Vương Trùng Dương – Những Ca Khúc Tiêu Biểu Vinh Danh Người Lính VNCH


Little Saigon, Memorial Day, 2023

31/5/2023

Trong hai thập niên (1954-1975) về lãnh vực âm nhạc ở miền Nam Việt Nam rất nhiều ca khúc ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng và sự ngưỡng mộ, biết ơn người lính VNCH. 

Năm 2018, tôi viết bài Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Người Viết Sử Thi Cho Nhạc Lính, trong phần dẫn nhập trích bài viết của Trần Doãn Nho về Nhạc Lính đã ghi nhận: “Có khá nhiều tác giả viết về người lính: Y Vân, Trần Thiện Thanh, Nhật Ngân, Nguyễn Văn Đông, Lê Dinh, Anh Bằng, Minh Kỳ, Hoài Linh, Huỳnh Anh, Đinh Miên Vũ, Phạm Đình Chương, Phạm Thế Mỹ, Tuấn Khanh, Lam Phương, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyên Đàm, Nguyên Diệu, Phan Trần… Trong số đó, Trần Thiện Thanh là nhạc sĩ viết nhiều nhất…”. Còn có thêm Văn Giảng (Nguyên Đàm), Song Ngọc, Anh Thy, Duy Khánh, Mạnh Phát, Nhật Lệ, Hùng Cường, Mạc Phong Linh, Anh Việt Thu…

Trước khi vào lính, Nhật Trường đã sáng tác các ca khúc: Anh Về Với Em (1964), Bảy Ngày Đợi Mong (1964), Ngày Anh Đi (1964), Đồn Vắng Chiều Xuân (1964), Không Bao Giờ Ngăn Cách (1964), Người Yêu Của Lính (1965)… Và, sau đó khi “khoác áo treillis” sáng tác rất nhiều nhạc phẩm với các quân binh chủng Hải, Lục, Không Quân VNCH.

Qua những ca khúc tiêu biểu của Nhật Trường vinh danh người lính như Tình Thư Của Lính, Màu Mũ Anh Màu Áo Em, Anh Không Chết Đâu Anh (người hùng Pháo Đội Trưởng Nguyễn Văn Đương), Bắc Đẩu (anh hùng mũ đen Bắc Đẩu Nguyễn Ngoc Bích), Bay Lên Cao Đi Anh (Đại Úy phi công Trần Thế Vinh), Phút Giao Muà & Giấc Ngủ Trên Đồi Xanh (Trung Úy Nhảy Dù Trần Duy Phước)… Ca khúc Người Ở Lại Charlie (Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo hy sinh tại Charlie ngày 12 tháng 4 năm 1972 khi vừa đúng 35 tuổi), là một trong những ca khúc được mọi người ái mộ, ca ngợi hình ảnh rất đẹp của người lính dấn thân nơi chiến trường. Ngoài ra với những ca khúc về người lính với tâm hồn lãng mạn qua hình ảnh người yêu nơi hậu phương và tiền tuyến.

Với các ca khúc tiêu biểu về lính của các nhạc sĩ:

Gót Chinh Nhân, Lạy Mẹ Con Đi, Nếu Vắng Anh, Nửa Đêm Biên Giới, Huynh Đệ Chi Binh (Anh Bằng), Khi Người Lính Trở Về, Tìm Anh, Tôi Nhớ Tên Anh (Hoàng Thi Thơ), Lá Thư Người Chiến Sĩ, Anh Đi Chiến Dịch (Phạm Đình Chương), Bức Thư Trên Lô Cốt, Đi Bên Lính, Lính Du Xuân, Người Lính Yêu Em, Thăm Lính (Y Vân), Các Anh Đi (Văn Phụng), 24 Giờ Phép, Tình Người Chiến Binh, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật (Trúc Phương), Bức Tâm Thư, Tình Anh Lính Chiến, Chiều Hành Quân, Rừng Xưa (Lam Phương), Lính Tâm Sự, Ngày Phép Của Lính, Tâm Sự Hai Giờ Gác (Thanh Sơn), Mười Ba Tuổi Lính, Cánh Thiệp Đầu Xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Làm Quen Với Lính, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Chúc Thư Viết Từ Chiến Trường, Lời Người Lính Xa Xôi (Nhật Ngân), Quân Trường Vang Tiếng Gọi, Đêm Di Hành, Mưa Trên Poncho (Trầm Tử Thiêng), Biển Tuyết, Một Đêm Hải Hành, Tâm tình người lính thuỷ (Anh Thy) và Hoa Biển (viết chung), Mừng Anh Chiến Sĩ, Thư Về Em Gái Thành Đô, Người Anh Giới Tuyến (Duy Khánh), Một Chuyến Bay Đêm, Người Ra Vùng Hỏa Tuyến (Song Ngọc)…

Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, đầu năm Mậu Tuất (2018), tôi viết bài Nguyễn Văn Đông & Một Thoáng Xuân Phai, ca khúc Chiều Mưa Biên Giới sáng tác từ năm 1956, và tiếp theo với những ca khúc về người lính miền Nam Phiên Gác Đêm Xuân, Mấy Dặm Sơn Khê, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Lá Thư Người Lính…

Kể từ khi Hiệp Định Genève 1954, chia cắt hai miền Nam/Bắc với con sông Bến Hải, nơi miền giới tuyến (vỹ tuyến 17) nầy có vài ca khúc, trong đó ca khúc trữ tình Gởi Người Giới Tuyến của Nhật Lệ vào giữa thập niên 50:

“Tôi không quên anh, mưa nguồn về chiều đi biên giới

Thương anh xông pha, đem thanh bình yên vui đời mới

Mong sao biên cương, chiều nay không gió không mưa

Niềm tin anh giữ trong tim, ngày còn ánh sáng bình minh”

Hồi đó, thời còn đi học nơi phố cổ Hội An, trong lớp tôi có cô bạn hát ca khúc nầy rất tuyệt, tôi nghĩ rằng sau nầy cô sẽ trở thành ca sĩ nhưng không hiểu vì lý do gì không tiếp tục “kiếp cầm ca”. Đây là một trong những ca khúc tôi thích nhất.

Bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa trong tình yêu của tuổi học trò, được Anh Bằng dựa vào ý thơ để phổ thành ca khúc Nếu Vắng Anh (1962) hình ảnh người em gái hậu phương với người lính nơi tiền tuyến:

“Có những đêm âm thầm nghe tin vang xa ngoài tiền tuyến.

Nhớ đến anh oai hùng xông pha gian nguy vòng chinh chiến.

Phút luyến thương em chắp hai tay lên nguyện cầụ

Mộng ước quê hương thôi hận sầu ta sớm gần nhau”.

Gần đây, tôi đọc bài viết về Nhạc Tâm Lý Chiến Việt Nam Cộng Hòa 1954 -1975 của Lê Thiên Minh Khoa, bài viết cho rằng “Nhạc lính tâm lý chiến là loại nhạc ca ngợi “chính nghĩa quốc gia”, chống Cộng một cách gián tiếp, tế nhị, khéo léo hơn và được phổ biến sâu rộng hơn trong công chúng. ‘Ca từ’ của nhạc lính thường là ngôn ngữ giản dị, bình dân, dễ hiểu, nội dung vẽ lên hình ảnh oai hùng, phong sương, hào hoa, có khi “chịu chơi”, ra trận chịu đựng gian khó bởi lý tưởng “vì yêu quê hương” của người lính cộng hòa. Phải xác định rõ rằng, trong dòng nhạc tâm lý chiến VNCH có nhạc lính, nhưng không phải tất cả nhạc lính đều là nhạc tâm lý chiến, như một số nhà nghiên cứu âm nhạc hiện nay đã không khách quan khi quy kết, đồng hóa, do định kiến chính trị và cũng do chưa từng thâm nhập vào sự đa dạng, phong phú của các dòng nhạc Miền Nam thời chiến. 

Do hoàn cảnh khách quan tác động trực tiếp vào khung nhìn, tầm nhìn, trước hết và cụ thể là ở đâu cũng thấy bóng dáng người lính trong thời ly loạn nên hầu hết các nhạc sĩ miền Nam thời đó đều có bài hát về lính, tuy số lượng ca khúc, giá trị tư tưởng – nghệ thuật, quan điểm chính trị, không gian nghệ thuật trong từng ca khúc, từng tác giả có khác nhau. Nhiều nhạc phẩm viết về người lính nhưng không phải ca ngợi họ mà qua đó nói lên tâm tư của con người trước cuộc chiến, thân phận con người trong chiến tranh. Hoặc do đề tài thời thượng của người lính, nên có nhạc sĩ viết về lính vô tình phục vụ cho chính sách dân vận của chế độ. Hoặc viết ra do mối ân tình riêng sâu đậm với một con người vừa khuất, mà người ấy là nhân vật có vai vế trong quân lực VNCH. Thậm chí, cả nhạc sĩ phản chiến hàng đầu là Trịnh Công Sơn cũng có bài hát về lính: Cho một người vừa nằm xuống viết về một người bạn của nhạc sĩ là đại tá không quân VNCH Lưu Kim Cương tử trận trong trận Mậu Thân…”.

Tác giả đề cập ở phần nầy tương đối khách quan nhưng sau đó có phần phiến diện vì “Viết theo đơn đặt hàng của chính quyền Sài Gòn và cơ quan International Voluntary Service – IVS (tiền thân của Peace Corps – Đội Quân Hòa Bình sau nầy)” là sự ngộ nhận.

