Chuyện Việt Nam Thứ Ba 19/12/2023: *Giám đốc Tài chính TP HCM bị bắt do nhận hối lộ. *Đà Nẵng: Bắt giám đốc Cty Thép lừa đảo. *Hàng trăm tấn tôm hùm xuất sang TQ phải “giải cứu” *Hai cựu CT Khánh Hòa bị phạt thêm 9 năm tù. *Nông nghiệp VN: đang đi đúng trên con đường sai. *Vụ Việt Á: Sắp xử sĩ quan Học viện Quân Y. * VN mời ĐGH Phanxicô thăm VN. * Bần cùng hóa và mất niềm tin. *Mỹ nói cam kết QP Việt-Trung không ảnh hưởng tới Việt-Mỹ


Quê Hương tổng hợp


Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Lê Duy Minh bị bắt do nhận hối lộ

RFA – 19/12/2023

Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Lê Duy Minh bị bắt do nhận hối lộ

Ông Lê Duy Minh 

VOV 

Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh- ông Lê Duy Minh, vào ngày 19/12 bị khởi tố, bị bắt giam với cáo buộc “nhận hối lộ” theo Điều 354 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) thuộc Bộ Công an Việt Nam tiến hành các quyết định vừa nêu đối với ông Lê Duy Minh trong ngày 19/12 đồng thời tiến hành khám xét chổ ở của ông.

Ông Lê Duy Minh bị cáo buộc dính líu đến vụ án tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải & Dịch vụ Xuyên Việt Oil. Liên quan vụ án này, vào ngày 14/12 vừa qua, Cơ quan ANĐT thuộc Bộ Công an đã tiến hành bắt ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bên Tre để điều tra tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo điều 358 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Vào ngày 8/9 vừa qua, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Lê Đức Thọ do không trung thực, minh bạch về nguồn gốc sở hữu tài sản.

Trước đó, vào trung tuần tháng 8, Ủy Ban Kiêm tra Trung ương đảng Khóa họp 13 tại kỳ họp thứ 31 ra kết luận ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của tổ chức trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; không trung thực trong giải trình nguồn gốc và biến động tài sản…

Trong thông báo của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an đưa ra ngày 14/12 thì các biện pháp đối với ông Lê Đức Thọ được thực hiện trong quá trình thụ lý, điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty TNHH Thương Mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.


Đà Nẵng: Bắt giám đốc Công ty Thép lừa đảo gần 10 tỷ đồng

RFA
19/12/2023

Đà Nẵng: Bắt giám đốc Công ty Thép lừa đảo gần 10 tỷ đồng

Công an đọc quyết định bắt tạm giam đối với Giám đốc Công ty thép Tầm Cao tại Đà Nẵng 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngNLĐ 

Một giám đốc công ty thép ở Đà Nẵng vừa bị bắt để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của nhiều cá nhân, công ty.

Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an thành phố Đà Nẵng trong ngày 19/12 được truyền thông loan đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Võ Thành Tám (31 tuổi, ngụ xã Bình Đào, H.Thăng Bình, Quảng Nam) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tám là Giám đốc Công ty TNHH TM&DV thép Tầm Cao (trụ sở tại Q.Liên Chiểu, văn phòng đại diện tại Q.Hải Châu, Đà Nẵng).

Công an cho biết, theo điều tra, từ tháng 3/2023, Tám lừa ông Lê Hoài Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Khuôn An Khang, TP HCM) hơn 363 triệu đồng tiền mua nhôm. Lấy danh nghĩa giám đốc, Tám tiếp tục lừa Công ty Stavian 1,2 tỷ đồng tiền cọc với hợp đồng mua 1.000 tấn nhôm (trị giá 45 tỷ đồng).

Theo Công an, Tám đã lừa đảo nhiều nạn nhân bằng hình thức mua nhôm giá rẻ để chiếm đoạt tổng cộng hơn 9,4 tỷ đồng.

Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đang tiếp tục làm rõ những hành vi lừa đảo tiếp theo. 


Hàng trăm tấn tôm hùm xuất sang Trung Quốc phải “giải cứu” do bị tắc bởi thủ tục

RFA
19/12/2023

Hàng trăm tấn tôm hùm xuất sang Trung Quốc phải “giải cứu” do bị tắc bởi thủ tục

Minh họa: một nơi nuôi tôm hùm ở Việt Nam 

VNEconomy 

Hàng trăm tấn tôm hùm bông ở tỉnh Khánh Hòa không thể xuất sang Trung Quốc do thủ tục bị tắc khiến người nuôi phải kêu gọi “giải cứu”

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan ngày 19/12 dẫn thông tin vừa nêu từ Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản- du lịch Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, ông Võ Văn Thái, về tình trạng vừa nêu.

