Thời sự Thứ Sáu 27/10/2023: *Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật chi tiêu đầu tiên *Tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson gặp TT Biden *Lý Khắc Cường  Cựu Thủ tướng TQ qua đời *Thành lập tiểu đoàn toàn người Nga chống Putin *NASA thử nghiệm drone vũ trụ *Nga tiếp phái đoàn Hamas và Iran


Võ Thái Hà tổng hợp


Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật chi tiêu đầu tiên dưới nhiệm kỳ của tân chủ tịch 

Jackson Richman – Thứ sáu, 27/10/2023 

Dự luật phân bổ ngân sách được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu theo đường hướng đảng phái với tỷ lệ 210-199. 

Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật chi tiêu đầu tiên dưới nhiệm kỳ của tân chủ tịch

Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 03/10/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times) 

Hôm 26/10, Hạ viện đã thông qua dự luật để viện trợ cho các hạng mục trong nghị trình về năng lượng và nước — dự luật đầu tiên được thông qua dưới thời tân Chủ tịch Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana). 

Dự luật phân bổ ngân sách này được thông qua theo đường hướng đảng phái, 210-199. 

Đây là dự luật phân bổ ngân sách thứ ba mà Hạ viện đã thông qua, sau các dự luật phân bổ ngân sách cho Công tác Xây dựng Quân sự-Cựu binh và Quốc phòng. 

Dự luật Phát triển Năng lượng và Nước và các Cơ quan Liên quan phân bổ 57.958 tỷ USD cho các sáng kiến ​​như vậy. Con số này ít hơn 2 tỷ USD so với những gì chính phủ Tổng thống Biden yêu cầu.

Dự luật gồm “19.114 tỷ USD để tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và cơ sở hạ tầng của quốc gia”; “1.946 tỷ USD dành cho các Lò phản ứng Hạt nhân Hải quân để trợ giúp cho hạm đội hạt nhân đang hoạt động, phát triển lò phản ứng hạt nhân tàu ngầm lớp Columbia cũng như nghiên cứu và phát triển cho các thế hệ chiến hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện tại và tương lai”; và “2.38 tỷ USD cho việc kế hoạch Không phổ biến Vũ khí hạt nhân Quốc phòng để giảm nguy cơ các quốc gia đối thủ hoặc các nhóm khủng bố có được thiết bị hạt nhân, thiết bị phát tán phóng xạ, vật liệu có thể sử dụng làm vũ khí, và kiến ​​thức chuyên môn về hạt nhân.” 

Dự luật này cũng loại bỏ 5.58 tỷ USD khỏi Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó gồm các chính sách năng lượng xanh mà các nhà phê bình cho rằng đó là thắng lợi cho Trung Quốc. 

Nhiều sửa đổi đã được bổ sung vào dự luật, gồm một sửa đổi cấm tài trợ cho Tập đoàn Khí hậu Hoa Kỳ — một hành động bác bỏ nghị trình về biến đổi khí hậu của chính phủ Tổng thống Biden. Tuy nhiên, nhiều sửa đổi khác đã bị bác bỏ, gồm cả những sửa đổi nhằm hạ mức lương của các quan chức chính quyền cao cấp, trong đó có Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm, thông qua một quy định gọi là Quy tắc Holman, cho phép Quốc hội sa thải một cách hiệu quả các quan chức bằng cách hạ lương của họ xuống chỉ còn 1 USD. 

Dân biểu Chuck Fleischmann (Cộng Hòa-Tennessee) đăng trên X, trước đây là Twitter rằng, “Dự luật Năng lượng và Nước của tôi giúp Mỹ quốc an toàn hơn, bảo đảm năng lượng hơn và tăng khả năng cạnh tranh kinh tế toàn cầu của chúng ta.” Ông Fleischmann là chủ tịch Tiểu ban Năng lượng và Nước của Ủy ban Ngân sách Hạ viện. 

Dự luật sẽ được chuyển đến Thượng viện, tuy nhiên có thể bị bác bỏ tại đây. 

Hạ viện còn chín dự luật phân bổ ngân sách nữa phải thông qua để thông qua tất cả 12 dự luật phân bổ. Ngân quỹ của chính phủ sẽ hết hạn vào ngày 17/11 sau một nghị quyết chi tiêu tạm thời kéo dài 45 ngày được thông qua vào tháng trước, để cấp ngân sách cho chính phủ ở mức hiện tại. Đây chính là lý do dẫn đến việc bãi nhiệm người tiền nhiệm của ông Johnson, Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California).

Dự luật năng lượng này không phải là dự luật đầu tiên được Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát thông qua. Đầu năm nay, Hạ viện đã thông qua một dự luật, vốn đã bị vô hiệu khi đến Thượng viện, nhằm tìm cách giúp cho Hoa Kỳ độc lập về năng lượng khi các thành viên Đảng Cộng Hòa và những người theo phái bảo tồn truyền thống đã chỉ trích chính phủ Tổng thống Biden vì không sử dụng năng lượng của Mỹ như dầu mỏ, mà thay vào đó là dựa vào các nguồn năng lượng thay thế và nhập cảng dầu từ ngoại quốc, gồm các quốc gia như Saudi Arabia và Venezuela, trong đó Venezuela đã được chính phủ nới lỏng các lệnh trừng phạt về năng lượng.

