Thời sự Thứ Ba 23/05/2023: *Nga cảnh báo NATO về F-16 *Thủ tướng Ấn Độ thăm Úc *Thủ tướng Anh: TC là thách thức lớn nhất cho an ninh và thịnh vượng toàn cầu *Đài Loan bị loại khỏi WHO


Võ Thái Hà tổng hợp


Nga cảnh báo NATO chuyển F-16 cho Ukraine là can dự vào xung đột

Viên Minh

Một chiếc F-16CJ từ Phi đội máy bay chiến đấu 78, tại Căn cứ Không quân Shaw, Nam Carolina bay qua Dãy đất Eglin khi phi công thả Đạn tấn công trực tiếp chung (JDAM) GBU-31 trong một cuộc thử nghiệm nhiệm vụ ngày 25 tháng 2 năm 2003. (Ảnh: Michael Ammons/Không quân Hoa Kỳ/Getty Images) 

Các nhà ngoại giao cấp cao của Nga ngày 22/5 cho biết việc chuyển giao các máy bay phản lực F-16 cho Ukraine sẽ đặt ra câu hỏi về vai trò của NATO trong cuộc xung đột và sẽ không làm suy yếu các mục tiêu quân sự của Nga.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý để đồng minh cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7, ông Biden nói với các phóng viên rằng các đồng minh phương Tây đưa ra cam kết lâu dài cho Ukraine bằng cách cung cấp chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng đồng ý hỗ trợ các chương trình đào tạo phi công Ukraine trên máy bay chiến đấu F-16. Ông Biden cho rằng quyết định này không làm leo thang căng thẳng với Nga, theo Newsweek.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đảm bảo với ông Biden rằng máy bay sẽ không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Trong tuyên bố ngày 21/5, ông Biden nói nâng cao năng lực không quân cho Ukraine sẽ giúp Kyiv “tự tin” hơn trong việc phòng thủ, ngay cả khi các bên đạt thỏa thuận hòa bình.

Trả lời trên đài CNN hôm 21/5, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng, “các đồng minh châu Âu đang sở hữu một số lượng lớn chiến đấu cơ F-16 và Mỹ ưu tiên thông qua bên thứ ba để cung cấp cho Ukraine, thay vì hỗ trợ trực tiếp”.

Theo ông Sullivan, Mỹ trước đây không đồng ý cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine vì “chưa thực sự cần thiết”, nhưng thừa nhận rằng tình hình đang thay đổi.

“Chúng tôi đang hướng tới việc bổ sung năng lực về lâu dài cho Ukraine. Chiến đấu cơ thế hệ 4 như F-16 cần thiết để làm điều đó”, ông Sullivan nói.

“Không có cơ sở hạ tầng cho hoạt động của F-16 ở Ukraine, số lượng phi công và nhân viên bảo trì cần thiết cũng không có”, Đại sứ Nga tại Mỹ, Anatoly Antonov, cho biết trong một bài phát biểu đăng trên kênh Telegram của Đại sứ quán. “Điều gì sẽ xảy ra nếu máy bay chiến đấu của Mỹ cất cánh từ các sân bay của NATO và được các ‘tình nguyện viên’ nước ngoài vận hành?”, ông đặt câu hỏi về sự can dự của NATO vào cuộc xung đột dường như ám chỉ việc NATO trực tiếp tham chiến.

Hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết bất kỳ việc chuyển giao máy bay phản lực nào của Mỹ cho Ukraine sẽ là “hoàn toàn vô nghĩa và ngu ngốc”.

“Những nỗ lực này hoàn toàn vô ích và vô nghĩa. Bởi chúng tôi chắc chắn sẽ đạt được tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt”, RIA trích lời ông Ryabkov cho hay.

Ông Antonov cũng nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào khu vực Crimea sẽ được coi là một cuộc tấn công vào chính nước Nga. “Điều quan trọng là Hoa Kỳ phải nhận thức đầy đủ về phản ứng của Nga”, Đại sứ Nga nói.

Ukraine đã tăng cường tấn công vào các mục tiêu do Nga nắm giữ, đặc biệt là trên bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Ông Antonov cũng nhắc lại lời cáo buộc của Nga rằng Mỹ đang buộc các nước phương Tây phải tuân theo chương trình nghị sự của mình.

