Thời sự Thứ Ba 30/01/2024: *Nông dân Pháp chặn đường vào Paris. *Đài Loan củng cố cầu tàu trên đảo Ba Bình. *Xuất khẩu vũ khí Mỹ đạt kỷ lục tài khóa 2023. *Tòa Hồng Kông ra lệnh thanh lý China Evergrande vì không thể trả được nợ. *Ngày tồi tệ của TT Joe Biden: 3 binh sĩ thiệt mạng, nhiều người bị thương ở Jordan *Ukraine không thể tấn công lúc này chỉ nên phòng thủ chờ thời, tin từ Hoa Kỳ


Võ Thái Hà tổng hợp


Pháp : Nông dân cắm trại chặn đường vào Paris chờ biện pháp mới

Thu Hằng /RFI – 30/01/2024

Hàng nghìn nông dân, chủ yếu từ các tỉnh quanh Paris, đã đặt chốt tại 8 điểm trên các đường cao tốc dẫn đến thủ đô Pháp, để tiếp tục gây sức ép với chính phủ cho đến khi thủ tưởng Gabriel Attal thông báo « những biện pháp mới » hôm nay 30/01/2024. Tối hôm trước, đại diện hai nghiệp đoàn chính trong đợt biểu tình này là FNSEA và Nông dân Trẻ đã được thủ tướng tiếp tại điện Matignon ( phủ thủ tướng ) trong ba tiếng rưỡi. 

Một nông dân lái máy cày "cắm trại" tại phía bắc Paris, Pháp, ngày 29/01/2024.

Một nông dân lái máy cày “cắm trại” tại phía bắc Paris, Pháp, ngày 29/01/2024. AFP – SAMEER AL-DOUMY 

Những người biểu tình chuẩn bị rất kỹ để có thể ở lại lâu dài: chỗ ngủ dã chiến, lò than, máy phát điện, vòi bia và cà phê vào sáng sớm. Ông Thibaut Flament, lái máy hái củ cải nặng đến 25 tấn, tham gia phong tỏa đường cao tốc A4 với khoảng 60 máy kéo khác. Trả lời RFI, ông tỏ quyết tâm ở lại lâu dài, vì những thông báo của thủ tướng Gabriel Attal hôm 26/01 không đủ sức thuyết phục :

« Đúng là ông ấy (thủ tướng) đã mang lại những giải pháp về dầu diesel dùng trong nông nghiệp. Nhưng biện pháp đó chưa đủ, vì vấn đề đối với ngành trồng củ cải đường là thuốc trừ sâu neonicotinoid, trong khi người Đức được phép phun, thì ở Pháp bị cấm sử dụng. Giờ phải để phong trào đi đến cùng. Chúng tôi sẽ ở lại cho đến khi chính phủ mang lại giải pháp cho chúng tôi.

Chúng tôi trang bị máy phát điện. Còn có rơm để ngủ trong các thùng xe ben. Nói chung là chúng tôi có đủ phương tiện để trụ lâu dài. Tôi mang một xe tải với một xe ben chở ngũ cốc và rất nhiều rơm. Chúng tôi trải rơm ra và ngủ ở đó ».

Chiều 30/01, đoàn xe 200 máy kéo, xuất phát từ Agen, dự kiến đến chợ đầu mối quốc tế Rungis, được coi là lá phối thực phẩm của Paris. Theo yêu cầu của chính phủ, lực lượng hiến binh đã huy động xe bọc thép để bảo vệ cho chợ được hoạt động bình thường.

Trả lời đài phát thanh Europe 1 sáng 30/01, ông Arnaud Rousseau, chủ tịch nghiệp đoàn FNSEA cho biết đã kêu gọi người biểu tình tham gia một cách « trật tự và quy củ », do ông lo ngại « nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát, bạo lực không mong muốn ». Ông khẳng định mục tiêu của cuộc biểu tình là được « sản xuất để nuôi sống ».

Trong số các kiến nghị của nông dân, còn có hai biện pháp: ngừng các thỏa thuận tự do thương mại, chấm dứt ngay các cuộc đàm phán ; chính thức cấm mua nông phẩm thấp hơn giá thành.


Biển Đông: Đài Loan củng cố một cầu tàu trên đảo Ba Bình

Thu Hằng /RFI – 30/01/2024

Sắp tới, đảo Ba Bình (Thái Bình, theo tên gọi của Đài Loan), hiện do Đài Loan chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, có thể đón được các loại tàu trọng tải lớn. Ngày 29/01/2024, Cơ quan Tuần duyên Đài Loan xác nhận công trình nạo vét cải tạo cầu tàu, hoàn tất ngày 30/10/2023, đã được thanh tra thành công ngày 20/01. Nhiều dân biểu muốn tổng thống Thái Anh Văn chủ trì buổi lễ khánh thành cầu tàu, dự kiến diễn ra tháng 2, trước khi bà rời khỏi chức vụ. 

