Chuyện Việt Nam Thứ Hai 28/8/2023 *Việt Nam, Singapore đối tác chiến lược toàn diện *Giá gạo tăng: nông dân mừng, doanh nghiệp khổ *Căn cước hay căn cước công dân? *Vụ án ‘đầu voi đuôi chuột’ *Đồng Nai: Dân yêu cầu người hút cát trình giấy phép * Thư ký Tài chính AIC ra đầu thú


Quê Hương tổng hợp


Việt Nam, Singapore hướng tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện 

28/8/2023 

VOA Tiếng Việt 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Hà Nội, ngày 28/8/2023.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Hà Nội, ngày 28/8/2023. 

Lãnh đạo Việt Nam và Singapore đồng ý xem xét nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện” trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết trong cuộc hội đàm hôm 28/8 tại Hà Nội.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1973 – 2023) và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược (2013-2023).

“Trên cơ sở quan hệ hợp tác giữa hai nước những năm gần đây mở rộng thực chất, hai nhà lãnh đạo nhất trí xem xét khả năng nghiên cứu nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới”, Cổng thông tin Chính phủ cho biết trong một thông cáo.

Động thái này cho thấy Hà Nội mong muốn đưa quốc đảo Singapore lên vị trí ngoại giao hàng đầu, ngang hàng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Hàn Quốc.

Thủ tướng Lý Hiển Long đang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-29 tháng 8.

Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 26/8, ông sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tại cuộc hội đàm hôm 28/8, ông Lý và ông Chính nhấn mạnh sự cần thiết triển khai hiệu quả quan hệ đối tác kinh tế số – kinh tế xanh được thiết lập vào tháng 2, đồng thời đánh giá cao nỗ lực chung trong việc nâng cấp thỏa thuận khung kết nối hai nền kinh tế, góp phần làm sâu sắc và mở rộng hợp tác kinh tế sang các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng và đổi mới, theo Thông Tấn Xã Việt Nam.

Ông Chính đề nghị Singapore tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này cũng như phát triển và chuyển đổi các Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) thành các khu công nghiệp xanh, thông minh, ít carbon, hướng tới hệ sinh thái công nghiệp – đô thị.

Ngoài việc thúc đẩy các dự án đầu tư, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác liên quan, cùng các cơ chế đối thoại, phối hợp trong các cơ chế và hoạt động đa phương.

Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác, trong đó có Thỏa thuận nghiên cứu dành cho quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2024-2026 giữa hai Bộ Ngoại giao và các văn kiện khác về kinh tế, đổi mới, lao động, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.

Lễ đón Thủ tướng Lý Hiển Long tại Hà Nội ngày 28/8/2023.

Lễ đón Thủ tướng Lý Hiển Long tại Hà Nội ngày 28/8/2023. 

Dự kiến Thủ tướng Lý sẽ cùng Thủ tướng Chính tham dự một sự kiện tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) để chứng kiến lễ động thổ trực tuyến của một số khu VSIP cũng như trao giấy phép đầu tư cho các khu VSIP mới, theo văn phòng của ông Lý.

Được biết cho đến nay có 13 chuỗi khu VSIP tại Việt Nam, giúp tăng trưởng kinh tế đáng kể trên khắp các miền Bắc, Trung và Nam, thu hút hơn 18,4 tỷ đôla đầu tư và tạo ra khoảng 300.000 việc làm.

Thủ tướng Lý và Thủ tướng Chính cũng sẽ gặp gỡ các sinh viên của Đại học Quốc gia Việt Nam và trò chuyện những người tham gia chương trình Trao đổi Lãnh đạo Thanh niên Singapore-Việt Nam (SVYLE).

https://www.voatiengviet.com


Tấn công mạng tại Việt Nam và quan tâm của Nhà nước?

RFA –
25/8/2023

Tấn công mạng tại Việt Nam và quan tâm của Nhà nước?

Ảnh minh họa. 

AFP PHOTO 

Công ty Công nghệ BKAV vào ngày 24/8/2023 cho truyền thông nhà nước biết trong tháng 7 vừa qua, Việt Nam có hơn 100 ngàn máy tính nhiễm mã độc Fabookie chuyên đánh cắp tài khoản Facebook Bussiness.

Theo BKAV, mã độc Fabookie thực hiện việc đánh cắp thông qua Cookie và mật khẩu được lưu trong trình duyệt, tương tự các mẫu mã độc đánh cắp tài khoản khác.

Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc hôm 25/8 nhận định với RFA:

“Tôi nghĩ BKAV làm rùm beng lên để promo, chứ tôi thấy chuyện này là bình thường. Chuyện trên mạng xã hội Facebook có những thứ mã độc, nếu vô người ta mất tài khoản, là chuyện xảy ra nhiều năm nay, chứ không phải mới lần này. Nếu như cơ sở hạ tầng hoặc App bị lỗi về bảo mật thì chắc chắn Facebook sẽ fix liền, vì ảnh hưởng đến hàng tỷ người dùng, chứ không thể để như vậy.”

