Nguyễn Mạnh Hùng – Phỏng vấn Trương Bảo Sơn. Phần 1


26/6/2023

Bài phỏng vấn dài, xin được chia làm 2 phần.

Phần 1

Toàn văn:

Trương Bảo Sơn – VP-NMH-A049

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (NMH): Kính thưa anh, tôi được biết anh là một lãnh tụ kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà là người đã hợp tác với những lãnh tụ cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng như là các ông Nguyễn Tường Tam và Đỗ Đình Đạo.  Xin anh cho phép tôi được phỏng vấn anh một số điều về Việt Nam Quốc Dân Đảng?

Ông Trương Bảo Sơn (TBS): Dạ.

NMH: Dạ, thưa anh.  Trước hết tôi xin anh cho biết là, tôi biết là anh có cái liên hệ gia đình với họ nhà Nguyễn Tường, có phải không ạ?

TBS: Dạ, không, cái liên hệ đó thì chỉ là tình bạn với đồng chí thôi.

NMH: Dạ, vâng, thưa anh.  Xin anh cho biết là anh hoạt động ở, ông Nguyễn Tường Tam đó, trước hết là ông lập Đại Việt Dân Chính rồi sau này mới trở thành Việt Nam Quốc Dân Đảng.  Xin anh cho biết là anh gia nhập đảng nào và anh hoạt, anh nhập đảng vì lý do gì, trong cái khung cảnh nào mà anh bắt đầu hoạt động chính trị?

TBS: Tôi gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1940, chúng tôi hoạt động với anh Nhượng Tống.  Thì cái hồi đó thì cái tinh thần của chúng tôi được cha tôi nuôi dưỡng cho đó thì là chống Pháp.  Nhưng mà đến lúc mình vào Quốc Dân Đảng thì được các anh em ở trong ấy họ nói cho mình biết về cái Cộng Sản.  Cho nên rằng là không những là chống Pháp mà thôi, mà còn chống Cộng nữa.  Vì cái Cộng Sản nó là một cái không có lợi cho Việt Nam.  Mà những cái Cộng Sản nó đã từng làm hại những người Quốc Gia nữa.

Đến đến năm 45 đó thì là cái hồi mà Nhật đầu hàng thì Hồ Chí Minh về nước.  Lúc bấy giờ ở trong nước cũng chỉ có mấy anh là Nguyễn Ngọc Sơn này, rồi Nhượng Tống này… quên quên tên rồi.  Thì lúc bấy giờ cũng có liên lạc với lại Đại Việt.  Mà theo tôi hiểu, nếu mà không nhầm thì là liên lạc với lại anh Phan Châm, tức là Bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ đó, để bàn nhau xem rằng là có nên nắm chính quyền được không. Vì theo các anh em nói thì là Nhật nó muốn trao chính quyền cho mình. Trong cái lúc mà các anh ấy bàn nhau ở trên lầu đó thì chúng tôi ngồi ở dưới để chờ xem kết quả ra sao.  Thì sau hai tiếng, tức là không chấp nhận, thế là anh Nhượng Tống anh khóc, khóc như cha chết, mẹ chết đấy.  Rồi trong khi ấy các anh em ở các nơi cũng đã có vũ trang, cũng đã kéo về Hà Nội, đóng ở các trường học, chỉ để chờ lệnh ở trung… các anh ở trên ấy là hoạt động.  Thế mà thế thế thì thành ra…

NMH: Nhưng anh có nhớ cái ngày đó là ngày nào không?

TBS: Tôi không nhớ lắm nhưng mà trước cái ngày Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập chính phủ.

NMH: Dạ, thưa anh, tức là sau ngày 19/8 hay trước 19/8?

TBS: Hôm mùng 2…

NMH: Mùng 2/9 thì ông ấy tuyên bố…

TBS: Mùng 2/9, vâng.

NMH: Tức là tức là sau khi nó cướp chính quyền rồi, giờ mình muốn cướp chính quyền lại?

TBS: Trước kia, trước kia mùng 2/9 đó, trước ngày mùng 2/9.  Thì Hồ Chí Minh ra tuyên bố ở… lúc bấy giờ là cái gì…

NMH: Ba Đình, vâng.  Vườn hoa Ba Đình.

TBS: Ba Đình thì là cái tên mà nó mới đặt về sau.  Thì là hôm sau tôi với Nhượng Tống lên Vĩnh Yên thì bảo các anh em ở trên đó xong cái thì là tối hôm đó là cướp chính quyền trên đó.

NMH: Dạ, thế còn trước đó ngày, trước ngày 19/8 thì có tính gì chuyện cướp chính quyền.  Tôi muốn hỏi lại cái thời gian mà các anh ấy quyết định …

TBS: Không, các anh em có hai, hai phần: một phần thì muốn và một phần thì không muốn.  Cái phần không muốn là sau khi các anh ấy thảo luận với lại anh em Đại Việt rồi đó thì là không có, không có cướp chính quyền.  Mà cho rằng cướp như thế rồi thì có thể là mình sẽ có ví dụ như là không làm nên việc gì đó thì có thể mình có các cái sai lầm, cái tội với lại quốc dân, Tổ Quốc nữa.  Thế nhưng mà cái đám chống đó, cái đám mà muốn ấy đó, như là anh Nhượng Tống chẳng hạn thì một phần không được dự vào cái cuộc nói chuyện, hai nữa là thấy không được các anh em ở trên chấp thuận, như thế thì là kéo nhau lên chiến khu để mà hoạt động chống Cộng ở trên đó.

NMH: Dạ, vâng thưa anh. Như vậy là sau ngày 2/9 là anh mới lên Vĩnh Yên? 

TBS: Vâng.

NMH: Thế còn cái ngày buổi họp của các anh đó thì giờ tôi muốn hỏi lại là bởi vì thế này, cái ngày Cộng Sản cướp chính quyền là ngày 19/8, phải không ạ. Ngày biểu tình là ngày 18 và ngày 19. Thế thì cái buổi họp đó là xảy ra trước ngày đó hay sau ngày đó.  Bởi vì nó cướp chính quyền rồi làm sao mình nói chuyện Nhật nó giao chính quyền cho mình?

TBS: Sau ngày đó tôi thấy… bây giờ tôi không được nhớ rõ lắm nhưng mà nếu mà tôi không nhầm thì là sau ngày đó, sau ngày 19/8, à vâng sau ngày 19/8.

NMH: Thưa anh, thế còn trong buổi họp đó thì có ông Trương Tử Anh không? 

TBS: Tôi không biết bởi vì lúc bấy giờ tôi chỉ thấy có anh Phan Châm xuống thôi, mới xuống, ở trên đó xuống thôi.  Thì tôi chắc là Phan Châm là đại diện cho Trương Tử Anh.