Taiwan's President Tsai Ing-wen attends the National Day celebration ceremony in Taipei, Taiwan October 10, 2023.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại lễ kỷ niệm Quốc Khánh Đài Loan ở Đài Bắc, ngày 10/10/2023. REUTERS – CARLOS GARCIA RAWLINS 

Theo trang Focus Taiwan, Cơ quan Tuần duyên Đài Loan xác nhận thông tin của tờ United Daily News (UDN) về việc hoàn tất dự án cải tạo cầu tàu ở đảo Ba Bình, nhưng không trả lời về việc tổng thống có sẽ chủ trì lễ khánh thành hay không. Trước đó, dân biểu đảng Dân Tiến (DPP) của tổng thống đã kêu gọi bà Thái Anh Văn chủ trì buổi lễ trên đảo. Dân biểu Quốc Dân đảng Chen I Hsin, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Hạ Viện, cũng kêu gọi tổng thống Đài Loan theo gương hai người tiền nhiệm, đến đảo Ba Bình để tái khẳng định chủ quyền. Trong 8 năm cầm quyền, tổng thống Thái Anh Văn chưa bao giờ đến đảo này.

Trong một thông cáo, Cơ quan Tuần duyên Đài Loan cho biết dự án có trị giá 54,4 triệu đô la nhằm nạo vét trầm tích và đào sâu các kênh lưu thông để các tàu có trọng tải tới 4.000 tấn của tuần duyên Đài Loan tiến hành « cuộc tuần tra thông thường » trong vùng biển xung quanh. Ngoài ra, một số biện pháp phòng chống bão cũng được củng cố. Quân đội Đài Loan còn dự kiến mở rộng đường bay trên đảo để đón chiến đấu cơ, nhưng hiện chưa rõ dự án này đã được hoàn thiện hay chưa.

Đảo Ba Bình (tên tiếng Anh Itu Aba) là đảo lớn nhất trong cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa. Đài Loan kiểm soát hòn đảo từ năm 1956, triển khai tại đây nhiều tàu chiến và pháo. Hiện có khoảng 200 nhân viên tuần duyên, trực thuộc Hải Quân Đài Loan, đóng trên đảo và thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự.

Việt Nam và Philippines, hai nước đòi chủ quyền đối với hòn đảo, thường xuyên lên án việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cũng như như cuộc diễn tập của Đài Loan ở đảo Ba Bình. Tháng 08/2023, Hà Nội đã lên án một cuộc tập trận của Đài Loan là « vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ».

Theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế, Itu Aba không phải là đảo, mà chỉ là « đá » theo định nghĩa của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển nên không hình thành vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Phán quyết này đã bị Đài Loan và Trung Quốc bác bỏ.


Các ngoại trưởng ASEAN ủng hộ Myanmar tự giải quyết khủng hoảng 

29/01/2024 Reuters 

Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Luang Prabang, Lào

Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Luang Prabang, Lào 

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á hôm 29/1 đã thúc giục chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở Myanmar và thể hiện sự đoàn kết trong việc ủng hộ kế hoạch hòa bình khu vực và ‘giải pháp của Myanmar và do Myanmar lãnh đạo’ cho cuộc khủng hoảng.

Trong tuyên bố sau hội nghị ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các ngoại trưởng đã ủng hộ nỗ lực của tân đặc phái viên xử lý cuộc khủng hoảng do Lào bổ nhiệm để ‘tiếp cận với các bên liên quan’ và bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của đặc phái viên giúp đỡ người dân Myanmar.

Myanmar đã dính vào xung đột kể từ khi quân đội giành quyền lực trong cuộc đảo chính vào năm 2021 vốn gây ra hỗn loạn trên toàn quốc và chấm dứt đột ngột một thập kỷ dân chủ và cải cách kinh tế.

Đặc phái viên mới, ông Alounkeo Kittikhoun, đã gặp người đứng đầu tập đoàn quân sự trong chuyến thăm Myanmar hồi đầu tháng này, theo truyền thông nhà nước. Cả ASEAN và Lào đều chưa thông báo về chuyến đi này và không rõ liệu ông có gặp bất kỳ nhóm chống đối chính quyền quân sự nào hay không.

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết của ASEAN hỗ trợ Myanmar tìm một giải pháp hòa bình, toàn diện và lâu dài cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra, vì Myanmar vẫn là phần không thể tách rời của ASEAN,” các ngoại trưởng cho biết trong tuyên bố.

“Chúng tôi tái khẳng định sự đoàn kết của ASEAN và nhắc lại rằng bất kỳ nỗ lực nào cũng nên hỗ trợ và phù hợp với (kế hoạch hòa bình) và có sự phối hợp với nước chủ tịch khối,” tuyên bố viết và kêu gọi chấm dứt bạo lực và kiềm chế để cho phép cứu trợ nhân đạo.

ASEAN đã đối mặt bất hòa trong nội bộ về cách giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tập đoàn quân sự Myanmar đang chiến đấu trên nhiều mặt trận để dập tắt cuộc nổi dậy của nhóm dân quân ủng hộ dân chủ liên minh với chính phủ bóng tối và quân đội các nhóm thiểu số, gọi họ là ‘bọn khủng bố’ và từ chối đàm phán với họ. Hơn 2 triệu người đã phải di tản.

