Việt Nam: Nói lại về “danh nhân văn hóa thế giới”


Lý Trần – 16-4-2023

Những đồn đoán vừa qua xung quanh việc anh Nguyễn Lân Thắng bị xử kín và bỏ tù, mặc dù khá lâu anh đã im tiếng, cho rằng anh đã xúc phạm lãnh tụ CS Hồ Chí Minh.

Chuyện công – tội của ông Hồ đã được bàn nhiều rồi. Cá nhân tôi tôn trọng ông Hồ Chí Minh là một người cao tuổi vì đó là văn hóa Việt, coi trọng các bậc cao niên. Có một giai thoại kể rằng ông Hồ đã nhắc nhở cấp dưới của mình không được gọi người già là “thằng” khi ông nhắc đến ông Ngô Đình Diệm. “Các chú không nên gọi người ta là thằng, ông ấy cũng là người già”.

Nhưng văn hóa xưng hô của người CS coi tất cả những ai họ không ưa đều là ‘thằng/ con’ đã trở nên phổ biến. Những ai phải tham dự các buổi học tập chính trị hàng năm đều chứng kiến diễn giả là cán bộ Tuyên giáo gọi các nguyên thủ Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, … là thằng, là nó, hắn. Như thế mới thể hiện mình ‘có lập trường’ tiến bộ!

Ngày nay, ở những nơi riêng tư, dân Việt trong nước cũng gọi ông Trọng, ông Phúc, … là ‘thằng’ – đúng là ‘gậy ông đập lưng ông’.

Trong xã hội CS hiện nay, ông Hồ đã bị biến thành cái bung xung cho bộ máy cai trị kiếm chác cả quyền lực lẫn tiền của. Đâu đâu cũng xây đắp cổng chào, tượng bác, đền thờ bác … là một vài ví dụ. Những kẻ rao giảng đạo đức Hồ Chí Minh lại chính là những kẻ tham nhũng nhất, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, … là ví dụ sử dụng cái bung xung ấy để che đậy cho những hành vi trộm cắp, chứ không hề quý trọng gì ông Hồ.

Khi bộ mặt thật vô đạo đức, thối nát và tham nhũng đến vô độ ngày càng làm cho đảng CSVN trở thành lực lượng phản dân hại nước, họ cần một cái hình nhân thế mạng.

Không thể cứ mang dùi cui và nhà tù ra mãi với dân, không còn chỗ dựa đạo đức để thuyết phục xã hội, hệ thống Tuyên giáo của đảng CSVN ra sức tô vẽ cho ông Hồ Chí Minh. Nhiều người Việt trong nước vẫn tin rằng ông Hồ là “Danh nhân văn hóa thế giới”, mà không biết rằng đó là tin nhảm.

Tôi bỏ chút thời gian tìm lại một số tài liệu nói về sự việc này. Khởi đầu là bức thư của ông Võ Đông Giang, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, ghi ngày 14-4-1987, gửi tổng giám đốc UNESCO, đề nghị ghi tên ông Hồ vào danh sách danh nhân thế giới vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/1-25-232x300.jpg

Ảnh chụp bức thư tiếng Việt và tiếng Pháp của ông Võ Đông Giang, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, gửi tổng giám đốc UNESCO, đề nghị vinh danh ông Hồ Chí Minh. Nguồn: RFA 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/2-2-252x300.jpg

Tháng 10-1987, UNESCO có ra Nghị quyết phiên họp 24 tại Paris năm 1987, nhưng trong danh sách vinh danh các danh nhân thế giới sau đó, hoàn toàn không có tên ông Hồ. Cho nên, không hề có chuyện UNESCO “công nhận Danh hiệu” ông Hồ là danh nhân văn hóa thế giới như tin vịt đã loan.

Ngày 2-10-2010, bà Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova có bài diễn văn khai trương triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/1-23-300x214.jpg

Ảnh chụp phần mở đầu bài phát biểu ngày 2-10-2010 của bà Irina Bokova tại Hà Nội. 

Thế nhưng, Tuyên giáo CSVN bám lấy diễn văn này rồi gán cho nó là UNESCO “công nhận Danh hiệu” ông Hồ là danh nhân văn hóa thế giới. Người dân bình thường làm sao biết thực hư cái “sự công nhận” đó? Hy vọng, những dẫn chứng sau đây sẽ làm nhiệm vụ fact-check – kiểm chứng sự thật.