Hồi nào giờ nhà nước Việt Nam không ưu tiên bảo vệ cho người dân trên nền tảng mạng xã hội hay internet. Đảng chỉ muốn bảo vệ đảng, bao nhiêu trường hợp người dân bị mất mát, họ không làm gì để bảo vệ hay đền bù.
-Hoàng Ngọc Diêu

Trong khi mã độc APT32 mà hồi năm 2020 Facebook từng cáo buộc nhóm tin tặc APT32 do Chính phủ Việt Nam hậu thuẫn lan truyền mã độc… thì theo Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu nguy hiểm hơn nhiều, vì nó tấn công cả hệ điều hành:

“Mã độc APT32 lây lan thâm nhập những nền tảng trên cơ sở hệ điều hành. Có nghĩa là xài máy tính chạy Window không được vá lỗi thường xuyên, sẽ biến thành một cái ổ, nó hoành hành, nó phá… Người dùng ở Việt Nam xài máy tính không có khái niệm vá lỗi hay cập nhật. Thậm chí họ dùng nhu liệu không có bản quyền, bị crack trôi nổi trên internet, họ không có khái niệm bảo vệ danh tánh cũng như thông tin cá nhân… cho nên rất dễ bị thâm nhập. Chứ đối với những người có ý thức và phương tiện thì chuyện đó rất khó xảy ra. Facebook cũng như vậy, là một phương tiện người ta sử dụng, nhưng không rộng như APT32 tấn công trên nền tảng hệ điều hành.”

Đài Á Châu Tự Do hôm 25/8/2023 nhiều lần liên lạc Công ty Bảo mật BKAV để xác nhận thông tin này, nhưng không nhận được phản hồi.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia vào chiều ngày 25/8/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng ‘Không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược ’…

Theo ông Phạm Minh Chính, trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ở Việt Nam gia tăng… thì an toàn, an ninh mạng phải là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm duy trì môi trường lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân… Tuy nhiên theo truyền thông nhà nước, ông Chính tại phiên họp không nói rõ đã có những hỗ trợ gì cho người dân và doanh nghiêp để đảm bảo an toàn mạng…

Ông Diệp Quang Văn, giám đốc công ty công nghệ thông tin ở Bình Dương khi trả lời RFA liên quan việc này, nói:

“Công ty mình thì mình chỉ có tăng cường bảo mật lên thôi, các công ty khác thì mình không rõ, chứ nhà nước không tác động cá nhân. Công ty mình lấy thông tin từ cơ quan thông tin đại chúng, chứ hoàn toàn không có hỗ trợ nào về tài chánh hay nhân lực từ chính phủ.”

1c4ce093-7b2c-49f6-bc50-5d58b6a30517.jpeg

Ảnh minh họa. Reuters. 

Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, cho rằng:

“Hồi nào giờ nhà nước Việt Nam không ưu tiên bảo vệ cho người dân trên nền tảng mạng xã hội hay internet. Đảng chỉ muốn bảo vệ đảng, bao nhiêu trường hợp người dân bị mất mát, họ không làm gì để bảo vệ hay đền bù. Những lý do họ đưa ra, thay vì nói bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ thì thô bỉ quá, nên họ nói bảo vệ cho người dân trên không gian mạng. Nhưng thật sự đó là kiểm soát thông tin để biết rõ người dân muốn gì, phản đối gì, gây dư luận gì bất lợi cho đảng và chế độ, đó là cách họ kiểm soát.”

Vào tháng 3 năm 2023, truyền thông nhà nước dẫn Báo cáo từ Kaspersky Security Network cho biết, số vụ tấn công trực tuyến tại Việt Nam được phát hiện và ngăn chặn trong năm 2022 là gần 42 triệu vụ, giảm 33,8% so với hơn 63 triệu vụ vào năm 2021.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT, thì số cuộc tấn công mạng hướng vào Việt Nam trong 11 tháng của năm 2022 tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thật sự đó là kiểm soát thông tin để biết rõ người dân muốn gì, phản đối gì, gây dư luận gì bất lợi cho đảng và chế độ, đó là cách họ kiểm soát.
-Hoàng Ngọc Diêu

Số liệu tấn công mạng tại Việt Nam, nên tin vào đâu? Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, khi nhận định với RFA về vấn đề này, nói:

“Những con số thống kê thì thường nó gắn với từng giai đoạn, còn con số tấn công an ninh mạng thì nó cũng có thể thay đổi theo thời gian, do đó chuyện người ta nói có thể giảm hay tăng là điều không có gì lạ. Nhưng vấn đề ở đây là bản thân cái số liệu do cơ quan nhà nước đưa ra thường không phản ánh thực tế cho lắm.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, tình hình an toàn thông tin của Việt Nam hiện nay rất kém. Thứ nhất theo ông, là vì các cơ sở nắm giữ thông tin như cơ quan nhà nước, ngân hàng, công ty… chưa ý thức tốt lắm về vấn đề an toàn thông tin. Thứ hai ông cho rằng, phải có quy trình và con người theo dõi và bảo vệ an toàn thông tin, thì Việt Nam cũng chưa làm tốt.

Lẽ ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Luật An ninh mạng của Việt Nam phải làm những việc đó là chính, như nâng cao nhận thức cho quan chức nhà nước, xây dựng các tổ chức hay bộ phận chuyên lo về an toàn thông tin, của từng cơ quan nhà nước, rồi thì thúc ép các doanh nghiệp cũng phải làm việc đó và cuối cùng là Chính phủ phải có các chính sách, thủ tục kiểm tra giám sát chặt chẽ…

Nhưng đáng tiếc, tuy những vấn đề Tiến sĩ Nguyễn Quang A vừa nêu, cũng có được nhắc đến trong luật an ninh mạng, nhưng theo ông lại không được nhấn mạnh, thay vào đó Chính phủ lại dụng Luật an ninh mạng để chặn các thế lực bị cho là phản động… điều này hoàn toàn lệch hướng so với trọng tâm của luật an ninh mạng!


Giá gạo tăng: nông dân mừng, doanh nghiệp khổ, dân vẫn đủ gạo? 

