Thời sự Việt Nam ngày 31/01/2022


31/01/2022

VN bỏ yêu cầu xét nghiệm nhanh Covid tại sân bay, Tân Sơn Nhất ghi nhận số khách kỷ lục 

Việc bãi bỏ các quy định phòng dịch khắt khe vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán góp phần làm gia tăng lượng hành khách tại các sân bay ở Việt Nam.

Việc bãi bỏ các quy định phòng dịch khắt khe vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán góp phần làm gia tăng lượng hành khách tại các sân bay ở Việt Nam. 

Hành khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam từ nay sẽ không cần phải xét nghiệm nhanh Covid-19 khi lên hoặc xuống máy bay, Văn phòng chính phủ Việt Nam vừa đưa ra thông báo theo chỉ thị của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vào ngày 28/1.

Theo đó, hành khách trên các chuyến bay quốc tế chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 theo quy định. Những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ phải cách ly tại nơi ở hoặc tại khách sạn trong ba ngày. Còn những người chưa tiêm chủng đầy đủ sẽ phải cách ly trong bảy ngày.

Nhân viên của tổ bay cũng không còn phải xét nghiệm COVID-19 trước mỗi chuyến bay.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Việt Nam cũng chuẩn thuận đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, cho phép tăng tần suất chuyến bay thương mại đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu và Australia để đáp ứng nhu cầu về nước của người Việt ở nước ngoài nhân dịp Tết Nguyên đán. 

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải nói tình hình đại dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay về cơ bản đã được kiểm soát trên toàn quốc và tỷ lệ tiêm phòng đạt cao. Vì vậy, Bộ này đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam chủ động điều chỉnh tần suất bay đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hôm 28/1, báo chí Việt Nam dẫn thông tin từ Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết sân bay Tân Sơn Nhất trong cùng ngày ghi nhận số hành khách đông nhất từ trước tới nay trong giai đoạn cận Tết, với 743 chuyến bay vận chuyển khoảng 72.000 người.

Ngày trước đó, 27/1, sân bay Tân Sơn Nhất có 706 chuyến bay với khoảng 65.300 khách.

Ngoài yếu tố về thời gian (Tết Nguyên Đán), việc Bộ Giao thông Vận tải bỏ quy định xét nghiệm với tất cả khách từ vùng 3 (vùng cam) trở xuống và Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không cách ly người về quê được cho là những nguyên nhân góp phần làm cho số lượng hành khách tăng mạnh tại các phi trường.

Công ty Thái Lan mua thêm hai nhà máy điện mặt trời tổng công suất 50MW của Việt Nam

Công ty Thái Lan mua thêm hai nhà máy điện mặt trời tổng công suất 50MW của Việt Nam

Một dự án nhà máy điện mặt trời. (Ảnh minh họa) /AFP 

Một công ty năng lượng của Thái Lan đã quyết định mua lại 100% cổ phần tại hai nhà máy điện mặt trời của Việt Nam với tổng công suất 50MW, ước trị giá gần 27 triệu đô la Mỹ. Tờ Phnom Penh Post loan tin trên trong ngày 31/1 trích dẫn nguồn tin từ công ty năng lượng Banpu Plc của Thái Lan.

Theo đó, Công ty năng lượng Banpu Plc sẽ chi 26,7 triệu đô la để mua lại cổ phần tại nhà máy điện Mặt trời Chư Ngọc có công suất 15MW ở tỉnh Gia Lai và trang trại quang điện Nhơn Hải có công suất 35 MW ở tỉnh Ninh Thuận của Việt Nam.

Nhà máy điện Mặt Trời Chư Ngọc, bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2019. Trong khi đó, Trang trại quang điện Nhơn Hải, bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 7/2020.

Công ty Banpu- có trụ sở tại Thái Lan cho biết theo hợp đồng mua điện trong 20 năm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, điện từ hai trang trại năng lượng Mặt Trời nói trên được bán với biểu giá 0,0935 USD/kWh.

Theo thỏa thuận, việc mua cổ phần được thực hiện thông qua BRE Singapore Pte, một công ty con của Banpu và chi nhánh công nghệ năng lượng Banpu Next Co.

Giao dịch này được biết sẽ hoàn tất trong quý hai năm nay.

Kirana Limpaphayom, Giám đốc điều hành của Banpu Plc, được tờ Bangkok Post dẫn lời cho rằng việc mua thêm hai nhà máy năng lượng Mặt Trời mới này diễn ra sau khi Banpu sở hữu trang trại năng lượng Mặt Trời đầu tiên tại Việt Nam là nhà máy điện Mặt Trời Hà Tĩnh đặt tại tỉnh Hà Tĩnh với công suất 50MW với giá 23,9 triệu đô la.

Đại diện của Banpu cũng cho biết việc mua lại công ty năng lượng Hà Tĩnh sẽ được hoàn tất vào quý đầu tiên của năm 2022.

Vào giữa năm 2018, Việt Nam đã khởi công nhà máy điện mặt trời Dầu tiếng 1 và Dầu tiếng 2 tại tỉnh Tây Ninh. Đây được coi là Dự án Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và cả Châu Á do Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xuân Cầu của Việt Nam và đối tác Thái Lan- Công ty TNHH B. Grimn Power Public ký kết tại Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế lần thứ 8 diễn ra tại Thái Lan.