NMH: Thế còn bên bên Việt Nam Quốc Dân Đảng thì ông Nhượng Tống không được họp thì ai đi?

TBS: Thì tôi chắc là có anh Sơn, với lại anh Nguyễn Thế Nghiệp; anh Sơn, Nguyễn Thế Nghiệp.

NMH: Nguyễn Thế Nghiệp lúc bấy giờ đi về nước đó, hay là ở trong nước rồi? 

TBS: Lúc giờ ở trong nước rồi.

NMH: Thưa anh. Tại vì thế này Quốc Dân Đảng hồi đó thì tổ chức ra sao, thưa anh. Theo tôi biết một phần là bên hải ngoại, lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tường Tam đã đi sang Tàu rồi, phải không ạ?

TBS: Vâng.

NMH: Thì đã hợp tác với bên Việt Nam Đại Việt Dân Chính đã giải thể để hợp tác với bên Việt Nam Quốc Dân Đảng rồi. Còn ở trong nước ấy thì có cái phe của ông Nhượng Tống.  Vậy thì cái sự liên hệ giữa cái cái Việt Nam Quốc Dân Đảng ở trong nước với Việt Nam Quốc Dân Đảng hải ngoại nó ra sao?

TBS: Mấy cái ông mà Nguyễn Thế Nghiệp hay Nguyễn Ngọc Sơn và Nhượng Tống là những cái người còn lại của cái 1930 thì là ở trong nước.  Thế còn thì cái nhóm của ông Vũ Hồng Khanh thì là ở hải ngoại.  Cái sự liên lạc ấy thì hoàn toàn tôi không biết rằng có hay không… có hay không thì tôi không biết.

NMH: Theo ông Hoàng Văn Đào thì ông nói rằng ở trong nước thì cái Quốc Dân Đảng ở trong nước của ông Nhượng Tống đấy thì đổi tên để gia nhập vào Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, để có thể cộng tác với Nhật.  Trong khi đó Quốc Dân Đảng hải ngoại là bởi vì có liên hệ với Trung Hoa Dân Quốc thì không có làm được việc đó.  Cái quan điểm đó có đúng không?

TBS: Tôi hoàn toàn tôi không biết cái cái chuyện đó.  Thì nhiều những cái chuyện các ông ấy không cho mình biết.  Lúc bấy giờ sự thực sau một vài năm ấy, mình cũng chỉ là một thường đảng viên thôi, chứ không có được đi sâu vào những công việc của những đàn anh làm, của các ông ấy làm.

NMH: Vâng, thưa anh thì cái giai đoạn đó mà anh đi gia nhập, như vậy tức là anh vào đảng thì có ai giới thiệu không, hay là…

TBS: Chính Nhượng Tống.

NMH: À chính Nhượng Tống.  Lý do gì mà anh quen ông Nhượng Tống, thì ông ấy có quen gì với gia đình anh?

TBS: Ông ấy thì lại là có liên lạc, hay có họ hàng với lại một người bạn rất thân của tôi thì người bạn đó giới thiệu tôi.

NMH: Thế thì như vậy đó, cái lúc anh vào thì anh muốn chống Tây thôi.  Đến khi vào trong đó thì mới biết vấn đề Cộng Sản, có phải không ạ.  Tức là gia nhập ngay cả năm 1940 đó, đã có đặt vấn đề là chống Cộng Sản rồi?

TBS: Vâng.

NMH: Thưa anh, khi mà họ đặt vấn đề chống Cộng Sản đấy thì là họ có nói là tại sao mình phải chống Cộng Sản?

TBS: Thì họ không nói…

NMH: Anh nói rằng là họ không tốt cho Quốc Gia thì nghĩa là gì, xin anh khai triển cái chuyện đó?

TBS: Tức là thứ nhất là đối với đảng phái Quốc Gia là họ đã từng báo cho Pháp bắt những cái người Quốc Gia, như trường hợp bắt cụ Phan Bội Châu chẳng hạn.  Hay là các anh em Quốc Gia làm cái gì thì họ chỉ điểm cho Pháp để mà đến, đến bắt.  Thành ra coi cái phía Cộng Sản nó không phải là cái người tốt với lại Quốc Gia.  Mà mình thì, Quốc Gia mình làm là vì quốc gia, chứ không phải là vì đảng.  Đằng kia thì họ là vì đảng.

NMH: Thưa anh, thế còn hồi đó anh anh, đảng theo anh biết, lúc anh vào đảng thì họ tổ tổ chúc thế nào, cái tổ chức của đảng ra sao, ai là lãnh tụ hồi đó và đảng tổ chức theo kiểu gì?

TBS: Thì ba cái anh mà ban nãy tôi vừa nói tên đó thì là đứng đầu ở trong cái đảng, lãnh đạo cái đảng.  Thì hồi đó các anh ấy làm việc bí mật lắm, nghĩa là tôi ở trong cái chi bộ của anh Nhượng Tống thì chỉ biết thế thôi.

NMH: Chỉ biết một ông Nhượng Tống thôi? 

TBS: Vâng, Nhượng Tống.  Ngay nói cho đúng, Nguyễn Thế Nghiệp với Nguyễn Ngọc Sơn tôi cũng không biết mặt nữa, vâng.

NMH: Thế công tác giao phó, chỉ có một người giao phó cho một người?

TBS: Vâng, thì cái chi bộ của mình giao phó cho mình làm.

NMH: Thế chi bộ bao người?

TBS: Hồi đó sự thực chống với Pháp thì cũng chưa có một cái công việc gì mà mà tôi tham gia cả.  Vì rằng Pháp lúc bấy giờ thì là bị Nhật nó kiềm chế rồi.

NMH: Thế thì giai đoạn mà anh bắt đầu hoạt động năm 40 ấy thì cái hoạt động anh làm đó thường thường là ai huấn luyện?

TBS: Lúc bấy giờ là phần nhiều là chỉ, anh em chỉ huấn luyện với nhau thôi.

NMH: Vâng, huấn luyện về cái gì, như thế nào?

TBS: Huấn luyện về chủ nghĩa, huấn luyện về… vâng.

NMH: À tức là học tập chủ nghĩa thôi.  Thế rồi có định cái chính sách làm gì không.  Cái mục tiêu của việc huấn luyện nó đưa đến đâu?

TBS: Lúc bấy giờ hoàn toàn là chưa có cái cái mục tiêu gì cả.  Thế cũng đem cái Tam dân Chủ nghĩa ra để mà học tập với nhau.