Ông này còn cho biết giá tôm hùm bông hiện xuống thấp, loại 1 chỉ ớ mức trên một triệu đồng/kilogram, các loại hai, loại ba dưới một triệu đồng/kilogram. Nhiều người nuôi cần tiền để trả nợ vay lúc xuống giống nuôi.

Đại diện Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết tính đến hết tháng 11, tại huyện Vạn Ninh còn tồn khoảng 135 tấn, dự kiến đến hết năm nay sẽ tồn khoảng 355 tấn; thành phố Cam Ranh dự kiến đến hết năm nay tồn khoảng 40 tấn…

Vào cuối tháng 11 vừa qua, Cục Chất lượng, Chế biến & Phát triển Thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết tôm hùm Việt Nam muốn nhập vào thị trường Trung Quốc phải đáp ứng một số yêu cầu mà theo ngành chức năng Việt Nam là đang gây khó cho nhiều người nuôi trong nước.

Tuy vậy, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chủ yếu mặt hàng tôm hùm của Việt Nam nên người nuôi phải đáp ứng các yêu cầu đó.


Nguyễn Thông – Bần cùng hóa và mất niềm tin 

19/12/2023

Công ty xổ số của các tỉnh thành năm nay 2023 bội thu. Theo báo chí mậu dịch, chưa khi nào “ngành” xổ số thành công tốt đẹp đến thế.

Kết quả ấy nói lên điều gì, nhất là trong bối cảnh năm 2023 kinh tế – xã hội xứ này xuống dốc thê thảm, gần như xuống đáy thấp nhất từ trước tới nay?

– Nó chỉ ra rằng sự bần cùng hóa, bế tắc, cùng quẫn đang phủ đầy cuộc sống, mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Tình trạng mất việc, thất nghiệp, không công ăn việc làm, không thu nhập tối thiểu đã cung cấp nhân lực cho đội ngũ bán vé số đông chưa từng thấy. Càng đông “lao động vé số” thì các công ty xổ số càng phát hành được nhiều, càng bội thu. 

– Con người khi càng đói khổ, bế tắc thì càng đâm đầu vào xổ số với chút hy vọng mong manh “biết đâu trúng” để đổi đời. Sự bội thu của công ty xổ số chính là kết quả của nguồn khách hàng ngày càng đông này.

– Niềm tin bị đổ vỡ. Con người nghèo khổ bây giờ chẳng còn biết trông cậy trông đợi vào ai, chẳng trời chẳng phật, chẳng đảng chẳng nhà nước gì cả, chỉ còn duy nhất sự may rủi.

– Một nền kinh tế (nhất là của các địa phương) dựa vào xổ số để có nguồn thu thì đủ biết nó chông chênh mờ mịt thế nào.

Bi kịch đại trà.

NGUYỄN THÔNG 19.12.2023


Việt Nam được bảo đảm trung tính với môi trường của kinh Funan

(Vietnam assured of canal’s environmental neutrality)

Van Sochata – Bình Yên Đông lược dịch

The Phnom Penh Post – 14 December 2023

14_12_2023_an_artist_s_rendition_of_the_funan_techo_canal_project_released_recently_by_the_ministry_of_public_works_and_transport_mpwt

Phối cảnh của dự án Funan Techo, vừa được Bộ Công chánh và Giao thông phổ biến. [Ảnh: MPWT]

Trong chuyến viếng thăm chánh thức Việt Nam lần đầu tiên hôm 11-12 tháng 12, Thủ tướng Hun Manet bảo đảm với phía Việt Nam rằng dự án kinh Funan Techo sẽ không gây nguy hại cho môi trường hay dòng chảy của sông Mekong.

Jean-Francois Tan, Tùy viên của Thủ tướng về Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế, nhấn mạnh điều nầy trong một cuộc họp báo sau 2 ngày thăm viếng.  Ông lưu ý rằng tầm quan trọng của kinh đào như một dự án hạ tầng cơ sở, với Manet xác nhận rằng nó sẽ là một đóng góp tích cực cho sự ổn định môi trường, sinh thái và bảo tồn nơi cư trú thiên nhiên rất cần thiết cho đa dạng sinh học.

“Nói chung, Thủ tướng tin rằng, trong ngắn và trung hạn, kinh tế và quyền lợi thương mại của Cambodia sẽ không gây nguy hại cho dòng nước hay gây ra những vấn đề môi trường cho láng giềng Việt Nam.  Nghiên cứu thực tế nầy gồm có đưa nước từ sông Bassac, một phụ lưu của sông Mekong, đến các sông khác ở ngoài Lưu vực sông Mekong,” Tan giải thích.

“Đề cập đến những lo ngại của Việt Nam, Cambodia công nhận vai trò chủ chốt của kinh trong việc phát triển kinh tế đang diễn ra.  Vì vậy, chúng tôi đã làm sáng tỏ với phía Việt Nam,” ông nói thêm.