“Washington hoàn toàn khiến các thành viên G7 lệ thuộc vào ý chí của mình để can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine”, ông Antonov nói và thêm rằng Hoa Kỳ muốn một “thất bại chiến lược” đối với Nga.

Trong hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần tại Nhật Bản, các nước G7 đã phát tín hiệu ủng hộ lâu dài cho Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky, người cũng tham dự cuộc họp, cho biết ông tin tưởng rằng Ukraine sẽ nhận được nguồn cung cấp F-16.

Hôm 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói các quốc gia phương Tây tiếp tục theo đuổi con đường leo thang và Moscow đã tính đến trường hợp các nước này gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine.

Ông Grushko cảnh báo điều này “có thể gây ra rủi ro lớn cho họ”, và “Moscow có mọi công cụ, phương tiện để đạt được mục tiêu của mình”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cáo buộc Mỹ “tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp trong khu vực” và sử dụng lãnh thổ Ukraine nhằm đạt mục tiêu riêng, theo RT.

Theo một số chuyên gia quân sự Nga, một số ít máy bay F-16 không đủ để Ukraine thay đổi tình hình và Moscow hoàn toàn có năng lực để triệt hạ các máy bay này.

Viên Minh (Tổng hợp)


Ukraine bổ sung kho vũ khí để chuẩn bị phản công

Vào thứ Ba, các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ họp tại Brussels để thảo luận về hỗ trợ của khối dành cho Ukraine. Trong những tuần gần đây, Pháp, Đức và Ý đều hứa tăng hỗ trợ quân sự, bao gồm các hệ thống phòng không, pháo tự hành và máy bay không người lái. Trong khi đó, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã giành được nhiều cam kết viện trợ vũ khí hơn tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào Chủ nhật, bao gồm gói vũ khí mới của Mỹ trị giá 375 triệu đô la. Mỹ cũng cho biết sẽ giúp đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16, một bước quan trọng để Ukraine nhận dòng máy bay chiến đấu này.

Một loạt các cam kết được đưa ra khi Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công được chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, nói thành công của Ukraine có thể sẽ dựa nhiều vào chiến thuật hợp lý hơn là vũ khí mới. Họ lưu ý rằng chiến thuật của Nga đã phát triển đáng kể, đặc biệt là trong việc triển khai bộ binh. Các lực lượng Ukraine sẽ phải năng động để giành thế chủ động, xuyên thủng hàng phòng ngự của Nga và khai thác các khoảng trống.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Úc

Sau hội đàm với các nhà lãnh đạo G7 và các quốc đảo Thái Bình Dương, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp tục chiến dịch ngoại giao của ông vào thứ Ba với chuyến thăm Úc. Mối quan hệ giữa hai nước luôn mờ nhạt. Nhưng điều kiện hiện nay thuận lợi hơn, đặc biệt là mối quan ngại chung về Trung Quốc. Cả hai nước đều cảm thấy khó chịu với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh — kể cả cưỡng chế kinh tế và xung đột lãnh thổ. Hai nước tạo thành một nửa của Quad, một nhóm chiến lược bao gồm Mỹ và Nhật Bản. Họ đã tăng cường huấn luyện quân sự với các đối tác Quad khác.

Thương mại hai chiều tăng gần gấp đôi kể từ năm 2020, và hai nước đã ký một hiệp định thương mại tự do vào năm ngoái. Nhưng sức mạnh đoàn kết lớn nhất có lẽ là văn hóa. Người Ấn Độ di cư đến Úc đã tăng vọt, tạo thành cộng đồng hải ngoại lớn thứ hai sau người Anh. Ông Modi sẽ phát biểu tại một sân vận động ở Sydney, nơi hàng ngàn người Úc gốc Ấn sẽ có mặt để cổ vũ ông.


Tổng thống Cộng hòa Srpska thăm Nga

Milorad Dodik, tổng thống của Cộng hòa Srpska, một thực thể của người Serbia ở Bosnia-Hercegovina, sẽ đến Moscow vào thứ Ba. Ông sẽ tham dự một cuộc họp của Liên minh Kinh tế Á-Âu, một khối nhỏ của các quốc gia Liên Xô cũ do Nga thống trị, và dự kiến sẽ gặp Vladimir Putin.