NMH:  Dạ, thế như vậy Tam dân Chủ nghĩa của bên ông Tôn Dật Tiên ấy, có phải không ạ?

TBS: Vâng.

NMH: Đấy là cái chủ nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng?

TBS: Dạ.

NMH: Thưa anh, theo sự hiểu biết của anh đó thì thì thì Việt Nam Quốc Dân Đảng chủ trương cái gì, chủ nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng?

TBS: Thì cái chủ nghĩa là đi theo cái Tam dân Chủ nghĩa đó.  Tức là dân, dân tộc, dân quyền, dân sinh, ba cái đó.  Cái dân tộc đó, nó là làm sao cho tất cả toàn dân đều đoàn kết để mà giữ được cho nước của mình được độc lập.  Thế mà dân sẽ làm chủ và dân có cái quyền của dân.  Cái quyền đó thì tức là cái cái chính quyền, nó có thể nói mà rộng như bây giờ là cái nhân quyền (cái nhân quyền bây giờ).  Thế rồi cái dân sinh, làm sao cho dân được sung sướng, được ấm no đầy đủ.

NMH: Đấy tức là những cái cái mục tiêu tối hậu của đảng đấy?

TBS: Vâng.

NMH: Thế cái đường lối thực hiện thì đảng có định ra những cái… Hồi anh còn gia nhập?

TBS: Hồi đó thì chỉ nghĩ đến cướp, à tức là đánh đuổi Tây thôi.  Thế mà rồi thì về cái vấn đề dính vào Nhật đó thì các ông ấy không có cho biết rõ là cái đường lối đối với Nhật ra làm sao.  Bởi vì mình cũng chỉ là một thường đảng viên, thành ra không có được biết nhiều những cái đó. Mà theo đảng thì là cái tổ chức ngày xưa thì nó, mấy năm về trước nó vẫn còn giữ một cái hình thức bí mật và mình làm đảng viên là mình cứ theo mệnh lệnh của các ông ấy thôi.  Chứ không có, gần như là chỉ, không có phản đối gì cả.

NMH: Vâng, thế thì cái giai đoạn nào mà anh cho là bắt đầu chuyển biến nhiều nhất.  Anh nói là năm 40 thì mình chống Pháp nhưng thật sự chưa có gì để làm cả…

TBS: Vâng.

NMH: Chỉ có học tập chủ nghĩa thôi.  Bởi vì lúc bấy giờ là Nhật nó kiềm chế Pháp rồi.  Thì như vậy anh nhớ, ban nãy anh nói chuyện ngay là cái vấn đề mà Nhật trước khi đầu hàng, rồi các đảng phái bắt đầu quyết định là có cướp chính quyền hay không thì có lẽ lúc đấy là là giai đoạn sôi bỏng nhất?

TBS: Vâng.  Thì cái quyết định đó cũng lại do các ông lãnh tụ các ông quyết định thôi.

NMH: Dạ, thế nhưng mà khi anh lên trên Vĩnh Yên đó thì là anh cũng lên cùng với ông Nhượng Tống, tức là ông ấy có quyết định không.  Thì lên anh họp cùng với ông Lê Hưng chắc trên đó?

TBS: Không phải Lê Hưng, mà anh của Lê Hưng là Lê Khang.

NMH: Lê Khang.

TBS: Với lại Đỗ Đình Đạo.  Thì là thành ra quyết định quyết định là cướp chính quyền thì chống lại Cộng Sản thôi.

NMH: Dạ, thế khi anh cướp chính quyền đó rồi thì cái gì xảy ra với anh, tức là bây giờ mình đặt ra các ủy ban hay sao?

TBS: Vâng, thì ở trên ấy, tức là lúc bấy giờ thì mới cướp được có Vĩnh Yên thôi.  Thì đặt ra cái gọi là Đệ Tam Chiến khu, mà Lê Khang thì là chủ nhiệm, Đỗ Đình Đạo thì là quân sự.  Thế rồi sau cái đó, sau khi cướp được mấy hôm thì định đánh xuống Phúc Yên.  Lúc bấy giờ thì là đương mùa lụt, nghĩa là tất cả toàn tỉnh là mênh mông hết tất cả.  Là đi thuyền xuống để cướp, định đánh Phúc Yên nhưng mà không đánh được, thua, rút về.  Có những người thân ở Phúc Yên, họ cho biết rằng là hôm đó là mình thắng chứ không phải mình thua, mà không hiểu tại sao mình lại rút về.  Thì cuối cùng, tôi cũng không đi dự cái đó, thành ra tôi không có biết.

NMH: Vâng, nhưng mà cái quyết định lấy Phúc Yên, Vĩnh Yên tức là cái quyết định của mấy anh đó, không có trung ương Đảng gì đó?

TBS: Không, lúc bấy giờ Trung ương Đảng không có, không có liên lạc gì nữa cả.

NMH: Thưa anh, anh có biết gì về cái vụ mà Việt Nam Quốc Dân Đảng với Đại Việt nhập lại làm một, anh có thể cho biết rõ cái giai đoạn đó vào giai đoạn nào?

TBS: Cái tình tiết thì thì là theo mà các anh em cho biết đó thì là từ bên Trung Hoa, mà không những là Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Đại Việt Dân Chính, với lại Duy Dân đã thống nhất với nhau ở Trung Hoa.  Nhưng mà khi mà bắt tay làm việc ở như Hà Nội đó thì tôi biết rõ là chỉ có ba đảng, là: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính mà thôi.

NMH: Thì bấy giờ cái cơ cấu của cái sự hợp tác đó ra sao, có thể chế nào để mà phối hợp ba cái đảng lại?

TBS: Có một cái cơ cấu, có cái ban chấp hành.  Thì lúc đó Trương Tử Anh là Chủ tịch, thế còn ông Vũ Hồng Khanh thì là quân sự, ông Nguyễn Tường Tam với lại Nghiêm Kế Tổ là về ngoại giao, thế còn phần giữ về tuyên truyền với gì đó, tôi không có nhớ tên rõ lắm.  Tuyên truyền lúc bấy giờ là ông Xuân Tùng, kinh tế kinh tài là ông Chấn (gọi là Chấn đen).

NMH: Lê Ngọc Chấn đúng không?

TBS: Không, Lê Ngọc Chấn khác.  Ông này là Nguyễn – Nguyễn Văn Chấn.  Chúng tôi gọi là Chấn đen.  Còn Lê Ngọc Chấn là Chấn trắng. Thì theo lệnh của các ông ấy mà làm việc thôi.  Thì cái đó là về sau này mới liên lạc được với trung ương thì thì cái cái cái Vĩnh Yên đó, liên lạc với trung ương.  Nhưng mà cái đó cũng là sau mấy tháng, khi mà ông Vũ Hồng Khanh, ông Nguyễn Tường Tam ở bên Trung Hoa về đó, mới thành lập ra cái đó và gửi những cái tài liệu cho chúng tôi biết.