Trở lại ngày 25 tháng 10, Manet nói rằng ông xem kinh Funan Techo như một sự nối kết vô cùng quan trọng giữa biển và sông.  Một khi dự án có kết quả, nó sẽ nâng cao việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh dọc theo hồ Tonle Sap đến biển có hiệu quả hơn.  Ngoài ra, dòng chảy của sông Mekong ra biển sẽ nhanh hơn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của các cộng đồng dọc theo sông.

Đầu tháng 12, Hội đồng Phát triển Cambodia (CDC) tụ họp trong một phiên họp của ủy ban liên bộ dưới sự chủ tọa của Phó Thủ tướng và đệ nhất phó chủ tịch của CDC Sun Chanthol để đẩy mạnh việc thực hiện dự án.

Chanthol nói kinh sẽ sử dụng tối ưu địa hình của tỉnh Kep để làm một cửa ngỏ nối với sông.  Sáng kiến nầy sẵn sàng để biến Kep thành một trung tâm doanh thương bắt đầu phát triển.  Hơn nữa, khi dự án hoàn tất, Cambodia sẽ thu được nhiều lợi ích lớn lao, gồm có việc vận chuyển hợp lý hơn sẽ giảm thời gian, khoảng cách và chi phí.  Mạo hiểm nầy cũng đưa đến việc thiết lập các trung tâm thương mại và hậu cần, việc phát triển các cảng vệ tinh mới, nới rộng diện tích nông nghiệp, cải thiện thủy nông, hỗ trợ việc nuôi cá, và tăng trưởng trong việc nuôi thú vật và du lịch.

Đáng chú ý, thủy lộ dài 180 km dự trù nối các kinh ohu5 lưu trong hệ thống sông Mekong bà Bassac đến tỉnh Kep.  Nó đi qua các tỉnh Kandal, Takeo và Kampot, nơi cư trú của 1,6 triệu người.  Dự án tốn khoảng 1,7 tỉ USD và mất 4 năm để hoàn tất.

https://mekong-cuulong.blogspot.com/2023/12/viet-nam-uoc-bao-am-trung-tinh-moi.html


Hoa OC – Phát triển bền vững

19/12/2023

Ngày xưa khi học MBA ở Tây Âu, lần đầu tiên tôi được làm quen với cụm từ Phát Triển Bền Vững (Sustainable Development). Đan Mạch, quốc gia hầu như không có tài nguyên thiên nhiên gì, không có rừng vàng biển bạc như xứ An Nam nhưng có nền kinh tế phát triển bền vững với tập đoàn hàng hải AP Moller/Maersk đứng thứ 2 thế giới, và xuất khẩu thịt heo hàng đầu Châu Âu. Sau này Đan Mạch phát triển thêm điện gió và rất thành công với công ty Ørsted. Đây cũng chính là công ty điện gió qua Việt Nam đầu tư rồi bỏ của chạy lấy người. Hoặc là Ørsted không thể phát triển bền vững ở xứ An Nam, hoặc là xứ An Nam không có cái gì bền vững cả.

Nay Đan Mạch lại phát triển năng lượng hydrogen cũng theo hướng bền vững, vì nguyên liệu chính là nước. Tính ra Đan Mạch là quốc gia đặt vấn đề phát triển bền vững lên hàng đầu.

Trở lại với xứ An Nam, VINFAST và FPT đều chọn phát triển theo trend như xe điện, chip bán dẫn, dù nền tảng không có gì, một bên đi lên từ địa ốc và một bên đi lên từ độc quyền Internet hay độc quyền phân phối máy tính ngày xưa. Hi vọng họ sẽ có ý tưởng phát triển bền vững, chứ không phải “đi tắt đón đầu”. Nghĩ lại thấy đứa nào nghĩ ra cụm từ ‘đi tắt đón đầu’ thiệt bậy bạ hết sức. Đi tắt đón đầu nghe rất giống lục lâm thảo khấu trong truyện Thủy Hử, vì đó là hành động của mấy đứa sơn tặc. Ấy mà có thời báo chí nô bộc xứ An Nam liên tục dùng cụm từ này để nói về phát triển kinh tế mới ghê.

Nhân tiện đây thì mình cũng xin đưa ra góp ý số 3 theo chủ đề phát triển bền vững:

– Để các đại học dân lập như Đông Á, Duy Tân đào tạo nghề cho sinh viên nhắm vào thị trường xuất khẩu chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

– Phát triển khoa chíp bán dẫn hay năng lượng sạch, hợp tác với các đại công ty về các ngành này để cho sinh viên thực tập và mời giáo sư chuyên ngành này về dạy cho sinh viên Việt Nam.

