Văn Hóa XHCN tại Việt Nam – Lạp Chúc Nguyễn Huy



Người cộng sản thất trận văn hóa như thế nào?

Bài 9 và 10

Bài 9. Anh hùng XHCN

March 11, 2022

https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2022/03/bai-9-img-02.jpg

Lê Văn Tám

Dạy lịch sử là dạy cho học sinh các mẫu người để bắt chước hoặc phải tránh xa. Hãy noi gương các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo và những sĩ phu đạo đức như nhà giáo Chu văn An, Võ Trường Toản. Phải lên án những ông vua theo giặc Tàu như vua Lê Chiêu Thống hoặc hèn hạ quì gối xin hàng như vua nhà Mạc. Hiểu được tầm quan trọng của người gương mẫu trong lịch sử như vậy nên Đảng đã quan tâm đến môn sử bằng cách.

Sáng tạo nhiều thiếu niên anh hùng “hư cấu” làm người kiểu mẫu cho xã hội chủ nghĩa, được dạy trong sách giáo khoa như một nhân vật lịch sử có thật, thí dụ như anh hùng thiếu nhi Lê Văn Tám,

Sửa đổi sử theo đường lối chính trị của Đảng. Sau mật nghị Thành Đô năm 1990, đảng cộng sản phải dâng đất (ải Nam Quan, thác Bản Giốc, biển đảo) cho Trung Quốc nên đảng cộng sản đã phải sửa đổi lịch sử bằng cách biện minh cho Mạc Đăng Dung quì gối trói mình trước tướng giăc xin đầu hàng và dâng đất (xem bài 10).

Người kiểu mẫu Lê Văn Tám

Về thăm quê hương, lang thang tỉnh này sang tỉnh nọ, nhiều Việt Kiều trẻ đi qua một công viên, một trường học, một  tượng đài,  một đường phố mang tên Lê Văn Tám. Nếu hỏi là ai? Thì sẽ có câu trả lời được ghi trong bài học lịch sử, đó là cây đuốc sống Lê Văn Tám 10 tuổi tự tẩm xăng vào người chạy vào đốt cháy kho xăng của Pháp tại Thị Nghè năm 1946.

https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2022/03/bai-9-img-01.png

Bất cứ ai đã từng là học trò tại miền Bắc Việt Nam những năm trước 1975 và cả Việt Nam sau 1975 đều biết rõ câu chuyện Lê Văn Tám, một thiếu niên 10 tuổi, bán đậu phộng rang đã tẩm xăng vào người làm “ngọn đuốc sống”, chạy từ ngoài vào đốt kho xăng của Pháp tại Thị Nghè, thành phố Sài Gòn vào ngày 1 Tháng Giêng, năm 1946.

Câu chuyện về người thiếu niên dũng cảm này đã từ lâu đã trở thành nhân vật thiếu niên bất tử trong lịch sử và trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam nên được :

In thành sách: “Lịch sử Đội Thiếu niên Tiền phong“và “Lịch sử đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh“ do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xuất bản …

Đưa vào sách giáo khoa dành cho lớp 4, lớp 5.

Nhiều tỉnh và thành phố của Việt Nam lấy tên Lê Văn Tám đặt cho các trường học, tượng đài, công viên, đường phố. Tại các trường học, tên Lê Văn Tám cũng được đặt cho các chi đội, liên đội thuộc tổ chức “Ðội Thiếu Niên Tiền Phong”.

Tổ chức cuộc thi người anh hùng nhỏ tuổi chí lớn thí dụ với đề bài: Em hãy viết những cảm xúc của em về một người thiếu niên tên Lê Văn Tám dũng cảm trong lịch sử nước ta, người đã truyền cho em cảm hứng tốt đẹp trong suy nghĩ, hành động và ước mơ (tối đa 500 từ).

https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2022/03/bai-9-img-02.jpg

Ngọn đuốc sống Lê Văn Tám là câu chuyện hư cấu

Giáo Sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, đã lên tiếng chính thức trên truyền thông nhà Nước và khẳng định rằng nhân vật “anh hùng Lê Văn Tám” là hoàn toàn không có thật[1].