Ông Dodik ủng hộ quan hệ với Nga hơn là với EU. Cho đến nay, ông đã ngăn Bosnia ban hành các biện pháp trừng phạt Nga. Nhưng hành động này phải trả giá bằng bạn bè ở phương Tây. Bản thân ông Dodik đang chịu lệnh trừng phạt của Anh và Mỹ vì cáo buộc tham nhũng và đe dọa ổn định trong khu vực (điều mà ông phủ nhận).

Song vấn đề trên không gây nguy hiểm cho đơn gia nhập EU của Bosnia, vì ông Dodik hiện đang bị cô lập. Ông đến Moscow để chứng tỏ mình vẫn còn một người bạn quan trọng. Ông Dodik và ông Putin có thể thảo luận về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt riêng từ Nga tới Cộng hòa Srpska qua Serbia. Điều này sẽ giúp mang lại độc lập năng lượng cho Srpska, giúp cho tham vọng ly khai của ông Dodik dễ đạt được hơn.


Shell họp đại hội cổ đông

Vào thứ ba, gã khổng lồ dầu mỏ châu Âu Shell sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên tại London. Các giám đốc điều hành và bộ phận an ninh của họ sẽ chịu nhiều áp lực nhất. Đại hội cổ đông năm ngoái đã phải gián đoạn vì bị người biểu tình xông vào. Gần một phần năm cổ đông của Shell đã bỏ phiếu phản đối chiến lược giảm phát thải khí nhà kính của hội đồng quản trị, cho rằng nó chưa đủ.

Cuộc họp năm nay có thể còn gay gắt hơn. Giá năng lượng cao đã mang về cho các công ty dầu mỏ một lượng tiền mặt dồi dào. Hồi tháng 2, Shell công bố lợi nhuận ròng cho năm 2022 đạt 42 tỷ đô la, cao gấp đôi số tiền kiếm được trong năm 2021. Điều này làm hài lòng một số nhà đầu tư. Nhưng những người khác quyết tâm buộc công ty phải làm nhiều hơn để giảm bớt thiệt hại môi trường. Follow This, một nhóm nhà đầu tư chủ động, đã đệ trình một nghị quyết yêu cầu Shell tăng mức giảm lượng khí thải nhà kính trên toàn bộ chuỗi cung ứng cho tới năm 2030.


Thủ tướng Anh: Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất cho an ninh và thịnh vượng toàn cầu

Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, hôm 21/5/2023. (Ảnh: Stefan Rousseau/WPA Pool/Getty Images) 

Phát biểu vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản hôm Chủ nhật (21/5), Thủ tướng Vương Quốc Anh Rishi Sunak nhận định chính quyền Trung Quốc đã đặt ra thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu.

Ông lập luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có đầy đủ các phương tiện và kế hoạch để tái định hình trật tự thế giới, nhưng các nền kinh tế lớn khác không nên tìm cách tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc.

Thủ tướng Anh: ĐCSTQ là thách thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu

Theo nguồn tin của tờ ReutersThe Guardian của Anh và các phương tiện truyền thông khác, sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima (Nhật Bản), Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nói với giới truyền thông rằng: “Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu trong thời đại của chúng ta. Họ ngày càng độc đoán ở cả trong và ngoài nước. Và Trung Quốc có các phương tiện và nỗ lực để định hình lại trật tự thế giới”.

Thủ tướng Sunak cho biết Vương Quốc Anh và các nước G7 khác sẽ tìm kiếm một phản ứng chung để giảm bớt thách thức do Trung Quốc đặt ra.

Tờ The Guardian đưa tin rằng sự đồng thuận của G7 là quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc nên tìm cách “giảm thiểu rủi ro” hơn là “xóa liên kết”. Đồng thời, G7 đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn ĐCSTQ sử dụng cưỡng chế kinh tế để can thiệp vào vấn đề chủ quyền của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, khi ông Sunak mô tả mối đe dọa mà ĐCSTQ gây ra cho thế giới, ông đã táo bạo hơn so với tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G7 và coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh toàn cầu nghiêm trọng hơn Nga.

Tờ The Guardian dẫn lời ông Sunak cho hay: “G7 và các quốc gia khác cần đảm bảo rằng chúng tôi có thể giảm thiểu rủi ro cho chính mình và khả năng dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng mà chúng tôi đã thấy từ Trung Quốc. Ngoài ra, G7 cũng thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ chính mình trước đầu tư thù địch và làm sao để không gây thiệt hại lẫn nhau (giữa các nước G7)”.