Doanh Doanh biên dịch


Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson gặp Tổng thống Biden lần đầu tiên trong cương vị mới 

Caden Pearson – Thứ sáu, 27/10/2023 

Tòa Bạch Ốc đã mời ông Johnson tới dự cuộc họp về gói tài trợ an ninh quốc gia bổ sung của tổng thống gửi tới Quốc hội. 

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson gặp Tổng thống Biden lần đầu tiên trong cương vị mới

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đang lắng nghe trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 26/10/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images) 

Hôm thứ Năm (26/10), Chủ tịch Hạ viện mới được bầu chọn Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã đến gặp Tổng thống (TT) Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc. 

Cuộc gặp diễn ra sau cuộc họp lưỡng đảng tập trung vào yêu cầu của Chính phủ gửi đến Quốc hội về việc tăng cường tài trợ cho an ninh quốc gia. 

Nói chuyện với các phóng viên sau cuộc họp đầu tiên trên cương vị tân chủ tịch Hạ viện, ông Johnson đã mô tả cuộc họp này có “hiệu quả.” 

Ông nói: “Tôi rất hài lòng về buổi nói chuyện của tôi với tổng thống.” 

Trước đó cùng ngày, tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre đã thông báo với giới báo chí rằng ông Johnson đã được mời tham gia “cuộc họp lưỡng đảng với giới lãnh đạo và các chủ tịch ủy ban liên quan cũng như các thành viên theo cao cấp.” 

Trọng tâm chính của cuộc họp này là gói tài trợ bổ sung cho an ninh quốc gia của tổng thống được gửi tới Quốc hội. 

Một yêu cầu được đệ trình hôm thứ Tư (25/10), trong đó đề nghị 56 tỷ USD tài trợ bổ sung trong nước, bao gồm các khoản phân bổ cho hoạt động cứu trợ thiên tai, chăm sóc trẻ em, truy cập Internet cho các gia đình có thu nhập thấp, an ninh quốc gia, trợ giúp năng lượng, giải quyết nạn dịch opioid, và các chương trình trợ giúp lương thực. 

Trong một yêu cầu khác được đưa ra hồi tuần trước, TT Biden cũng đã đề nghị gần 106 tỷ USD viện trợ cho Ukraine và Israel, cùng với các vấn đề an ninh quốc gia khác.

Ông Johnson tỏ ra không hào hứng với việc phân bổ thêm ngân sách từ Quốc hội để tài trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Bản tin có sự đóng góp của Associated Press.

Tuệ Minh lược dịch


Trung Quốc: Lý Khắc Cường  Cựu Thủ tướng Trung Quốc qua đời vì đau tim ở tuổi 68

BBC News – 27/10/2023

Lý Khắc Cường

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Truyền thông Trung Quốc đưa tin cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời ở tuổi 68.

Ông Lý Khắc Cường là người có quyền lực thứ hai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền cho đến khi nghỉ hưu vào năm ngoái.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông đang “nghỉ ngơi” ở Thượng Hải thì bị lên cơn đau tim bất ngờ hôm thứ Năm.

Đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết ông qua đời vào đêm thứ Sáu bất chấp “những nỗ lực hết mình” để cứu sống ông.

Ông Lý đã thăng tiến trong ĐCS Trung Quốc mặc dù không có bất kỳ cơ sở quyền lực nào, và có thời điểm thậm chí còn được đề cử vào vị trí chủ tịch nước.

Là một nhà kinh tế được đào tạo bài bản, ban đầu ông được giao quyền điều hành nền kinh tế Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho biết vào cuối sự nghiệp, ông ngày càng bị gạt ra lề khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tập hợp quyền lực xung quanh mình.

Trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình, ông trở thành quan chức hàng đầu đương nhiệm duy nhất không thuộc nhóm trung thành với Chủ tịch Tập.

Ông Lý được cho là có quan điểm thân cận với cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào, người đã bị đưa ra khỏi phòng tại Đại hội Đảng năm ngoái theo lệnh của ông Tập.

Khi được dẫn đi, ông Hồ vỗ nhẹ vào vai ông Lý Khắc Cường với một cử chỉ thân thiện và thủ tướng đã gật đầu đáp lại.

Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự tiếc thương trước cái chết của ông Lý. Một người viết rằng việc này giống như mất đi “một trụ cột trong nhà”.

Ông Lý – nhà lãnh đạo ưu tú tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh – vốn nổi tiếng là người thực dụng trong các chính sách kinh tế, tập trung vào việc giảm khoảng cách giàu nghèo và cung cấp nhà ở giá phải chăng.

Ông được nhớ đến với thành tích kinh tế mạnh mẽ nhưng thời gian cuối nhiệm kỳ của ông lại bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng không Covid ở Trung Quốc.

Trong thời điểm tồi tệ nhất, ông cho biết nền kinh tế đang chịu áp lực rất lớn và kêu gọi các quan chức lưu ý không để các lệnh hạn chế ảnh hưởng đến tăng trưởng. Ông thậm chí còn xuất hiện trước công chúng, không đeo khẩu trang, trước khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách không Covid.