– Mời Nhật Bản hay Hàn Quốc vào Việt Nam mở nhà máy luyện kim từ đất hiếm rồi chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam, hay để học đào tạo công nhân nhà máy luyện kim trực tiếp cho Việt Nam.

Có như vậy thì mới phát triển bền vững, chớ đi tắt đón đầu, tay không bắt giặc và không bột vẫn gọt nên hồ thì nghe phiêu linh quá, gần với lùa gà hơn. Tư duy nhiệm kỳ hay bốc hốt như vậy thì đến khi nào xứ An Nam mới hoá Rồng ?


Nông nghiệp Việt Nam: Chúng ta đang đi đúng trên một con đường sai

 (Bài viết của Admin Làng Ecovi )

Tập 1: Phía sau chữ SẠCH

Trong chuyến đi khảo sát thực địa suốt nhiều tỉnh vừa rồi, team chúng tôi được đón tiếp rất nồng hậu, thật sự nhiều lúc đến phát ngại. Tính tôi thường luôn vậy. Bởi, đằng sau sự nồng hậu đó thường là những kỳ vọng: bên em có thể bao tiêu được bao nhiêu ngàn tấn, bao nhiêu trăm tấn, bao nhiêu ngàn ha, bao nhiêu trăm hộ?

Chúng tôi tới đâu cũng thường nghe tới câu chuyện trăm tấn, ngàn tấn, đi tới đâu cũng nghe tới chuyện rớt giá, ùn ứ hàng hóa.

Khi chúng tôi đi thực địa tới người nông dân, có rất nhiều câu chuyện khiến chúng tôi phải suy ngẫm. Chúng tôi được lãnh đạo của một tỉnh dẫn đi thăm các HTX tiêu biểu của tỉnh để mong tìm đầu ra cho HTX (vì lý do ảnh hưởng tôi xin phép không nêu tên tỉnh và sản phẩm). Lãnh đạo tỉnh giới thiệu đây là HTX canh tác sạch, các chứng nhận đều đầy đủ hết, thậm chí có cả nhà máy đầu tư mấy chục tỷ mà chưa đưa máy về để chuẩn bị chế biến.

Chúng tôi đi cùng anh lãnh đạo tới thăm HTX, những vườn cây hai bên đường, cỏ chết vàng ruộm. Chúng tôi trao đổi với nhau rồi tự trần tình với chính mình là: Thôi, chắc đây là vườn của bên khác. HTX làm sạch thì chắc sẽ khác chứ không như này đâu. Vào tới cổng HTX, thì sự trần tình ấy đã chống lại chúng tôi, những hình ảnh cây trái xanh tươi, mà lớp cỏ dưới thì vàng ruộm, nó cứ ám ảnh trong tâm trí tôi.

Gặp quản lý HTX, hai anh hiền lành, chất phác, con người cứ lùi lũi, trông không khác gì tôi, có lẽ người làm nông có gì đó giống nhau. Chúng tôi nghe các anh trình bày: Sản phẩm của HTX là sản phẩm sạch, có chứng nhận đầy đủ. Được canh tác an toàn, chủ yếu dùng hữu cơ, sinh học và vi sinh hết, bây giờ ít ai dùng hóa học nữa. Phun thuốc hóa học thì hại cây lắm, nên toàn dùng sinh học và vi sinh, vừa an toàn cho người tiêu dùng, vừa đỡ hại cây. Trước khi thu hoạch là cách ly đúng, đủ theo nhãn bao bì. Tôi có hỏi dùng vi sinh gì, thì các anh bảo, mỗi chủng vi sinh phù hợp với từng giai đoạn, giai đoạn nào cần dùng vi sinh gì thì mình dùng loại đó theo hướng dẫn, tôi không nhớ tên. Trước đây, trái này hay có dòi, chúng tôi thường đùa nhau là phải ăn ban đêm, không nên ăn ban ngày, giờ thì quy trình VietGap nó xử lý được hết rồi, không có dòi nữa đâu, nên HTX cũng an tâm hơn.

Tôi hiểu được câu chuyện đó, nhưng cảm giác có gì đó sai sai. Tôi mới lấy cớ đi vệ sinh, vòng ra sau vườn, tìm tới khu vật tư nông nghiệp của HTX. Mọi thứ trông rất chuyên nghiệp, có khu ủ phân hữu cơ nhưng có vẻ phải đến hàng năm rồi chưa dùng, có khu kho lưu trữ, có bảng công thức và giao việc, thời gian biểu đầy đủ, nhưng có vẻ phấn viết đã lâu không xóa, tôi mới xem qua đống rác độc hại thì cơ man nào là vỏ chai thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, rầy, phân bón hóa học …

