Xét xử vụ Việt Á: Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đứng đầu danh sách nhận hối lộ từ Việt Á với 51 tỷ đồng


Thứ 4, 03/01/2024 16:53 (doisongphapluat)

Hai cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh xuất hiện tại phiên xử vụ Việt Á với vẻ mặt tiều tụy, da sạm, tóc bạc và gầy đi nhiều.

Sáng 3/1, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử 38 bị cáo trong đại án Việt Á liên quan đến Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH&CN, CDC các tỉnh, thành phố.

Nhiều người được triệu tập vắng mặt, trong đó có đại diện CDC tỉnh Hà Giang, Nam Định, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận và đại diện một số bệnh viện…

Trong số 38 bị cáo, bị cáo Trần Thị Hồng (nhân viên công ty Việt Á) có đơn xin xét xử vắng mặt vì mới sinh con nhỏ và đang bị bệnh.

Ngoài ra, các bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) đều có mặt tại tòa.

Ông Nguyễn Thanh Long sáng nay xuất hiện ở tòa với mái tóc bạc trắng, vẻ mặt tiều tụy, da sạm và gầy đi nhiều khiến nhiều người bất ngờ. Ngoài ra còn có cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh; cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cũng đến tòa với gương mặt xanh xao, tiều tụy.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xuất hiện với mái tóc bạc trắng, gương mặt tiều tụy - Ảnh Như Ý/Tiền Phong
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xuất hiện với mái tóc bạc trắng, gương mặt tiều tụy – Ảnh Như Ý/Tiền Phong
Xét xử vụ Việt Á: Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đứng đầu danh sách nhận hối lộ từ Việt Á với 51 tỷ đồng- Ảnh 2.
Ông Chu Ngọc Anh cũng khá xanh xao, tiều tụy khi xuất hiện tại tòa – Ảnh: VTC News

Khi được tòa thẩm tra lý lịch, ông Long đeo kính bước chậm rãi lên bục khai báo, hai tay bám vào thành bục khai báo và trả lời từng câu cũng chậm rãi, ngắt quãng.

Sau khi hội ý, chủ tọa thông báo bị cáo Hồng mới sinh con nhỏ, sự vắng mặt của bị cáo không ảnh hưởng đến quá trình xét xử chung của phiên tòa nên phiên tòa vẫn diễn ra bình thường.

Để phục vụ quá trình xét xử, TAND TP Hà Nội đã triệu tập 39 nhân chứng, 140 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 24 nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, nhiều người được triệu tập vắng mặt, trong đó có đại diện CDC tỉnh Hà Giang, Nam Định, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận và đại diện một số bệnh viện…

Việc những người có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập nhưng vắng mặt, HĐXX nhận định quá trình diễn ra phiên tòa nếu thấy cần thiết tòa sẽ triệu tập.

Sau khi kết thúc phần thẩm tra lý lịch, đại diện VKS bắt đầu công bố bản cáo trạng dài 69 trang truy tố 38 bị cáo.

Nữ bị cáo vắng mặt đã trợ giúp cho TGĐ Việt Á trúng thầu trái quy định

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Thị Hồng biết rõ việc các cơ sở y tế công lập ứng kit xét nghiệm sử dụng trước rồi thông đồng hợp thức thủ tục đấu thầu thanh quyết toán sau theo giá Công ty Việt Á đưa ra là trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bị cáo Hồng vẫn thực hiện chỉ đạo của Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Vũ Đình Hiệp – Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, hợp thức các thủ tục, hồ sơ để Công ty Việt Á trúng thầu, được thanh quyết toán trái quy định.

Trần Thị Hồng đã giúp sức cho Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại 11 tỉnh gồm: Hải Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Ninh Thuận, Hà Nội, Hà Giang, Bình Dương, Nghệ An, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng số tiền hơn 254 tỷ đồng.

Đại diện VKS cáo buộc, hành vi của bị cáo đã phạm vào tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo gây thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng

Cáo trạng xác định, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc rồi lây lan sang một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bộ KH-CN giao Học viện Quân y chủ trì nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phòng chống dịch với kinh phí 18,9 tỷ đồng, trích từ ngân sách nhà nước.

Công ty Việt Á muốn được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm nên Phan Quốc Việt thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật là đơn vị đầu mối quản lý nghiên cứu khoa học thuộc Bộ KH&CN) để công ty này được Bộ KH&CN phê duyệt tham gia phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài.

Sau đó, các bị cáo tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số đơn vị liên quan đã có hàng loạt sai phạm, biến kết quả nghiên cứu về kit test Covid-19 từ tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân của công ty Việt Á. Công ty Việt Á sau đó sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước, thu lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng.

Để được tham gia sản xuất kit test, cấp phép lưu hành rồi phân phối kit test đến nhiều địa phương, Phan Quốc Việt đã bỏ ra hơn 106 tỷ đồng hối lộ các quan chức.

Xét xử vụ Việt Á: Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đứng đầu danh sách nhận hối lộ từ Việt Á với 51 tỷ đồng- Ảnh 3.
Các bị cáo tại ngày đầu tiên xét xử đại án Việt Á – Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong đó, cáo trạng xác định, người nhận nhiều nhất là cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, với 2,25 triệu USD, tương đương hơn 51 tỷ đồng. Trong đó, VKS cáo buộc ông Long cũng là người trực tiếp can thiệp và chỉ đạo cấp dưới tác động để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá, phân bổ và thanh toán tiền kit test. Hơn nữa, cựu bộ trưởng còn đứng ra giới thiệu Việt Á với lãnh đạo một số địa phương để giúp công ty này tiêu thụ kit test.

Sau ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận hối lộ 200.000 USD, tương đương hơn 4,6 tỷ đồng.

Ông Chu Ngọc Anh bị cáo buộc là người ký quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu có sự tham gia của Công ty Việt Á, đồng ý để Bộ KH-CN tổ chức họp báo nhằm hỗ trợ quảng bá hình ảnh kit test Việt Á, ký quyết định khen thưởng và ký tờ trình đề nghị Thủ tướng khen thưởng Công ty Việt Á…

Ngoài ra, phía Công ty Việt Á chi phần trăm ngoài hợp đồng cho lãnh đạo các đơn vị địa phương mua kit test với tổng số tiền lên tới cả chục tỷ đồng.

Công ty này còn có có chủ trương ứng kit test trước cho các đơn vị sử dụng, sau đó mới hợp thức hồ sơ đấu thầu để bán được nhiều kit test tại nhiều địa phương, cơ sở y tế.

Cơ quan công tố xác định các bị cáo gây thiệt hại tổng cộng hơn 1.200 tỷ đồng của Nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, trong đó thiệt hại Nhà nước là hơn 400 tỷ đồng.

Danh sách 38 bị cáo trong đại án Việt Á

Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc), Vũ Đình Hiệp (Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố cùng lúc 2 tội danh đưa hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

6 người bị truy tố tội nhận hối lộ: Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ KH-CN), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của ông Nguyễn Thanh Long), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế), Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương).

3 người bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó thủ tướng), Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương), Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương).

2 người bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm: Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN).

2 người bị truy tố tội đưa hối lộ, gồm: Phan Tôn Noel Thảo (Trợ lý Khối tài chính Công ty Việt Á), Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á).

21 người bị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm các bị cáo là nhân viên Công ty Việt Á và cán bộ y tế của một số địa phương.

2 người còn lại bị truy tố tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, gồm: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty TNHH MTV SNB Holdings).

Trang Anh

Theo doisong phapluat

Tags: , , , , , ,

Comments are closed.