Tuy nhiên, khi các quan chức phải lựa chọn giữa mệnh lệnh bảo vệ nền kinh tế của ông Lý và mệnh lệnh duy trì chính sách không Covid cực đoan của ông Tập, thì đó không phải là một lựa chọn khó khăn.

Bert Hofman, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với chương trình Newsday của BBC: “Ông ấy là một người cởi mở rất nhiệt tình, người thực sự nỗ lực đưa Trung Quốc tiến lên và tạo điều kiện đối thoại cởi mở với mọi người từ mọi tầng lớp xã hội”.

Thời gian ở Đoàn Thanh niên

Ông Lý xuất thân từ một gia đình khiêm tốn và là con trai của một quan chức địa phương. Ông sinh vào tháng 1/955 tại huyện Định Nguyên, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc.

Khi còn là một thiếu niên, ông đã chứng kiến sự hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa (1966-76) và làm việc trong vài năm với tư cách là thanh niên thành thị được gửi về các vùng nông thôn – tại một xã nông nghiệp ở huyện Fengyang, An Huy.

Sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học được khôi phục vào năm 1977, ông đăng ký vào Đại học Bắc Kinh để học luật và hoàn thành bằng thạc sĩ kinh tế vào năm 1988.

Là một người nói tiếng Anh lưu loát, ông đã giúp dịch một số tác phẩm pháp lý quan trọng từ tiếng Anh sang tiếng Trung Quốc, trong đó có The Due Process of Law của Lord Denning.

Ông học lấy bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh và luận án của ông về cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc đã giành được Giải thưởng Kinh tế Sun Yefang, giải thưởng cao nhất trong giới kinh tế.

Những năm đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của ông là hoạt động trong phong trào thanh niên của Đảng Cộng sản, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc (CCYL). Ông được bầu làm thư ký ủy ban CCYL tại Đại học Bắc Kinh năm 1982.

Tại CCYL, ông làm việc dưới quyền Hồ Cẩm Đào – người sau này trở thành chủ tịch nước Trung Quốc – sau khi được bầu vào Ban bí thư Ủy ban Trung ương CCYL năm 1983. Mười năm sau, ông Lý trở thành bí thư đầu tiên của CCYL.

Bí thư tỉnh ủy

Lý Khắc Cường

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Vào tháng 7/1998, ông Lý trở thành tỉnh trưởng trẻ nhất ở Trung Quốc khi ông nắm quyền lãnh đạo tỉnh miền trung Hà Nam.

Trong nhiệm kỳ tỉnh trưởng và bí thư tỉnh ủy của ông Lý từ năm 2002 đến năm 2004, Hà Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế đáng kể.

Nhưng ông Lý cũng phải đối mặt với những thách thức, bao gồm cả sự lây lan của virus HIV thông qua truyền máu bị nhiễm bệnh, khi ông bị cáo buộc không tiết lộ đầy đủ quy mô của vụ bê bối.

Ông được thuyên chuyển đến tỉnh miền đông bắc Liêu Ninh vào tháng 12/2004 với tư cách là bí thư đảng ủy, nơi ông giám sát việc khôi phục cơ sở công nghiệp cũ của khu vực và thiết lập vành đai kinh tế ven biển để thúc đẩy thương mại với các nước láng giềng.

Những thành công của ông ở Liêu Ninh đã giúp ông có được một vị trí trong ban lãnh đạo trung ương của đảng, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, vào tháng 10/2007. Tháng 3/2008, ông được bổ nhiệm làm phó thủ tướng.

Vào thời điểm đó, nhiều người suy đoán rằng do có mối quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lúc bấy giờ trong phe Đoàn Thanh niên, ông Lý sẽ được chuẩn bị để kế nhiệm ông Hồ.

Nhưng ông đã thua ông Tập, một ngôi sao đang lên trong phe “thái tử đảng” gồm những nhà lãnh đạo xuất thân từ gia đình các nhà cách mạng cấp cao hoặc các quan chức cấp cao.

‘Likonomics’

Ông Lý được bổ nhiệm làm thủ tướng vào tháng 3/2013 trong bối cảnh có nhiều sự phô trương.

Chính sách kinh tế cải cách cơ cấu và giảm nợ của ông, được gọi là “Likonomics”, nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào tăng trưởng dựa trên nợ và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Nhưng khả năng lãnh đạo kinh tế của ông đã suy yếu sau tháng 11/2013, khi ông Tập tự bổ nhiệm mình làm người đứng đầu Nhóm lãnh đạo cải cách sâu sắc toàn diện, một trong nhiều nhóm do ông Tập thành lập để củng cố quyền lực của ông trong đảng.

Đến năm 2016, các bài báo trên cơ quan ngôn luận của đảng là Nhân dân Nhật báo đã bỏ “Likonomics”, nhằm ủng hộ tư tưởng kinh tế của ông Tập, trong đó nhấn mạnh cải cách kinh tế vi mô và ủng hộ những thay đổi về cung ứng.

Vào tháng 3/2018,ông Lý tái đắc cử thủ tướng nhiệm kỳ năm năm lần thứ hai, nhưng nhiệm vụ quản lý kinh tế được giao cho Phó Thủ tướng mới được bổ nhiệm Lưu Hạc, một nhà kinh tế học tốt nghiệp Harvard.