Quay trở lại, tôi mới nói chuyện kỹ hơn với anh kỹ thuật, anh chia sẻ: Cứ 4,5 tháng là một vụ cho trái, thì phun thuốc cỏ khoảng 2 – 3 lần, khoảng 10 ngày phun thuốc trừ sâu 1 lần. Tôi mới hỏi: Phun thuốc diệt cỏ 2 – 3 lần/ 4,5 tháng thì sao vẫn được chứng nhận VietGap, em nghe bảo thuốc này giờ cấm rồi hay sao chớ anh nhỉ? Anh bảo: Không, nó vẫn đúng theo quy định cách ly là được. Phun thuốc diệt cỏ là để cho nó sạch mầm bệnh và diệt sạch vi sinh vật từ dưới đất để nó không gây hại lên cây trồng. Đây là loại thuốc diệt cỏ 1 lá mầm nên nó chỉ diệt cỏ thôi, chứ cây trồng vẫn xanh tốt bình thường.

Đó, là một trong số những câu chuyện trong vô vàn câu chuyện trong nông nghiệp mà chúng tôi đã gặp. Và đó cũng là lý do mà chúng tôi đã quyết định mình phải dấn thân trên con đường này để mong mỏi đóng góp, thay đổi một điều nhỏ nhoi nào đó. Để không còn những câu chuyện hàng trăm, hàng ngàn tấn nhưng rồi đổ bỏ và giải cứu. Để ít nhất là những người lãnh đạo cũng bớt đi tư duy trăm tấn, ngàn tấn.

Nông nghiệp Việt Nam chúng ta hầu hết đang đi đúng trên một con đường sai, câu nói của một anh bạn làm tôi day dứt, băn khoăn. Các anh bảo: Khi các anh đi tư vấn cho người nông dân làm canh tác hạn chế hóa chất, câu đầu tiên người nông dân sẽ hỏi là: Vậy đầu ra của chúng tôi ra sao? Các anh có bao tiêu được giúp cho chúng tôi luôn không? Các anh ngậm ngùi im lặng, vì các anh chỉ là những người làm kỹ thuật đơn thuần mà thôi.

Nông nghiệp chúng ta đang đi đúng trên một con đường sai, bởi vậy, chúng ta đang muốn mỗi người nông dân đều trở thành một siêu doanh nghiệp: vừa biết sản xuất, vừa lo kỹ thuật, vừa phải biết marketing, vừa phải kinh doanh, vừa phải tổ chức vận hành … Chúng ta mới nghĩ rằng, những người làm kỹ thuật là một siêu anh hùng: vừa nghiên cứu, vừa thực địa, thực hành, ứng dụng, vừa triển khai giải pháp, vừa đánh giá hiệu quả, vừa cam kết bao tiêu, vừa bán hàng, vừa lo vòng xoay vốn …


Hai cựu Chủ tịch Khánh Hòa bị tuyên phạt thêm 9 năm tù

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/hai-cuu-chu-tich-khanh-hoa-bi-tuyen-phat-them-9-nam-tu.jpg

Ông Nguyễn Chiến Thắng (bên phải) và ông Đào Công Thiên nghe tòa tuyên án chiều 18/12. (Ảnh: vtc.vn) 

Ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị tuyên phạt tổng cộng 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Chiều ngày 18/12, HĐXX TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án đối với 4 bị cáo đều là cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate, số 28E Trần Phú, TP. Nha Trang.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) bị tuyên 5 năm 6 tháng tù; Lê Đức Vinh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) và Đào Công Thiên (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh) cùng mức án mức án 3 năm 6 tháng tù. Riêng bị cáo Võ Tấn Thái (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa) bị tuyên 4 năm tù.

Mức án này được HĐXX TAND tỉnh Khánh Hòa đưa ra sau khi xác định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm trật tự quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí. HĐXX cũng nhận định, các bị cáo đã gây ra dư luận xấu…

Theo cáo trạng, khu đất 28E Trần Phú có tổng diện tích 20.100 m2, gồm 2 thửa liền kề do Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Trung tâm điều dưỡng thuộc Tổng công ty điện lực Miền Trung quản lý, sử dụng.

Từ năm 2013 – 2015, bốn bị cáo trên đã sai phạm trong quản lý nhà nước liên quan đến các khâu lựa chọn nhà đầu tư dự án, thu hồi đất, thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch dự án, giao đất và cho thuê đất đối với khu đất 28E Trần Phú.

Những sai phạm của các bị cáo này là để cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang được thực hiện dự án nhà ở không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án, dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 137,7 tỷ đồng.

Trong đó, ông Nguyễn Chiến Thắng đã đồng ý chủ trương, ký cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch dự án trái pháp luật trong việc cho doanh nghiệp thực hiện dự án Nha Trang Golden Gate.

