.