Ông Lý rõ ràng đã vắng mặt tại một hội nghị chuyên đề do Chủ tịch Tập triệu tập vào tháng 8/2020 để chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế và các lãnh đạo cấp cao của đảng.

Ông Lý đã thôi giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất của đảng trong cùng kỳ Đại hội đó. Ông đã nghỉ hưu với tư cách thủ tướng trong năm nay.

Không có nhiều thông tin về cuộc sống cá nhân của ông Lý.

Ông kết hôn với bà Trịnh Hồng, một giáo sư chuyên ngành giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, họ gặp nhau khi cùng học tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng và có một con gái.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cgl3m4vmke2o


Kyiv xác nhận thành lập tiểu đoàn toàn người Nga muốn chống Putin

Liên Thành 

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/10/anh-man-hinh-2023-10-26-luc-133245.png

Ảnh minh họa: AFP. 

Lực lượng vũ trang Ukraina xác nhận, đã thành lập một tiểu đoàn gồm toàn công dân Nga muốn chống lại chế độ của Tổng thống Vladimir Putin.

Hôm 25/10, Andriy Yusov, đại diện cơ quan tình báo quốc phòng Ukraina cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận thông tin về việc thành lập tiểu đoàn Siberia, hoạt động trong hàng ngũ Quân đoàn Quốc tế của Lực lượng Vũ trang Ukraina”.

Không giống như các nhóm tình nguyện như Quân đoàn Tự do Nga, vốn chỉ đơn giản tuyên bố ủng hộ Ukraina, tiểu đoàn Siberia là một phần của quân đội Ukraina chính quy, và dự kiến ​​sẽ sớm tham chiến.

Ông Yusov cho biết, đây mới chỉ là khởi đầu và Ukraina sẽ tiếp tục tuyển dụng công dân Nga vào các tiểu đoàn tương tự để chống lại sự áp bức của đế quốc Nga.


Người Palestine ở Gaza đeo vòng tay ID để thân nhân nhận diện sau khi chết

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/palestine261023.jpg

Sau các đợt ném bom oanh tạc của Israel, cư dân Palestine ở Gaza cho biết họ đang chôn những người chết không xác định được danh tính trong các ngôi mộ tập thể. Hiện tại, một số gia đình đang sử dụng vòng tay ID với hy vọng nhận diện được người thân nếu họ thiệt mạng.

Israel đang tiến hành các cuộc không kích trả đũa sau khi tổ chức khủng bố Hamas điên cuồng tấn công các thị trấn của nước này vào ngày 7/10 khiến 1.400 người thiệt mạng và hàng trăm con tin bị bắt.

Ông Ali El-Daba, 40 tuổi, chia sẻ rằng ông đã nhìn thấy các thi thể bị nổ tung bởi vụ đánh bom và không còn nhận dạng được. Ông đã quyết định phân tán các thành viên trong gia đình, đề phòng việc tất cả cùng chết trong một cuộc tấn công. Vợ ông, bà Lina, 42 tuổi, cùng 2 người con trai và 2 con gái của họ sống tại thành phố Gaza ở phía bắc, còn ông cùng 3 người con khác chuyển đến Khan Younis ở phía nam.

Ông El-Daba cho biết bản thân đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Ông mua những chiếc vòng tay bằng dây màu xanh cho các thành viên trong gia đình và buộc chúng quanh hai cổ tay. Ông chia sẻ: “Nếu có chuyện gì xảy đến, bằng cách này tôi sẽ nhận ra họ.”

Các gia đình người Palestine khác cũng mua hoặc tự làm vòng tay cho con cái họ, hoặc viết tên chúng lên cánh tay.

Chôn cất tập thể

Việc mai táng tập thể đã được các giáo sĩ Hồi giáo địa phương cho phép. Trước khi chôn cất, các bác sĩ sẽ giữ lại những bức ảnh và mẫu máu của người chết, đồng thời cấp số hiệu cho họ.

Quân đội Israel đã yêu cầu người dân rời khỏi phía bắc Dải Gaza, một trong những khu vực đông dân nhất thế giới, và di chuyển về phía nam vì nơi đây an toàn hơn. Tuy nhiên, các cuộc không kích đã tấn công xuyên suốt toàn khu vực Gaza do Hamas kiểm soát.

Một phát ngôn viên của quân đội Israel lên tiếng: “IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel) đã khuyến khích người dân ở phía bắc Dải Gaza di chuyển về phía nam và không ở gần các mục tiêu khủng bố Hamas tại Thành phố Gaza.”

“Nhưng cuối cùng, Hamas đã cố thủ trong dân chúng trên khắp Dải Gaza. Do đó, bất cứ khi nào mục tiêu Hamas xuất hiện, IDF sẽ tấn công nhằm ngăn chặn khả năng khủng bố của nhóm này, đồng thời thực hiện các biện pháp đề phòng khả thi để giảm thiểu thiệt hại cho những người dân không liên quan.”

Quân đội Israel đã tăng cường ném bom miền nam Gaza trong đêm. Các nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi ngừng giao tranh để cho phép viện trợ được vào khu vực vốn đang cạn kiệt nước, lương thực, nhiên liệu và dược liệu này.