NMH: Vâng thì là tài liệu là loại gì?

TBS: Không, đấy cái tài liệu cái tổ chức đó.  Tổ chức là có ba đoàn thể hợp lại với nhau.

NMH: Vâng, thế thì vẫn xin anh kể tiếp, là đến khi anh lên Phúc, Vĩnh Yên rồi thì cái gì xảy ra?

TBS: Thì chúng tôi bị Cộng Sản đó, lúc bấy giờ là Việt Minh thì là hàng ngày họ đánh.  Mà họ cũng đã từng tổ chức cái lối, là cho đàn bà, trẻ con đi trước biểu tình để đi vào thành phố.  Thế và chúng tôi chặn lại ngay thì họ ngoặt tránh đi.

NMH: Thế như vậy thì cái mục đích chiếm Vĩnh Yên làm gì, tức là mình chỉ làm chính quyền riêng ra thôi chứ không, mình cứ hy vọng chờ cái gì?

TBS: Có chứ.

NMH: Chờ cái gì?

TBS: Cái đó là cái mà mình muốn rằng là mình phát triển ra chứ.  Vì thế mà sau đó thì là sau khi mà không đánh được Phúc Yên rồi đó thì dần dần chúng tôi đánh tới Việt Trì.  Còn cái ông Vũ Hồng Khanh ở trên Trung Hoa về thì ông ấy để lấy được cái chính quyền ở Lào Cai. Thế còn cái Yên Bái thì tôi không rõ là ai.  Nhưng mà cái Yên Bái đó thì cái anh chủ nhiệm, với lại đa số các anh em thì là người của Đại Việt làm việc ở đấy.  Thế còn ở Lào Cai, Phú Thọ, Việt Trì đến Vĩnh Yên thì là cái anh Quốc Dân Đảng hình như là nắm lấy cái chức vụ trong ở trong ban chấp hành.  Mà lúc bấy giờ thì thực tình là tôi chẳng có để ý anh nào là Việt Nam, Việt Quốc, hay là anh nào là Đại Việt cả, không có để ý.  Ví dụ hỏi tôi Trần Trung Dung là Đại Việt hay là Việt Nam Quốc Dân Đảng, tôi cũng không biết nữa, đến tận giờ tôi cũng không biết nữa.  Nó cũng làm việc với nhau.

NMH: Thưa anh, cái giai đoạn đó thì rồi sau đó đến bao giờ thì mới mới đi sang Trung Hoa.  Rồi chuyện gì xảy ra, rồi qua những biến cố như là Chính phủ Liên hiệp thì các anh có được biết, biết gì về chuyện đó không.  Một đằng thì anh đánh nhau với Cộng – với Việt Minh, thế rồi đến lúc có Chính phủ Liên hiệp thì họ có giải thích ra sao không?

TBS: Lúc bấy giờ thì chỉ biết rằng là tổ chức một cái Chính phủ Liên hiệp.  Rồi thì lại có Quốc Hội, mà Quốc Dân Đảng được bảy mươi mấy người thì chỉ định để mà vào cái Quốc Hội đó.  Thì chúng tôi ở trên Vĩnh Yên đó thì cái cái sự liên lạc đi lại lúc bấy giờ rất rất là khó khăn. Bởi vì từ Vĩnh Yên về, nó còn qua Phúc Yên rồi qua những cái tỉnh khác.  Mà cái đường đi lại rất khó khăn thì có một số các liên lạc viên đi rất là nguy hiểm, mà cũng đã có những cái người mà bị Cộng Sản nó bắt và rồi cũng mất tích luôn.  Mà lúc các ấy rồi liên lạc phần nhiều anh chị trẻ nhưng rồi về sau mất tích hết.

NMH: Thưa anh, khi có Chính phủ Liên hiệp rồi đó thì có sự hòa thuận gì phía trên các cái vùng Vĩnh Yên, Phú Thọ với lại Việt Minh nữa không?

TBS: Lúc bấy giờ chưa có cái sự hòa thuận.  Nhưng mà cứ theo cái lệnh của Chính phủ thôi, rằng là ngưng chiến, ngưng chiến.  Xong rồi thì một thời gian thì là quân đội, theo cái qui định là tương lai là phải sáp nhập vào với nhau.  Thì chúng tôi chỉ được lệnh là rút lui về một, một cái địa địa phương nào, chứ không được đóng rộng như trước nữa.  Thế nhưng mà sau khi mà rút như vậy đó thì họ cho một cái phái đoàn lên, trong ấy có Nguyễn Tường Long đó, lên để mà, để mà làm cái công việc gì, chúng tôi cũng không biết nữa.  Là bởi vì rằng mới đi đến nửa đường thì họ đã đánh rồi.  Mà đã bấy giờ, lúc bấy giờ thì ông Nguyễn Tường Bách với ông Vũ Hồng Khanh đương ở Việt Trì thì là bị họ đánh.

NMH: Tức là ông Long chưa kịp lên thì đã…

TBS: Chưa tới, chưa tới nơi. Nhưng mà rồi về sau cũng tới, rồi cũng cũng đi theo cái đoàn đó.  Rút thì tôi hoàn toàn tôi không biết về cái cái vụ rút ra làm sao, như thế nào.  Mà bởi vì rằng tôi ở Vĩnh Yên là nó cắt đứt hẳn cái cái cái phía trên mạn Lạng Sơn.  Thế rồi thì mà cái lúc mà đánh đó thì tôi lại về về Hà Nội.  Thế về Hà Nội thì các ông bảo tôi: dạo này không thể ở được anh, không thể ở được đâu bởi vì anh Lê Khang đã bị bắt rồi, thế có lẽ là nó giết rồi.  Thế rồi Đỗ Đình Đạo lúc bấy giờ thì cũng ở, cũng ở, cũng ở trong nước.  Rồi thì các anh bảo rằng là anh phải đi luôn thôi.  Mà lúc bấy giờ một đường lối đi đó, thì chỉ có mỗi một cách là đi với quân đội Trung Hoa.  Thì anh Tổ viết giấy giới thiệu, rồi làm thẻ thì tôi phải đi tìm Trương Tử Anh, để xin chữ ký của Trương Tử Anh.  Thế lúc bấy giờ chúng tôi vẫn là tôn trọng Trương Tử Anh đến cái phút đó.

NMH: Thưa anh, cái thẻ là thẻ gì, thẻ đảng viên hay thẻ gì?

