Triển vọng nâng cấp quan hệ Việt Mỹ: vẫn chưa rõ ràng?
RFA – 01/8/2023
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm Việt Nam giữa tháng 4, 2023 (ảnh minh họa)
Reuters
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 28/7/2023 cho biết lãnh đạo Việt Nam muốn gặp ông để thảo luận về việc nâng cấp quan hệ song phương, nhân hội nghị thượng đỉnh khối các nước G20 vào tháng 9 năm 2023 ở Ấn Độ. Đối với tin này, GS. Carl Thayer nói với RFA rằng nếu việc nâng cấp mối quan hệ không được thực hiện “bây giờ” (năm nay) thì sẽ khó có thể thực hiện sau đó vì năm 2024 nước Mỹ bước vào chu kỳ bầu cử. Về phía Việt Nam, ông cho rằng nước này thực thi chiến lược “vừa hợp tác vừa đấu tranh” với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và cũng rõ ràng là Việt Nam coi trọng quan hệ với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác có những cách nhìn khác về mối quan hệ Việt Mỹ.
Nâng cấp quan hệ: chỉ là vấn đề tên gọi?
Trao đổi với RFA, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á ở CSIS, cho rằng có vẻ như các nhà lãnh đạo Việt Mỹ sẽ chính thức nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược nếu họ có thể gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ tháng 9 năm 2023. Việc chính thức nâng tầm quan hệ thực sự rất quan trọng, và sẽ báo hiệu cho bộ máy quan liêu Việt Nam rằng cấp cao nhất của lãnh đạo đất nước hỗ trợ cho mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Ông Greg Poling cũng đồng thời nhấn mạnh rằng điều đó không nhất thiết khiến cho Việt Nam liên kết với Mỹ trong mọi vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Nhưng nó sẽ củng cố sự hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là an ninh hàng hải.
Nhìn từ phía Nhật Bản, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á, Giáo sư Sato Yoichiro ở Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản, tin rằng Nhật Bản sẽ rất hoan nghênh nếu Việt Nam thực sự sẵn sàng nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ. Ông Sato chỉ ra rằng Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), không ngại nâng cấp quan hệ đối tác của mình với Việt Nam, ngay cả khi Nhật Bản đi trước Mỹ. Các cấp độ quan hệ đối tác mà Việt Nam ký kết thì thiên về mặt truyền tải thông điệp ngoại giao, còn nội dung cụ thể của từng mối quan hệ hợp tác quốc phòng là vấn đề khác. Do đó, không có vấn đề gì đối với Nhật Bản khi nước này đi trước Mỹ để nâng cấp quan hệ. Theo Giáo sư Sato Yoichiro, trong quan hệ Việt Mỹ, “đối tác chiến lược” chỉ là vấn đề ngôn từ.
Năm 2022, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, cũng cho rằng mặc dù chưa phải là “đối tác chiến lược” về mặt ngôn từ, Washington và Hà Nội “đã xây dựng mối quan hệ hiệu quả về thực chất và có nhiều điểm còn vượt tầm chiến lược.” Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng “qua 26 năm quan hệ Việt – Mỹ phát triển, đã có tính toàn diện và tầm chiến lược. Nếu so chính sách đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ tương tác với các nước khác, nhất là danh sách đối tác chiến lược thì quan hệ Việt – Mỹ, khi đã có tính toàn diện và mang tầm chiến lược thì chắc chắn nó ở tầm chiến lược.”
Hoa Kỳ tiếp cận cảng quân sự Việt Nam?
Nhà nghiên cứu Vũ Khang ở Đại học Boston trao đổi với RFA rằng ở thời điểm hiện nay, còn hơi sớm để đưa ra bất kỳ một nhận xét nào về quan hệ Việt – Mỹ.
Lý do thứ nhất là Tổng thống Biden đưa ra thông tin đó trong hoàn cảnh đi vận động tranh cử. Nhưng lý do quan trọng hơn, theo ông, là cần phân tích về quan hệ Việt Nam trong một tương quan rộng lớn hơn về tác động của địa lý tới chiến lược đối ngoại của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Vũ Khang từng viết trên The Diplomat hôm 7/7/2023 rằng chuyến thăm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện” Việt Nam-Hoa Kỳ của tàu sân bay USS Ronald Reagan được cư dân mạng Việt Nam xem là một dấu hiệu tích cực giúp ngăn chặn sự bắt nạt của Trung Quốc. Tuy vậy, ông nhấn mạnh rằng có một câu hỏi lớn vẫn còn đó, bất kể tàu USS Ronald Reagan có ghé thăm hay không: liệu Việt Nam có thể sử dụng các căn cứ hải quân của mình để “quản lý” mối quan hệ với Trung Quốc” hay không.
Về vấn đề hợp tác và chia sẻ gánh nặng khi phải đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, Giáo sư Sato Yoichiro cho rằng cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận các căn cứ của Việt Nam khi sự hiện diện của họ gia tăng ở Biển Đông. Sự tiếp cận các căn cứ của Việt Nam, dĩ nhiên, không phải là sự hiện diện mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như có quân đồn trú. Ông Sato giải thích rằng Việt Nam sẽ không chấp nhận Hoa Kỳ gia tăng mạnh mẽ sự hiện diện như vậy trên lãnh thổ. Tuy nhiên, bất kỳ sự gia tăng nào của các chuyến thăm cảng biển sẽ được Việt Nam hoan nghênh.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ ở Đà Nẵng hôm 25/6/2023. AFP
Quan hệ Việt- Mỹ không thay đổi được quan hệ Việt- Trung?