Bộ Y tế Gaza thống kê tổng cộng 756 người Palestine, trong đó có 344 trẻ em, đã thiệt mạng trong 24 giờ qua. Theo tổ chức này, ít nhất 6.546 người Palestine đã chết do các cuộc ném bom của Israel kể từ ngày 7/10, trong đó có 2.704 trẻ em.

Vy An (Theo Reuters)


Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson ủng hộ mạnh mẽ điều tra luận tội TT Biden

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/chutichhavien.jpg

Ngày 25/10/2023, Dân biểu Mike Johnson bang Louisiana trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ. (Ảnh minh hoạ: Lev radin/ Shutterstock) 

Chủ tịch Hạ viện mới đắc cử Mike Johnson (Đảng Cộng hoà, Louisiana) là người ủng hộ mạnh mẽ cuộc điều tra luận tội của Hạ viện đối với Tổng thống Joe Biden vì liên quan đến công việc kinh doanh của gia đình Biden.

Trong bài phát biểu tại Hạ viện vào tháng Chín, ông Johnson đã trình bày một cách hùng hồn ba lý do biện giải cho cuộc điều tra do cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Đảng Cộng hoà, California) đưa ra ban đầu:

“Có ba sự thật không thể chối cãi đã đưa chúng ta đến điểm này: Thứ nhất, Tổng thống Biden đã nói dối trực tiếp người dân Mỹ. Thứ hai, gia đình Tổng thống Biden và các cộng sự của họ đã kiếm được hàng triệu USD thông qua các công ty vỏ bọc. Thứ ba, các cơ quan liên bang của Tổng thống Biden đang cản trở cuộc điều tra quốc hội hợp pháp của chúng ta.”

Ông Johnson, người từng giữ chức phó chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa Hạ viện và Ủy ban Tư pháp Hạ viện, lưu ý rằng những sự thật đó “chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.

Ông nói: “Có rất nhiều vụ bê bối; có quá nhiều hành vi tham nhũng đã được phát hiện. Mỗi bằng chứng dẫn đến sự tham nhũng ngày càng nhiều hơn. Và vì điều đó, thưa ngài Chủ tịch, rất nhiều người dân Mỹ đơn giản là đang lạc lối trong hàng loạt bằng chứng, trong hàng loạt cáo buộc tham nhũng của những bằng chứng đó.”

Sau khi xác định những điểm mấu chốt trong cuộc điều tra, ông Johnson cũng chỉ trích giới truyền thông vì đã che đậy vụ bê bối. “Và đúng như dự đoán, D.C. và giới báo chí quốc gia đã mù quáng chấp nhận sự xoay chuyển của Nhà Trắng, họ đang cố gắng thuyết phục người dân Mỹ rằng cuộc điều tra của chúng tôi, thậm chí cuộc điều tra luận tội, là bất hợp pháp”. Sau đó, Dân biểu Mike Johnson chế nhạo một số tiêu đề được viết bởi các cơ quan truyền thông được biết là uy tín viết về vụ bê bối.

CNN viết, “Cuộc điều tra luận tội dễ đoán nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”. Reuters viết, “Ông McCarthy mở cuộc điều tra luận tội ‘vô lý’ tổng thống Biden”. MSNBC viết, “Cuộc điều tra luận tội Biden của McCarthy là cuộc điều tra ức chế Benghazi”. Những tiêu đề này tăng lên dần. Chúng tôi biết điều gì sắp xảy ra.

Chúng ta biết rằng họ đang chống lại chúng ta, chống lại người dân Mỹ, trong trường hợp này là vì Nhà Trắng. Họ thuộc phe [Nhà Trắng].

Gần đây nhất, ông Johnson thu hút sự chú ý đến diễn biến mới nhất của cuộc điều tra. Dân biểu này chỉ trích ông Joe Biden vì đã nhận tấm séc 200.000 USD từ ông James Biden, người tuyên bố rằng số tiền này không nằm trong thỏa thuận kinh doanh với anh trai mình.

“Ông Joe Biden đã nhận được khoản thanh toán 200 nghìn đô la từ em trai James – đối tác kinh doanh của Hunter Biden. Người bạn của tôi Dân diểu James Comer đang thực hiện các bước tiếp theo để buộc Tổng thống phải chịu trách nhiệm về kế hoạch rao bán ảnh hưởng của ông ấy”, ông Johnson nói. “Không ai có thể thoát khỏi điều này – đặc biệt là một Tổng thống.”

Ông Johnson cũng có cơ hội thẩm vấn Tổng chưởng lý Merrick Garland vào tháng Chín về những người tố cáo của Sở Thuế vụ (IRS). Những người tố cáo này cho rằng những người được bổ nhiệm chính trị đã gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về ông Hunter Biden. “Liệu những người tố cáo đang nói dối chúng ta dưới lời thề của họ – họ đang nói dối sao?” Dân biểu Mike Johnson (Đảng Cộng hoà, Louisiana) đã chất vấn Tổng chưởng lý Merrick Garland.

Ông Garland trả lời: “Họ mô tả về quy trình, thưa Nghị sĩ, đó là ý kiến, không phải là một câu hỏi thực tế”.

Ông Johnson hỏi ông Garland: “Ông có liên hệ cá nhân với bất kỳ ai tại trụ sở FBI về cuộc điều tra ông Hunter Biden không?”