TBS: Cái thẻ đảng viên nhưng mà có một bên chữ Việt Nam, bên chữ, chữ Tàu.

NMH: Vâng, thì lúc bấy giờ đảng viên là đảng gì rồi?

TBS: Dạ?

NMH: Cái đảng đó, bấy giờ lấy tên là gì?

TBS: Vẫn là Quốc Dân Đảng.

NMH: Quốc Dân Đảng?

TBS: Vâng.

NMH: Nhưng không còn để có chữ Việt Nam Quốc Dân Đảng, hay là Quốc Dân Đảng không thôi?

TBS: Chỉ có Quốc Dân Đảng thôi.  Bởi vì thế này, cái lúc mà thống nhất lại với nhau, ba đảng thống nhất lại với nhau thì chỉ lấy tên là Quốc Dân Đảng thôi, không có nói gì đến Đại Việt, hay là Việt Nam, hay là Dân Chính cái gì hết.

NMH: À là như vậy cho đến giai đoạn mà anh đi sang Tàu, tức là giai đoạn đi theo quân đội Trung Hoa về, đi về Tàu đó?

TBS: Vâng.  Thì vẫn là…

NMH: Thì là là vẫn là Quốc Dân Đảng?

TBS: Quốc Dân Đảng.

NMH: Và ông Trương Tử Anh vẫn là Chủ tịch đó?

TBS: Vẫn là Chủ tịch.

NMH: Và ông ấy ký cho anh cái đó?

TBS: Ông ấy ký.

NMH: Như là cái chứng minh thư, có phải?

TBS: Vâng, tức là chứng minh thư để mà cầm đi theo đấy.

NMH: Dạ, thế năm đó, anh có nhớ là năm nào không?

TBS: Năm 46.

NMH: 46, đầu, hay tức là trước khi ông ấy chết đó, ông…?

TBS: Vào quãng Septembre (tháng 9) rồi, trước đó, trước trước cái tháng Septembre rồi, Septembre thì chúng tôi đi.  Tức là sau khi quân đội Pháp mà đổ bộ lên Hải Phòng rồi.  Thì lúc bấy giờ thì cái cái đoàn quân mà tôi ở trong ấy với họ thì chúng tôi lúc bấy giờ mới đi, mới rút ra khỏi Việt Nam, tức là đoàn quân cuối cùng của Trung Hoa.

NMH: Như vậy thưa anh, khi anh về Hà Nội đấy thì là anh có được lệnh về, hay là anh tự đi về?

TBS: Lúc bấy giờ, chúng tôi không hiểu cái tình hình ra làm sao thì tôi giao nhiệm vụ cho một anh em, tôi về.  Lúc bấy giờ thì là tôi là chủ nhiệm của cái cái Vĩnh Yên.

NMH: Tức là anh thay Lê Hưng rồi – à Lê, Lê Khang rồi, có phải không ạ?

TBS: Tôi không phải thay Lê Khang, Lê Khang là chủ nhiệm của Đệ tam khu.

NMH: Đệ tam khu thì gồm có mấy tỉnh?

TBS: Thế còn về sau người ta cử anh Nguyễn Tường Bách lên để làm chủ nhiệm Đệ tam khu.  Nhưng mà anh Bách chưa nhận được công việc gì hết cả thì đã bị Cộng Sản nó đánh rồi.

NMH: Dạ, nhưng mà Đệ tam khu thì gồm có bao nhiêu?

TBS: Thì từ Vĩnh Yên cho đến Lào Cai.

NMH: À là là Đệ tam… thế còn anh chỉ là chủ nhiệm?

TBS: Tôi là chủ nhiệm của ấy.

NMH: Thế rồi anh giao quyền rồi đi về về Hà Nội?

TBS: Vâng.

NMH: Với mục đích?

TBS: Để xem xem cái tình hình ra làm sao, để xin chỉ thị làm sao.

NMH: À tức là cái liên lạc không có gì cả thì anh phải tự liên lạc lấy? 

TBS: Vâng, tự liên lạc lấy.  Bởi vì lúc bấy giờ những các liên lạc viên nó mất hết, nó, bị nó bắt bắt hết. Thế về thì đánh lại, không thể trở lại được nữa, bởi vì, vì cái tên tôi thì họ không biết nhưng mà họ biết rằng là ở trong tỉnh hãy còn có người là quan trọng, mà họ không biết là ai cả.

NMH: Tôi quên chưa hỏi anh là khi nào chủ nhiệm thì ai bổ nhiệm, hay là có cuộc bầu cử?

TBS: Trung ương bổ nhiệm.

NMH: Trung ương bổ nhiệm?

TBS: Vâng.

NMH: Trung ương tức là ai, tức là Trương Tử Anh bổ nhiệm, hay là Quốc Dân Đảng bổ nhiệm?

TBS: Lúc bấy giờ là ban tổ chức, ban tổ chức thì có Xuân Tùng.

NMH: Dạ, à ban tổ chức?

TBS: Vâng.  Tức là Trưởng ban Tổ chức đó.

NMH: Tức là ông Xuân Tùng là ở Trưởng ban Tổ chức của Quốc Dân Đảng, hay là của Việt Nam Quốc Dân Đảng?

TBS: Không, của tất cả cái đó.

NMH: À của tất cả. 

TBS: Của của Quốc Dân Đảng.

NMH: Vâng, thế thì rồi anh sang Tàu, rồi thì tức vậy, tức là phía ông Nguyễn Tường Bách là ông ấy đi sang Tàu riêng phải không?

TBS: Vâng.

NMH: Khi anh lại đi đường khác đi sang Tàu?

TBS: Vâng, tôi đi với quân đội Trung Hoa thì là họ đổ bộ ở Thượng Hải để họ đi đi Đông Bắc.  Thế thì ở Thượng Hải đó thì là chúng tôi mới bắt được liên lạc với lại cái cái phái đoàn mà ngoại giao đó.

NMH: Dạ, phái đoàn ngoại giao nghĩa là sao?

TBS: Thì cái phái đoàn ngoại giao của Quốc Dân Đảng, là có ông Tam, có Trần Văn Tuyên, có gì nhỉ… Phan Quang Đán. Tức là đi lúc bấy giờ, theo các ông ấy nói là đi theo để mà, tôi không biết rõ lắm.  Nhưng mà nghĩa là cái chỉ là nghe nói thôi, là Bảo Đại đi đấy, cũng là do cái sự mưu tính của Quốc Dân Đảng, đi để ngoại giao với Trung Hoa.  Mà cái nhóm các ông này đi theo để mà ủng hộ, phụ tá.

NMH: Cho Giải Pháp Bảo Đại?

