Ukraine đột phá bãi mìn lớn nhất thế giới của Nga như thế nào?


Ukraine đột phá bãi mìn lớn nhất thế giới của Nga như thế nào?

Một người lính Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới số 65 đi bộ trong chiến hào do lực lượng Nga xây dựng, gần ngôi làng tiền tuyến Robotyne, thuộc vùng Zaporizhzhia, vào ngày 1 tháng 10 năm 2023. (Ảnh: ROMAN PILIPEY/AFP via Getty Images)

 Bình luận Viên Minh • 08:33, 17/10/23

Người lính Nga chỉ còn cách Markus 4 mét, và điều duy nhất anh có thể nhìn thấy là ánh chớp từ đầu súng của người lính Nga khi hắn ta bắn vào anh. Markus vội vàng bắn trả. Nhưng không ai trong số họ bắn trúng đối phương. Khi bụi đất bắn tung lên và quân Nga đang rút lui, Markus giơ khẩu súng trường lên và bắn xối xả về phía trước theo kiểu Somali. Anh không bắn trúng kẻ thù, nhưng điều quan trọng là anh có sự yểm trợ của hỏa lực.

Valerii Markus là một trung sĩ thuộc Lữ đoàn cơ giới riêng biệt Mahura số 47 , Ukraine, sở dĩ anh sống sót trở về từ chiến trường là vì Ukraine đã thắng trong trận chiến ở làng Robotyne. Khung cảnh chiến tranh như vậy chính là điều anh đã nói với phóng viên tờ “Daily Telegraph” của Anh.

Một phóng viên của tờ “Daily Telegraph” của Anh gần đây đã phỏng vấn một số binh sĩ của Lữ đoàn bộ binh cơ giới Ukraine số 47. Hôm nay chúng ta sẽ sử dụng báo cáo này để thảo luận về những khó khăn mà Ukraine phải đối mặt ở khu vực Zaporizhzhia.

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ tình hình địa lý. Khu vực Zaporizhzhia hoàn toàn được bao phủ bởi những đồng bằng rộng lớn, nhiều loại cây nông nghiệp được trồng trên những đồng bằng này trải dài vô tận, bất kỳ đội quân nào phát động tấn công ở địa hình như vậy đều sẽ bị máy bay không người lái của đối phương nhìn thấy, và sau đó trở thành mục tiêu của pháo binh và tên lửa chống tăng tầm xa.

Tuy nhiên, trên vùng đồng bằng mênh mông bát ngát luôn có những rừng cây xếp thành hàng. Những khu rừng này được hình thành dọc theo một đường, vậy nên người ta không gọi chúng là cánh rừng, mà là hàng cây. Những cây này được nông dân Ukraine cố tình trồng ở đây để chắn gió, nhằm ngăn chặn lớp đất bề mặt và hạt giống mới gieo bị gió thổi bay đi.

Vào mùa hè, những khu rừng được hợp thành bởi cây sồi, cây nhựa ruồi và cây bạch dương này trở thành những nơi trú ẩn tuyệt vời. Dù là người Ukraine và người Nga đều sử dụng những khu rừng này để thiết lập mặt trận phía trước dọc theo hàng cây. Khi bạn bố trí chiến hào và mặt trận của mình trong khu rừng, dù đối phương có biết bạn đang ẩn náu trong rừng thì chúng cũng không thể biết chính xác vị trí của từng chiến hào và các hốc nhỏ. Kể cả khi có thể sử dụng hỏa lực quy mô lớn để bao trùm thì độ chính xác cũng không tốt, và chỉ gây lãng phí đạn dược mà thôi.

Lính Ukraine nói với các phóng viên rằng trong khi quân Nga bày trận và lãng phí đạn dược, thì họ giống như những con chuột hoặc con gián, di chuyển từ lỗ này sang lỗ khác để cố gắng sống sót, đó là cơ sở của phòng thủ. Nga cũng đang làm điều tương tự ở phía bên kia, đó là một trong những nguyên nhân khiến Ukraine khó tiêu diệt lính Nga và đôi bên chơi trò “mèo vờn chuột” trong một cuộc chiến tiêu hao.

Cả Ukraine và Nga đều hiểu rõ đạo lý này, nên tâm điểm chiến đấu trên chiến trường Zaporizhzhia vừa khéo lại chính là những hàng cây này. Khi bạn tiến lên vài trăm mét có nghĩa là bạn tiến tới một hàng cây mới cách đó vài trăm mét. Trong khu rừng này, ngoài chiến hào dành cho bộ binh, Nga thậm chí còn giấu pháo binh của mình ngay phía sau khu rừng. Ngoài lớp che phủ tự nhiên được hình thành bởi rừng cây, vấn đề lớn nhất mà Ukraine phải đối mặt là bom mìn.