Theo Giáo Sư Lê, nhân vật Lê Văn Tám này do Trần Huy Liệu[2], một sử gia tiền bối của ông, người đã từng làm viện trưởng Viện Sử Học và chủ biên của tờ Nghiên Cứu Lịch Sử trong thời chiến tranh, ngụy tạo ra. Giáo Sư Phan Huy Lê tóm lược lời kể và lời dặn của Giáo Sư Trần Huy Liệu, như sau: “Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng Tháng Mười, 1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS Trần Huy Liệu) đã “dựng” lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét[3]”. Giáo sư Trần Huy Liệu có nhờ Giáo Sư Phan Huy Lê sau này nói lại khi có dịp[4]. Phải nói lại sự thật vì sử gia Trần Huy Liệu biết rằng “mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực”.

Lộng giả thành chơn

Trong thời kỳ chống Pháp và xâm lăng miền Nam tự do, câu chuyên hư cấu Lê văn Tám[5]  là mẫu mực tuyên truyền, cổ động hy sinh cho các văn công sáng tác lịch sử chỉ có 30% sự thực (nhân vật, biến cố), 70% giả dối (hành động hư cấu khinh thường khoa học như Lê Văn Tám 10 tuổi tẩm xăng cháy còn chạy được 50M) để “lộng giả thành chân” như các thí dụ dưới đây.

Tô Vĩnh Diện[6] lấy thân chèn pháo,

Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lổ châu mai,

Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng,

Trần Can cắm cờ trên hầm chỉ huy của địch.

Cơ quan tuyên huấn của đảng thường đưa ra những nguồn tin giả tạo, đầy phi lý, mà chỉ dân ngu, ít học mới tin như các câu chuyện dưới đây:

những chiếc máy bay Mig của Liên Xô tắt máy, phục kích trong mây, xông ra tiêu diệt những máy bay Thần Sấm, Thần Sét của Mỹ,

Những chuyện anh hùng níu càng trực thăng,

những liệt sĩ một tay nhét ruột bị thương vào, một tay cầm tiểu liên giết cả một tiểu đoàn địch;

Nhiều cuốn phim, vở kịch do cán bộ tuyên truyền soạn thảo dựng nên với những nhân vật hư cấu, đều được đem ra học tập coi như những nhân vật có thật trong đời sống thật[7].

Sau khi mất điểm tựa Liên Xô thì đảng cộng sản lệ thuộc vào Trung Hoa với lời tuyên bố lịch sử của người đứng đầu đảng cộng sản Nguyễn Văn Linh « Tôi biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất Nước,nhưng, mất nước còn hơn mất Đảng ». Từ đó Đảng cộng sản Việt Nam dập khuôn theo đảng cộng sản Trung Quốc thí dụ như bịa đặt ra một số nhân vật “anh hùng”. Ngày nay khi vô số nội dung ngụy tạo có sơ hở nên bị lột trần thì đảng cộng sản Trung Quốc lại cho ra đời “luật bảo vệ anh hùng liệt sĩ” để cấm mọi người chất vấn và xác minh!

[1] Giáo Sư Phan Huy Lê công bố việc này trong một bài viết được đăng trên tạp chí Xưa và Nay của của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, số ra Tháng Mười, năm 2009.Bài viết sau đó được báo Khoa Học và Ðời Sống (www.bee.net.vn) đưa lên mạng vào ngày 14 Tháng Mười, năm 2009, với tựa đề “GS Phan Huy Lê: Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám.”