Ông Sunak cũng được hỏi liệu các nước G7 đã đủ nỗ lực để đáp các ứng thách thức từ Trung Quốc hay chưa. Các quốc gia G7 đã ra tuyên bố về Bắc Kinh và đồng ý thiết lập một cơ chế mới để chống lại “sự cưỡng ép kinh tế” của Trung Quốc và các nước khác.

Bên cạnh đó, ông Sunak phản hồi rằng ông không đồng ý với quan điểm cho rằng G7 không có hành động cụ thể nào. Ông lập luận: “Có một quyết tâm và sự thống nhất hoàn toàn trong G7, trước hết chỉ là nhận ra thách thức mang tính hệ thống mà Trung Quốc đặt ra cho trật tự thế giới. Đây là quốc gia duy nhất có cả phương tiện và ý định định hình lại trật tự thế giới”.

Thủ tướng Anh còn cho hay, các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về việc “đảm bảo rằng công nghệ quan trọng liên quan đến an ninh của chúng ta không bị rò rỉ sang Trung Quốc”.

“Tất cả những điều này là nhằm loại bỏ rủi ro chứ không phải tách rời. Với G7, chúng tôi đang thực hiện các bước để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực kinh tế để can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của nước khác”.

Tuyên bố của G7 cho biết quan hệ với Trung Quốc là một thách thức, không phải là mối đe dọa. Tuy nhiên tuyên bố của G7 cũng có nội dung thúc giục Trung Quốc “không tham gia vào các hoạt động can thiệp” và bày tỏ quan ngại về các vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương.

Tuyên cho biết các nước G7 có “mối quan ngại nghiêm trọng” về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy với Moscow để buộc quân đội Nga rút khỏi Ukraine.


G7 ra mắt ‘Nền tảng Hợp tác G7 về Áp bức Kinh tế’

Tại hội nghị thượng đỉnh G7, ông Rishi Sunak cũng chủ trì một cuộc họp tập trung vào an ninh kinh tế và G7 cũng lần đầu tiên đưa ra tuyên bố của các nhà lãnh đạo về “khả năng phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế” trong năm nay.

Đáng chú ý là G7 đã công bố ra mắt “Nền tảng Hợp tác G7 về Áp bức Kinh tế” (Coordinator Platform on Economic Coercion) nhằm nâng cao năng lực của các nước trong việc đánh giá, chuẩn bị, ngăn chặn và ứng phó với các hành vi cưỡng ép kinh tế; đồng thời thúc đẩy hơn nữa hợp tác với các đối tác quốc tế bên ngoài các quốc gia G7.

Tuyên bố đề cập rằng nền tảng sẽ sử dụng các cơ chế như cảnh báo sớm, chia sẻ thông tin theo thời gian thực và tham vấn thường xuyên để điều phối hành động của tất cả các bên và khi cần thiết sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với sự ép buộc kinh tế với tiền đề tuân thủ luật pháp và quy định quốc gia . Ngoài ra, các nước G7 có ý định thực hiện các biện pháp hỗ trợ phù hợp đối với các quốc gia, nền kinh tế và thực thể gặp phải sự ép buộc kinh tế.

Thủ tướng Anh cũng đã đưa ra một tuyên bố trước khi chủ trì cuộc họp về an ninh kinh tế của hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 20/5. Theo đó, ông nhấn mạnh rằng trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đang tham gia vào cuộc cạnh tranh chiến lược có tính chất phối hợp.

Ông cũng kêu gọi các nước G7 hợp tác và tránh “sự cạnh tranh giữa những người bạn” để đẩy nhanh việc thúc đẩy sự thịnh vượng và đổi mới cũng như giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia độc tài.

Huyền Anh tổng hợp


Hoa Kỳ – Bộ Tài chính xác nhận Mỹ có thể vỡ nợ vào đầu tháng 6 nếu không tăng trần nợ 

23/5/2023 

Reuters 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. 

Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm 22/5 nhắc lại rằng họ dự kiến chỉ có thể thanh toán các hóa đơn nợ của chính phủ Hoa Kỳ hết ngày 1 tháng 6 nếu không tăng trần nợ, nghĩa là chỉ còn 10 ngày để các nhà đàm phán của Tòa Bạch Ốc và các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội đạt được thỏa thuận.