TBS: Ừ.  Thế mà tôi không hiểu sao thì Bảo Đại rồi về sau lại đến Hồng Kông.  Mà các ông Trần Văn Tuyên, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Gia Trí với lại chúng tôi gặp nhau ở Thượng Hải.

NMH: Thưa anh, thì xin anh kể cho những ngày lưu lạc của anh ở bên Tàu đó: bắt đầu ra sao, rồi anh sang đó có ai đón tiếp không, rồi làm sao sống, rồi tổ chức ra sao?

TBS: Không, không có đón tiếp gì cả, không có ai đón tiếp cả.  Lúc bấy giờ đúng ra, đến lúc bấy giờ là bơ vơ, đến là vì quân đội họ đi đằng quân đội.  Rồi mình thì chẳng có biết gì cả, chỉ có cái giấy giới thiệu là Việt Nam Quốc Dân Đảng thì thì Trung Hoa Quốc Dân Đảng họ coi mình như là đồng chí của họ.  Họ coi như đồng chí.  Thì tôi lên, lên tức là lên Bắc Kinh, tôi lên Bắc Kinh thì họ bảo, ông không thể ở đây được. Bởi vì lúc bấy giờ cái Chính phủ của Tưởng Giới Thạch lại ở Trùng Khánh đó.  Thế rồi đến đây là đến với cái đảng, thì cái đảng nó lại giới thiệu tôi về về Thượng Hải, thôi cứ ở Thượng Hải đi.  Đến Thượng Hải thì rồi họ cho mình một cái nhà, mà dưới thì là cảnh sát.  Trước đây cái đó là thuộc về cái cái địa phận của Pháp chiếm đóng đó.  Thì cái nhà đó là cái nhà làm theo kiểu Tây, đầy đủ tiện nghi, ở dưới thì là quân cảnh cảnh sát của Trung Hoa, chúng tôi ở trên lầu.

NMH: Thưa anh, anh khi anh đi như vậy, anh đi có một mình hay là anh…

TBS: Đi có một mình.

NMH: Thế rồi anh về đấy, rồi về anh bảo chúng tôi, tức là có một số người?

TBS: À về sau thì anh em mới gặp nhau ở Thượng Hải, tập trung ở Thượng Hải.

NMH: Anh có nói trước là là, trước đây anh có nói, một lần anh nói với tôi là khi mà các cái đảng phái đoàn kết lại, hợp nhất lại một thì ở Việt Nam lấy một tên khác, mà ở Trung Hoa thì lấy tên khác.  Họ có lý do tại sao?

TBS: Cái lý do là để mà ngoại giao thôi.  Cái tên khác cũng không phải tên khác, vẫn là Quốc Dân Đảng nhưng mà thêm chữ Việt Nam vào. Bởi vì rằng Trung Hoa Quốc Dân Đảng nó chỉ biết Việt Nam Quốc Dân Đảng thôi.  Thế mình nói Quốc Dân Đảng không thì nó vague (mơ hồ), nó mơ hồ.  Hơn nữa, từ trước vẫn liên lạc với Trung Hoa Quốc Dân Đảng thì thì lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng.  Nhưng mà ở trong nước thì muốn tránh tất cả những cái chữ: Đại Việt Quốc Dân Đảng, hay là Việt Nam Quốc Dân Đảng, chỉ dùng một cái tên là Quốc Dân Đảng không thôi.

NMH: Vâng, thế khi anh sang Tàu anh ở đó thì có có hoạt động gì nữa không, và cái cái gọi là cái phương thức hoạt động nó ra làm sao?

TBS: Lúc bấy giờ thì những cái số người tôi vừa mới kể kể tên đó, có thêm cả ông Lưu Đức Trung nữa cũng tới.  Mà cái sự liên lạc với lại những cái người Trung Hoa địa phương lúc bấy giờ thì ông Lưu Đức Trung ông ấy rành rành hơn.  Còn…tức là ở trong nước ra một số người nữa thì mới lập thành ra một cái…

NMH: Thưa anh, ban nãy anh vừa nói chuyện là trong nước lập phái đoàn ngoại giao đó, xin anh nói lại cho là phái đoàn ngoại giao gồm những ai và mục đích làm gì?

TBS: Ngoại giao đó thì có: anh Tam, anh Tuyên này, anh Phan Quang Đán này…tôi nhớ rõ là, mình không có nhớ rõ, không có, không có.  Ban nãy thì là có anh Lưu Đức Trung.

NMH: Thì mục đích của cái phái đoàn ngoại giao đó?

TBS: Là đi để mà xin viện trợ của Trung Hoa.

NMH: Để làm gì, viện trợ cho ai?

TBS: Về, tất nhiên là về đánh đánh Cộng Sản.

NMH: Thế thì cái phái đoàn đó có liên hệ gì đến ông Bảo Đại?

TBS: Có liên lạc với Bảo Đại.  Cái lúc bấy giờ về sau, sau khi mà lập thành ra cái mặt trận, à đúng rồi, xin lỗi Mặt trận Thống nhất Quốc Gia Việt Nam.  Thì sau khi thành lập cái đó thì được tin là ông Bảo Đại đến Hồng Kông thì tất cả các ông mới kéo về Hồng Kông để liên lạc với lại, để mà ủng hộ Bảo Đại trong cái công cuộc mà nói chuyện với lại Pháp đó.  Lúc bấy giờ Pháp nó cũng cử người đến.  Thì lúc bấy giờ tôi với lại Nguyễn Gia Trí còn…

NMH: Đi đến Hồng Kông rồi hoạt động ra sao?

TBS: Đến Hồng Kông thì tôi mới liên lạc với Bảo Đại thì làm những gì chúng tôi không được rõ.

NMH: Thế trong giai đoạn đó thì anh làm gì?

TBS: Giai đoạn đó tôi ở trên Thượng Hải, không có làm gì cả.

NMH: Thế làm sao sinh sống?

TBS: Thì có chút tiền nào thì tiêu, thế thôi, nhà ở thì không mất.

NMH: Thế mục đích mà cứ ở đấy để chờ đánh về Việt Nam hay sao?

TBS: Không phải, để chờ ở xem coi là những cái công cuộc của cái ban ngoại giao đó kết quả ra sao thì báo chúng tôi biết.  Chúng tôi ở đấy, hay là đi đâu thì chờ lệnh ấy thôi.

NMH: Vâng, như vậy ban ngoại giao rồi biến thành cái ban lãnh đạo phải không?

TBS: Ừ thì tất nhiên rằng tôi ở trong cái ban đó thì chúng tôi phải phải theo mấy ông, như ông Tam, ông Tuyên, hay là gì đó, theo mấy ông ấy thôi.