Ông Garland trả lời: “Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi đó, nhưng FBI làm việc cho Bộ Tư pháp”.

Ông Johnson ngắt lời: “Tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi! Ông không nhớ sao? Ông không nhớ mình đã nói chuyện với ai ở trụ sở FBI về cuộc điều tra con trai tổng thống?”

“Tôi không nghĩ mình có câu trả lời”, ông Garland khẳng định câu trả lời. “Tôi đã hứa với Thượng viện và xác nhận rằng tôi sẽ để ông Weiss vào vị trí mà tôi sẽ không can thiệp cuộc điều tra của ông ấy”.

Trong số các cáo buộc, những người tố cáo của IRS cáo buộc công tố viên của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ Lesley Wolf đã từ chối cho phép các nhà điều tra hỏi về việc liệu ông Joe Biden có phải là “ông lớn”. Bộ Tư pháp đã hai lần ngăn cản biện lý đặc biệt David Weiss đưa ra các cáo buộc mạnh mẽ hơn chống lại ông Hunter Biden và việc Sở Thuế vụ đề xuất các cáo buộc chống lại ông Hunter Biden nhưng không được ông Garland chấp thuận.

Anh Nguyễn


NASA tiến hành thử nghiệm loại drone vũ trụ trang bị 8 cánh quạt

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/dronekhonggian.jpg

Mô phỏng drone Dragonfly. (Ảnh: NASA) 

Nguyên mẫu Dragonfly, drone lớn tương đương ô tô và dự kiến phóng tới mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, vừa hoàn thành các thử nghiệm trong hầm gió, theo tờ Interesting Engineering.

Với 63 chuyến bay khám phá sao Hỏa, trực thăng Ingenuity của NASA cực kỳ thành công, vượt xa các mục tiêu nhiệm vụ ban đầu. NASA đã học được nhiều kinh nghiệm từ chiếc máy bay đầu tiên này và áp dụng cho một phương tiện lớn hơn nhắm đến Titan – mặt trăng lớn nhất của sao Thổ.

Drone Dragonfly trang bị 8 cánh quạt, kích thước tương đương một chiếc ô tô nhỏ. Nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng (APL) thuộc Đại học Johns Hopkins, bang Maryland, thực hiện thí nghiệm với nguyên mẫu drone bằng nửa kích thước thật và chia sẻ video trên Internet.

Dragonfly sẽ là nhiệm vụ đầu tiên của NASA nhắm đến bề mặt của một thế giới đại dương khác. Tương tự Trái Đất, Titan có một hệ thống thời tiết, sông hồ và biển trên bề mặt. Nhưng khác với hành tinh xanh, các dòng chảy trên Titan chứa methane lỏng thay vì nước. Dù vậy, giới khoa học vẫn tin rằng mặt trăng này có thể chứa sự sống ngoài hành tinh.

Mẫu drone mới sẽ nghiên cứu bề mặt Titan, nơi con người mới chỉ nắm được rất ít thông tin. Một lợi thế của phương tiện này so với Ingenuity là Titan có khí quyển dày hơn đáng kể so với sao Hỏa, nghĩa là nó sẽ bay dễ dàng hơn. Titan cũng có lực hấp dẫn nhỏ hơn, nên việc duy trì trạng thái lơ lửng trên không cũng bớt khó khăn.

Những thử nghiệm mới được tiến hành trong các hầm gió của Trung tâm Nghiên cứu Langley thuộc NASA ở Hampton, bang Virginia. Nhóm phụ trách đã thử nghiệm Dragonfly ở hai cấu hình khác nhau để kiểm tra quá trình hạ cánh và chuyển đổi sang bay.

“Chúng tôi đã kiểm tra các điều kiện trong phạm vi chuyến bay dự kiến ở nhiều tốc độ gió, tốc độ rotor và góc bay để đánh giá hiệu suất khí động học của phương tiện. Chúng tôi đã hoàn thành hơn 700 lượt thử nghiệm, bao gồm hơn 4.000 điểm dữ liệu riêng lẻ. Toàn bộ mục tiêu thử nghiệm đều đã đạt được và dữ liệu sẽ giúp tăng độ tin cậy cho các mô hình mô phỏng trên Trái Đất trước khi mở rộng sang các điều kiện trên Titan”, trưởng nhóm thử nghiệm Bernadine Juliano cho biết.

Dragonfly dự kiến phóng lên không gian vào năm 2027. Nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, nó sẽ tới Titan vào năm 2034.

Phan Anh


Quan điểm lưỡng đảng Mỹ trước vấn đề Israel

Khi Donald Trump chỉ trích thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7 tháng 10, một điều bất thường đã xảy ra: tất cả các đối thủ của ông trong cuộc đua cho đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa đều không đồng ý với ông. Điều đặc biệt hơn nữa là ông đã thay đổi quan điểm. Ông Trump sẽ phát biểu cùng với các đối thủ của mình tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo của Liên minh Do Thái Cộng hòa, khai mạc vào thứ Sáu. Ông chắc chắn sẽ muốn chuẩn bị rất cẩn thận cho giọng điệu của mình. Đảng Cộng hòa, đù đang chia rẽ, dường như đã tìm thấy sự thống nhất trong việc ủng hộ Israel.

