VNTB – Mồm loa mép giải (người dân VN phải chịu tấn công mồm loa mép giải liên tục)


24.05.2023 7:29

VNTB – Mồm loa mép giải

Hạo Nhiên

(VNTB) – Người dân gần như phải chịu những cuộc tấn công tra tấn mồm loa mép giải liên tục, bền bỉ từ mọi phía, mọi nơi.

Hầu hết người ở Việt Nam phải chịu những cuộc tấn công tra tấn mồm loa mép giải liên tục, bền bỉ từ mọi phía, mọi lúc, và từ mọi thành phần. Nguyên do hậu quả của cuộc sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa khiến khuynh hướng tranh giành quyền lực của mọi tầng lớp càng ngày càng lên cao. 

Âm thanh trong rừng già

Trong một cánh rừng già có muôn vàn âm thanh phát ra từ muông thú, chúng không ngớt dùng âm thanh như là một phần của bản năng tự nhiên của loài động vật, với nhiều mục đích, truyền thông, giao tiếp và thể hiện nhu cầu và cảm xúc của chúng. Âm thanh có thể được sử dụng để đe dọa kẻ khác, gợi lên sự quyến rũ trong quan hệ sinh sản, hoặc để thu hút sự chú ý của cá thể khác.

Các loài động vật sử dụng âm thanh để thể hiện sự mạnh mẽ, xác định vùng lãnh thổ, cảnh báo nguy hiểm hoặc đe dọa đối thủ. Chúng có thể tạo ra âm thanh cao, gầm rú, hú, rít hoặc thậm chí là tiếng la hét để thể hiện sức mạnh và xây dựng vị thế của mình trong quần thể. Âm thanh cũng được sử dụng trong quá trình hấp dẫn bạn tình hoặc trong quan hệ sinh sản của các loài động vật. Tiếng gọi, hót, rít, hát, hoặc các âm thanh khác có thể được sử dụng để thu hút sự chú ý của đối tác và tạo ra môi trường tình dục thuận lợi.

Tiếng gầm thét của động vật có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau và không chỉ đơn giản chứng tỏ mong muốn làm chủ khu vực hoặc đàn áp đối thủ, chúng có thể sử dụng tiếng gầm thét để báo động cho các thành viên trong đàn hoặc để cảnh báo về sự hiện diện của mối đe dọa. Tiếng gầm thét có thể mang tính chất tự vệ để đe dọa hoặc cảnh báo đối thủ. Một số động vật, như sư tử và hổ, sử dụng tiếng gầm thét để thiết lập ranh giới và bảo vệ lãnh thổ của mình. Tiếng gầm thét có thể có tác dụng đánh dấu vùng đất và cảnh báo cho các đối thủ tiềm năng biết rằng vùng đất này đã được chiếm đóng. Tiếng gầm thét có thể được sử dụng để giao tiếp giữa các thành viên trong đàn hoặc để xác định vị trí của mình trong môi trường. Điều này có thể xảy ra trong các loài động vật sống thành đàn như sư tử, hổ, gấu, chó sói. Một số động vật sử dụng tiếng gầm thét để thể hiện sự tự tin hoặc đe dọa đối thủ trong các tình huống xung đột hoặc cạnh tranh. 

“Đấu tranh giai cấp”

Tất cả những bản năng trên còn thấy được qua nhiều cá thể hay quần thể con người trên cõi ta bà thế giới này, mà thấy rõ nhất trong những xã hội duy vật, đề cao đấu tranh giai cấp,  chủ trương mạnh được yếu thua, đảng ta phải là vô địch!

Từ xa xưa, người Việt đã có những câu ca dao, tục ngữ nói về cái sự nói năng để thể hiện quyền uy, để đạt được ý muốn,  để giành giựt, lần lướt nhau. Từ nói như rót mật vào tai, nói kiến cũng phải bò ra khỏi lỗ, đến như nói băm nói bổ, bốp chát, xỉa xói, nói như đấm vào tai; những kiểu nói để thu phục người từ êm dịu đến thị uy, ép buộc, khiến người nghe phải thuần phục mình. Sau năm 1954, có câu tục ngữ “còi to cho vượt” sáng tạo từ cánh tài xế ngoài Bắc diễn tả đúng cái tư tưởng lấn lướt, mạnh được, yếu thua, hèn nhát, dễ cúi đầu tuân phục kẻ  sử dụng bạo lực cách mạng trong xã hội chủ nghĩa mà nhiều kẻ còn đầy bản tánh tự nhiên của loài động vật.