28/8/2023 – VOA Tiếng Việt 

Nông dân Việt ̣ Nam mừng vì giá gạo năm nay tăng cao

Nông dân Việt ̣ Nam mừng vì giá gạo năm nay tăng cao 

Giá gạo tăng trên thị trường quốc tế là cơ hội để Việt Nam nâng vị thế xuất khẩu gạo, theo tìm hiểu của VOA. Tuy nhiên, trong khi nông dân mừng vì có lời nhiều hơn thì các doanh nghiệp xuất khẩu lại kêu khổ vì họ phải chịu lỗ cho những hợp đồng đã ký từ trước.

Trong bối cảnh Ấn Độ, Nga và UAE vừa cấm xuất khẩu gạo còn Thái Lan cân nhắc giảm diện tích trồng lúa do thời tiết không thuận lợi, Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Nếu như trong quý đầu tiên của năm nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam chỉ có 450 đô la mỗi tấn thì đến ngày 25/8 đã lên gần 640 đô la mỗi tấn, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tức là tăng gần 60%. Đây là mức giá cao nhất trong hơn 10 năm.

Trước tình hình này, các lãnh đạo Việt Nam từ Thủ tướng Phạm Minh Chính cho đến các quan chức nông nghiệp và công thương đều yêu cầu tăng cường xuất khẩu gạo, đồng thời trấn an người dân rằng ‘không lo về an ninh lương thực’, truyền thông trong nước đưa tin.

Tình trạng này khác với cuộc khủng hoảng lương thực hồi năm 2008 mà khi đó giá gạo thế giới tăng vọt, người dân trong nước xếp hàng đi mua gạo tích trữ và thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước.

Ba vùng canh tác

“Chính phủ đã rút được kinh nghiệm từ bài học cấm xuất khẩu gạo hồi năm 2008,” Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ và là nhà nông học hàng đầu của Việt Nam, nói với VOA và cho rằng tình trạng bất an về lương thực toàn cầu hiện nay là ‘cơ hội rất tốt cho Việt Nam’.

“Không bao giờ Việt Nam có thể thiếu gạo vì sau ba tháng mình đã có vụ lúa mới rồi nên vấn đề là chúng ta phải cân đối cho kỹ từng thời gian để bà con có đủ gạo ăn, phần còn dư ra có thể xuất khẩu,” ông nói.

Khi được hỏi về tác động bất lợi của thời tiết do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến vụ mùa và thu hoạch gạo ở Việt Nam, Giáo sư Xuân tin rằng Việt Nam sẽ không lâm vào cảnh mất mùa như Ấn Độ, Trung Quốc hay Philippines.

“Chúng ta lợi dụng điều kiện tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long và điều kiện cây lúa của mình vốn là giống ngắn ngày, năng suất cao để bố trí lại sản xuất cho phù hợp với biến đổi khí hậu. Khi đó kể cả El Nino cũng không có tác hại lớn đối với ruộng lúa của Việt Nam.”

Theo phân tích của ông thì Việt Nam có thể ‘né biến đổi khí hậu để sản xuất lúa liên tục’ bằng cách phân chia vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra thành ba vùng với phương thức sản xuất khác nhau.

Thứ nhất là vùng đầu nguồn sông Mekong đổ vào lãnh thổ Việt Nam giáp giới với Campuchia với hệ thống kênh rạch chằng chịt dẫn nước ngọt đi khắp nơi. “Vùng này không bao giờ thiếu nước ngọt và nước mặn không thể nào lên tới được nên sẽ là vùng thâm canh lúa cao sản, làm ba vụ một năm,” ông nói.

Với diện tích 1,5 triệu ha, chỉ riêng vùng này thôi là đã đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân Việt Nam và ‘còn dư ra một ít để xuất khẩu’.

Thứ hai là vùng ven biển bị ảnh hưởng của nước mặn kéo dài từ Bến Tre xuống đến Bạc Liêu, Cà Mau qua Kiên Giang, Giáo sư Xuân nói ‘trồng lúa vào mùa mưa kết hợp nuôi tôm càng xanh tronrg đồng ruộng, khi hết mùa mưa thì cho nước mặn vào để nuôi tôm sú được hai vụ nữa’.

Vùng còn lại là vùng trũng ở giữa hai vùng này như vùng Đồng Tháp Mười. Ông cho rằng nơi đây sẽ tận dụng để ‘đào mương lên liếp’ để trồng cây ăn trái trên liếp và nuôi cá dưới mương ‘sẽ cho thu nhập cao hơn trồng lúa’.

Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang mà VOA liên hệ cũng cho rằng ‘nhu cầu gạo của Việt Nam năm nào cũng nhiêu đó là đã đủ ăn, không có nhiều hơn, nên lượng dôi dư ra cần phải để cho xuất khẩu’.

Khi được hỏi về rủi ro thời tiết, người chủ doanh nghiệp này nói ‘không đáng lo’ vì Việt Nam sản xuất lúa gạo liên tục.

Báo cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong năm 2023, cả nước gieo trồng 7,1 triệu ha với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, tương đương 20 triệu tấn gạo. Sau khi trừ ra số lượng để tiêu thụ trong nước cũng như để dự trữ thì còn lại trên 1/3, tức vào khoảng 7 triệu tấn gạo, sẽ được dành cho xuất khẩu.

Còn theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,83 triệu tấn gạo với giá trị gần 2,6 tỷ đô la, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi giữa tháng Bảy, do ảnh hưởng của bão Talim, các tỉnh miền Tây đã xảy ra mưa lớn nhiều ngày khiến 3.000 ha lúa hè thu bị đổ ngã, không thể thu hoạch, VnExpress cho biết.