[2] GS Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời từ ngày 28/8/1945 đến ngày 1/1/1946, rồi Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động trong Chính phủ liên hiệp lâm thời từ ngày 1/1/1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 2/3/1946,

[3] Dự án làm phim Lê Văn Tám biểu tượng cho cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) phải ngừng lại vì điều phi lý là tẩm xăng đốt cháy rồi thì cậu bé 10 tuổi sẽ ngã gục xuống ngay đâu có thể làm đuốc sống chạy 50 M vào đốt kho xăng.,

[4] Trong một cuộc họp báo vào tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê nhớ lại:Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Đó là lúc anh Liệu làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền (sau Cách mạng tháng 8 năm 1945,Trần Huy Liệu làm BT Bộ Tuyên truyền và Cổ Động), anh Trần Huy Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè.[..] Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng: ‘Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”.

[5] Niên sử thiếu niên anh hung chống giặc bị phê bình hy sinh các trè em vị thành niên nên cơ quan tuyên truyền trộn lẫn các em với các vị ấu vương, với những vị thiếu niên anh hùng tự nguyên chống giặc như Trần Quốc Toản 16 tuổi dung cờ Phá cường đich báo hoàng ân, Nguyễn Hiền đậu trang nguyên lúc 13 tuổi đời Trần Thái Tông,Vua Lê Nhân Tông lên ngôi lúc 1 tuổi  đến 10 tuổi tự điều hành chính sự, Vua Duy Tân nhà Nguyễn lên ngôi lúc 7 tuổi , chống Pháp nên bị đầy

[6] Mới đây Giáo Sư Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế, xác nhận rằng, chuyện Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo là không có thật

[7] « Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng: cộng sản chỉ biết “tuyên truyền và dối trá.” (Mikhail Gorbachev, nguyên tổng bí thư đảng cộng sản xô viết)


Bài 10. Người kiểu mẫu XHCN trong lịch sử

April 10, 2022

https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2022/04/bai-10-img01.png

Mạc Đăng Dung

Hồ Chí Minh lập luận rằng “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Điều này có nghĩa là sử học liên hệ chặt chẽ với chính trị, đôi khi cần sửa đổi sử để phục vụ chính trị. Từ lời chỉ đạo này mà một số “sử gia XHCN” đã sửa đổi hàng trăm sự kiện lịch sử Việt Nam theo biến cố chính trị và theo chỉ thị của lãnh đạo Đảng rồi thực hiện nhiều video (YouTube) tuyên truyền trong dân chúng. Dưới đây là vài thí dụ viết lại lịch sử của “sử gia XHCN”[1]

Sau mật nghị Thành Đô (1990), đảng cộng sản Việt Nam phải dâng đất cho Trung Quốc là:

cắt đất tại ải Nam Quan[2] và 2/3 thác Bản Giốc bằng cách vẽ lại biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam theo ý muốn của Trung Quốc.

nhiều biển đảo như Hoàng Sa, Trường sa … bị xâm chiếm bang vũ lực  thác Bản Giốc cho Trung Quốc[3]

Trong thời hiện đại, Trung Quốc chiếm đất của Việt Nam bằng các cách sau:

1)Tự nguyện dâng đất: Công hàm của TT Phạm văn Đồng dâng đảo Hòang Sa,

2)Dùng vũ lực xâm lăng nhiều biển đảo tại Biển Đông,

3)Dùng đàm phán vẽ lại ranh giới theo ý muốn xâm lăng của Trung Quốc, đó là trường hợp dâng ải Nam Quan (Việt Nam mất 245 M đất) và 2/3 thác Bản Giốc rồi bắt Đảng cộng sản VN tự biện minh cho việc dâng đất[4] như:

 Đảng cộng sản không có tư liệu pháp lý chứng minh Ải Nam Quan và thác Bản Giốc là của Việt Nam (mặc dầu Trung Hoa cũng không có tư liệu pháp lý để đòi dâng đất nhưng vẫn được đất).,

Trên bản đồ cắm mốc Pháp – Thanh năm 1894, địa danh Nam Quan được thể hiện ở phía Bắc đường biên giới (có nghĩa ải Nam Quan nằm trên đất của Trung Hoa[5] ).