Thật ra, các nhạc sĩ ở miền Nam VN tự do sáng tác theo nguồn cảm hứng của họ (trong đó có nhiều nhạc sĩ chưa từng khoác áo lính) vào hoàn cảnh chiến tranh, từ hậu phương nghĩ đến người lính VNCH vì bảo vệ quê hương, dấn thân nơi chiến trường với bao gian nguy, khổ cực để chiến đấu. Tuy nhiên trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, vài nhạc sĩ sáng tác để động viên, khích động tinh thần người chiến sĩ trong những lần “Sinh Hoạt Chính Huấn” ở đơn vị cùng các chiến hữu.

Đây là sự khác biệt giữa nhạc sĩ ở miền Nam và miền Bắc (theo chỉ thị cấp trên và tuyên truyền). Với tôi, cùng suy nghĩ và đồng cảm về quan niệm bài viết Nhạc Lính của Trần Doãn Nho:

“Nhạc lính, trước hết, nói về người lính, đã hẳn. Mà cũng là nói về chiến tranh. Về một xã hội vùng vẫy để tồn tại, để thích nghi với hoàn cảnh bom đạn. Và mơ ước. Những gian khổ, nhọc nhằn, vất vả, tiếc nuối, buồn chán, thất vọng, cay đắng, tủi nhục cùng với ước mơ – những gì vô cùng đời thường, vô cùng dân dã, tất cả đều được bày tỏ qua lời ca mà không cần phải sử dụng một ẩn dụ xa xôi nào. Do đó, khác với nhạc đỏ – thứ nhạc để chỉ nhạc Cộng Sản nói chung thường mang tính tuyên truyền – nhạc lính đầy tính cách nỗi niềm và mang tính nhân bản rõ nét…

Vài đặc điểm của nhạc lính:

Lời ca nhạc lính, phần lớn hay hầu hết, chủ yếu mô tả đời lính, nghiệp lính, những gian khổ của đời lính, mô tả sự chia cách, nhớ nhung, mơ ước ngày đoàn tụ, mơ ước hòa bình.

Nhạc lính có tính cách động viên hơn là tuyên truyền; có tính tâm sự hơn là thúc đẩy, có tính cách chia sẻ hơn là lên án; có tính cách than thở nhưng không chủ bại.

Đặc biệt, khác với nhạc đỏ, nhạc lính không nhằm gây căm thù. Không những thế, trong một số trường hợp, còn kêu gọi xóa bỏ căm thù, kêu gọi tình thương, kêu gọi hòa bình. Lời ca phần lớn và chủ yếu nói về nhiệm vụ, về lòng hăng say, sự hy sinh, ca ngợi sự chịu đựng gian khổ và lòng quả cảm của người lính. Và ngay cả khi đề cập đến cái chết anh hùng của những người sĩ quan chỉ huy trên chiến trường, ta cũng không hề thấy khêu gợi chút căm thù nào. Chỉ nói về cái chết, về sự hy sinh và nỗi tiếc thương.

Nhạc lính đồng thời cũng là nhạc tình. Cũng là nhạc quê hương. Nói về lính cũng chỉ để nói về tình. Mặt khác, trong một số bản tình ca thuần túy, hình ảnh người lính cũng hiện diện. Có lẽ vì đời lính, tự bản chất, chứa đựng sự xa cách, nhớ mong, niềm tuyệt vọng và bi kịch tình yêu”.

Với các ca khúc của các nhạc sĩ như đề cập ở trên, không có lời ca nào với lời lẽ sắt máu “phanh thây, uống máu quân thù” mà nói lên tình cảm, nỗi lòng nhớ thương của người lính (có khi bị cho là ủy mị) nơi giới tuyến, tiền đồn xa xôi, nơi rừng sâu hiểm trở… chia se nỗi buồn, vui về với hậu phương. Và, những lời ca lãng mạn, trữ tình với giai điệu nhẹ nhàng dễ quyện vào hồn người.

Người lính tuy gian nguy, đối diện cận kề với cái chết nhưng vẫn đa tình như ca khúc Anh Là Lính Đa Tình của Y Vân:

“Anh là lính đa tình

Tình non sông rất nặng

Tình hải hồ ôm mộng

Tình vũ trụ ngát xanh

… Có lúc muốn lấy hoa rừng

Anh gửi về em thêu áo

Cà ngàn vì sao trên trời

Kết thành một chuỗi em đeo

Dù rằng đời lính không giàu

Mà chắc không nghèo tình yêu”

48 năm qua, sống nơi hải ngoại, hình ảnh người lính VNCH vẫn luôn luôn như ca khúc Có Những Người Anh của Võ Ðức Hảo:

“Có những người anh tôi chưa biết tên

Tha thiết cuộc đời đôi môi thắm duyên

Quê hương trong khói lửa mùa chinh chiến

Quên tình yêu riêng xong pha chiến tuyến

… Các anh là nguồn thơ vô song

Các anh là tình thương mênh mông

Là muôn tiếc ca vang vang tận cõi lòng

Là trong tiếng chim vui líu lo ngoài sân

… Yêu sông yêu núi tươi cười ra đi

Anh là người tôi thương mến muôn đời”.

