Ts. Phạm Đình Bá – Ủa tại sao Trọng chống tham nhũng?
01/5/2023
Dã tràng xe cát biển Đông,
Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì.
Dân mình ai cũng biết ông Trọng nổi tiếng “chống” tham nhũng trong chiến dịch “đốt lò” từ năm 2013, một phần sao chép từ chuyện chống tham nhũng của Tập Cận Bình bên Tàu. Để làm cho có vẻ nguyên bản, ông Trọng có viết sách về “chống” tham nhũng. Thành tích trong thời gian gần đây của ổng thì tùm lum lắm.
Tháng 2/2023, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “Tôi dứt khoát xin thôi các chức vụ” và thanh minh “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”, dù rằng có dư luận về vợ ông Phúc là “trùm cuối” trong vụ Việt Á. [1]
Tháng 12/2022, bộ chính trị tước bỏ vị trí ủy viên bộ chính trị của Phạm Bình Minh, và vị trí ủy viên trung ương đảng của Vũ Đức Đam. Sau đó, tháng 1/2023, hai ông bị rời chức phó thủ tướng. Việc “rút lui” của hai ông nầy liên hệ đến những cú đốt lò năm 2022 bên dưới. [2]
Tháng 6/2022, bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long, chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu thứ trưởng bộ KHCN Phạm Công Tạc bị xử lý liên quan đến đại án Việt Á, bị khai trừ đảng và bị cách chức do vi phạm các quy định và quy chế của nhà nước, ‘gây thất thoát lớn’. Tháng 4/2022, thứ trưởng ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt liên quan vụ ‘máy bay giải cứu’. Đó là chưa kể các cấp thấp hơn bị bắt hàng loạt vì họ liên hệ đến cả hai vụ đại án tham nhũng nầy. [3]
Thế thì tại sao chiến dịch đốt lò đã 10 năm rồi mà tham nhũng lại lan tỏa từ dưới lên đến tận đỉnh điểm quyền lực như thế? Thực chất chống tham nhũng là gì? Mức tham nhũng là bao nhiêu? Hậu quả của tham nhũng là gì? Là người dân thường, tôi nghĩ gì về tham nhũng?
Thực chất chống tham nhũng là gì?
Các báo đã đưa tin về tham nhũng tràn lan ở các dịch vụ, nổi cộm về các dự án cơ sở hạ tầng, [4] xuất khẩu lao động, [5] y tế, [6] giáo dục, [7] ngoại giao, [8] quân đội,[9] công an,[10] và tổ chức nhân sự đảng, [11] cũng như hàng loạt các nhũng lạm khác, như cướp đất của dân.[12]
Thực chất là các hoạt động chống tham nhũng không phải là chống tham nhũng. [13]
Đáng kể nhất là tham nhũng tập đoàn, tham nhũng phụ thuộc lẫn nhau với một loạt kết nối của cán bộ quan chức. Do đó, các hành vi tham nhũng thường được bảo vệ, đặc biệt với sự tham dự, lãnh đạo và chủ chốt của các đảng viên. [13]
Qua chỉ thị 15 của đảng vào năm 2007, đảng có quyền và đảng kiểm soát cả quyết định điều tra và quá trình điều tra về các vụ tham nhũng.[14] Trên thực tế, tham nhũng chỉ là tham nhũng khi đảng nói tham nhũng nầy là tham nhũng và tham nhũng kia thì không phải là tham nhũng. Một hoạt động tham nhũng chỉ là bất hợp pháp nếu đảng, thông qua các thủ tục chính thức quyết định khởi tố.
Đảng viên thường được bảo vệ bằng nhiều cách. Vì vậy, các ban kiểm tra chống tham nhũng phải theo lập trường chính trị hơn là luật pháp hay tòa án, và mọi vụ việc liên quan đến đảng viên đều phải được đảng thông qua và hướng dẫn, theo chỉ thị 15. [13, 14] Nếu các ban kiểm tra muốn truy tố người là đảng viên thì phải hỏi ý kiến và xin phép đảng uỷ ở tổ chức nơi người đó trực thuộc.