 Tranh giành quyền lực thì trong xã hội nào cũng có nhưng từ ngày chủ nghĩa đấu tranh giai cấp vào Việt Nam khiến xã hội nổi lên rõ hai loại người; kẻ cúi đầu khuất phục trước bạo lực, người mê mải với quyền lực, mạnh được yếu thua. Có nhiều cách chiến thắng đối tượng, nhưng cách dai dẳng và dễ dàng nhất là dùng âm thanh để thể hiện quyền lực và khiến người khác phải chú ý, khuất phục, thay đổi ý kiến. Bản năng của động vật là dùng âm thanh để lưu ý kẻ khác.  Một đứa bé mới sanh ra đã biết khóc để lưu ý cha mẹ về chuyện gì đó xảy ra với nó, bắt buộc cha mẹ phải lưu ý và thỏa mãn nó. Một đứa bé, một thầy tu, một kẻ lưu manh cho đến chóp bu trong đảng cộng sản đều biết sử dụng chiêu lôi kéo kẻ khác về mình qua âm thanh nhuần nhuyễn vô cùng.

Bọn lưu manh, côn đồ còn giữ lại khá ‘nguyên chất’ cái tính man rợ,  cố thể hiện sức mạnh uy hiếp kẻ khác qua cơ bắp, búa liềm và thích thị uy quyền lực bằng cách bẩm sinh gầm rú, la hét , lấn lướt kẻ khác. Chúng hăm dọa người khác, “mày biết bố mày là ai không?” đặc sệt tính trịch thượng giai cấp. Người bán rong kéo cái loa đi khắp hang cùng ngõ hẻm quảng cáo kẹo kéo, thuốc thối tai, hôi nách, không chửi bới ai, nhưng họ dùng âm thanh quá lớn, liên tục hoặc kéo dài tra tấn người trong vùng khiến người ta mất ngủ hoặc giảm chất lượng giấc ngủ, bị stress, căng thẳng và tác động tiêu cực đến tâm trạng và tinh thần. Họ là tác nhân gián tiếp gây ra vấn đề  thính giác, bao gồm suy giảm thính lực cho người khác, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, làm việc và học tập, gây ra rối loạn hệ thống thần kinh và tim mạch cho người lớn tuổi khi chịu đựng quá sức tần suất tra tấn bằng âm thanh của họ.

Loa phường

Nguy hiểm hơn phải kể đến những chiếc loa phường, sáng trưa chiều tối ngày 4 cữ, nói băm nói bổ vào tai người dân những điều không ai cần biết. Cao chót vót và độc hại hơn cả là phát ngôn của lãnh đạo đảng, và thường xuyên, 24/24 là tiếng nói của nước Việt Nam qua đài phát thanh, truyền hình.

Đài phát thanh, truyền hình lấn lướt người khác bằng cách lợi dụng nhu cầu giải trí, tìm hiểu thông tin của mọi người để lồng vào đó những chiêu trò hạ tiện, tuyên truyền, bịa đặt, vu khống để hại người này, mua chuộc người khác. Họ nói ra rả vào tai người như bắt học trò ngồi hàng giờ ngoài sân nghe diễn từ, diễn văn của các thầy cô, các bác, các chú. Đây là các hình thức bạo lực không vật lý nhưng có thể gây hại, tổn thương và tác động tiêu cực đến tâm lý, tinh thần và sự tôn trọng của người khác.

Với đủ loại ngôn ngữ biến đổi theo mọi tình huống, hệ thống truyền thông,  phần lớn dùng ngôn ngữ bạo lực cách mạng, có mục tiêu là làm tổn thương hoặc làm suy yếu người khác bằng cách sử dụng lời nói, những từ ngữ xúc phạm, đe dọa hoặc hạ thấp nhân phẩm của họ, tạo ra sự căng thẳng, xung đột và gây rối trong quan hệ giữa các cá nhân và cộng đồng và quốc tế. Nó cố ý gây chia rẽ, làm suy yếu sự tin tưởng và tạo ra một môi trường không an toàn và không hòa thuận

Loa kẹo kéo, hàng rong, loa phường, đài phát thanh truyền hình dùng bạo lực cách mạng âm thanh nhằm đạt mục tiêu chẳng khác gì loại thú hoang dã thể hiện ý của chúng, phản ánh đúng cái  văn hóa, tập quán xã hội chú nghĩa.

VNTB

Comments are closed.