Nước chủ tịch ASEAN tiền nhiệm, Indonesia, đã khởi xướng một loạt các hoạt động ngoại giao thầm lặng để khuyến khích đối thoại giữa các bên tham chiến ở Myanmar, nhưng một số phân tích gia đã bày tỏ nghi ngờ liệu nước chủ tịch mới là Lào có sức ảnh hưởng hay ý chí để thúc đẩy nhiệm vụ này hay không.

Myanmar đã cử một quan chức đến cuộc họp của các ngoại trưởng, lần đầu tiên chấp nhận lời mời của ASEAN là gửi đại diện ‘phi chính trị’ đến cuộc họp. Các tướng lĩnh hàng đầu của nước này đã bị cấm cửa vì đã không thực hiện kế hoạch hòa bình mà họ đã nhất trí với ASEAN hai tháng sau cuộc đảo chính.

Chính quyền quân sự đã phẫn nộ về điều mà họ gọi là sự can thiệp của ASEAN vào công việc nội bộ của họ.


Xuất khẩu vũ khí của Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong tài khóa 2023 

30/01/2024 Reuters 

Một hệt thống tên lửa phòng không NASAMS của Mỹ, được nhiều nước ưa chuộng.

Một hệt thống tên lửa phòng không NASAMS của Mỹ, được nhiều nước ưa chuộng. 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Hai 29/1 rằng doanh số bán thiết bị quân sự của Hoa Kỳ cho các chính phủ nước ngoài hồi năm 2023 đã tăng 16% lên mức kỷ lục 238 tỷ đô la, vì các nước mua bù cho số vũ khí, khí tài đã chuyển đến Ukraine và chuẩn bị cho khả năng xảy ra các cuộc xung đột lớn.

Các con số đó củng cố kỳ vọng là những công ty như Lockheed Martin, General Dynamics và Northrop Grumman sẽ tiếp tục đạt doanh số bán hàng cao hơn nữa, và cổ phiếu của các hãng này được dự báo sẽ lên giá trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố rằng việc bán và chuyển giao vũ khí được coi là “các công cụ chính sách đối ngoại quan trọng của Mỹ với những tác động lâu dài tiềm tàng đối với an ninh khu vực và toàn cầu”.

Các đợt bán vũ khí được phê duyệt trong năm bao gồm Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) trị giá 10 tỷ đô la cho Ba Lan, Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-8 (AMRAAM) trị giá 2,9 tỷ đô la cho Đức, và các hệ thống Tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) cho Ukraine.

Lockheed sản xuất HIMARS; còn RTX, trước đây tên là Raytheon, chế tạo AMRAAM. RTX và Kongsberg của Na Uy sản xuất NASAMS.

Lockheed Martin và General Dynamics dự báo rằng các đơn hàng hiện nay đặt mua hàng trăm nghìn quả đạn pháo, hàng trăm tên lửa đánh chặn Patriot, và lượng đơn đặt mua xe bọc thép có thể tăng mạnh sẽ củng cố kết quả kinh doanh của họ trong những quý tới.

Có hai cách chính để chính phủ nước ngoài mua vũ khí từ các công ty Hoa Kỳ: mua bán thương mại trực tiếp được đàm phán với một công ty, hoặc mua bán hàng quân sự nước ngoài trong đó một chính phủ thường liên lạc với quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tại đại sứ quán Mỹ ở thủ đô nước đó. Cả hai quy trình này đều phải có sự chấp thuận của chính phủ Hoa Kỳ.

Doanh số bán hàng quân sự trực tiếp của các công ty Hoa Kỳ đã tăng lên 157,5 tỷ đô la trong năm tài chính 2023 từ mức 153,6 tỷ đô la trong năm tài chính 2022, trong khi doanh số bán hàng được dàn xếp thông qua chính phủ Hoa Kỳ đã tăng lên 80,9 tỷ đô la vào năm 2023 từ mức 51,9 tỷ đô la của năm trước.


Tòa án Hồng Kông ra lệnh thanh lý tài sản Tập đoàn China Evergrande

Gia Huy (Theo Reuters) – 30/01/2024

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/03-4791.jpg

Hôm thứ Hai (29/1), một tòa án Hồng Kông đã ra lệnh thanh lý tài sản Tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande. Động thái này có thể gây ra tác động dây chuyền đối với thị trường tài chính đang sụp đổ của Trung Quốc trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng.

Thẩm phán Linda Chan đã quyết định thanh lý tài sản nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với tổng nợ hơn 300 tỷ đô la sau khi bà lưu ý rằng Evergrande đã không thể đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu nợ cụ thể sau hơn hai năm không thanh toán được trái phiếu và sau nhiều phiên điều trần tại tòa án.

Thẩm phán Chan tuyên bố: “Đã đến lúc tòa án phải nói thế là đủ rồi.” Bà sẽ đưa ra lý do chi tiết vào cuối thứ Hai (29/1).