Một linh mục Công giáo ở Kon Tum bị chém chết khi đang giải tội

Một linh mục Công giáo ở Kon Tum bị chém chết khi đang giải tội

Thánh lễ cho linh mục Công giáo Giuse Trần Ngọc Thanh ở Kon Tum /Facebook 

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh thuộc giáo phận Kon Tum vào ngày 29/1 bị một kẻ lạ chém dẫn đến tử vong. Vụ tấn công diễn ra khi vị linh mục đang ngồi tòa giải tội cho tín hữu. Hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền giáo Vatican loan tin vừa nêu ngày 31/1.

Cụ thể, tin nói Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, thuộc Dòng Đa Minh phục vụ tại Giáo phận Kom Tum, bị tấn công bằng dao.

Ngoài Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh bị chém còn một thầy chạy đến hiện trường cũng bị hung thủ chém gây thương tích. Linh mục Thanh sau khi bị chém được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi và mất vào lúc 11:30 phút giờ địa phương trong cùng ngày.

Nơi xảy ra vụ việc được cho biết là ở Nhà thờ Dak Mốt, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, cách thành phố Kon Tum 40 km về phía bắc.

Tin cho biết công an địa phương đã bắt giữ kẻ tấn công và cho rằng người đó bị ‘tâm thần’.

Cộng đồng tín hữu được mô tả hết sức sửng sốt về vụ linh mục bị chém đến tử vong. Vụ việc xảy ra ngay khi họ đang chuẩn bị các nghi thức tôn giáo để đón tết âm lịch.

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh sinh ngày 10/8/1981 ở Sài Gòn. Ông được thụ phong linh mục vào ngày 4/8/2018. Thánh lễ an táng vị linh mục không may được cho biết diễn ra ngày 31/1 tại Tu viện Thánh Martin ở Hố Nai, Đồng Nai.

Đây là vụ mới nhất về việc một linh mục bị tấn công tại giáo phận Kon Tum. Truyền thông trong nước hồi ngày 23/4/2021 loan tin linh mục Trần Quang Truyền, 70 tuổi, chánh xứ An Khê bị một kẻ xông vào nhà thờ đâm thủng bụng. Hung thủ sau đó chạy đi mua xăng đến đốt nhà thờ. Tuy nhiên âm mưu của hung thủ bất thành và y bị lực lượng chức năng địa phương bắt giữ.

Tuy nhiên đến nay không rõ biện pháp xử lý hung thủ được thực hiện đến đâu.

Đình chỉ điều tra vụ Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng bị cho làm lây lan COVID-19

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/suspension-of-investigation-of-the-alleged-covid-19-spreading-by-revical-ekklesia-mission-church-01312022063028.html/@@images/image

Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở TPHCM /FB Manh Dang 

Cơ quan Cảnh sát điều tra quận Gò Vấp hôm 30/1 gửi cho luật sư Đặng Đình Mạnh “Thông báo về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự” đối với vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Quyết định này được Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra quận Gò Vấp ký ngày 29/1, với nội dung tạm đình chỉ điều tra vụ án do “Hết thời hạn điều tra vụ án hình sự nhưng chưa xác định được bị can thực hiện hành vi phạm tội”. 

Luật sư Mạnh viết trên trang Facebook cá nhân rằng tuy chỉ là quyết định tạm đình chỉ điều tra, mà về phương diện pháp lý vẫn có thể phục hồi điều tra khi lý do tạm đình chỉ không còn nữa. Nhưng xem ra, đây là cách khép lại vụ án.

Trao đổi với RFA ngày 30/1, Mục sư của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng – Võ Hồng Loan nói bà rất vui khi nhận được thông báo này:

“Đương nhiên tôi và các anh em trong hội thánh mừng lắm. Bởi vì mình bị cấm không được được nhóm lại cũng nửa năm rồi. Khi thấy các hội thánh khác đã lục đục nhóm lại để thờ phượng Chúa, còn mình thì chưa được thì mình cũng có cảm giác như mình là tội nhân tù nhân vậy đó.”

Mục sư Loan cho biết, trong suốt khoảng tám tháng kể từ khi bị khởi tố vụ án, bà cùng với Hội thánh bị tổn thương rất nhiều về mặt tinh thần và bị mất tự do cá nhân vì bị Chính quyền, báo chí Nhà nước lên án, chụp mũ, xúc phạm nặng nề. Đến giờ, khi vụ án đã đình chỉ điều tra, bà Loan cho rằng tất cả những cá nhân, tổ chức đó nợ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng lời xin lỗi:

“Trên lăng kính xã hội thì tôi thấy rằng Nhà nước nợ chúng tôi một lời xin lỗi. Tại vì sao nói những lời không đúng về chúng tôi, tạo một cái luồng sóng dư luận để họ chửi bới, nhục mạ, xúc phạm đến danh dự, chức vụ và xúc phạm đến tất cả các tín hữu trong hội thánh. 

Đáng lẽ ra nếu họ là những nhà báo có tâm thì họ phải viết lại những bài báo trước đây là thông tin không đúng, thì đó mới là những tờ báo có lương tâm, báo thật.”

Ngày 29/5/2021, khi dịch COVID-19 lây lan nhanh trong cộng đồng ở TPHCM, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Gò Vấp ra quyết định khởi tố Hội thánh truyền giáo Phục Hưng về tội “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” với cáo buộc không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh, dẫn đến lây lan dịch bệnh cho nhiều người.

Mạng báo Thanh Niên dẫn lời Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TPHCM, ông Ngô Minh Châu cho biết, chùm lây lan từ điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã trở thành ổ dịch lớn, đây là vụ việc nghiêm trọng, nhiều người dân bức xúc về vấn đề này.

Tags: ,

Comments are closed.