Khi các phóng viên Anh nói chuyện với binh lính, từ “bom mìn” được nhắc đến nhiều lần. Các binh sĩ được thông báo rằng vùng Zaporizhzhia hiện có bãi mìn dày đặc nhất trên trái đất. Đại đội trưởng công binh của Lữ đoàn 47, nói với các phóng viên rằng: “Hãy nói theo cách này, điều này khác với những gì bạn được học từ trong sách giáo khoa. Khi chúng tôi đến đây, chúng tôi nhận ra rằng người Nga đã thích nghi và phát triển, và họ đang tạo ra những hệ thống phức tạp mà ngay cả những đặc công có trình độ cao cũng sẽ thấy khó khăn”.

Mật độ bom mìn mà Nga triển khai ở tiền tuyến cao hơn nhiều so với những gì được dạy và được học trong các trường quân sự Liên Xô, ở đây có mìn chống thiết giáp, còn có mìn sát thương và lựu đạn. Cuộc tiến công của quân Ukraine rất khó khăn. Mặc dù Đức tài trợ máy quét mìn, nhưng số lượng ít, hơn nữa chúng còn trở thành mục tiêu hàng đầu của máy bay không người lái tấn công cảm tử của Nga.

Trong hoàn cảnh này, không thể tưởng tượng được rằng phần lớn công việc rà phá bom mìn ở Ukraine được thực hiện bằng thủ công. Các công binh thường làm việc vào lúc bình minh và hoàng hôn, vì lúc này có đủ ánh sáng để quan sát tình hình trên mặt đất, và ánh sáng lại vừa đủ để không bị máy bay không người lái của Nga phát hiện. Nhưng việc giới hạn thời gian làm việc như vậy cũng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian dành cho công việc.

Đối với bên Nga, việc đặt mìn rất dễ dàng, họ có thể triển khai chúng trong vài phút, trong khi đối với bên Ukraine, việc rà phá chúng phải mất rất nhiều thời gian. Vì bạn không biết mối đe dọa đến từ đâu, nó có thể ở bên trái, bên phải, phía trước, phía sau, hoặc ngay dưới chân bạn. Quân Nga thậm chí sẽ bố trí một số mồi nhử rõ ràng để thu hút sự chú ý của công binh, còn cạm bẫy thực sự lại nằm ở một bên khác.

Điều này còn đưa đến một hậu quả xấu khác, đó là thời gian rà phá bom mìn của Ukraine dài hơn nhiều so với thời gian sắp đặt của Nga, điều này có nghĩa là ngay cả khi Ukraine tiến lên, bên phía Nga hoàn toàn có đủ thời gian để triển khai thêm bom mìn ở vị trí tiếp theo. Có thể nói, trong cuộc chiến ở Zaporizhzhia này, bom mìn là vấn đề lớn nhất mà bên Ukraine phải đối mặt.

Tuy nhiên, Ukraine không phải là không có phương pháp, Nga trong khi thiết lập các bãi mìn phải chừa ra một khoảng trống nhất định, bởi Nga phải dành sẵn các tuyến đường tiếp tế cho mình cũng như các tuyến đường tiến lên và rút lui. Việc phát hiện ra khoảng trống ở các bãi mìn này đã trở thành thông tin quan trọng cho cuộc tấn công của Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn, binh sĩ Ukraine đã chia sẻ ví dụ về cuộc tấn công vào làng Robotyne. Trong một khu rừng có một chiến hào lởm chởm của Nga, phía trước được bảo vệ bởi bãi mìn dày đặc. Lữ đoàn 47 cố gắng chiếm giữ vị trí này ba lần nhưng không thành công. May mắn thay, trinh sát bằng máy bay không người lái của Ukraine sau đó đã phát hiện ra một khoảng trống trong bãi mìn của Nga nên đã quyết định bố trí vị trí dọc theo khoảng trống này.

Sau khi màn đêm buông xuống, 4 xe chiến đấu bộ binh Bradley lái ra sau vành đai rừng, tiến về phía trước và thành công đến được khu vực trung tâm mặt trận của quân Nga, bộ binh Ukraine lập tức xuống xe và tiến hành tấn công. Quân lính Ukraine đi tới lối vào chiến hào và cả nhóm cầm lựu đạn lao vào.

Trong hai phút đầu tiên, binh lính Ukraine đã bị tấn công. Những người lính nói với các phóng viên Anh, ban đầu chúng tôi đoán chắc rằng kẻ địch sẽ bị hỏa lực của lựu đạn và xe chiến đấu bộ binh Bradley dọa chạy, nhưng họ đã không làm như vậy. Thay vào đó, quân Nga đáp trả bằng lựu đạn, và 3 quả lựu đạn liên tiếp phát nổ trong chiến hào khiến một binh sĩ Ukraine bị thương nặng. Tình hình trở nên hết sức nguy cấp, nhưng những người lính chiến của Ukraine vẫn liều mình bám trụ mặt trận, trung sĩ Markus đã điện đài về hậu phương để yêu cầu tiếp viện. Sau khi liên lạc được với trụ sở đại đội, quân tiếp viện mới đã đến chiến hào, giúp Ukraine chiếm thành công mặt trận này.

Qua cuộc phỏng vấn với tờ “Daily Telegraph” của Anh, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra ở tiền tuyến ở Zaporizhzhia, ở đây xin được tóm tắt cho quý vị vài điểm sau đây.