Trước đó, các ông Thắng, Vinh, Thiên và Thái cũng đã bị tuyên phạt tù trong vụ sai phạm tại các dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung (ở TP Nha Trang); dự án giao đất vàng trụ sở trường Chính trị Khánh Hòa cũ (số 1 Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang) cho Công ty CP Thanh Yến. Tổng hợp 2 bản án này, ông Thắng bị phạt 12 năm tù; ông Vinh 10 năm tù, ông Thiên 10 năm, ông Thái 6 năm tù.

Vào đầu tháng 10/2023, các ông Thắng, Thiên và Thái tiếp tục bị khởi tố về tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng gây thất thoát tài sản nhà nước, xảy ra tại dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus (ở đường Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang).

Minh Long


Vụ Việt Á: Sắp xét xử nhóm cựu sĩ quan Học viện Quân Y

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/dgdsd-700x480.jpg

PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (Học viện Quân y) – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test COVID-19 do Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất – tại buổi họp báo công bố sản phẩm tại Bộ KH&CN, ngày 5/3/2020. (Ảnh: baochinhphu.vn) 

Tuần tới, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội sẽ xét xử cựu Thượng tá Hồ Anh Sơn cùng 3 cựu sĩ quan Học viện Quân y trong vụ án liên quan Công ty Việt Á.

Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội vừa ban hành quyết định mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 7 bị cáo, có vi phạm liên quan Công ty Việt Á. Phiên tòa dự kiến khai mạc ngày 27/12 tới.

Trong các bị cáo, có 2 người bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ) và Hồ Anh Sơn (cựu Thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y).

3 cựu sĩ quan Học viện Quân y bị truy tố tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Nguyễn Văn Hiệu (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng Trang bị Vật tư); Ngô Anh Tuấn (cựu Thiếu tá, Trưởng phòng Tài chính); Lê Trường Minh (cựu Thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược).

Hai bị cáo là người của Công ty Việt Á gồm Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc, bị truy tố về cả 2 tội danh nói trên. Bị cáo Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc, chỉ bị truy tố về hành vi vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Hội đồng xét xử vụ án gồm 5 quân nhân, do Trung tá Vũ Đức Việt làm chủ tọa. Giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử có 2 sĩ quan thuộc Viện Kiểm sát Quân sự Thủ đô Hà Nội. Bào chữa cho các bị cáo có 14 luật sư.

Tòa án cũng triệu tập bị hại là Học viện Quân y; bị đơn dân sự là Công ty Việt Á cùng nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như Cục Tài chính Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, cựu Chính ủy Học viện Quân y; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, cựu Phó giám đốc Học viện Quân y…

Trước đó, vào tháng 3/2022, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y và cựu Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Phòng Trang bị, vật tư, Học viện Quân y.

Ông Sơn và ông Hiệu bị bắt với cáo buộc liên quan đến những sai phạm trong việc nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á.

Trước khi bị bắt, cựu Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu 2 bộ kit test SARS-CoV-2 là realtime RT-PCR và RT-PCR.

TAND TP. Hà Nội cũng đã ra quyết định xét xử các bị cáo trong vụ án Việt Á (phần dân sự) từ ngày 3/1/2024, gồm 3 cựu Ủy viên Trung ương là ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế; ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Khoa học Công nghệ và ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Minh Long


Chủ tịch nước VNCS Võ Văn Thưởng chính thức mời Giáo hoàng Phanxicô thăm Việt Nam 

18/12/2023 

VOA Tiếng Việt 

Chủ tịch nước Võ Văn Thương tiếp kiến Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican vào ngày 27 tháng 7 năm 2023.

Chủ tịch nước Võ Văn Thương tiếp kiến Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican vào ngày 27 tháng 7 năm 2023. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chính thức ký thư mời Giáo hoàng Phanxicô sang thăm Việt Nam. Thông tin này được đích thân ông Võ Văn Thưởng thông báo khi đến thăm các lãnh đạo giáo hội Công giáo tại Tổng giáo phận Huế hôm 14/12, hãng thông tấn Công giáo UCAN và trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam đưa tin.

Tháp tùng ông Võ Văn Thưởng trong chuyến thăm có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, lãnh đạo Mặt Trận Tổ Quốc.

Sau khi chúc mừng Tổng giáo phận Huế nhân dịp Lễ Giáng sinh 2023 và năm mới 2024, nhà lãnh đạo Việt Nam thông báo với Tổng Giám mục Huế Nguyễn Chí Linh rằng ông đã ký thư mời Đức Thánh Cha Phanxicô “Sang thăm Việt Nam để chứng kiến sự phát triển về kinh tế-xã hội và đời sống tôn giáo ở Việt Nam”. Ông Thưởng nói ông “chia sẻ với nguyện vọng” của cộng đồng Công giáo Việt Nam mong muốn sớm được đón Đức Giáo hoàng sang thăm Việt Nam một ngày không xa.