Là một hoạt động bình thường, UNESCO lên danh sách ngày sinh/ ngày mất lần thứ trăm chẵn (100, 200 …) của những nhân vật nổi tiếng để tưởng nhớ họ, ví dụ người đứng đầu quốc gia, nghệ sĩ, kiến trúc sư…

Mục này ở trang 134/225 của Nghị quyết phiên họp 24 tại Paris năm 1987 và trong các văn bản của UNESCO, không có chỗ nào cho thấy có Danh hiệu “Danh nhân văn hóa thế giới”. Xét về ngôn ngữ, đã là danh hiệu (title), danh từ đó trở thành danh từ riêng và thường phải viết hoa. Ví dụ, “Goodwill Ambassador” dành cho Ivonne A-Baki, “Artist for Peace” dành cho Paul Ahyi (1930-2010) … Nhưng tất cả từ ngữ liên quan trong văn bản dẫn ở trên đều là danh từ chung. Lục tìm danh sách các danh hiệu của UNESCO không thấy những danh hiệu “danh nhân văn hóa thế giới”. Không có thì làm thế nào để trao? Theo tinh thần UNESCO, mọi nền văn hóa đều là cường quốc văn hóa.

Cũng trên cơ sở văn bản này, so với Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Hồ Chí Minh phải “gọi ông Nehru bằng cụ” về phương diện văn hóa, có tầm ảnh hưởng trên thế giới …. Nehru có những “bài viết mang tính học thuật là bộ phận khăng khít của di sản văn hóa thế giới” (scholarly writings that constitute an integral part of the cultural heritage of the world) , “chiến sĩ vĩ đại của phong trào giải phóng và đoàn kết quốc tế, và một lãnh đạo của thế giới” (great champion of liberation movement and international solidarity, a world leader), “được thừa nhận rộng rãi là nhân vật của văn hóa phổ quát” (widely acclaimed as a man of universal culture) (*).

Hồ Chí Minh không có mức độ công nhận đó, trong khi chỉ bó hẹp trong khuôn khổ nước mình như một “anh hùng giải phóng dân tộc và nhân vật văn hóa Việt Nam” (Vietnamese national hero of national liberation and great man of culture); “một biểu tượng nổi bật của tinh thần dân tộc, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam” (an outstanding symbol of  national affirmation, devoted his whole life to the national liberation of the Vietnamese people …). Mời xem thêm thông tin từ UNESCO qua các bản chụp màn hình dưới đây:

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/2-1-300x164.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/4-1-300x133.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/3-2-300x176.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/5-1-300x178.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/6-300x174.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/7-300x175.jpg

Ảnh chụp mục lục biên bản/nghị quyết phiên họp:

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/1-24-300x187.jpg

Cùng năm đó, UNESCO đề nghị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của học giả người Thái Phys Anunman Rajadhon, 500 năm ngày sinh nhà cách mạng Tư sản Đức Thomas Muntzer, nhà giáo dục người Nga Makarenko, Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam, lãnh tụ Jawaharlal Nehru của Ấn Độ, và kỉ niệm 400 năm ngày mất của kiến trúc sư Thổ Nhĩ Kỳ Sinan …

Một vài dẫn chứng ở trên và ý kiến cá nhân để “giải ảo” cho những ai vẫn còn quanh quẩn với các lời tuyên truyền của Tuyên giáo CSVN về huyền thoại “danh nhân văn hóa thế giới” của họ cố gán cho ông Hồ. Ông là một nhân vật nổi tiếng, nhưng không phải là “danh nhân văn hóa thế giới” – đơn giản vì UNESCO KHÔNG có danh hiệu đó.

Về UNESCO, có khá nhiều ý kiến khắp trên thế giới một cách hài hước mô tả nó như “một câu lạc bộ của mấy anh/ chị thiên tả dùng để du lịch miễn phí đến các quốc gia … có các heritage”, được chủ nhà đãi “cơm gà cá gỏi”?

Không biết đến bao giờ lăng ông Hồ Chí Minh sẽ được UNESCO xếp hạng “di sản văn hóa” (cultural heritage) đây?!

______

(*) Ghi chú: Những chỗ tô đậm là của người viết bài này, để nhấn mạnh.

https://baotiengdan.com/2023/04/16

Tags: , ,

Comments are closed.