Khi đề xuất điều tra một quan chức cấp cao, mọi quyết định tiến hành luôn do lãnh đạo cao nhất của đảng đưa ra, hay là quyết định của ủy ban trung ương đảng. [13]
Do đó, bất kỳ thủ tục tố tụng chống tham nhũng nào liên quan đến đảng viên đều được đưa ra khỏi hệ thống pháp luật chung và được quản lý như một quy trình của đảng với các quyết định được đưa ra tùy theo tình trạng của quan chức đảng đang bị điều tra. [13, 14]
Tại sao đảng làm vậy? Thiếu tính chính danh để cầm quyền, đảng dùng tham nhũng như là một công cụ để duy trì quyền lực, ai vào đảng thì được bảo vệ và chia chát. Thực chất của chống tham nhũng là định hình của một “nhóm quyền lực” khi nhóm nầy triển khai quyền lực của họ trên các hoạt động toàn trị.
Không phải tất cả các đảng viên đều có thể vào được nhóm quyền lực trong đảng. Nhóm quyền lực nầy là thiểu số chóp bu. Ví dụ như đảng có chừng 5,3 triệu đảng viên, nhưng nhóm quyền lực chóp bu chỉ chiếm chừng khoảng vài trăm ngàn người, mà đứng đầu là bộ chính trị và ban chấp hành trung ương đảng, cơ quan quyền lực đã ra tay trong vụ cách chức Nguyễn Xuân Phúc. [15] Mặc dù bị bãi chức, Phúc và gia đình vẫn được nhóm quyền lực nầy bảo vệ, bảo kê tài sản và không bị truy tố.
Mức độ tham nhũng là bao nhiêu?
Tuy các báo bên nhà tường trình về “tham nhũng”, ít người vẽ lên bức tranh tổng thể về tham nhũng. Có nhiều cách để ước tính mức độ tham nhũng và qua đó, thẩm định hậu quả của tham nhũng lên đời sống người dân.
Một cách ước tính tương đối dễ hiểu nhưng rất tổng quát là ước tính mức tham nhũng bằng 1 phần của tổng sản lượng trong nước. Tổng sản lượng đo lường giá trị tiền tệ của hàng hóa và dịch vụ, thành phẩm được sản xuất trong nước mỗi năm. Tổng sản lượng bao gồm tổng tiêu dùng tư nhân, tổng đầu tư, chi tiêu chính phủ, và xuất khẩu trừ đi nhập khẩu.
Mức đầu tư trong tổng sản lượng ở Mỹ là 21%, Pháp 26%, Anh 19%, Đức 24%, và Gia Nã Đại 22%, với đầu tư nhiều hơn thường làm tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của người dân.
Các nghiên cứu gần đây ước tính là mức tham nhũng ở VN chiếm khoảng 20% tổng sản lượng. [13, 14] Nói cách khác, nhóm quyền lực ăn chận của dân, thâm thủng ngân sách quốc gia để bỏ túi, ăn cướp đất đai, tài nguyên, tài sản của nước và dân từ 1945 đến 1975 ở miền Bắc, và trên cả nước từ 1975 đến 2023, cũng như còn kéo dài nữa.
Với mức tham nhũng như vậy, nhóm quyền lực mang tiếng lãnh đạo đất nước nhưng không đầu tư để lo toan cho tương lai các thế hệ tới, không lo cho đời sống người dân hiện nay, nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Cứ khoảng 4 năm một lần, nhóm quyền lực ăn cướp một lượng tài sản tương đương với tổng sản lượng trong nước, và chúng ăn cướp như vậy đã qua 78 năm.
Bởi vì tài sản được tích lũy với lãi kép từ 78 năm nay, tài sản của nhóm quyền lực to đến khó tưởng tượng, như nhiều người dân có thể nhìn thấy khi giao dịch với cá nhân trong nhóm quyền lực.
Ví dụ, vùng New Port Coast hay Huntington Harbour ở California, nơi giá mỗi căn nhà lên đến hàng chục triệu đô. Tại đây, con em nhóm quyền lực di cư sang Mỹ tưng bừng bàn chuyện làm sao để chuyển tài sản ra khỏi nước. Tiền chuyển đi rồi lại đổ về “đầu tư” lên đến hàng tỷ, khiến người Mỹ ngỡ ngàng với mức giàu có của những di dân tương đối mới nầy. [16]
Hậu quả của tham nhũng là gì?
Ước tính là hiện nay, nhóm quyền lực (khoảng 0.4% dân số) chiếm giữ 70% tài sản quốc gia, ước tính theo một nghiên cứu về bất bình đẳng trong xã hội với sự cai trị của đảng cướp bên Tàu. [17]
Thế nhưng nhóm quyền lực không thể sở hữu tài sản một cách công khai. Lượng tiền bạc của bọn cướp ngày nầy định hình sự hình thành của mạng “rửa tiền”, thành viên gia đình và tùy tùng của nhóm quyền lực.