Mốc biên giới cũ số 18 bị mất[6]

Ngày nay Trung Quốc cư xử với Đảng cộng sản VN như xưa kia các cường quốc Âu Châu đối với Trung Hoa. Không qui phục, không dâng đất là có chiến tranh, có chiến tranh là Việt Nam thua rồi cũng phải dâng đất như trường hợp Trung Cộng cướp biển đảo. Biết rằng dù có chống lại Trung Quốc hay không cũng đi đến mất đất, nhưng, điều mà dân Việt chống đối là chống thái độ hèn yếu “thiếu trách nhiệm” của Đảng trong lời biện minh: “Trả lại đất của Trung Hoa mà ta đã chiếm cứ!”. Lời biện minh này xác nhận việc dâng đất là có thực và muốn biết sự thực như thế nào thì xin lên internet, tìm ải Nam Quan, đọc Hà Sĩ PhuY Nguyên Mai Trần dẫn chứng đầy đủ tư liệu, hình ảnh xác thực về việc dâng đất tại thác Bản Giốc, ải Nam Quan, Trung Hoa xây Trấn Nam Quan và Việt Nam xây Ngưỡng Đức Đài để đánh dấu biên giới Việt Hoa.

Tại sao phải minh oan cho Mạc Đăng Dung?

 Để biện minh cùng một lúc cho cả Đảng cộng sản VN lẫn Mạc Đăng Dung dâng đất cho cho nhà Minh vào thế kỷ XVI[7], “sử gia XHCN” nổ lực “minh oan” cho việc dâng đất của Mạc Đăng Dung và chế độ nhà Mạc bằng lời biện minh “Trả lại đất của Trung Hoa”. Hội Sử học Hải Phòng tổ chức các cuộc “hội thảo khoa học về vương triều Mạc” khởi đầu cho sửa sử liệu và hướng dẫn phát hành khoảng 20 video[8] (YouTube) biện minh dâng đất để tuyên truyền rằng nhà Mạc trả lại đất nguyên trước kia thuộc nhà Tống chứ không dâng đất!

Tiếp theo việc minh oan cho nhà Mạc dâng đất cho nhà Minh, Hà Nội đặt tên đường Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) tại quận Cầu Giấy, Hà nội và ở nhiều thị xã khác (Quảng Yên, Bỉm Sơn…), xây dựng từ đường họ Mạc, làm bài hát ca tụng[9], hướng dẫn thực hiện nhiều video khen ngợi Mạc Đăng Dung dưới đầu đề “Công trạng lớn lao, tài năng kiệt xuất” với những lời minh oan cho nhà Mạc cũng như cho chính đảng cộng sản Việt Nam như sau:

Hành động dâng đất mưu hòa bình của Đăng Dung là khôn khéo, mềm mỏng.

Vua nhà Mạc quỳ gối trước tướng giặc là sự tính toán trong sách lược ứng phó[10] (!); vì vậy, để tránh chiến tranh, năm 1540, Mạc Đăng Dung đã tự trói mình, quì gối chịu tội xin hàng và dâng hai châu Quy, Thuận  và 5 Động để sát nhập vào Khâm Châu, tỉnh Quảng Đông.

Nhà Mạc trả lại đất cho Trung Hoa chứ không dâng đất. Hai châu Quy Thuận thực sư là châu Quí Hóa, Thuân An và 5 động Tê Phù, Cổ Xung, Kim Lạc, Liễu Cát và La Phù nguyên là đất thuộc nhà Tống từ thế kỷ 11, bị nhà Lê mạo nhận. Vậy Mạc Đăng Dung trả đất vốn thuộc Trung Hoa chứ không dâng đất[11]!

https://hungviet-vhr.org/wp-content/uploads/2022/04/bai-10-img02.png

Biết nói gì khi con cháu vì quyền lợi riêng tư mà cố tình không nghe lời vua Trần Nhân Tông (trị vì từ ngày 8 tháng 11 năm 1278 đến ngày 16 tháng 4 năm 1293) dặn lại con “… Cái họa lâu đời của ta là cái họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải … Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu” nên bất kỳ vị vua chúa nào dâng đất cho  Trung Quốc đều bị lịch sử lên án phản quốc, không có biệt lệ[12].  