Thứ nhất, các bãi mìn vẫn là kẻ thù số một của Ukraine, tốc độ rải mìn của Nga bao giờ cũng luôn vượt tốc độ rà phá bom mìn của Ukraine, tuy nhiên Ukraine lại đang rất thiếu trang thiết bị rà phá bom mìn, điều này đặt ra thách thức vô cùng lớn cho Ukraine.

Thứ hai, trận chiến diễn ra dọc theo hàng cây, từ cánh rừng này sang cánh rừng khác. Các vị trí của Nga thường bố trí trong rừng và có rất nhiều bãi mìn được triển khai ngay phía trước mặt trận.

Điểm thứ ba là trong trận Zaporizhzhia, Nga đã không gục ngã ngay từ lần chạm trán đầu tiên. Trong cuộc phản công Kharkiv do Ukraine phát động vào tháng 9 năm ngoái, nhiều quân Nga ngay lập tức từ bỏ vị trí phòng thủ và rút lui về hậu phương sau khi chạm trán với các cuộc tấn công bằng thiết giáp của Ukraine, và bị hỏa lực của Himars tấn công. Đây là một trong những lý do khiến Ukraine có thể đạt được tiến bộ đáng kể ở thành phố Kharkiv vào năm ngoái. Còn năm nay tại thành phố Zaporizhzhia, Nga đã không dễ dàng từ bỏ mặt trận của mình.

Điểm thứ tư là chất lượng trang bị của phương Tây không tệ, dù bị tên lửa chống tăng Nga bắn trúng nhưng các binh lính điều khiển đều an toàn.

Trong cuộc phỏng vấn này, các binh sĩ Ukraine cũng đề cập tới vai trò quan trọng của đạn chùm. Khi Ukraine chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga và thiết lập các vị trí ở tiền tuyến, nước này thường gặp phải những đợt phản công mạnh mẽ từ Nga. Lúc này, đạn chùm có thể phát huy tác dụng đáng kể, dễ dàng làm tan rã cuộc phản công của Nga vì hỏa lực của nó đã bao trùm một khu vực rất rộng lớn. Điều này sẽ giúp Ukraine củng cố vị thế ở tuyến đầu và có thêm thời gian.

Các binh sĩ Ukraine cho biết đạn chùm được chuyển đến đúng thời điểm cần thiết và đã khởi được tác dụng to lớn. Ngoài đạn chùm, Ukraine còn đề cập đến xe bọc thép được Mỹ hỗ trợ, xe tăng Leopard 2 của Đức và xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ đều là vũ khí mới được trang bị cho Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 47.

Vào ngày 7 tháng 6, ngày đầu tiên xảy ra cuộc phản công của Ukraine, các binh sĩ đặt nhiều hy vọng vào trang bị của Mỹ, nhưng mọi chuyện đã thay đổi vài giờ sau đó. Lực lượng tấn công của Ukraine tìm chỗ ẩn nấp dọc theo hàng cây, nhưng rất mau đã lao thẳng tới bãi mìn của Nga. Bom mìn không thể phá hủy trực tiếp xe bọc thép nhưng sẽ khiến xe bọc thép tê liệt và nằm yên trên mặt đất. Lúc này, Nga đã khởi động đội tên lửa chống tăng tấn công xe bọc thép.

Trung sĩ Markus đêm đó đã ngồi trên xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ viện trợ, trực thăng Ka-52 của Nga đã dùng tên lửa chống tăng bắn thẳng vào xe chiến đấu mà Markus đang lái. Lửa cháy xung quanh, chiếc xe Bradley bị trúng đạn, nhưng rất may toàn bộ người trong xe đều sống sót, điều đó chứng tỏ khả năng bảo vệ xe bọc thép của Mỹ khá tốt.

Một điểm rất thú vị trong cuộc phỏng vấn này là trong các trận chiến ở tiền tuyến, binh sĩ Ukraine thích sử dụng súng tiểu liên AK của Nga thay vì súng tiểu liên M16 do phương Tây cung cấp. Lính Ukraine nhận xét súng trường Mỹ rất chính xác và dễ sử dụng. Nhưng khi ở trong chiến hào thì nó quá dài và dễ dàng bị mắc kẹt trong đống đất. Markus cho biết, trong trường hợp này, bạn không cần sự chính xác, mà cần lượng lớn hỏa lực để áp chế kẻ thù trên mặt đất.

Báo cáo này của “Daily Telegraph” của Anh đã phỏng vấn nhiều binh sĩ của Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 47 đang chiến đấu ở tiền tuyến, nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra ở tiền tuyến. Kể từ cuộc phản công của Ukraine vào tháng 6, những tiến bộ đạt được vẫn còn hạn chế, nguyên nhân là do họ phải đối mặt với muôn trùng khó khăn và trở ngại khác nhau. Những người lính Ukraine đã dùng lòng dũng cảm và xương máu của mình để chứng minh cho thế giới thấy rằng Ukraine có khả năng đánh bại Nga và giành lại phần lãnh thổ đã bị xâm chiếm.

Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)

Comments are closed.