Phát biểu với giới truyền thông Trung Quốc, Giám đốc điều hành Siu Shawn của Evergrande cho biết, tập đoàn sẽ đảm bảo các dự án xây nhà ở vẫn sẽ được giao bất chấp lệnh thanh lý tài sản của tòa án. Ông cam đoan, lệnh này sẽ không ảnh hưởng các hoạt động của các đơn vị trong và ngoài nước của Evergrande.

Quyết định của tòa án tạo tiền đề cho một quá trình thanh lý phức tạp dự kiến sẽ kéo dài với những cân nhắc chính trị tiềm ẩn do liên quan đến nhiều cơ quan chính quyền. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tập trung vào cách chính quyền Trung Quốc đối xử với các chủ nợ nước ngoài khi một công ty trong nước phá sản.
Ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng Natixis thuộc Tập đoàn BPCE của Pháp, nhận định: “Đây không phải là sự kết thúc mà là sự khởi đầu của quá trình thanh lý kéo dài, điều này sẽ khiến hoạt động hàng ngày của Evergrande trở nên khó khăn hơn. Vì hầu hết tài sản của Evergrande nằm ở Trung Quốc đại lục, nên có những điều không chắc chắn về cách các chủ nợ có thể tịch thu tài sản và thứ hạng được trả nợ của các trái chủ ở nước ngoài, và tình hình thậm chí có thể còn tệ hơn đối với các cổ đông.”

Cổ phiếu của Evergrande đã giảm 20% trước phiên điều trần. Giao dịch cổ phiếu của China Evergrande cũng như các công ty con của họ như China Evergrande New Energy Vehicle Group và Evergrande Property Service đã bị tạm dừng sau phán quyết của tòa án.

Quá trình thanh lý phức tạp

Evergrande, có tài sản trị giá 240 tỷ đô la, đã khiến lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc rơi vào tình trạng trầm trọng hơn khi công ty này vỡ nợ vào năm 2021. Phán quyết thanh lý tài sản Evergrande của tòa án Hồng Kông có thể làm rung chuyển thêm thị trường vốn và bất động sản vốn đã mong manh dễ vỡ của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang gặp rất nhiều khó khăn với một nền kinh tế kém hiệu quả, thị trường bất động sản tồi tệ nhất trong 9 năm cũng như thị trường chứng khoán giảm xuống gần mức thấp nhất trong 5 năm, do đó bất kỳ cú sốc mới nào đối với niềm tin của nhà đầu tư đều có thể hủy hoại thêm những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tìm cách phục hồi sự tăng trưởng.

Hôm thứ Hai (29/1), Evergrande đã nộp đơn xin hoãn lại lệnh thanh lý tài sản khi luật sư của tập đoàn này cho biết Evergrande đã đạt được “một số tiến bộ” trong đề xuất tái cơ cấu nợ. Trong phương án tái cơ cấu nợ mới nhất, Evergrande đề xuất các chủ nợ hoán đổi nợ của họ thành tất cả cổ phần mà tập đoàn này nắm giữ tại hai đơn vị của họ ở Hồng Kông. Evergrande nắm giữ khoảng 30% cổ phần tại các công ty con này trước phiên điều trần cuối cùng vào tháng 12/2023.

Luật sư của Evergrande lập luận rằng lệnh thanh lý tài sản có thể gây tổn hại đến các hoạt động của tập đoàn này cũng như các đơn vị của họ như công ty quản lý bất động sản và công ty xe điện, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của tập đoàn cho tất cả các chủ nợ.

Evergrande đã và đang thực hiện kế hoạch cải tiến cách trả nợ cho khoản nợ trị giá 23 tỷ đô la với một nhóm chủ nợ được gọi là nhóm trái chủ đặc biệt trong gần hai năm.

Ông Fergus Saurin, đối tác của Kirkland & Ellis, người đã tư vấn cho các trái chủ ở nước ngoài của Evergrande, nhấn mạnh: “Chúng tôi không ngạc nhiên với kết quả này và đó là kết quả của việc công ty [Evergrande] không hợp tác với nhóm [trái chủ] đặc biệt. Đã có lịch sử về việc cam kết vào phút cuối mà không đi đến đâu. Và trong hoàn cảnh đó, công ty [Evergrande] chỉ có thể tự trách mình khi bị tổn hại.”

Trong phiên điều trần tại tòa án vào tháng 7/2023, trích dẫn một phân tích của Deloitte, Evergrande ước tính rằng tỷ lệ thu hồi nợ là 3,4% nếu nhà phát phát triển này bị thanh lý tài sản. Hồi tháng 9/2023, sau khi Evergrande thông báo đơn vị hàng đầu của họ và Chủ tịch Hui Ka Yan đang bị chính quyền Trung Quốc điều tra, các chủ nợ hiện dự đoán tỷ lệ thu hồi nợ dưới 3%.

Tuy nhiên, phán quyết của tòa án Hồng Kông dự kiến sẽ có ít tác động đến các hoạt động của Evergrande bao gồm các dự án xây dựng nhà ở trong thời gian tới bởi vì có thể phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để các chủ nợ chỉ định một cơ quan thanh lý tài sản ở nước ngoài nắm quyền kiểm soát các công ty con của Evergrande trên khắp Trung Quốc đại lục, một khu vực tài phán khác với Hồng Kông.