Khi người đứng đầu đảng cộng sản Nguyễn Văn Linh nói « Tôi biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất Nước, nhưng, mất nước còn hơn mất Đảng », thì dâng cho Trung Quốc mấy cây số đất thì đâu có nghĩa lý gì đối với người cộng sản.

Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Sửa đổi lịch sử theo nhu cầu chính trị

Sử gia XHCN đã sửa lịch sử, phê phán gắt gao, chịu trách nhiệm mất nước … nhằm biến vương triều Nguyễn từ một vương triều có công mở rộng và thống nhất đất nước thành một “tập đoàn phong kiến phản động, bán nước, tối phản động, có tội với dân tộc”. Sự tệ hại của sửa lịch sử là vấn đề còn tranh cãi thì được đưa ngay vào sách giáo khoa phổ thông mặc dù có các khuyến cáo của các sử gia bậc thầy là GS Phan Huy Lê, GS Trần Quốc Vượng[13]. Trước sự phán xét không công bằng, thiếu khách quan đó, GS Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, phát biểu năm 2008[14]: “Sự phê phán, lên án đến mức gần như phủ định mọi thành tựu của thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn trước đây là quá bất công, thiếu khách quan nhất là đưa vào nội dung sách giáo khoa phổ thông để phổ cập cho lớp trẻ và xã hội”.

Trên tờ “Sông Hương” (Huế), sử gia và khảo cổ gia, Trần Đức Vượng, nguyên chủ tịch Hội Sử Học, viết:” Tôi không thích nhà làm sử cứ theo ý kiến chủ quan của mình, và từ chỗ đứng của thời đại mình mà chửi tràn chửi lấp toàn bộ nhà Nguyễn cho sướng miệng và ra vẻ có lập trường. Có thời nhà Nguyễn, chúng ta mới có một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay”.

Cảnh sửa đổi môn sử theo biến cố chính trị hiện thời Việt Nam được GS sử học Hà Văn Tấn[15], cựu Viện trưởng Viện Khảo cổ được diễn tả trong một bài tham luận nhan đề “Lịch Sử, Sự Thật và Sử Học[16]. Mở đầu bài tham luận, GS Hà Văn Tấn dẫn hai câu cuối cùng trong bài thơ cuối cùng của mười bốn bài Mạn thuật của Nguyễn Trãi:

Ai ai đều đã bằng câu hết
Nước chẳng còn có Sử Ngư[17]

và ông kết luận: “Thật là cay đắng khi mọi người bị uốn cong như lưỡi câu, và chẳng ai nói lên sự thật, chẳng còn ai như Sử Ngư nữa”.

Đọc câu phát biểu của GS Hà Văn Tấn, chúng ta cũng cảm thấy lòng tê tái với nỗi đau của ông về sự thật bị che đậy hay xuyên tạc. Nghĩ đến người chép sử, nhà sử học, những người nói lên sự thật, không biết bị dằn vặt đến thế nào?

Cái chết của người kiểu mẫu XHCN 

Mục đích giáo dục là tạo nên người cán bộ đạo đức để làm người mẫu cho văn hóa XHCN. Năm 1986, kinh tế XHCN sụp đổ, đương nhiên kéo theo sư sụp đổ của văn hóa XHCN cùng cây cột (cán bộ đạo đức) chống đỡ. Như đã nói, văn hóa giáo dục đi đôi với nhau như hình với bóng, nhưng nay thì hình (văn hóa XHCN) đã chết nhưng bóng (giáo dục theo XHCN) vẫn chưa được Đảng chỉ dẫn đi theo hình tức văn hóa nào để tạo nên con người kiểu mẫu cho xã hội có hạ tầng là kinh tế tư bản nhưng thiếu bóng văn hóa XHCN ở trên?

