Việt Nam: Trung Quốc cấm đánh bắt cá đơn phương, Việt Nam có nên khởi kiện? (BBC)


Tác giả, Huyền Trân – BBC News Tiếng Việt

27/4/2023

Nguồn hình ảnh, Getty Images – Chụp lại hình ảnh, 

Lệnh cấm đánh bắt cá năm nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế hàng ngàn ngư dân Việt Nam tại vùng biển phía bắc vĩ độ 12 trở lên, từ ngày 01/05 đến 16/08

Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương thường niên trên Biển Đông được Trung Quốc ban hành từ năm 1999 đến nay, với lý do vì một nền ngư nghiệp bền vững và cải thiện hệ sinh thái đại dương.

Lệnh cấm đánh bắt cá năm nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế hàng ngàn ngư dân Việt Nam tại vùng biển phía bắc vĩ độ 12 trở lên, từ ngày 01/05 đến 16/08. 

“Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đã không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”, tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 20/04.

“Phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 nêu rõ rằng, vùng biển Trung Quốc chỉ có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của đảo Hải Nam và vùng lục địa Trung Quốc. Nếu Trung Quốc dựa vào quần đảo Trường Sa để tuyên bố cấm đánh bắt cá vùng biển ở vĩ độ 12 trở lên là sai với luật pháp quốc tế”, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông nhận định với BBC News Tiếng Việt.

Cũng như mọi năm, cho đến nay, Việt Nam chỉ dừng lại ở việc lên tiếng phản đối Trung Quốc và chưa thấy đề cập hành động cụ thể tiếp theo. Điều gì sẽ đảm bảo an toàn cho ngư dân Việt Nam tiếp tục ‘bám biển’?

‘Cách thức tinh vi’

“Đây là một ví dụ cho thấy Trung Quốc đang cố bình thường hóa ý đồ kiểm soát Biển Đông, và điều này đã buộc Việt Nam và Philippines công khai phản đối lệnh cấm này mỗi năm nhằm cho thấy không công nhận sự áp đặt của Trung Quốc”, Gregory B. Poling, nhà nghiên cứu cấp cao từ Center for Strategic and International Studies (CSIS) nói với BBC News Tiếng Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang từ Đại học Victoria (New Zealand) cho rằng lệnh cấm này là “một cách thức tinh vi” để bảo vệ và thực thi tuyên bố về chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

“Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc về bề mặt là nhằm đảm bảo phục hồi nguồn lợi thủy sản trên biển Đông, nhưng thực chất là cách thức tinh vi để bảo vệ và thực thi tuyên bố về chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.”

“Thêm vào đó, lệnh cấm này ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đồng thời tạo cớ cho những hành động trấn áp của các lực lượng thực thi Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam và các nước trong khu vực. Lệnh cấm hàng năm này không có cơ sở pháp lý, gây thiệt hại cả về kinh tế lẫn chủ quyền, nên việc Việt Nam lên tiếng phản đối là đương nhiên”, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho biết.

Gọi đây là những lệnh cấm sai trái, ngang ngược, Hội Nghề cá Việt Nam ngày 21/04 đề nghị cơ quan chức năng phải có biện pháp quyết liệt để “bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia”.

Đã xảy ra nhiều vụ việc ngư dân cáo buộc lực lượng kiểm ngư Trung Quốc phá trên biển, tả tơi về bờ, theo truyền thông Việt Nam.

“Cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác lập theo Công ước của LHQ về Luật Biển năm (UNCLOS) năm 1982”, ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu Biển Đông bình luận với BBC News Tiếng Việt.


Khả năng khởi kiện

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Ngư dân Việt Nam trong một bữa cơm trên tàu ngoài khơi đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, ảnh vào tháng 08/2022

Trung Quốc ngày càng nâng cao năng lực hàng hải của mình, điều này tạo nên rủi ro về những hành động trấn áp ngày càng mạnh tay hơn nhằm vào ngư dân Việt Nam trên Biển Đông trong thời gian tới.

“Điều đáng lo ngại là trong những năm gần đây, năng lực hàng hải của Trung Quốc được cải thiện đáng kể, khiến họ có khả năng thực thi lệnh cấm này quyết liệt hơn trước rất nhiều. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực hàng hải tương ứng, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân đủ khả năng thực hiện hoạt động kinh tế chính đáng của mình trên biển Đông, qua đó gián tiếp khẳng định chủ quyền của Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho biết.

Từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng Việt Nam lẽ ra phải nên kiện Trung Quốc liên quan đến lệnh cấm này, thay vì “đến hẹn lại la”.