‘Doanh nghiệp gặp khó’

Tuy nhiên, tình trạng giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao lại không có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, người chủ doanh nghiệp ở An Giang vốn chỉ nêu tên là Mai do không muốn gặp rắc rối nói với VOA.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với khách hàng từ trước, khi giá thấp, nên giờ họ vẫn phải giao hàng với mức giá đã thỏa thuận, trong khi giá thu mua lúa của nông dân phải tăng lên, bà cho biết.

“Có những hợp đồng chúng tôi lỗ từ 1, 2 đến 3 ngàn đồng một ký, lên đến 1.000 tấn thì chúng tôi mất 3 tỷ,” bà Mai nói.

Theo lời bà thì các năm trước các doanh nghiệp xuất khẩu lời khoảng 100 đồng một kg lúa mua từ nông dân, năm nay lỗ khoảng 3 ngàn đồng, tức là ‘lỗ 30 lần’ so với mức lời. “Bây giờ mua lúa phải tăng thêm 3 ngàn đồng một ký từ mức 12 ngàn, tức là tăng thêm 30%,” bà nói thêm.

Khi được hỏi tại sao không chốt giá thu mua từ đầu vụ, bà Mai nói các doanh nghiệp ‘đương nhiên đều có chốt giá hết’. “Nhưng giờ giá lên thì họ sẽ bẻ kèo không giao lúa nữa, hoặc họ đòi thương lượng giá lại, hoặc họ trả tiền cọc lại cho mình để bán cho người khác giá cao hơn,” bà giải thích.

“Cũng có thể thương lái đã mua lúa giá rẻ của nông dân, họ ghim hàng rồi bán cho mình.”

Bà cho biết các doanh nghiệp lớn cần phải giữ uy tín với khách hàng nên dù lỗ nhiều họ cũng phải gom lúa cho đủ để giao cho khách hàng, với lại số lượng đơn hàng lên đến hàng chục ngàn tấn không doanh nghiệp nào có đủ nhà kho lớn để tích trữ từ trước. Trong khi đó, có một số doanh nghiệp phải thương lượng lại giá bán với khách hàng và thời gian giao hàng để cắt lỗ.

Người chủ doanh nghiệp này cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng ‘khó tranh thủ được mức giá cao hiện nay để ký hợp đồng mới’ vì ‘hiện nay đang là vụ hè thu, giá gạo có cao cũng không có nhiều lúa để mà mua’, trong khi ký xong thì trong vòng 1-2 tháng đã phải giao.

“Cũng có khách mua thêm vài ba ngàn tấn với mức giá cao nhưng không đáng kể so với những hợp đồng còn nợ với mức giá thấp,” bà Mai nói.

Nên theo giá thị trường?

Về vấn đề này, Giáo sư-Tiến sỹ Võ Tòng Xuân cho rằng kiểu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo làm ăn hiện nay là ‘ký hợp đồng trước mà không lường trước được tình hình thời tiết như thế nào’ và ‘khi có hợp đồng mới đi tìm hàng từ thương lái’ chứ không có vùng nguyên liệu gắn kết sẵn để tạo thành chuỗi cung ứng

“Tới đây họ phải ngồi lại với khách hàng để giải thích tình hình cho hai bên hiểu nhau để có thể thực hiện được hợp đồng.”

Theo lời Giáo sư Xuân thì trước giờ các doanh nghiệp nếu có ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân thì họ muốn ‘chốt mức giá cố định’ trong đó có tính mức lời 30% cho nông dân. “Dù giá thị trường có cao hơn hay xuống thấp hơn thì họ vẫn thu mua với giá đó và nông dân vẫn luôn được lời 30%,” ông nói.

“Nhưng khi giá gạo tăng cao thì nông dân lại không chịu,” ông nói thêm. “Họ nói rằng họ bị lỗ nhưng thực ra họ vẫn lời 30%, chỉ là không lời nhiều như mức tăng giá trên thị trường thôi.

Hiện giờ các doanh nghiệp ‘đang đấu tranh với nông dân’, Giáo sư Xuân nói. Giải pháp ông đề xuất là vẫn định một mức giá trong hợp đồng để cho nông dân có lời 30% ‘trong điều kiện bình thường’ nhưng ‘thòng thêm một điều khoản là sẽ điều chỉnh theo giá thị trường’, tức là giá lên thì sẽ mua cao hơn, nhưng giá xuống thì sẽ mua thấp hơn mức giá đã định trong hợp đồng.

https://www.voatiengviet.com/a/gia-gao-tang-nong-dan-mung-doanh-nghiep-kho-dan-van-du-gao-/7242630.html


Căn cước hay căn cước công dân – Nguyễn Thông

28/8/2023

Hôm nay 28.8, Ủy ban Thường vụ quốc hội (được coi là bộ phận tinh hoa nhất của Quốc hội) họp bàn cái tên của luật về căn cước. Họ chia phe tranh cãi, luật ấy tên là Luật Căn cước, hay Luật Căn cước công dân. Như đám mổ bò, như cái chợ. Đúng là không có việc gì làm, nhàn cư vi bất hảo.
Tôi, một công dân nghiêm túc, đã từng nói rồi, thẻ căn cước chỉ để cấp cho người chứ đâu có cấp cho con vật mà phải lòng thòng rườm ra thêm chữ công dân vào, thành căn cước công dân. Chả nhẽ trại lợn cũng có cấp căn cước cho lợn, nên phải phân biệt giữa căn cước cấp cho công dân/người với căn cước lợn.
Công dân là từ để chỉ người, cá nhân dân của một nước. Và tất nhiên nhà nước VN (cũng như bất cứ nước nào) chỉ cấp thẻ căn cước – một dạng xác nhận tư cách hợp pháp, cho công dân VN. Đâu có bao giờ cấp cho người nước ngoài, mà có vị lý sự rằng phải có chữ “công dân” để phân biệt người VN với người nước ngoài. Có ai là người nước ngoài được cấp thẻ căn cước khi họ không phải là công dân VN không? Nếu cấp, thì gọi là căn cước gì? Căn cước siêu nhân chăng?
Nói túm lại, tên của luật, rất đơn giản và chính xác, chỉ cần đặt là Luật Căn cước. Tên của tấm thẻ tùy thân người ấy (bởi lợn không cần thẻ tùy thân) chỉ cần là Thẻ căn cước.