Nhưng đảng Dân chủ thì không. Quan điểm kiên quyết ủng hộ Israel của tổng thống Joe Biden ban đầu được đảng của ông hoan nghênh — và hầu hết vẫn ủng hộ quan điểm đó. Nhưng chiến dịch ném bom tăng cường của Israel ở Gaza đã khiến cho phe cấp tiến trong Quốc hội tức giận. Họ kêu gọi Israel chấm dứt phong tỏa thực phẩm, nước uống và nhiên liệu vào Gaza. Một số hạ nghị sĩ thậm chí ủng hộ ngừng bắn. Trước áp lực đó, ông Biden đã yêu cầu Israel bảo vệ thường dân Gaza. Với một chiến dịch bộ binh sắp tới đây của Israel, ông Biden sẽ càng phải tìm ra cách xoa dịu phe cấp tiến.


Các tập đoàn dầu mỏ Mỹ chuyển hướng chiến lược

Hai gã khổng lồ dầu mỏ Mỹ ExxonMobil và Chevron sẽ báo cáo thu nhập quý vào thứ Sáu. Tâm trạng chung của ngành lúc này là ảm đạm. Hôm thứ Ba, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Bất chấp chiến sự ở Trung Đông, giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu tăng vọt. Do đó kết quả kinh doanh của các công ty dầu sẽ không thể bằng mức lợi nhuận kỷ lục của năm ngoái.

Nhưng có hai thương vụ khiến nhà đầu tư phấn khích. ExxonMobil đang mua lại Pioneer Natural Resources với giá 60 tỷ USD, qua đó đưa tập đoàn dầu mỏ lớn này trở thành nhà sản xuất lớn nhất trong lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ. Trong khi đó Chevron cũng chi 53 tỷ USD để mua Hess, công ty có cổ phần tại Guyana, nhà sản xuất dầu mới hứa hẹn nhất thế giới.

Các thỏa thuận trên giúp các công ty có được sự chuẩn bị tốt cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Đó là bởi vì chúng liên quan đến dầu “chu kỳ ngắn,” vốn có thể được đưa vào và đưa ra khỏi thị trường một cách nhanh chóng và tương đối rẻ. Không như những nỗ lực thăm dò dầu truyền thống, những dự án như vậy không làm giam vốn trong một thập niên hoặc hơn.


Twitter sau một năm trong tay Musk

Elon Musk đã nói vào năm ngoái trước khi mua Twitter rằng: “Đây không phải là để kiếm tiền.” Ông đã đúng. Trong năm đầu tiên thuộc sở hữu của Musk, mạng xã hội mà ông đổi tên thành X đã teo lại đáng kể. Các nhà quảng cáo lớn cắt giảm chi tiêu, và có chưa đến 1% người dùng đăng ký gói 8 USD mỗi tháng. Để cắt giảm chi phí, ông Musk đã sa thải 80% nhân viên.

Người giàu nhất thế giới có thể đã chọn làm điều tốt hơn là kiếm lợi nhuận. Nhưng ông cũng làm cho X trở nên tồi tệ hơn. Huy hiệu “Đã xác minh” (tích xanh) có thể gây nhầm lẫn vì nó hiển thị cho bất kỳ người đăng ký trả phí nào. Bài đăng của người có đăng ký thuê bao được ưu tiên, làm lấn át nội dung tốt hơn. Các bài đăng có nhiều người xem sẽ được nhận một phần doanh thu quảng cáo, dẫn đến việc clickbait được khuyến khích. Đội ngũ nhân viên chủ chốt của X gặp khó khăn khi chống thông tin sai lệch. Ông Musk bác bỏ những lời chỉ trích từ truyền thông chính thống. Nhưng khách hàng dường như đồng ý với những lời chỉ trích: số lượng người dùng hàng ngày đã giảm 13% trong năm qua.


Malaysia sắp có vua mới

Vào thứ Sáu, chín vị vua của Malaysia sẽ gặp nhau để chọn ra một vị vua mới từ trong số họ. Kể từ năm 1957, nước này đã tuân theo một quy trình đặc biệt để bầu ra nguyên thủ quốc gia. Tại 9 trong số 13 bang của Malaysia, các sultan (vua Hồi giáo) là người đứng đầu chính phủ trên danh nghĩa, và họ thay phiên nhau làm vua Malaysia theo nhiệm kỳ 5 năm.

Ứng cử viên sáng giá nhất là Sultan Ibrahim Sultan Iskandar đến từ bang Johor miền nam. Công việc của nhà vua chủ yếu mang tính nghi lễ. Nhưng biến động chính trị đã khiến các quốc vương Malaysia bận rộn trong những năm gần đây. Người đương nhiệm, Sultan Abdullah, đã bổ nhiệm ba thủ tướng kể từ năm 2019 — bao gồm Anwar Ibrahim, thủ tướng hiện tại, người từng được vị vua tiền nhiệm ân xá vì tội kê gian và tham nhũng.

Người Mã Lai lớn tuổi và ở nông thôn rất coi trọng hoàng gia. Họ có thể đã thất vọng với vị vua tiền nhiệm, Sultan Muhammad V, người thoái vị vào năm 2019 sau khi kết hôn với một hoa hậu Nga. Nhiều người cho rằng chuyện tình cảm của ông khiến nhiều người ở đất nước bảo thủ này không hài lòng.