NMH: Vâng, thế trong giai đoạn đó thì anh có bàn chính sách gì, các ông bàn chính sách đại cương, hay chương trình ra sao, có tính làm gì, cái gì không?

TBS: Lúc bấy giờ là chỉ là đi liên lạc với lại Trung Hoa Quốc Dân Đảng, rồi xin họ giúp vũ khí, rồi đánh trở lại.  Một mặt thì là đi với ông Bảo Đại thì ông Bảo Đại liên lạc với Pháp để xem xem cái sự Pháp có thể giúp đỡ cái gì.

NMH: Thưa anh, cái việc mà đi với giải pháp Bảo Đại có làm cho anh em Quốc Dân Đảng chia rẽ không?

TBS: Không có, không có.  Bởi vì thế này, bởi vì cái lúc mà các ông ấy cho biết rằng cái lúc mà liên lạc với Bảo Đại đấy thì hai đôi bên ra điều kiện với nhau.  Rằng là Mặt trận sẽ ủng hộ ông ấy nhưng mà với điều kiện là điều đình với Pháp thì nước Việt Nam phải là cái nước tự trị, có quân đội riêng, có tài chính riêng, chỉ trừ mỗi cái ngoại giao thì là cùng với Pháp.  Ví dụ như khi liên lạc với nước nọ nước kia thì là ở trong cái ngoặt sang nước đó.

NMH: Thế rồi tại vì điều đình… 

TBS: Dạ, muốn đòi một cái nước Việt Nam, lúc bấy giờ chỉ mong được tự trị thôi.  Thế nhưng mà sau một thời gian thì ông Bảo Đại ông ấy không giữ cái lời hứa đó.  Và những cái công việc gì ông đi liên lạc với Pháp thì ông ấy không cho mình biết nữa.  Rồi ông ấy tách ra, ông ấy đi vịnh Hạ Long, ông ký với Pháp để ông được về.  Gọi là lập tức khi thấy ông có thái độ là không cần đến mình, hay là lơ là với mình nữa thì là cái Mặt trận đó tuyên bố ở trên báo chí hẳn hoi là không có ủng hộ ông Bảo Đại nữa.

NMH: Dạ, thưa anh.  Cái giai đoạn đó thì có cái sự rạn nứt gì về về ông Nguyễn Tường Bách với lại…

TBS: Thì cái đó thì cái chuyện về sau, mãi về sau, tức là mãi đến…

NMH: Chính cái vụ đi Hồng Kông thì ông Bách ông ủng hộ luôn?

TBS: Ông Bách ông ấy… không, ông Bách lúc bấy giờ thì ông lại ở bên Côn Minh, ông ở Côn Minh.  Mãi về sau ông ấy sang, ông sang mà ông cho rằng là cái vụ cái ông ấy, tuy rằng cái giải pháp ấy, ông không đồng ý.  Cho nên là trong cuốn sách của ông, ông ấy viết rằng là bảo ông đến thì ông đến thôi.  Ông đến để để mà tựa như để mà gọi là quan sát thôi. Nhưng mà rồi rốt cục thì ông cũng, cũng lại ngồi vào thì biên những các tuyên ngôn tuyên nghiếc gì đó.

NMH: Thưa anh, thế rồi sau khi…

TBS: Cái đó về sau.

NMH: Dạ, thưa anh.  Rồi sau khi ông ấy chống Bảo Đại, tức là sau vụ Hiệp ước vịnh Hạ Long đó, thì thì cái gì tiếp tục xảy ra thưa anh, chuyện gì xảy ra trong nước, chuyện gì xảy ra cho anh?

TBS: Thì các mấy ông mà ở trong nước ra thì là các ông ấy về nước.  Còn thì người đi Quảng Châu.  Thế rồi một thời gian thì ông Tam cũng về nước.

NMH: Dạ, có lý do nào mà ông ấy về nước không?

TBS: Bây giờ ở ngoài đó không có việc, cái công việc gì, thì về nước.  Bởi vì đi liên lạc với Trung Hoa Dân Quốc nhưng Trung Hoa Dân Quốc cũng không có giúp được cái gì cả, mà họ cũng lại còn bị bị Cộng Sản đánh thua nữa.  Họ chạy sang bên Đài Loan đó thì chả còn có cái hy vọng gì mà ngoại giao, với lại… Thành ra cứ dần dần rồi kéo nhau về nước.

NMH: Dạ, về nước thì có mục đích gì không, hay là lúc về thì coi như là thua rồi?

TBS: Thì ông Tam về trước, nghĩa là riêng tôi với ông Trí bao giờ cũng ở lại sau cùng, mãi đến 52, chúng tôi mới về.

NMH: Tại sao anh ở lâu thế?

TBS: Một phần là, một phần là những cái tin tức ở trong nước cho ra là mình về chưa có một cái cái lợi gì hết cả.  Hai nữa là tôi ở đấy, khi mà tôi đến là tôi lập tức tôi đi tìm công việc làm ngay, tôi có công việc làm ngay.

NMH: Thế còn anh làm gì?

TBS: Tôi thì làm thư ký cho một cái hãng hàng hải của Hòa Lan, của Hòa Lan.  Cho nên rằng là thấy là mình về nước chẳng ra làm sao, cũng cứ đợi, chờ đợi.  Rồi cho đến cái ngày mà sáng hôm sau đáng lẽ lên máy bay để về rồi, tôi còn nhận được tin Việt Nam bảo ở lại.

NMH: Việt Nam là của ai?

TBS: Thế mình có biết, Việt Nam của ông chú, là ông ông cụ Khải đó.

NMH: Tức là có phải của đảng, hay là không của đảng?

TBS: Không, không có việc gì đảng nhưng mà chắc là cái, thấy cái tình hình làm sao thì có Việt Nam bảo đừng có về.  Thế là bỏ cả máy bay, bỏ cả chuyến máy bay.

NMH: Đến 52 rồi mà anh còn không về, tức là quyết định không về?

TBS: Vâng, xong rồi thì ba tháng sau thì mới về.

NMH: Anh về năm 52?

TBS: Vâng, năm 52.

NMH: Cái lý do gì mà anh đi về?

TBS: Ở ngoài không có làm cái gì nữa cả.  Còn tôi đương làm việc, mà ở cái hãng ấy thì nó nó quý tôi lắm, nó muốn giữ lại làm việc, mới làm cho họ cũng được tới bốn năm rồi.

NMH: Bởi vậy tại sao anh đi về.  Tại vì ở nhà thì không có việc gì làm, đằng kia đang có việc làm, tại sao anh, cái lý do gì mà anh về?