Bỏ mẹ chữ “công dân” đi, đỡ tốn công, tốn giấy, tốn nước bọt. Chỉ có thế mà cứ bàn tới bàn lui. Bộ máy này rất giỏi biến việc đơn giản thành chuyện nghiêm trọng.
Đám chính phủ dốt khi đưa ra dự thảo luật đã đi một nhẽ bởi chúng chỉ làm được đến thế, chứ quốc hội cũng rảnh háng cãi nhau chuyện này, quả thật bụt đất cả. Làm đại biểu quốc hội, “cơ quan quyền lực cao nhất” (hì hì), không phải để bàn những chuyện tào lao như thế. Ông bà nào cãi, cứ vào đây cãi với tôi.


Người Việt lại đổ sang Đài Loan khi hòn đảo tìm cách chiêu mộ nhân công 

VOA Tiếng Việt 

28/8/2023

Công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động.

Công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động. 

Trong khi Đài Loan đang tìm cách thu hút 400.000 lao động nước ngoài trong vòng 10 năm tới, đã có gần 37.000 người Việt Nam đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan trong 7 tháng đầu năm khiến cho thị trường này tiếp tục là một trong những điểm đến tiềm năng nhất của công nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, một nhà hoạt động xã hội chuyên trợ giúp cho công nhân Việt tại Đài Loan lưu ý về tình trạng lao động Việt Nam vẫn tiếp tục bị môi giới lừa đảo, trong khi các nạn nhân rất ít khi nhận được sự trợ giúp của cơ quan đại diện, dẫn đến nhiều khả năng rơi vào tình trạng phải làm việc trong tình trạng phi pháp để trang trải nợ nần nơi quê nhà.

Cần 400.000 lao động

Kể từ khi Đài Loan vào tháng 9/2022 tuyên bố sẽ thu hút 400.000 lao động nước ngoài vòng trong 10 năm tới để bù đắp cho dân số trong độ tuổi lao động đang bị thu hẹp vì tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi của nước này, số lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang đảo quốc này ngày càng tăng.

Số liệu mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết chỉ trong 7 tháng đầu năm 2023, đã có 36.956 lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc, khiến hòn đảo trở thành thị trường lớn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản (41.139 người), tiếp nhận lao động Việt Nam. 

Trái ngược với những con số tích cực trên, tình trạng lao động Việt Nam bị môi giới lừa đảo, “đem con bỏ chợ” ở Đài Loan vẫn đang là hiện tượng đáng lưu tâm, theo nhận xét của Linh mục Nguyễn Văn Hùng, người đã nhiều năm làm công việc trợ giúp cho các công nhân Việt Nam tại Đài Loan, nói với VOA.

Bỏ trốn

LM. Nguyễn Văn Hùng cho biết tình trạng lao động Việt Nam buộc phải bỏ trốn khỏi công ty đăng ký để lao động trong tình trạng bất hợp pháp bên ngoài hiện rất phổ biến tại Đài Loan. Họ luôn phải đối diện trong tình trạng có thể bị cảnh sát truy bắt và trục xuất về Việt Nam bất cứ lúc nào.

Đơn cử như trường hợp một công nhân Việt Nam hồi tháng 6 đã bị cảnh sát Đài Loan truy đuổi vào tận trong nhà thờ, nơi LM. Nguyễn Văn Hùng đang cử hành thánh lễ, khiến ông phải tổ chức một cuộc tuần hành để bênh vực cho quyền của người lao động Việt Nam.

Ông khuyến nghị những ai muốn đăng ký đi xuất khẩu lao động nên tìm hiểu trước những thông tin về quyền lợi của người lao động tại thị trường lao động mà mình sắp đến.

Ngoài ra, việc tìm hiểu thông tin về công ty sẽ đến làm việc là một động tác vô cùng quan trọng mà người lao động nên làm.

“Vì hiện nay có rất nhiều công ty phá sản nhưng họ không công bố ra ngoài. Họ vẫn đi xin Bộ Lao động Đài Loan cho phép họ nhận người. Mà Bộ Lao động Đài Loan đâu có gửi người đến các công ty để xem xét đâu, và họ cũng đâu có qua Bộ Kinh tế để biết được công ty này làm ăn có khá hay không. Họ cứ theo nguyên tắc, thủ tục để phê chuẩn thôi”, LM. Nguyễn Văn Hùng nói.

Ông cho biết hồi tháng 6 vừa qua, có một nhóm 30 lao động Việt Nam đã đến nói với ông rằng họ chỉ mới sang Đài Loan được một tháng, nhưng đã bị công ty kêu lên thông báo họ sắp đóng cửa và yêu cầu các công nhân Việt Nam phải đổi chủ.