Đơn yêu cầu thanh lý tài sản được đệ trình lần đầu tiên lên tòa án vào tháng 6/2022 bởi Top Shine, một nhà đầu tư vào Fangchebao, công ty con thuộc Tập đoàn Evergrande. Top Shine cáo buộc Evergrande đã không tôn trọng thỏa thuận mua lại cổ phần mà họ đã mua của công ty con này.

Trước thứ Hai (29/1) kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ hiện nay bắt đầu diễn ra vào giữa năm 2021, ít nhất 3 nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã bị tòa án Hồng Kông ra lệnh thanh lý tài sản.


Khi nào thì châu Âu giảm lãi suất?

Ai cũng cho rằng châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024: lạm phát tiếp tục giảm – dù có tăng nhẹ trong tháng 12 – và nền kinh tế vẫn còn yếu. Hai dữ liệu được công bố vào thứ Ba sẽ cho thấy chính xác nó yếu đến đâu: GDP ước tính của khu vực đồng euro và EU trong năm 2023; và dữ liệu mới về tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Cả hai đều quan trọng. Số liệu GDP yếu có thể gợi ý cho Ngân hàng Trung ương châu Âu rằng lãi suất cao đã gây ra nhiều thiệt hại hơn mức cần thiết trong cuộc chiến chống lạm phát. ECB kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2024; và các thước đo tâm lý sẽ cho thấy liệu năm nay có thực sự đang khởi đầu tốt hay không. Cho đến nay, các cuộc khảo sát khác đều cho thấy đà phục hồi là yếu. ECB muốn xem thêm dữ liệu trước khi quyết định cắt giảm lãi suất. Nhưng họ không nên chờ đợi quá lâu.


Liệu Quốc hội Mỹ có đạt được thoả thuận viện trợ cho Ukraine và Israel?

Thượng viện Mỹ sẽ họp trở lại vào thứ Ba và công bố nội dung của một thỏa thuận an ninh biên giới rất được mong đợi trong tuần này. Rủi ro rất cao: Đảng Cộng hòa ra yêu sách phải giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp (vốn đang gia tăng) để đổi lại nguồn tiền cho Ukraine và Israel.

Các bên đã đàm phán trong nhiều tuần qua. Thỏa thuận này được cho là bao gồm một số chính sách cứng rắn, chẳng hạn như trao cho tổng thống quyền, trên thực tế, để đóng cửa biên giới nếu số lượng người vượt biên tăng đột biến. Nhưng rất ít khả năng cả hai viện sẽ đồng ý với văn bản. Một số người cánh tả bác bỏ những gì họ coi là quy tắc cứng rắn; trong khi những người khác phản đối việc hỗ trợ Israel. Mối đe dọa lớn hơn lại đến từ cánh hữu. Đảng Cộng hòa kỳ vọng những thất bại ở biên giới của Joe Biden sẽ ảnh hưởng đến khả năng tái tranh cử của ông. Donald Trump, người đang dẫn đầu cuộc đua trong nội bộ đảng Cộng hòa, đã nói rõ mong muốn của mình. Ông viết hôm thứ Bảy: “Một thỏa thuận biên giới tồi còn tệ hơn nhiều so với việc không có thoả thuận nào.”


Phe Cộng hoà muốn luận tội một bộ trưởng của Biden

Khi cuộc tranh luận về biên giới của Mỹ diễn ra sôi nổi, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã hướng mũi rìu dư luận về phía Alejandro Mayorkas, bộ trưởng an ninh nội địa của ông Biden. Vào thứ Ba, một ủy ban do đảng Cộng hòa lãnh đạo sẽ xem xét các điều khoản luận tội ông.

Các hạ nghị sĩ Cộng hòa cho rằng ông Mayorkas đã bất chấp luật nhập cư khi không giam giữ một số người di cư trong khi giấy tờ của họ được xử lý – một chính sách mà họ gọi là “bắt và thả.” Chính quyền Biden khẳng định mặc dù có tạm tha cho một số người di cư thay vì giam giữ, họ cũng đang trục xuất nhiều người di cư hơn. Đảng Dân chủ nói rằng ông Mayorkas không phạm tội nào có thể bị luận tội; và gọi vấn đề này là “tranh cãi về chính sách.” Một nhóm chuyên gia về hiến pháp đồng ý và gọi các cáo buộc là “hoàn toàn không đúng với Hiến pháp.” Thế đa số mỏng của đảng Cộng hòa tại Hạ viện có thể giúp họ luận tội ông thành công. Họ biết Thượng viện, với đa số đảng Dân chủ, sẽ không bao giờ kết án. Nhưng họ sẽ đưa ra quan điểm của mình.