“Tiếc rằng trong thời gian qua Việt Nam không khởi kiện Trung Quốc về vấn đề này nên không có được phán quyết của Tòa trọng tài thường trực được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 như trường hợp của Philippines, nên mỗi lần Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, Việt Nam cứ đến hẹn lại la rằng Lập trường của Việt Nam “đối với lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép” là nhất quán và đã được nhiều lần khẳng định rõ trong các năm qua.”

Có chung quan điểm với ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu Gregory B. Poling nhận định Hà Nội hoàn toàn có thể thắng kiện Bắc Kinh từ tiền đề vụ Philippines thắng kiện Trung Quốc hồi năm 2016. 

“Việt Nam có thể chắc chắn kiện Trung Quốc theo cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc của UNCLOS. Và Việt Nam có thể thắng kiện”, ông Gregory B. Poling cho biết.

Vào ngày 12/07/2016, Tòa Trọng tài Thường trực ban hành phán quyết cho vụ kiện Philippines về Biển Đông. 

Trong năm quan điểm chính được Philippines lập luận tại tòa có bao gồm ý bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), và Trung Quốc không được đòi “quyền lịch sử” cho vùng biển bên trong đường chín đoạn, các yêu sách biển của Trung Quốc bên trong đường này vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). 

Nội dung của phán quyết đã đề cập đầy đủ bảy nội dung mà Tòa Trọng tài đã lựa chọn thuộc thẩm quyền xét xử của mình trong số 15 điểm của đơn khởi kiện. 

Nội dung phán quyết của Tòa chỉ tập trung phán xét về việc giải thích và những áp dụng sai các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, không liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về việc phân định các vùng chồng lấn, cụ thể bao gồm:

  • Bác bỏ “quyền lịch sử đối với tài nguyên trong đường chín đoạn
  • Các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biển xung quanh bãi cạn Scaborough là vi phạm UNCLOS 1982
  • Các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển
  • Tất cả những hoạt động đó của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tranh chấp
  • Khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Đã xảy ra nhiều vụ ngư dân Việt Nam cáo buộc bị lực lượng kiểm ngư Trung Quốc tấn công trong các năm qua khi mưu sinh trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Từ phán quyết này, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định về khả năng khởi kiện của Việt Nam liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc:

“Hoàng Sa giống như Scarborough của Philippines, là khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam từ ngàn xưa. Chẳng cần biết chủ quyền về ai, ngư dân đều có quyền đánh cá ở đó, ngay cả trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nổi. Những lời tuyên bố của Việt Nam cũng cần thiết nhưng vụ việc vẫn cứ tái diễn, ngư dân vẫn tiếp tục bị gánh chịu. Kiện về chủ quyền thì cần sự đồng ý của Trung Quốc, còn kiện về quyền đánh cá truyền thống thì có thể kiện đơn phương và khả năng thắng kiện rất cao vì có tiền lệ của Philippines”, ông Đinh Kim Phúc nói.

Và Hà Nội sẽ phải có những tính toán ngoại giao quan trọng nếu thực hiện bước đi này. “Việt Nam có thể tính toán sẽ gánh chịu sự trả đũa kinh tế và ngoại giao đáng kể từ Trung Quốc mà không đạt được chiến thắng đáng kể”, ông Gregory B. Poling nhận định.

Tuy nhiên, trong một ý kiến khác, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca cho rằng Việt Nam sẽ không khởi kiện Trung Quốc.

“Tôi không rõ về chủ trương của Việt Nam sẽ thế nào. Việt Nam phản đối lệnh đánh bắt cá vì vi phạm chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam và điều này hoàn toàn đúng với luật pháp quốc tế. Tôi cho rằng chưa cần thiết phải kiện vì Việt Nam vẫn đủ các cơ sở pháp lý để đấu tranh.”

“Tôi từng nghe cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói là Việt Nam cần chuẩn bị tốt hồ sơ để khi cần thiết thì khởi kiện Trung Quốc. Tôi nghĩ lệnh cấm đánh bắt cá càng chứng tỏ Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, và Việt Nam cần lưu giữ đầy đủ bằng chứng. 

Theo quan điểm của riêng tôi, nếu kiện chỉ vấn đề này thì quá bé. Thông thường một vụ kiện phải tốn nhiều năm, nhiều công sức chuẩn bị, và có nhiều tác động có lợi, có hại đối với nền kinh tế, quan hệ ngoại giao. Khi kiện phải cân nhắc rất kỹ thiệt, hơn”, Tiến sĩ Vũ Thành Ca nói với BBC News Tiếng Việt.

https://www.bbc.com/vietnamese

Tags: , , ,

Comments are closed.