Trong khi chờ đợi câu trả lời của Đảng thì các người cộng sản chân chính vẫn muốn làm sống lại con người kiểu mẫu tức cán bộ thấm nhuần đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh như các lời phát biểu dưới đây.

Tại hội trường Quốc hội, ngày 1 tháng 11 năm 2010, đại biểu Lê Văn Cuông phát biểu ngắn, nhưng có giá trị tổng kết: “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được triển khai 4 năm trên phạm vi cả nước, nhưng kết quả làm theo lời Bác chưa được nhiều, trái lại có một số vấn đề bức xúc như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, tư lợi, đạo đức xuống cấp trong một bộ phận cán bộ công chức ngày càng có biểu hiện tinh vi, phức tạp“.

Ngày 30 tháng 11 năm 2010 tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, ông Trương Vĩnh Trọng Phó thủ tướng, thay mặt Ban chỉ đạo công tác này báo cáo: “Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp…”

Nhà văn, cựu chiến binh, đảng viên Phạm Đình Trọng trong bài Ăn mày dĩ vãng đã coi cách tổ chức Cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh như hiện nay đã làm cho những người học trở thành “những diễn viên đang diễn vở kịch học tập đạo đức Hồ Chí Minh“. Và “Một bộ máy nhà Nước tham nhũng cao giọng rao giảng đạo đức Hồ Chí Minh… thì đó là sự giả dối vô liêm sỉ…Cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh trở thành cuộc vận động làm điều giả dối“, “núp bóng ăn theo vinh quang của quá khứ để tồn tại. Đó là sự ăn mày dĩ vãng.”

Tháng 9 năm 2010, trong lễ trao giải cuộc thi “Văn học tuổi 20” ở thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn trẻ Hải Miên đoạt giải 3, đã phát biểu như sau: ” Chúng ta đang sống trong một thời đại đổ vỡ, nơi khủng hoảng những giá trị, những niềm tin va đập không ngừng, cùng những cách nhìn về xã hội Việt Nam trong giai đoạn những giá trị chuẩn mực thì đã cũ, còn những giá trị mới thì chưa hình thành. Sống trong giai đoạn như thế đôi khi có cảm giác không còn điều gì thiêng liêng, nguyên vẹn và có cảm giác đau đớn. Tôi nương vào chữ để mở cửa thoát hiểm cho mình “.

Tại buổi thảo luận ở hội trường sáng ngày 30/05/2019 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV) Ông Nguyễn Lân Hiểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã phát biểu: “Trong phiên thảo luận về giáo dục, chúng ta đã dành nhiều thời gian để bàn về triết lý giáo dục. Nhưng theo tôi, trước mắt chúng ta cần xây dựng một nền giáo dục không nói dối. Không nên kỳ vọng vào một sản phẩm giáo dục hoàn hảo nếu chúng ta chấp nhận sự dối trá ngay từ khi các con bước vào trường”.

 Các phát biểu của người cộng sản chân chính cho mọi người nhìn thấy:

Cây cột chống đỡ XHCN là cán bộ bị mục nát vì giáo dục đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, lạc đường, chẳng ai nghe theo, 

“Nói dối” ngự trị trong giáo dục mặc dầu có tiếng kêu cứu “Trả lại sự thật cho lịch sử” của các sử gia đứng đầu khoa sử như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà văn Tấn.

Hãy chờ xem tiếng nói của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel toán là Giáo sư Ngô Bảo Châu, có được Đảng quan tâm đến  không?

“Người Đức có lẽ hiểu rất rõ rằng thức ăn cho tâm hồn con người chính là sự thật. Những dân tộc quen nấu sự dối trá cho mình ăn, sẽ dần dần quen với sự bạc nhược, sự đớn hèn của chính mình. Thế nhưng người ta vẫn thích nấu sự dối trá cho mình ăn. Vì sự thật nhiều khi không có lợi, hoặc là cứng quá, không tốt cho lợi”.