Alphabet và Microsoft chuẩn bị công bố thu nhập quý

Hai gã khổng lồ công nghệ Alphabet (công ty mẹ của Google) và Microsoft sẽ báo cáo thu nhập quý vào thứ Ba. Cả hai đều đang đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo. Microsoft hiện dẫn đầu cuộc đua, một phần nhờ vào khoản đầu tư vào OpenAI, công ty khởi nghiệp đứng sau ChatGPT; và tập đoàn đang tìm cách áp dụng công nghệ này vào loạt sản phẩm từ Word đến Windows. Alphabet đã làm theo, đưa AI vào các dịch vụ phần mềm, chẳng hạn như Google Docs, cũng như công cụ tìm kiếm của mình.

Các nhà đầu tư chắc chắn đã rất phấn khích. Giá cổ phiếu của Alphabet tăng 51% kể từ khi ChatGPT được công bố; và 58% đối với Microsoft, so với mức tăng 20% của chỉ số S&P 500. Đà tăng đó đã giúp Microsoft vượt Apple để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới vào tháng 1, với giá trị thị trường hơn 3 nghìn tỷ USD. Khi kết quả kinh doanh được công bố, các nhà đầu tư sẽ đi tìm manh mối xem liệu vị trí mới của gã khổng lồ công nghệ có thể kéo dài hay không.


Ngày tồi tệ của Tổng thống Joe Biden

Huỳnh Hoa – 28 tháng 1, 2024 – Saigon Nhỏ 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/01/GettyImages-534011098.jpg

Một căn cứ quân đội Mỹ tại đông bắc Jordan bị tấn công bằng drone hôm Chủ Nhật 28 tháng 1 khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và 35 người khác bị thương, đe doạ chiến tranh lan rộng. Ảnh minh hoạ: Binh sĩ Mỹ trong một căn cứ ở Jordan vùng Trung Đông. Ảnh Jordan Pix/ Getty Images 

Vụ tấn công bằng máy bay không người lái (drone) vào một doanh trại quân đội Mỹ ở Jordan rạng sáng Chủ Nhật 28 tháng Một 2024 có nguy cơ khiến lò lửa Trung Đông lan rộng và đặt Tổng thống Mỹ Joe Biden vào những lựa chọn hết sức khó khăn.

Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ trong một thông báo hôm Chủ Nhật xác nhận một tiền đồn của quân đội Mỹ, có tên Tháp 22 (Tower 22) ở đông bắc Jordan gần biên giới với Syria và Iraq vừa bị tấn công làm ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng, 34 binh sĩ khác bị thương. Trong hơn ba tháng từ khi cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas nổ ra ở dải Gaza, các căn cứ quân đội Mỹ tại Trung Đông đã bị tấn công hơn 160 lần bằng phi pháo và drone từ các nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn nhưng vụ việc hôm 28 tháng Một gây thiệt hại nhân mạng trầm trọng nhất.

Nếu không tính hai lính biệt động Mỹ mất tích hồi tuần trước và đã được xác định tử vong sau khi rơi xuống biển trong vụ khám xét một con tàu Iran chở vũ khí cho lực lượng Houthi ở Yemen thì những binh sĩ thương vong hôm nay là những người lính Mỹ đầu tiên đổ máu xuống sa mạc Trung Đông trong một cuộc chiến mà người Mỹ không muốn can dự. Trong tuyên bố mới nhất sau sự kiện bi thảm này, Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ trả thù.

“Ba binh sĩ Mỹ mà chúng ta mất là những người ái quốc thật sự theo ý nghĩa cao cả nhất. Chúng ta sẽ cố gắng xứng đáng với danh dự và lòng dũng cảm của họ. Chúng ta sẽ tiếp tục cam kết của họ chống chủ nghĩa khủng bố. Và đừng nghi ngờ, chúng ta sẽ truy cứu trách nhiệm những kẻ gây ra tội ác này vào một thời điểm và theo một cách thức mà chúng ta chọn lựa”, ông Biden nói.

Ông Biden sẽ chọn lựa như thế nào?

Khi xảy ra vụ tấn công dã man của lực lượng Hamas vào miền Nam Israel ngày 7 tháng Mười năm ngoái và sau đó là cuộc trả đũa cũng tàn bạo không kém của quân đội Israel vào dải Gaza, ai cũng lo sợ chiến tranh leo thang, dẫn tới cuộc đối đầu khó tránh khỏi giữa lực lượng Mỹ-Israel với Iran và các tổ chức phiến quân được Tehran hậu thuẫn. Để đề phòng khả năng đó, Mỹ một mặt cử lực lượng quân đội hùng hậu tới khu vực để răn đe, một mặt đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bốn lần bay tới thủ đô các nước trong khu vực tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.

Ông Biden và đội cố vấn của ông lo ngại một vụ tấn công liều lĩnh của các nhóm phiến quân thân Iran – như nhóm Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen và nhiều nhóm khác ở Syria và Iraq – vào tàu bè hoặc căn cứ quân sự gây thiệt hại nhân mạng cho lính Mỹ sẽ có thể làm bùng ngọn lửa chiến tranh ra toàn khu vực, lôi kéo cả quân đội Mỹ.