Dù thời gian có phôi phai nhưng trong tâm tưởng người em gái hậu phương vẫn vọng về chân dung người lính VNCH như trong ca khúc Tìm Anh của Hoàng Thi Thơ:

“Tôi đi tìm anh người lính quá hiên ngang

Cầm súng giữ giang sang xây Cộng Hoà

Tôi đi tìm anh dòng máu thắm vô cùng

Hình bóng những anh hùng thiên thu không nhoà”

Trong thời chinh chiến, các nhạc phẩm về người lính VNCH, theo Huy Phương: “Tôi không nghĩ đó là những dòng nhạc tâm lý chiến thúc đẩy người lính luôn luôn lao về phía trước như những tiếng kèn thúc quân hay những khúc quân hành… Đây không phải là những bài nhạc viết theo đơn đặt hàng hay chỉ là một sự thù tạc, nó viết lên bởi những xúc động thật sự của người nghệ sĩ có tâm hồn”. Đúng vậy, đây là nhạc thời chinh chiến được sáng tác trong tâm hồn nhân bản của nhạc sĩ để cùng nhau hòa điệu giữa âm nhạc và cuộc sống, giữa quân, dan trong hoàn cảnh chiến tranh.

Và, người lính với suy nghĩ rất đơn giản như ca khúc Lính Nghĩ Gì của Hoài Linh:

“Tôi là lính, âm thầm tôi nghĩ thế thôi.

Trăm lần, không bao giờ tôi giận cuộc đời.

Xin đừng oán mà hãy mến thương tôi,

Trong tình yêu người và người,

Cho đời lính một niềm vui.”

Đời lính với mộng bình thương như ca khúc Chúng Mình Ba Đứa của Song Ngọc với lời của Hoài Linh như lời gởi tặng khi bước chân vào quân trường:

“… Mình có ba người 

Mà kiếp sống buông trôi 

Đứa này ở ven trời 

Thì đứa khác ra khơi, 

Hợp xong lại tan 

Trong giây lát xa không đành 

Thế mới thương đời lính 

… Chia tay thế là đường ai nấy đi 

Cũng là màu xanh chiến y”.

Qua lời chia sẻ của Song Ngọc qua cuộc phỏng vấn của tôi, anh cho biết: “Tôi ưa đi lang thang như một nhạc sĩ giang hồ, mỗi lần có hoàn cảnh thường đi khắp đó đây, ngoài ra thì cũng đi nhiều nơi vì công tác. Nơi đâu cũng có vẻ đẹp riêng, nơi thôn quê bát ngát, trăng thanh dịu dàng, chốn đô thành thì nhộn nhịp, tưng bừng. Tới vùng chiến tranh thì súng đạn tơi bời, bao nhiêu đau khổ, người bạn vừa gặp nhau, chuyện chưa nói hết thì anh ta đã chết. Vì đời gian truân, lăn lộn, nên mỗi khúc nhạc đều mang riêng hình ảnh đặc biệt của nó”.

Đời lính là vậy và tình người lính, tình chiến hữu thì không không thể nào kể hết khi sát cánh sống chết bên nhau trên chiến địa.

Tác phẩm Drei Kameraden của nhà văn Đức Erich Maria Remarque (1898-1970) xuất bản năm 1936, Tâm Nguyễn dịch với tựa đề Chiến Hữu, Kinh Thi ấn hành năm 1972 ở Sài Gòn.

Sau cuộc chiến thảm khốc, ba người lính bại trận trở thành ba người bạn gánh chịu những mất mát tổn thương khi trở về không được người thân, bạn bè chào đón. Họ sống sót trở về với hai bàn tay trắng, không tiền bạc tài sản, không nhà cửa, sống lang thang ở tận đáy của xã hội. Họ cùng nương tựa để sống bên nhau, nói lên tình bạn và tình yêu của những người lính sau chiến tranh, vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống, nhưng luôn sống và yêu hết mình. Tình chiến hữu của họ với tình bạn thiêng liêng rất cảm động và khâm phục qua ngòi bút của nhà văn đến nay gần một thế kỷ….

Trong âm nhạc cũng vậy, những nhạc phẩm thời chinh chiến viết về người lính VNCH đã hơn nửa thế kỷ… vẫn in sâu vào tâm hồn người Việt nơi viễn xứ.

Little Saigon, Memorial Day, 2023

Vương Trùng Dương

https://www.facebook.com/

Comments are closed.