“Mà (họ) muốn đổi chủ thì bây giờ không có việc cho họ làm. Điều thứ hai là những người công nhân nước ngoài ở Đài Loan mà muốn đổi chủ thì công ty môi giới đòi trả ‘tiền mua việc’, mà ‘tiền mua việc’ này đắt lắm”, Linh mục Nguyễn Văn Hùng giải thích thêm với VOA. Ông cho biết có nhiều môi giới đòi công nhân phải trả từ 2.000 -3.000 USD để ‘mua’ một công việc mới.

Nhiều công nhân Việt Nam không có khả năng trả khoản tiền này nên đã phải trốn ra ngoài đi làm trong tình trạng bất hợp pháp để kiếm tiền gửi về Việt Nam trả nợ.

Những huyến cáo

Theo LM. Nguyễn Văn Hùng, người lao động Việt Nam có thể tìm hiểu thông tin về công ty tuyển dụng bằng cách nghiên cứu qua mạng internet hay liên hệ với các cộng đồng, tổ chức ở Đài Loan trước khi quyết định đóng tiền cho công ty môi giới.

“Số tiền mà theo quy định của nhà nước Việt Nam để sang Đài Loan làm việc là chỉ tốn 4.000 USD thôi. Trên 4.000 USD thì đừng đi”, ông khuyến cáo thêm.

LM. Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý những người Việt muốn đi lao động ở Đài Loan nên cố gắng liên hệ trực tiếp với các công ty môi giới lớn, có uy tín tại Việt Nam để nộp đơn đi xuất khẩu lao động, không nên tin vào những lời quảng cáo hay ho của những người môi giới hay thông qua “cò” lao động tại các địa phương.

Người lao động cũng không nên trông chờ vào khả năng giúp đỡ của Văn phòng Kinh tế Văn hoá Việt Nam, một cơ quan đại diện cho chính phủ Việt Nam tại Đài Loan, khi bị môi giới lừa đảo. Theo LM. Nguyễn Văn Hùng, đây cũng là một trong những nguyên nhân mà hàng ngàn lao động Việt Nam đã phải bỏ trốn ra ngoài để làm việc trong tình trạng bất hợp pháp tại Đài Loan, vì họ không thể tìm được lựa chọn tốt hơn.

Tóm lại, theo LM. Nguyễn Văn Hùng, người lao động Việt nên tự tìm hiểu thông tin và phải thật cẩn thận để tránh rơi vào “bẫy” của cò lao động khiến rơi vào tình cảnh công việc làm tại Đài Loan không mang lại đủ thu nhập để trả nợ tại Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com


Nguyễn Gia Việt – Người Việt Nam đang ghiền mùi hóa chất 

Trời nóng, điên đầu khi một ai đó vừa bước ngang qua mình mà người ta xúc dầu thơm quá đậm đặc. Dầu thơm là thoảng nhẹ thôi, nhưng giờ đây nhiều người xịt dầu thơm như xịt nước mắm vậy.

Rồi bị mùi nước xả vải ám ảnh nữa, cái mùi kinh khủng và rẻ tiền trên người của đồng loại đi qua đi lại chung quanh ta. Họ muốn thể hiện điều gì ta?

Nhiều người Việt Nam ngày nay thích mùi ở bất cứ cái gì, thí dụ khăn giấy hay khăn ướt. Cái mùi hóa chất nồng nặc.

Tôi không bị viêm mũi, mũi tôi rất thính mà còn chịu không nổi những mùi hóa chất lạm dụng chung quanh, huống hồ những bạn bị viêm xoang quanh năm.

Hàng ngày tôi còn bị mùi thuốc lá tra tấn. Người Việt Nam ngày nay hút thuốc như ống khói và họ mất lịch sự khi phì phèo bất cứ nơi đâu họ muốn. Nhiều khi đang chờ đèn đỏ mà phải ho sặc sụa vì phần đông dân kế bên tranh thủ stop đèn đỏ là đốt điếu thuốc phì phèo.

Nhiều khi nửa đêm đang chuẩn bị vô giấc ngủ thì mùi thuốc hôi nồng nặc xồng xộc vô nhà, khi ngoài đường trước nhà có ai đó đang hút thuốc.

Cái dân tộc này ghiền mùi hóa chất kinh khủng.

Đâu rồi mùi bông bưởi, bông mận, mùi dạ lý hương, nguyệt quới, bồ kết tự nhiên?

NGUYỄN GIA VIỆT 27.08.2023


Vụ án ‘đầu voi đuôi chuột’: 13 công an ra tòa về tội ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn’…

Lê Thiệt /SGN
27/8/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/04-cong-an-1.jpg

Trụ sở Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú (Sài Gòn) – Ảnh: Tuổi Trẻ 

Đó là 13 công an (giờ đã trở thành cựu) công tác tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Sài Gòn. Chúng đã nhận tổng cộng gần 1,1 tỷ đồng, 2 chỉ vàng, 100 USD để thả 29 nghi phạm mua bán và/hoặc sử dụng ma túy. Bọn tội phạm này sau đó không bị xử lý theo pháp luật.

Tuy nhiên, dư luận rất ngạc nhiên khi VKSNDTC chỉ truy tố 13 bị can này về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, chứ không phải tội “đưa hối lộ, “nhận hối lộ”.

Phiên tòa dự tính kéo dài từ ngày 28 đến 30 Tháng Tám tại TAND TP.HCM. Các cựu công an này bị Cơ quan điều tra (CQĐT) Viện KSND tối cao truy tố ở khung hình phạt tù từ 5 – 10 năm, thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức và phạm tội từ 2 lần trở lên.