Trong hơn ba tháng chiến tranh vừa qua Washington duy trì một chính sách không quá cứng rắn, cũng không quá mềm mỏng với hy vọng sẽ có cơ hội tái lập hoà bình và ổn định ở Trung Đông, sao cho lợi ích về an ninh của Israel được bảo đảm mà giải pháp “hai nhà nước” cũng được thực thi, hình thành một nhà nước hợp pháp đại diện cho quyền lợi của người Palestine.

Tại thời điểm ba binh sĩ Mỹ bị giết ở Jordan thì tại thủ đô Paris nước Pháp, Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) William J. Burns đang có cuộc họp kín với các quan chức cao cấp của Israel, Ai Cập và Qatar tìm kiếm một thoả thuận theo đó Israel sẽ tạm ngừng tấn công Hamas trong hai tháng đổi lấy việc trả tự do cho hơn 100 con tin người Do Thái vẫn đang còn bị Hamas giam cầm. Chính quyền Biden cũng đang đàm phán một thỏa thuận khác để tránh một cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và tổ chức Hezbollah ở Lebanon. Với vụ tấn công hôm Chủ Nhật 28 tháng Một, niềm hy vọng đó của Mỹ dường như tan thành mây khói.

Cho đến nay các quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Mỹ vẫn tin rằng Iran không muốn một cuộc xung đột trực tiếp với Mỹ mà chỉ muốn sử dụng các tổ chức phiến quân được Tehran uỷ nhiệm kể trên để gây sức ép lên Hoa Kỳ và Israel, cứu Hamas. Hiện các cơ quan quân đội và tình báo Mỹ vẫn đang thu thập và phân tích thông tin để xác định vụ tấn công ở Jordan là do Iran ra lệnh hoặc chỉ là quyết định riêng của nhóm phiến quân Shiite tại Syria. Tuần trước, quân đội Mỹ đã san bằng một cơ sở tình báo của Iran tại Syria, giết chết năm sĩ quan Iran trong đó có một sĩ quan cao cấp, nên có thể vụ tấn công hôm nay là một đòn trả đũa của Iran.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/01/GettyImages-1958544216.jpg

Phát biểu với cử tri tại West Columbia, tiểu bang South Caroline tối Chủ Nhật 28 tháng 1, Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ phản ứng, nhưng ông chưa cho biết Mỹ sẽ phản ứng thể nào với vụ tấn công vào căn cứ quân đội Mỹ khiến ba binh sĩ thiệt mạng ở Jordan hôm nay. Ảnh Sean Rayford/Getty Images 

Nếu Mỹ xác định Iran đứng sau vụ tấn công thì ông Biden có thể phải quyết định đánh vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran và chiến tranh chắc chắn sẽ lan rộng.

Các đối thủ chính trị bên đảng Cộng hòa đang thúc giục ông Biden phải hành động cương quyết nếu không muốn bị coi là “kẻ hèn nhát”. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hoà ở Thượng viện, tuyên bố: “Giờ đây cả thế giới đang nhìn các dấu hiệu cho thấy cuối cùng tổng thống sẽ thi triển sức mạnh Hoa Kỳ để buộc Iran phải thay đổi thái độ”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hoà – South Carolina) máu me hơn: “Tấn công Iran ngay. Đánh mạnh vào”. Còn thượng nghị sĩ diều hâu Tom Cotton (Cộng hoà – Arkansas) gay gắt hơn nữa: “Câu trả lời duy nhất cho những vụ tấn công này phải là cuộc trả đũa bằng quân sự quyết liệt chống lại các lực lượng khủng bố của Iran, cả trong lãnh thổ Iran lẫn khắp vùng Trung Đông. Nếu không làm được như vậy thì Joe Biden chỉ là kẻ hèn nhát không xứng đáng làm tổng tư lệnh quân đội”, theo báo The New York Times.

Đảng Cộng hoà từ lâu vẫn cho rằng, chính quyền Biden dung túng cho Iran qua việc tái đàm phán hiệp ước về cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân của nước này và chấp nhận tháo khoán khoản tiền bán dầu $6 tỷ của Iran bị phong toả ở nước ngoài – một thỏa thuận ký kết dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc chiến tại Gaza, đảng Cộng hoà nói chính quyền Biden không có biện pháp dứt khoát, làm cho Iran và các chiến binh Hồi giáo nghĩ rằng họ có thể mặc sức tung hoành mà Hoa Kỳ sẽ không can dự.

Cuộc vận động tái tranh cử tổng thống của ông Biden đang rất gian nan khi các cuộc thăm dò ghi nhận tỷ lệ cử tri ủng hộ ông chỉ quanh quẩn ở mức 42%. Ông Biden đang đi giữa nhiều lằn đạn; ông không chỉ bị các đối thủ Cộng hoà đả kích vì cuộc khủng hoảng biên giới mà còn bị một bộ phận đảng Dân chủ phản đối vì quyết định ủng hộ tối đa chính phủ cực hữu ở Israel bất chấp cuộc khủng hoảng nhân đạo ở dải Gaza.