Giải thích cho lựa chọn của Việt Nam từ góc độ địa chính trị và quan hệ giữa cường quốc và nước nhỏ láng giềng, nhà nghiên cứu Vũ Khang cho rằng mặc dù các căn cứ hải quân của Việt Nam có chất lượng tốt và có thể cung cấp nơi trú ẩn thiết yếu cho các tàu tuần tra trên Biển Đông, nhưng các căn cứ hải quân này không thể thay đổi động lực chính trị của mối quan hệ Việt- Trung.
Ông Vũ Khang giải thích: Quan hệ Việt – Trung là mối quan hệ giữa một cường quốc và một nước nhỏ. Điều này không thay đổi ngay cả khi Việt Nam một ngày nào đó cho Hoa Kỳ hoặc cường quốc nào khác thuê cảng quân sự. Việt Nam có chung biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Điều này làm cho Việt Nam khác với các đối tác an ninh Châu Á khác của Hoa Kỳ. Trung Quốc không thể ép buộc Philippines hoặc Nhật Bản trên đất liền, bởi vì Philippines và Nhật Bản là hải đảo. Trung Quốc có lợi thế tự nhiên hơn Hoa Kỳ trên đất liền, còn Hoa Kỳ có một số lợi thế trên biển.
Với góc nhìn như vậy, trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Vũ Khang phân tích rằng về mặt an ninh quốc gia, cho dù Việt Nam có nhận được bao nhiêu tàu cảnh sát biển do Hoa Kỳ viện trợ đi nữa, thì việc đó cũng không giúp thay đổi vị thế của Việt Nam trên Biển Đông được. Lý do là điều đó không thay đổi tương quan lực lượng Việt Nam – Trung Quốc trên biển. Ông Vũ Khang cho rằng Việt Nam sẽ phải xem xét cả hai hướng đất liền và biển để ra quyết định đúng đắn, vì nếu sai một li là đi một dặm.
Việt Nam không phải là hải đảo mà là quốc gia có chung biên giới đất liền với Trung Quốc. Nếu Việt Nam cho Hoa Kỳ thuê các căn cứ hải quân thì điều đó tuy mang lại cho nước này một số lợi thế trong cuộc đấu tranh chống lại Trung Quốc trên biển, nhưng về phía đất liền, cái giá mà Việt Nam phải trả khi Trung Quốc trả đũa trên đất liền chắc chắn sẽ lớn hơn bất kỳ lợi ích nào mà Việt Nam có thể lấy được.
Kinh nghiệm lịch sử từ việc cho Liên Xô thuê cảng quân sự ở thập niên 1980 đã khiến Hà Nội quyết tâm duy trì chính sách đối ngoại trung lập, bằng cách mở cửa các cảng của mình cho tất cả các cường quốc, chứ không cho một bên nào độc quyền.
Do đó, theo ông Vũ Khang, những nội dung chính trong quan hệ Việt – Mỹ vẫn không có gì thay đổi sau chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan. Vì “lời nguyền địa lý”, Việt Nam sẽ luôn luôn tập trung nhiều hơn vào việc dập lửa ở gần (Trung Quốc) hơn là dựa vào nước ở xa (Mỹ). Do đó, Mỹ không chỉ cần chứng tỏ họ có thể vượt biển xa đến giúp Việt Nam khi cần thiết, mà còn phải cho thấy sự cam kết của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ không tăng lên rồi lại yếu đi, tùy theo biến động ngắn hạn trong nội bộ chính trị Mỹ. Hoa Kỳ có thể rút lui khỏi một cuộc xung đột một khi bắt đầu mệt mỏi, nhưng Việt Nam sẽ phải ăn đời ở kiếp với Trung Quốc mãi mãi.
Từ những phân tích trên, ông Vũ Khang nhấn một điểm mà ông cho là nhiều người chưa nói, chưa để ý đúng mức, đó là tầm quan trọng của quan hệ Việt- Mỹ thường bị “đánh giá cao” quá mức. Mối quan hệ Việt- Mỹ không giúp Việt Nam thay đổi được gì mấy mối quan hệ với Trung Quốc. Nó bị “đánh giá cao” quá mức nên nhiều người thường hy vọng. Một khi Mỹ đã không muốn giúp thì dù có hiệp ước liên minh (alliance treaty) hay Việt Nam cho họ đóng quân ở Cam Ranh đi nữa thì cũng không có tác dụng gì.
Với lập luận như vậy, ông Vũ Khang cho rằng hiện nay có lẽ cần phải chờ thêm các diễn biến mới thì mới có thể tiên đoán chính xác hơn về các diễn biến tiếp theo của quan hệ Việt Mỹ được.
https://www.rfa.org/vietnamese
Tags: đồng tâm, Tham nhũng, toàn trị, Việt Nam