Mạng rửa tiền bao gồm ví dụ như bà trùm cuối trong vụ đại án Việt Á, [1] cô lấn sông Rạch Đỉa, Nhà Bè với một diện tích rộng gấp ba khuôn viên căn biệt thự cô ta sở hữu, mà chính quyền Sài gòn không dám lên tiếng, [18] ông Vũ Nhôm hay ông Út Trọc, [19] [20] và những người như thế.
Mạng rửa tiền và nhóm quyền lực sở hữu khoảng 70% tài sản đất nước trong tình cảnh đất nước lạc hậu, dân sống tay làm hàm nhai, trẻ em phải lao động trong tuổi chúng đáng ra cần đến trường, người bệnh không được chăm sóc, người già sống trong nghèo đói, và giáo dục cũng như xã hội suy đồi, và nhiều vấn nạn khác.
Ở các nước dân chủ, hiến pháp và luật lệ là cuốn sách chỉ rõ điều gì là hợp pháp, góp phần định hướng hành vi của người dân và các tổ chức trong xã hội. Cuốn sách nầy là kim chỉ nam để giải quyết xung đột trong hành vi của mọi người, kể cả bọn quyền lực cũng bị xử nếu chúng làm trái luật.
Ở Tàu, Nga, Việt, Bắc Hàn, Cuba thì không có cuốn sách đó, bởi vậy quan hệ giữa cá nhân trong nhóm quyền lợi và mạng rửa tiền chỉ dựa vào cạnh tranh quyền lực và quyền lợi. Kỷ luật đảng, qui định, nghị định nhà nước thì rất nhiều nhưng mức triển khai và tuân thủ thì không hiệu quả, hay như tác giả Hoàng Lan Mộc Châu tường thuật trên Việt Nam Thời Báo, tình trạng “trên nói, dưới không triển khai” phần lớn cũng do lợi ích của các bên liên quan xung đột với nhau. [21]
Nhóm quyền lực thì đa dạng và cạnh tranh với nhau về quyền lực. Mạng rửa tiền thì không chính danh nên lại càng có nhiều lủng củng và xung đột lẫn nhau, cũng như xung đột với nhân sự ở nhóm quyền lực. Bất ổn như thế cũng không khó hiểu lắm; ví dụ như khoảng đầu năm 2023, nhóm quyền lực triệu 4 lần họp bất thường của ban bí thư đảng rồi quốc hội để thay đổi nhân sự ở đỉnh điểm quyền lực. [22]
Là người dân thường, tôi nghĩ gì về tham nhũng?
Nhìn ngược lại từ cơ chế dần dần rõ nét của nhóm quyền lực và mạng rửa tiền hiện nay, những nhận thức sau đây phù hợp với ý định ban đầu và hành vi của nhóm quyền lực.
- Nhóm quyền lực tham gia “kháng chiến chống Pháp” để cướp chính quyền.
- Cú cướp đầu tiên cho nhóm quyền lực là cải cách ruộng đất trên đất Bắc.
- Cú cướp thứ hai là xâm lăng miền Nam.
- Các cú cướp kế tiếp sau 1975 là kinh tế bao cấp, đánh tư bản mại sản, và chính thức đẩy dân ra biển để lấy vàng, cũng như những thủ đoạn khác dưới chiêu bài “chính quyền cách mạng”.
- Chính sách cướp bóc triền miên hiện nay là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ông Trọng cũng như ông Hồ là những người lúc nào cũng chải chuốt làm như nhóm quyền lực lo cho dân, và bịa ra chuyện cán bộ là đầy tớ của dân. Nhưng thực ra họ làm việc để cướp và gom góp với lãi kép 70% tài sản đất nước vào tay nhóm quyền lực.
Nhân dịp 30/4 năm nay, xin mọi người tham gia kể chuyện về thực chất của vụ việc chống tham nhũng của ông Trọng, và hãy nhận thức về tác hại vô vàng của nhóm quyền lực và mãng rửa tiền của chúng lên đời sống người dân hôm nay và các thế hệ tương lai.
Nguồn:
1. BBC – Huy Đức. Nên minh bạch lý do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức. 05/02/2023; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-64529452.