Đài Loan theo dõi nhóm tàu ​​sân bay Trung Quốc ở Thái Bình Dương 

26/10/2023 – Reuters 

Tàu Sơn Đông của Trung Quốc.

Tàu Sơn Đông của Trung Quốc. 

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết quân đội Đài Loan hôm 26/10 đã phái các lực lượng theo dõi đội tàu hải quân Trung Quốc do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu đi qua phía nam hòn đảo và tiến vào phía tây Thái Bình Dương, theo Reuters.

Tàu Sơn Đông đã tham gia các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan vào tháng 4, hoạt động ở phía tây Thái Bình Dương. Tàu này cũng đi qua eo biển Đài Loan vào tháng 6 và tháng trước cũng tiến hành các cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng đội tàu do tàu Sơn Đông dẫn đầu đã “đi qua eo biển Bashi và đi vào phía tây Thái Bình Dương”, mặc dù không cho biết có bao nhiêu tàu.

Bộ này cho biết thêm rằng quân đội đã triển khai lực lượng “thích hợp” để theo dõi mà không nêu chi tiết.

Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã phát hiện 15 máy bay quân sự Trung Quốc đi vào vùng phòng không của Đài Loan.

Bộ này cho biết các máy bay này bao gồm máy bay ném bom H-6, máy bay chiến đấu J-16 và máy bay không người lái, đang hộ tống các tàu chiến Trung Quốc thực hiện “các cuộc tuần tra sẵn sàng phối hợp tác chiến”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời các cuộc điện thoại yêu cầu bình luận ngoài giờ hành chính.

Trung Quốc, nước chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát của mình, vừa qua đã tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan, đáp trả điều mà họ gọi là “sự thông đồng” giữa Đài Loan với Hoa Kỳ.


Nga tiếp phái đoàn của Hamas và Iran thảo luận về tình hình Gaza

Thu Hằng /RFI – 27/10/2023

Nga thông báo đã thảo luận với đại diện của Hamas và Iran tại Matxcơva ngày 26/10/2023. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova khẳng định « các đại diện của phong trào Hồi Giáo Palestine (Hamas) đã có mặt ở Matxcơva », do Mussa Abu Marzuk dẫn đầu. Còn thứ trưởng Ngoại Giao Iran Ali Bagheri Kan đã hội đàm với đồng nhiệm Nga Mikhail Bogdanov về « tình trạng leo thang căng thẳng chưa từng có trong cuộc xung đột Israel-Palestine »

Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Mikhail Bogdanov tại Matxcơva, Nga, ngày 10/07/2023.

Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Mikhail Bogdanov tại Matxcơva, Nga, ngày 10/07/2023. AP – Natalia Kolesnikova 

Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tường trình từ Matxcơva :

« Truyền thông chính thức Nga rất kín tiếng, không nói một từ nào về những chủ đề được đề cập với nhà ngoại giao Iran. Không một thông tin chính thức nào trên lịch làm việc, cũng như nội dung, được công bố. Thông báo này chỉ được các hãng thông tấn Nga đưa ra. Một nguồn tin chính thức cho biết là cuộc thảo luận tập trung vào vấn đề các con tin đang bị tổ chức Hồi Giáo Palestine bắt giữ.

Thứ trưởng Ngoại Giao kiêm đặc sứ của điện Kremlin về vấn đề Cận Đông từng thông báo cách đây hai tuần rằng « vấn đề này cần hoạt động ngoại giao kín đáo hơn là những tuyên bố rầm rộ ». 

Từ vài ngày nay, báo chí tại Nga nhắc đến việc chính quyền nghiêm khắc đối với Hamas, phong trào mà Kremlin không coi là khủng bố. Thứ Ba vừa qua (24/10), khi được hỏi về vấn đề con tin hiện nằm trong tay Hamas, người phát ngôn của điện Kremlin đã kêu gọi trả tự do cho họ ngay lập tức mà không phân biệt quốc tịch ». Ông Dmitri Peskov nhấn mạnh : « Đó là lập trường kiên quyết của chúng tôi » ».

Israel cáo buộc Nga tiếp tay cho Hamas 

Một nguồn tin ngoại giao Nga, được AFP trích dẫn, cho biết « Matxcơva và Teheran duy trì phối hợp chặt chẽ nhằm bình ổn tình hình ở Cận Đông » và nhắc lại « cần chấm dứt hoạt động thù nghịch bên trong và xung quanh dải Gaza, khẩn trương cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine bị tác động ».

Phía Israel đã kịch liệt lên án Matxcơva tiếp phái đoàn Hamas, coi đó là « một hành động thô bỉ, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và hợp pháp hóa Hamas ». Lực lượng Hồi Giáo Palestine vẫn bị Israel cáo buộc là « tổ chức khủng bố kinh khủng hơn cả Daesh ». Trong thông điệp ngày 27/10 gửi đến điện Kremlin, được thông tín viên RFI tại Jerusalem trích dẫn, bộ Ngoại Giao Israel nhắc lại rằng những nhà lãnh đạo Hamas đó « nhúng tay » bắt cóc 220 con tin, trong đó có nhiều trẻ em và người cao tuổi.


Tags: , ,

Comments are closed.