 Sau cùng, Lão Tử cũng nhắn nhủ:

Làm thầy thuốc sai lầm có thể hại một người,
Làm chính trị sai lầm có thể hại một thế hệ;
Làm văn hóa sai lầm có thể hại muôn đời.

Lạp Chúc Nguyễn Huy

[1]Triệu Đà là giặc cướp nước, nhà Triệu bị loại khỏi chính sử Việt Nam; Không có Kinh Dương Vương và Nhà Nước Xích Quỷ.

[2] Lên internet, tìm ải Nam Quan, đọc Hà Sĩ PhuY Nguyên Mai Trần dẫn chứng đầy đủ tư liệu, hình ảnh xác thực về việc dâng đất. Tại ải Nam Quan, Trung Hoa xây Trấn Nam Quan và Việt Nam xây Ngưỡng Đức Đài để đánh dấu biên giới Việt Hoa.

[3] Lời vua Trần Nhân Tông dặn lại con cháu :”Một tấc đất của Tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”.

[4] Tài liệu biện minh dâng đất của Đảng: 1) TS Trần Công Trục, Lãnh thổ Việt Nam lịch sử & pháp lý, NXB Thông tin và Truyền thông, Trần Công Trục là đại diện Đảng để đàm phán biên giới với Trung Quốc có nhiệm vụ giải thích với nhân dân về việc dâng đất, 2) Bộ ngoại giao, Ủy ban biên giới quốc gia, Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc

[5] Lên internet ải Nam Quan sẽ thấy rất nhiều hình ảnh xưa cho thấy Trung Quốc đã dời Hữu Nghị Quan vào xâu phía nam đất Viêt để nay nói rằng Ải Nam Quan xây trên đất Trung Hoa.).

[6] Vào năm 1979, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra lời tố cáo rằng tại khu vực Hữu Nghị Quan “… phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 m trên đường quốc lộ để xóa vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột ki-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này.”! (Đây là cột mốc cắm ngày 21/4/1891 tại chân tường cửa ải Nam Quan Việt Nam).

[7] Về việc dâng đất, Mạc Đăng Dung và đảng cộng sản Việt Nam có cùng một quan điểm về ngai vàng và Đảng như Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh nói « Tôi biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất Nước,nhưng, mất  Nước còn hơn mất Đảng »

[8] Vào YouTube, tìm « Mạc Đăng Dung »

[9] Xây dựng khu tưởng niệm vương triều Mạc và từ đường họ Mạc tại Cổ Trai, Hải Phòng kèm theo bài hát ca tụng “Hoàng đế anh minh”, “đánh đuổi quân xâm lăng”

[10] Video bào chữa : Nếu không có Mạc Đăng Dung, có lẽ Đại Việt đã sụp đổ hoàn toàn

[11] Video minh oan : « Số phận Mạc Đăng Dung với nỗi hàm oan thế kỷ » và video khen ngợi :công trạng lớn lao, tài năng kiệt xuất”

[12] Vua Lê Thánh Tôn dặn lại con cháu “Một thước núi, một tấc song của ta, lẽ nào lại có thể vứt bỏ?Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước song, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội chu di”  

[13] Vào YouTube, tìm :Lịch sử Việt Nam triều đại nhà Nguyễn (P2).  

[14] Trong kỳ hội thảo quốc gia với đề tài Chúa Nguyễn và triều Nguyễn từ TK 16 đến TK 19

[15] Ông là một trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà văn Tấn,Trần Quốc Vượng)

[16] đăng trên tờ Đoàn Kết số 403, ấn hành vào tháng 6 năm 1988 tại Paris, nước Pháp, có lẽ in lại từ tờ Tổ Quốc số tháng Giêng năm 1988

[17] Sử Ngư là người chép sử về đời Xuân Thu nổi tiếng vì lời thẳng thắn, trung thực!


Comments are closed.