2. VOA. Quan chức quốc hội: Hai ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam không chủ động từ chức. 09/01/2023; Available from: https://www.voatiengviet.com/a/6910330.html.
3. BBC. Chiến dịch ‘đốt lò’ của TBT Nguyễn Phú Trọng: Điều gì thực sự phía sau? 08/06/2022; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61728235.
4. Plo.vn. Tham nhũng trong các dự án đầu tư hạ tầng đang là thách thức. 03/12/2019; Available from: https://plo.vn/tham-nhung-trong-cac-du-an-dau-tu-ha-tang-dang-la-thach-thuc-post552058.html.
5. VOA. Xuất khẩu lao động ở 4 tỉnh phía bắc Việt Nam bị Hàn Quốc đình chỉ. 25/08/2022; Available from: https://www.voatiengviet.com/a/xuat-khau-lao-dong-o-4-tinh-bi-han-quoc-dinh-chi/6716200.html.
6. Tiền Phong. Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội bị truy tố ở khung tới 20 năm tù. 18/01/2023; Available from: https://tienphong.vn/cuu-giam-doc-benh-vien-tim-ha-noi-bi-truy-to-o-khung-toi-20-nam-tu-post1504158.tpo.
7. Thanh Niên. Trong 6 năm, lãng phí tạm tính từ sách giáo khoa lên tới gần 2.400 tỉ đồng. 30/12/2022; Available from: https://thanhnien.vn/trong-6-nam-lang-phi-tam-tinh-tu-sach-giao-khoa-len-toi-gan-2400-ti-dong-1851537190.htm.
8. VTCNews. Vợ cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhận 50.000 USD ở quán cà phê từ doanh nghiệp. 19/04/2023; Available from: https://vtc.vn/vo-cuu-thu-truong-to-anh-dung-nhan-50-000-usd-o-quan-ca-phe-tu-doanh-nghiep-ar766816.html.
9. BBC. Út ‘trọc’ dùng bằng giả để vào Đảng và thăng tiến. 30/07/2018; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45002641.
10. BBC. Vụ Vũ ‘nhôm’: Hai tướng công an bị phạt 2 năm rưỡi và 3 năm tù. 30/01/2019; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47052788.
11. Xây dựng chính sách – Chính phủ. Khai trừ Đảng, buộc thôi việc Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. 07/04/2023; Available from: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khai-tru-dang-buoc-thoi-viec-doi-voi-chu-tich-va-pho-chu-tich-ubnd-quan-cam-le-119230406200959355.htm.
12. Xuân Minh. VNTB – Giải mã Đồng Tâm. 12/03/2021; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-giai-ma-dong-tam/.
13. Dao, V.A., Tien le tien la phat: Investigating the Persistence of Corruption in Vietnam. 2017, PhD Thesis, Victoria University of Wellington.
14. Fforde, A., Vietnamese Patterns of Corruption and Accumulation: Research Puzzles. Journal of Contemporary Asia, 2022: p. 1-14.
15. VOA. Đảng cộng sản duyệt việc Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc từ chức do cấp dưới sai phạm. 17/01/2023; Available from: https://www.voatiengviet.com/a/dang-cong-san-duyet-viec-chu-tich-nguyen-xuan-phuc-tu-chuc-do-cap-duoi-sai-pham/6921711.html.
16. BBC – Nguyễn Hữu Liêm. Làm người Cộng sản Việt Nam có dễ không? 11/02/2023; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72zj6jzgq2o.
17. LeisRealTalk, How did the CCP officials become so rich? . 03/2023.
18. Thoibaode. “đại tiểu thư” coi Trọng nhẹ tênh. 10/02/2023; Available from: https://thoibao.de/blog/2023/02/10/nguyen-thanh-phuong-dai-tieu-thu-coi-trong-nhe-tenh/.
19. RFA. Ông Vũ “Nhôm” làm việc cho Bộ Công An, hay một số sĩ quan Công an? 01/11/2018; Available from: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vu-nhom-and-police-01112018103522.html.
20. Wikipedia. Vụ án Út Trọc. Available from: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_%C3%9At_Tr%E1%BB%8Dc.
21. VNTB – Hoàng Lan Mộc Châu. Trên bảo dưới không nghe. 30/01/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-tren-bao-duoi-khong-nghe/.
22. VTV.vn, Thông cáo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội Khóa XV. 02/03/2023.
Tags: độc tài, Tham nhũng, toàn trị, Việt Nam