TBS: Không, ở ở ngoài đó không còn có việc gì làm nữa.

NMH: Tức là về sống chính trị thôi?  

TBS: Vâng.

NMH: Nhưng đấy công ăn việc làm…

TBS: Nhưng mình về nước, mình có thể, còn có thể làm.

NMH: Tức là anh muốn về nước, tức là anh muốn về nước làm chính trị tiếp tục đó?

TBS: Chứ mình ra để mình làm việc cho cho nước, mà bây giờ không có cái công việc gì nữa, coi như là cái vấn đề chính trị ở Hồng Kông này không còn cái gì nữa.  Mà vào lục địa thì là Cộng Sản nó chiếm đóng rồi thì chúng tôi phải về thôi.  Mặc dầu ở ngoài đó thì là nó đủ, ung dung lắm, không có cái gì cả.

NMH: Về nhà rồi có gặp lại đảng, rồi tổ chức lại hay sao?

TBS: Có chứ, về thì về thì chúng tôi ở chơi ở Hà Nội ba tháng.  Thì lúc giờ ông Tam ông ở trong Nam rồi, Sài Gòn rồi, viết thơ vào, chúng tôi vào vào Nam.  Thì tôi…

NMH: Vào Nam làm gì?

TBS: Vào Nam thì tôi có đi dạy học.  Hai nữa là công việc đảng thì ông Tam ông tuyên bố là ông không làm chính trị nữa.

NMH: Tức là giai đoạn 52 là ông đã tuyên bố là không làm chính trị?

TBS: Vâng.  Thế ông ấy… Nhưng mà chúng tôi vẫn liên lạc với nhau. Còn tôi, riêng tôi thì tôi cùng một số anh em, lúc bấy giờ là phần nhiều là kéo nhau vào trong Nam cả rồi.  Thì chúng tôi lập ra một đội ngũ, tôi chỉ dùng chữ Quốc Dân Đảng, chứ tôi không dùng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Là bởi vì tôi đối với các anh em Đại Việt tôi vẫn, tôi thấy rằng là cùng một chủ trương, cùng mọi người vẫn có thể rằng là tiếp tục để mà làm việc với nhau được.

NMH: Dạ, thế anh là, như vậy anh là sáng lập viên của Chấn Hưng Quốc Dân Đảng?

TBS: Gồm có với lại một số anh em nữa.

NMH: Anh có thể cho biết là ai?

TBS: Trong đó có ông Hoàng Tường bây giờ này, rồi vài anh em nữa rất thân, nhưng biết tên một ông chết rồi, rồi Nguyễn Mạnh Vinh, Lê Hưng.

NMH: Thế còn mấy người chết là anh có tên không?

TBS: Là anh anh Bình. Còn thì rất là khó khăn vì rằng là họ còn mắng cho nữa, đi tuyên truyền người ta còn mắng.

NMH: Họ là ai?

TBS: Dân chúng, những người mà mình muốn tuyên truyền. Vâng,

nước độc lập rồi, mà anh còn vào đây… để, sao không ở ngoài đó, anh lại vào đây.

NMH: Thưa anh, đó là tức là sau năm 54, chứ có phải, tại anh vào đây trước?

TBS: Không, tôi vào đây năm 52.

NMH: 52 mà, 52 mà anh định tuyên truyền là chống Việt Minh đấy có phải? 

TBS: Vâng.

NMH: Thế còn ý định chống Pháp nữa không, tiếp tục chống Pháp không?

TBS:  Lúc bấy giờ thì cái vấn đề Pháp nó ở ngoài, ở ngoài Bắc.

NMH: Dạ, thế còn trong Nam thì không có vấn đề Pháp?

TBS: Trong Nam thì không có, nó không có đặt thành vấn đề.

NMH: Dạ, tại sao vậy?

TBS: Thì tôi không nhớ lắm nhưng mà nó, hình như là lúc bấy giờ là có chính quyền.

NMH: Lúc bấy giờ là có ông Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Xuân.

TBS: Thì lúc bấy giờ mới về, thành ra chẳng có một cái cái cái, có khi có hiểu biết về cái công việc ở trong nước nữa.  Lúc bấy giờ…

NMH: Nhất định chống Cộng thôi?

TBS: Lúc bấy giờ thì là cái đảng của mình nó hình như nó cũng gọi, có thể gọi là tan rã rồi.  Mà lúc bấy giờ là muốn tụ họp anh em lại, mà để mà chấn hưng lại, không chấn hưng lại thì không làm được gì cả.  Cho nên rằng là cái ngay cái tên mà chúng tôi đặt ra đó là Chấn Hưng Quốc Dân Đảng, là với cái hy vọng là trước hết mình có tổ chức, mình có mạnh thì mình làm được gì.  Có một số anh em ở trong, đi vào trong Nam thì có một số người phía anh em ở trong Trung thì mạnh hơn.  Thì người ta tạo thành lực lượng trội hơn là những người Nam.

NMH: Anh có nghĩ tại sao lại có sự khác biệt giữa cái vấn đề tăng trưởng của đảng ở miền Trung với miền Nam khác nhau đó.  Tại sao nó khác nhau, lý do gì mà, xin anh cho biết, anh nghĩ rằng lý do gì mà khiến cho miền Trung đảng hoạt động mạnh hơn, trong khi miền Nam đảng hoạt động ít mạnh?

TBS: Trong ấy thì đã có một số các anh em là Quốc Dân Đảng rồi, Việt Nam Quốc Dân Đảng rồi.

NMH: Ở Trung đó?

TBS: Vâng.  Phát triển nó dễ và các anh em ở trong đấy họ vẫn hoạt động.  Mà hầu như là ở trong đó, gần như chỉ có Việt Minh và Việt Quốc.

NMH: Tức là ở trong Trung đó?

TBS: Ở trong Trung đó.

NMH: Thế còn trong Nam? 

TBS: Trong Nam thì có thể coi như con số không.

NMH: Vâng, ít hoạt động?

TBS: Họ không, hoạt động thì phải có dân chúng, phải có người, phải có đảng viên thì… Mình đi tuyên truyền thì người ta không có nghe mình.

NMH: Anh có nghe nói về Đại Việt không, giai đoạn đó Đại Việt thì có hoạt động không, chung với các anh?

TBS: Giai đoạn thì cũng hoạt động ở miền Trung đó.

NMH: Thế ở miền Nam thì họ có chưa?

TBS: Miền Nam tôi không có nghe thấy.

NMH: Anh, hồi đó anh chắc anh có biết ông Mười Hướng chưa? 

TBS: Không biết.

(Xin xem tiếp phần 2)

https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2023/06/Screenshot-218.png

Tags: , ,

Comments are closed.