Bên ngoài, ông Biden không chỉ phải đối phó với những đối thủ cộm cán như Vladimir Putin hay Tập Cận Bình mà còn gặp khó với đồng minh cứng đầu như Benjamin Netanyahu. Bây giờ, với thương vong của binh sĩ Mỹ ở Trung Đông, ông Biden càng khó xử: nếu ông mạnh tay đưa quân Mỹ vào cuộc thì chiến tranh sẽ lan rộng ra toàn khu vực còn ngược lại thì uy thế nước Mỹ sẽ lung lay và khó ăn khó nói với đông đảo cử tri trong nước.

Vào cuối ngày Chủ Nhật 28 tháng Một 2024, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã có cuộc họp với các quan chức cao cấp về an ninh, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jon Finer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân tướng Charles Brown và Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril D. Haines để bàn biện pháp đối phó.

“Chúng ta có ta có một ngày tồi tệ ở Trung Đông. Chúng ta mất ba linh hồn dũng cảm trong một trận tấn công vào một trong các căn cứ của chúng ta”, sau cuộc họp, ông Biden nói với đám đông ủng hộ viên ở South Carolina; rồi ông im lặng một lát trước khi nói thêm: “Chúng ta sẽ phản ứng”.

Phản ứng của ông Biden, của Hoa Kỳ như thế nào, hãy chờ xem.


xem thêm

Biệt kích Israel bí mật tiêu diệt ba chiến binh Palestine trong cuộc đột kích bệnh viện Bờ Tây

Mỹ nói Ukraine ‘suy yếu’ không thể tiến hành tấn công chống lại Nga và phải tập trung vào phòng thủ

Những người trong Tòa Bạch Ốc khẳng định sẽ khó lặp lại kiểu thúc đẩy lớn tương tự trên tất cả các mặt trận từ năm 2023.

James KilnerNgày 27 tháng 1 năm 2024 •

lính Ukraine
Binh sĩ Ukraine ở Donbas đang chuẩn bị các vị trí phòng thủ . ẢNH : Anadolu

Các quan chức Mỹ cho biết Ukraine quá yếu để có thể tiến hành một cuộc phản công khác chống lại Nga trong năm nay và nên tập trung vào phòng thủ.

Những người trong Tòa Bạch Ốc nói với tờ Washington Post rằng cuộc phản công thất bại năm ngoái đã khiến Ukraine kiệt sức và đang định hình các kế hoạch quân sự cho năm 2024.

Một quan chức cấp cao giấu tên cho biết: “Rõ ràng là họ sẽ khó có thể cố gắng thực hiện cùng một nỗ lực lớn trên tất cả các mặt trận mà họ đã cố gắng thực hiện vào năm ngoái”.

Việc thay đổi chiến thuật diễn ra khi Joe Biden gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội do Đảng Cộng hòa thống trị phê duyệt dự luật viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine.

Chiến lược ‘Giữ, xây dựng và tấn công’

NATO đã đổ nguồn lực khổng lồ vào cuộc phản công của Ukraine vào năm ngoái nhưng kết quả rất hạn chế, với các bãi mìn dày đặc, chiến hào phức tạp và ưu thế trên không sát thương của Nga phần lớn đã kìm hãm quân đội Ukraine.

Và, mặc dù Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định Ukraine vẫn ở thế tiên phong, nhưng các binh sĩ Ukraine dọc theo chiến tuyến phía đông ở Donbas đã và đang chuẩn bị các vị trí phòng thủ, lắp đặt bẫy xe tăng và mìn cũng như củng cố hệ thống chiến hào.

Các nhà phân tích phương Tây đã mô tả đây là một phần của chiến lược “giữ, xây dựng và tấn công” nhằm câu giờ để Ukraine tiếp tục tấn công vào năm 2025.

Binh sĩ Ukraine trước tòa nhà bị phá hủy bởi cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga
Binh sĩ Ukraine trước các tòa nhà bị phá hủy bởi cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của NgaCredit : Anadolu

Các nhà phân tích Michael Kofman, Rob Lee và Dara Massicot của tờ báo viết: “Nếu năm nay được sử dụng một cách khôn ngoan, các vấn đề cốt lõi được giải quyết và những bài học đúng đắn được áp dụng từ cuộc tấn công năm 2023, Ukraine có thể thực hiện thêm một cú đánh nữa nhằm gây ra thất bại nặng nề cho lực lượng Nga”. Trang web Chiến tranh trên đá (War on the Rocks).

Vladimir Putin chưa bình luận về việc Ukraine rõ ràng chuyển sang chiến lược phòng thủ hơn, mặc dù ông được khích lệ trước thất bại trong cuộc phản công của Ukraine.

Vào thứ Bảy, ông đã tiếp đón Alexander Lukashenko, tổng thống Belarus, nhân kỷ niệm 80 năm ngày dỡ bỏ cuộc bao vây Leningrad của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

Cặp đôi này đã đặt vòng hoa tại một đài tưởng niệm mới gần St Petersburg đánh dấu tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã, lợi dụng bộ máy tuyên truyền của Putin vốn coi cuộc xâm lược Ukraine của ông là một sứ mệnh hiện sinh nhằm tiêu diệt một thế hệ Đức Quốc xã mới.

Leningrad được đổi tên thành St Petersburg sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.


Tags: ,

Comments are closed.