13 bị cáo, gồm: Phạm Thanh Tuấn (40 tuổi, cựu Trưởng công an phường Phú Thọ Hòa từ tháng 4.2017 – 7.2020), Phan Văn Hòa (44 tuổi, cựu phó trưởng từ tháng 7.2018 – 7.2020, phụ trách tổ phòng chống tội phạm), Lê Văn Quý (57 tuổi, cựu phó trưởng từ tháng 3.2011 – 7.2020, phụ trách tổ cảnh sát khu vực (CSKV).

10 bị cáo còn lại đều là CSKV của công an phường: Nguyễn Đăng Chiến, Nguyễn Đức Hiền, Phạm Ngọc Vy, Lê Đình Vũ, Võ Quang Kế, Trịnh Hoàng Dương, Điền Đức Quang, Huỳnh Văn Tuấn, Nguyễn Minh Nhựt, Đỗ Hà Danh.

Theo cáo trạng, từ tháng 7.2018 đến tháng 4.2020, Ban chỉ huy Công an P. Phú Thọ Hòa gồm Tuấn, Hòa, và Quý. Tuấn cho phép công an phường thành lập 2 tổ công tác gồm các bị cáo còn lại có nhiệm vụ tổ chức tuần tra trên địa bàn, nếu phát hiện các đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy thì bắt giữ và đưa về trụ sở công an phường để “xử lý”.

Chuyện “xử lý” được Hòa và Quý thực hiện như thế này: Không lập hồ sơ, không thu giữ niêm phong vật chứng, mà cho nghi phạm gọi gia đình, người thân mang tiền đến nộp để được thả về. Tiền nộp “mãi lộ” tùy từng sự việc.

Khi thực hiện hành vi phạm tội các bị can có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện bằng việc chia tổ, chia ca, phân công nhiệm vụ từng người. Hành vi phạm tội diễn ra liên tiếp nhiều lần, trong một thời gian dài với phương thức, thủ đoạn tương tự nhau.

Mặc dù bị can Phạm Thanh Tuấn không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng tài liệu hồ sơ thu thập được đủ căn cứ chứng minh Phạm Thanh Tuấn là người có vai trò cao nhất đã chủ trương và thành lập hai tổ công tác tuần tra bắt giữ đối tượng liên quan đến ma túy.

Thay vì lập hồ sơ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật thì Tuấn đã chỉ đạo tổ công tác bắt giữ đối tượng, nhận tiền, vàng và đô la Mỹ để tha cho các đối tượng không bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cáo trạng xác định, tổng số tiền gia đình các đối tượng bị bắt giữ đã đưa cho 29 đối tượng để chuyển cho các công an phường Phú Thọ Hòa trong giai đoạn này là gần 1,1 tỉ đồng, 2 chỉ vàng, 100 USD. Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra không thu được số tiền này, chỉ thu giữ được một số tài liệu, sổ sách và biên bản chứng minh hành vi phạm tội của 13 bị can mà thôi.

Do không thu giữ được tiền, nên không đủ căn cứ để khởi tố vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” vì việc giao nhận tiền chỉ có lời khai của đối tượng bị bắt vì liên quan đến ma túy. Ngoài ra, không có tài liệu, chứng cứ vật chất khác để chứng minh.

Vụ án này có thể trở thành vụ án “đầu voi, đuôi chuột”.


Đồng Nai: Dân yêu cầu người hút cát trình giấy phép, chính quyền ở đâu?

Thái Hạo

27/8/2023

Cách đây 2 ngày, phó chủ tịch tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về việc nhận hối lộ của công ty khai thác cát.

Còn dưới đây là tình hình vừa diễn ra tại Sông Đồng Nai, quãng chảy qua xã Núi Tượng, huyện Tân Phú, Tỉnh Đồng Nai. Người dân ở đây cho biết, việc hút cát này đã bị dân phản ánh và phản đối từ năm ngoái, nhưng cứ ngưng được một thời gian thì lại trở lại.

Vị trí này tôi đã nhiều lần lui tới và gắn bó. Bên này là dân sinh, bên kia là rừng Quốc gia Nam Cát Tiên, nhiều chỗ bờ sông đã bị lở sâu.

Trong video bên dưới, tuy chưa xảy ra xô xát đánh nhau giữa dân và những người hút cát, nhưng rất căng thẳng, gay gắt. Xin nghe một đoạn đối thoại giữa 2 bên:

– Người dân: Anh có biết ảnh hưởng không, bao nhiêu sạt lở kia kìa? Sông của quốc gia, anh cũng không được phép hoạt động bởi vì anh không có giấy phép, thì bất cứ người dân nào người ta cũng có quyền hết.

– Người hút cát: Anh dựa cơ sở nào mà nói không có giấy phép?

– Người dân: Tôi dựa trên cơ sở là quyết định này là của hợp tác xã Phú Thịnh đã bán đi bán lại 3 ông rồi; hai nữa là quyết định này thu hồi năm 2017. Ông Cao Văn Sinh đã chết rồi, còn quyết định còn lại là quyết định thu hồi rồi, nên tôi yêu cầu các anh hợp tác đàng hoàng, nếu không hợp tác là không được. Nói thẳng!

– Hút cát: (Im lặng)

– Người dân: Còn ở cái xã này, nó ăn tiền của các ông rồi. Nói thẳng. Nếu các anh chống cự lại là không được. Tôi yêu cầu tắt máy. [Một người dân khác lên tiếng] Chả có cái thằng chó nào mà dám thò tay vô ký giấy cho các ông… Không có thằng nào mà dám.