Trong lá thư thứ ba gửi Quốc hội trong vòng ba tuần, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết ‘rất có khả năng’ Bộ khó có thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán của chính phủ Hoa Kỳ vào đầu tháng 6 và sớm nhất là vào ngày 1 tháng 6, nếu không có hành động của Quốc hội để tăng trần nợ 31,4 nghìn tỷ đô la, và điều này sẽ gây ra vụ vỡ nợ đầu tiên của Hoa Kỳ.

Bà Yellen cho biết các ước tính, phù hợp với lá thư cuối cùng bà gửi Quốc hội vào ngày 15 tháng 5, dựa trên dữ liệu hiện có, nhưng các khoản thu, chi và nợ của liên bang vẫn có thể dao động. Bộ trưởng Yellen nói sẽ cập nhật cho Quốc hội khi có thêm thông tin.

Bà Yellen đã nhiều lần cảnh báo rằng việc Quốc hội không tăng trần nợ liên bang sẽ gây ra một ‘thảm họa kinh tế và tài chính’ cho Hoa Kỳ và các nền kinh tế toàn cầu, đồng thời thúc giục Quốc hội Mỹ hành động càng sớm càng tốt để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra thậm chí là trước khi vỡ nợ.


Đài Loan bị loại khỏi cuộc họp thường niên của WHO sau sự phản đối của TQ 

23/5/2023 

Reuters 

Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển (giữa), ngày 11/5/2007, từ Dinh Tổng thống tại Đài Bắc, trong một cuộc họp qua video với các phóng viên tại Geneva, phản đối việc Tổ chức Y tế Thế giới bác đơn xin gia nhập của Đài Loan. 

Đài Loan ngày 22/5 thất bại trong nỗ lực được mời tham dự hội nghị thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới mặc dù hòn đảo này khẳng định rằng có sự ủng hộ ngày càng tăng đối với sự tham gia của họ.

Hội đồng thường niên tại Geneva quyết định không gửi cho Đài Loan lời mời tham dự sự kiện diễn ra từ ngày 21 đến ngày 30 tháng 5. Trung Quốc và Pakistan kêu gọi các thành viên từ chối đưa Đài Loan vào danh sách mời, trong khi eSwatini và Quần đảo Marshall lên tiếng ủng hộ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và nói rằng hòn đảo này không phải là một quốc gia riêng biệt mà là một phần của “một Trung Quốc” do Bắc Kinh cai trị. Việc Trung Quốc khăng khăng rằng Đài Loan không phải là một quốc gia có nghĩa là hòn đảo này bị loại khỏi nhiều tổ chức quốc tế.

Đài Loan đã lên án quyết định của WHO, nói rằng việc Trung Quốc ngăn cản sự tham gia của đảo này vào các cơ quan toàn cầu là “đáng khinh bỉ” và rằng Bắc Kinh không có quyền lên tiếng cho hòn đảo.

“Chỉ có chính phủ được bầu cử dân chủ của Đài Loan mới có thể đại diện cho 23 triệu người dân Đài Loan trong WHO và các tổ chức quốc tế khác, đồng thời bảo vệ sức khỏe và nhân quyền của người dân Đài Loan,” Bộ Ngoại giao Đài Loan nói.

Trung Quốc hoan nghênh quyết định này.

“Điều này cho thấy đầy đủ rằng nguyên tắc một Trung Quốc là nguyện vọng của người dân và là xu hướng của thời đại trong cộng đồng quốc tế và không thể bị thách thức dưới bất kỳ hình thức nào”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Bộ cho biết trước khi khai mạc hội nghị, gần 100 quốc gia đã bày tỏ sự tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và phản đối việc Đài Loan tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới bằng các bức thư đặc biệt gửi tới WHO và các tuyên bố.

“Trung Quốc cũng kêu gọi một số quốc gia chớ giả vờ hoang mang, ngừng chính trị hóa vấn đề sức khỏe, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc dưới cái cớ là vấn đề Đài Loan và ngừng hành vi sai trái khi sử dụng ‘Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc’”, Bộ này nói.

Đài Loan được phép tham dự một số cuộc họp kỹ thuật của WHO nhưng cho biết việc họ bị loại khỏi WHO đã cản trở nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19.

Đài Loan bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.


Xem thêm

Tags: ,

Comments are closed.