“Bởi sự kiện này không chỉ là niềm vui của đồng bào Công giáo, của Nhà nước và nhân dân Việt Nam mà còn là niềm vui của cộng đồng Công giáo các nước trong khu vực”, trang tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Thưởng nói.

Chủ tịch Việt Nam cũng nhắc lại cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô và Quốc vụ khanh Hồng y Pietro Parolin trong chuyến thăm Vatican của ông ngày 27/7 và cho biết ông rất ấn tượng với cuộc gặp này. Ông Thưởng cho biết thêm rằng Giáo hoàng Phanxicô đã thể hiện sự ưu ái đặc biệt đối với ông và người dân Việt Nam.

Các giám mục và cộng đồng Công giáo Việt Nam từ lâu đã mong muốn Giáo hoàng Phanxicô đến thăm Việt Nam.

Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Giáo hoàng Phanxicô cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực châu Á. Ông đã đi thăm Hàn Quốc vào năm 2014, Sri Lanka và Philippines năm 2015, Myanmar và Bangladesh năm 2017, Thái Lan và Nhật Bản năm 2020, Mông Cổ năm 2023.

Mặc dù Việt Nam có số tín đồ Công giáo lớn thứ 5 ở châu Á, với khoảng 7 triệu người, nhưng chưa bao giờ có vị Giáo hoàng nào từng đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.

Việt Nam và Tòa Thánh Vatican chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ, vốn là một điều kiện tiên quyết thông thường cho một chuyến tông du của Giáo hoàng.

Trong chuyến thăm Vatican vào tháng 7, Chủ tịch nước Việt Nam và Đức Hồng Y Parolin đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép đại diện của Giáo hoàng cư trú tại Việt Nam và mở văn phòng đại diện lần đầu tiên tại đây kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.

Trước thỏa thuận này, Việt Nam đã cho phép Tòa thánh có một đại diện giáo hoàng không thường trú, có trụ sở tại Singapore, đến thăm Việt Nam đều đặn kể từ năm 2011.

Dự kiến, Đức Hồng Y Parolin sẽ thăm lại Việt Nam trong năm 2024, và Vatican hy vọng sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, tạp chí America cho biết.

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về từ Mông Cổ vào ngày 4/9, phóng viên Vatican của Mỹ đã hỏi Giáo hoàng Phanxicô liệu ngài có thể đến thăm Việt Nam hay không, vì mối quan hệ tích cực giữa quốc gia này với Tòa Thánh cũng như mong muốn lớn lao của người Công giáo Việt Nam đối với ngài, Giáo hoàng Phanxicô nói:

“Việt Nam là một trong những kinh nghiệm đối thoại rất tốt mà Giáo hội có được trong thời gian gần đây. Tôi có thể nói nó giống như một tình cảm tương thân tương ái trong đối thoại. Cả hai bên đều có thiện chí hiểu nhau và tìm cách tiến tới. Đã có những vấn đề tồn tại, nhưng tại Việt Nam, tôi thấy các vấn đề sớm muộn gì cũng sẽ được khắc phục”, vẫn theo America.

Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắc đến cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam và cho biết “chúng tôi đã nói chuyện thoải mái”.

“Khi một nền văn hóa cởi mở thì có khả năng đối thoại, nếu một nền văn hóa khép kín hoặc nghi ngờ thì việc đối thoại sẽ rất khó khăn”, Giáo hoàng Phanxicô nói thêm.

“Về chuyến hành trình đến Việt Nam, nếu tôi không đi, [giáo hoàng tương lai] Đức Gioan XXIV chắc chắn sẽ đi! Thực sự sẽ có một chuyến viếng thăm vì đó là vùng đất đáng để phát triển và có tình cảm với tôi…. Nhưng thực lòng mà nói, với tôi việc đi lại bây giờ không hề dễ dàng như lúc ban đầu. Việc đi bộ bị hạn chế và điều đó hạn chế tôi”.

Mặc dù vậy, Giáo hoàng Phanxicô không loại trừ khả năng có chuyến viếng thăm Việt Nam, và các quan chức cấp cao của Vatican cũng vậy khi phóng viên Vatican của Mỹ hỏi họ câu hỏi tương tự vài ngày sau đó. Tuy nhiên, họ nói rằng Tòa Thánh muốn thấy việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ trước chuyến thăm.


EVN kiến nghị Bộ Công thương nhập điện gió từ Lào về

RFA
19/12/2023

EVN kiến nghị Bộ Công thương nhập điện gió từ Lào về

Minh họa: Một người đi qua khu điện gió ở Bình Thuận hôm 23/4/2019 

AFP 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Bộ Công thương thẩm định và trình thủ tướng Chính phủ Hà Nội chủ trương nhập khẩu điện gió từ Lào, với giá mua khoảng 1.700 đồng/kWh.

Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 18/12. Kiến nghị của EVN được đưa ra sau khi Bộ Công thương ra văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan góp ý chủ trương nhập điện gió của nhà máy điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam.

Nhà máy này có công suất 250MW đặt tại tỉnh Bolikhamsai, Lào và sẽ đi vào vận hành vào quý IV năm 2025.

Phía EVN cho biết đã nhận dược đề xuất bán điện của chủ đầu tư nhà máy điện gió Trường Sơn là Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Năng lượng Việt Lào.

Còn Bộ Công thương thì cho biết giá điện mà chủ đầu tư cam kết bán cho Việt Nam là khoảng 1.700 đồng kWh (tương đương 6,95 US cents/kWh).

EVN cho rằng việc nhập khẩu điện gió từ Lào là thực hiện theo đúng định hướng nhập khẩu điện được ký kết tại biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Lào. Quy mô công suất nhập khẩu tối thiểu đến năm 2025 khoảng 3.000MW, đế năm 2030 khoảng 5.000MW.


XEM THÊM:

Mỹ nói cam kết quốc phòng Việt-Trung không ảnh hưởng tới quan hệ Việt-Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội ngày 11/9/2023
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội ngày 11/9/2023

19 tháng 12 2023, 13:01 +07

Một quan chức Mỹ cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam sau khi Hà Nội vào tuần trước tuyên bố tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, bao gồm cả về quốc phòng và an ninh, trong bối cảnh hai cường quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng, Reuters đưa tin.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tăng cường quan hệ với Bắc Kinh trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, ba tháng sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, một sự kiện được coi là thành công của đường lối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.

Dù ngôn từ trong tuyên bố Trung Quốc-Việt Nam có thể được coi là nhằm vào Mỹ thì cũng không có nhiều lo ngại rằng điều đó có thể gây cản trở kế hoạch của Washington nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với Hà Nội.

“Mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam không phải nhằm vào bất kỳ nước thứ ba nào,” phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Cameron Thomas-Shah, cho biết.

“Sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi với các đối tác Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, giáo dục, công nghệ và thương mại, sẽ tiếp tục trong tương lai gần,” ông nói thêm.

‘Cộng đồng chung vận mệnh’ CCD là gì và vì sao TQ muốn VN đi theo?

Quan hệ Việt-Mỹ: Một Việt Nam dân chủ không có lợi cho Mỹ?

Việt Nam với mặt hay và mặt dở của ‘ngoại giao cây tre’

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời đề nghị bình luận từ Reuters.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc cam kết hợp tác an ninh mạnh mẽ hơn, bao gồm cả về công nghiệp quốc phòng và hậu cần.

Mỹ cũng đang nỗ lực tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam.

Chụp lại video,Liệu Việt Nam có mua chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ hay không?

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia cấp cao về an ninh Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, cho biết những “mục tiêu đầy tham vọng” với Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng đến hợp tác quốc phòng của Hà Nội với Washington.

Việt Nam và Trung Quốc cũng nhất trí tăng cường trao đổi thông tin tình báo để ngăn chặn việc “các thế lực thù địch” hỗ trợ các phong trào cơ sở ở trong nước, tương tự những phong trào đã dẫn đến các cuộc cách mạng trong những năm gần đây ở các nước Cộng sản cũ – mà giới phê bình cho rằng được thúc đẩy bởi Washington.

“Việc nhấn mạnh vào ‘các thế lực thù địch’ không phải là điều đáng ngạc nhiên. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn thì thầm điều này vào tai giới lãnh đạo Việt Nam. Nhưng đừng phóng đại sự hợp tác song phương giữa họ về lĩnh vực này. Họ sẽ không chia sẻ thông tin tình báo đâu,” Zachary Abuza, giáo sư về chính trị Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington DC, bình luận.

Trong khi đó, ông Raymond Powell, cựu Tùy viên Không quân của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, người hiện đang lãnh đạo Dự án Myoushu của Đại học Stanford về Biển Đông, đánh giá: “Luôn có sự khác biệt giữa lời nói ngoại giao của Việt Nam và những lo ngại an ninh thực tế của nước này.”

“Hà Nội sẽ tiếp tục tìm kiếm vùng an toàn giữa việc xoa dịu những kỳ vọng chính trị của Bắc Kinh và mối đe dọa từ Trung Quốc – đặc biệt là đối với vị thế của nước này ở Biển Đông,” vùng biển mà Trung Quốc và Việt Nam có những tuyên bố trái ngược nhau. BBC


Tags: , , , , ,

Comments are closed.