Nghe vài người dân nói, sau khi đăng hình ảnh và clip về việc hút cát này lên Facebook thì lập tức bên chính quyền cho cán bộ và công an tới nhà bắt gỡ bài.

Chính quyền Đồng Nai cần điều tra, xác minh và có trả lời chính thức cho người dân địa phương và công luận được rõ, xử lý trách nhiệm các bên liên quan nếu thật sự có tình trạng dung túng, móc ngoặc với “cát tặc” của cán bộ và chính quyền cấp dưới như dân đã nói trong clip.


Người phụ trách Thư ký Tài chính của AIC ra đầu thú

RFA
28-08-2023 

Người phụ trách Thư ký Tài chính của AIC ra đầu thú

Bà Nguyễn Thị Thu Phương (ảnh tại thời điểm đầu thú và trước đó). 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCourtesy Tiền Phong 

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận Thư ký Tài chính Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đã ra đầu thú sau khi bỏ trốn và bị truy nã.

Phát ngôn nhân Bộ Công an Việt Nam, Trung tướng Tô Ân Xô, vào ngày 28/8 thông báo như vừa nêu. Theo đó Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu thuộc Bộ Công an Việt Nam đã tiếp nhận người trở về là bà Nguyễn Thị Thu Phương. Bà này bị cho là đối tượng liên quan sai phạm trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh.

Vào tháng 11/2022, bà Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người khác trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, AIC, và các đơn vị liên quan được Bộ Công an Việt Nam thông báo đang bỏ trốn và bị truy nã. Bộ này kêu gọi họ ta đầu thú.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xác định có vai trò lớn trong vụ án. Bà này trốn truy nà và bị phát hiện đang ẩn mình ở Châu Âu. Bản thân bà Nhàn từng là trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và các những nhóm quốc phòng ngoại quốc. Trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vụ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018.

Vào ngày 4/1/2023, bà Nhàn bị Tòa Hà Nội tuyên án tổng cộng 30 năm tù trong vụ án “vi phạm quy định đấu thầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, đưa/nhận hối lộ” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, AIC, và các đơn vị liên quan.

Ngoài vai trò trong vụ án tại tỉnh Đồng Nai, bà Nhàn vào tháng 8/2022 còn bị khởi tố trong vụ án “vi phạm về quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh và AIC hồi năm 2012. Lúc bấy giờ, đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính là bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.

Vào ngày 4/7 vừa qua, Phát ngôn nhân Tô Ân Xô cũng thông báo ông Đỗ Văn Sơn- nguyên kế toán trưởng AIC, đã ra đầu thú.


Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung kinh doanh thua lỗ, bị ngân hàng kiện

RFA
28/8/2023

Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung kinh doanh thua lỗ, bị ngân hàng kiện

Một nhà máy thuộc Lọc hóa dầu Bình Sơn 

VnEconomy 

Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung,một trong hai công ty con của Lọc hóa dầu Bình Sơn, đang nợ 1.500 tỷ đồng và bị ba ngân hàng khởi kiện ra tòa. 

Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 của Lọc Hóa dầu Bình Sơn do Deloitte kiểm toán cho biết thực trạng vừa nêu và truyền thông Nhà nước loan tin ngày 28/8. 

Cụ thể nợ ngắn hạn của Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung vượt quá tài sản ngắn hạn 1.459 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 1.496 tỷ đồng. Công ty đang thiếu vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. 

Ba ngân hàng cấp tín dụng cho Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung gồm Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đệ đơn khởi kiện Công ty Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung lên Tòa án tỉnh Quảng Ngãi liên quan các khoản vay quá hạn thanh toán hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất. 

Vụ kiện được cho biết đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để đưa ra xét xử.


Giới đầu tư nước ngoài tiếp tục đối diện khó khăn ở Việt Nam

RFA
28/8/2023

Giới đầu tư nước ngoài tiếp tục đối diện khó khăn ở Việt Nam

Ảnh minh họa: Công nhân may khẩu trang tại một nhà máy ở Thái Nguyên hôm 23/3/2020 

Reuters 

Giới đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều rào cản như thủ tục hành chính liên quan đến giải phóng mặt bằng, giao đất… 

Mạng báo The Star của Malaysia loan tin ngày 28/8 dẫn nhận định của giới chuyên gia và người trong cuộc như vừa nêu. Cụ thể, về mặt lý thuyết, công ty nước ngoài có thể thuê đất từ chính phủ Việt Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng; tuy nhiên quá trình thực hiện thường kém minh bạch, mất thời gian, phức tạp mà không có hỗ trợ từ một công ty tư vấn trong lĩnh vực này. 

The Star dẫn phát biểu của giám đốc một quỹ đầu tư Nhật Bản rằng các bộ, ngành Chính phủ Hà Nội đưa ra giải thích về các qui định pháp luật và các nhà đầu tư theo đó để thực hiện. Tuy vậy, sau một thời gian có những thay đổi nhưng quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo đảm. 

Một điểm được nêu ra là giá đất trong những thập niên qua gia tăng liên tục làm phức tạp thêm quá trình bồi thường cho người dân và bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư. 

Giới đầu tư cho biết đã bày tỏ quan ngại đối với qui trình phức tạp về đất đai khiến nhiều doanh nghiệp có thể rời đi; đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng hiện nay giữa các nước trong khu vực. 

Thống kê cho thấy trong giai đoạn 1988-2021, trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút 82 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); nhưng vào năm ngoái con số này chỉ còn 4,33 tỷ USD. Mức giảm so với cùng kỳ là gần 40%.


XEM TIẾP:

Tags: , ,

Comments are closed.