Những nghịch lý nhân quyền cần được xóa bỏ – BS Đỗ Văn Hội


Spread the love

By thoisu 02 , December 10, 2021 0 Comments

Suy nghĩ về ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12

Hôm nay là đúng kỷ niệm 73 năm ngày công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights: UDHR). Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp tại thành phố Paris, Pháp quốc đã thông qua và phổ biến bản tuyên ngôn quan trọng về quyền của con người trên toàn thế giới.

Nhân Quyền, hay quyền của con người, là quyền, là nhu cầu căn bản của mọi người sinh ra trên thế giới đều được hưởng, là vấn nạn mà nhân loại trăn trở hàng bao thế kỷ trước sự tàn nhẫn của con người đối xử với nhau, sự ức hiếp, đàn áp lẫn nhau, tạo ra nỗi thống khổ cùng cực cho người khác.

Từ ngữ “nhân quyền” được thay đổi theo thời gian. Trước đây, vào thế kỷ 19, người ra gọi là “luật tự nhiên” (natural law), hay “quyền tự nhiên” (natural rights). Nhân quyền (human rights) trước đây còn được gọi là “rights of man”, bị hiểu sai là quyền của người nam, mà không có phụ nữ, nên được đổi thành “rights of human beings”… Nhân quyền trước đây cũng được quan niệm khác nhau tùy theo vị trí của cá nhân, tùy theo tôn giáo, giai cấp trong xã hội…

Nhiều triết gia, các nhà đạo đức học, xã hội học, các lãnh đạo tôn giáo, giới ngoại giao, những người được cho hay tự gọi là “cách mạng”… đã từng lên tiếng cho vấn nạn nhằm tìm cách để con người bớt khổ do sự áp bức của đồng loại, nhất là từ những nhà cầm quyền trong mọi thời đại, từ thời thượng cổ cho đến ngày nay.

Cụ thể, trong lịch sử thế giới đã có những cao trào đề xướng ý tưởng bảo vệ nhân quyền, trong thời Trung Cổ ở Âu Châu, tuyên ngôn nhân quyền ở Mỹ Châu, những học thuyết nhân vị của Khổng Tử, Lão Tử, Thánh Gandhi… ở Á Châu, và đặc biệt là các tôn giáo trải qua hàng ngăn năm luôn đề cao đức tính từ bi, hỉ xả, bác ái, thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, tha thứ cho nhau…, tất cả đều tập trung tìm phương cách tạo con người được sống trong hòa ái, bình đẳng,  hạnh phúc ở trên thế giới này.

Tuy nhiên, cho đến thế kỷ thứ 20, những áp bức vẫn còn đầy dẫy khắp nơi từ những quốc gia ỷ có sức mạnh, những kẻ có quyền thế, có tài lực, nắm giữ quyền bính trong tay, dùng quân đội, công an, cảnh sát trấn áp người khác, hoặc dùng những mánh khóe, công cụ “luật pháp” để bảo vệ quyền cai trị, hoặc những nhà độc tài gây chiến tranh để bành trướng đế quốc của mình.

Sau thế chiến thứ hai, trước cảnh tàn phá, chết chóc do chiến tranh gây ra, do sự độc ác của con người, của các chế độ tàn bạo, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã soạn thảo và công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 (cách đây 73 năm như nói ở trên).

Bản tuyên ngôn được soạn thảo bởi nhiều thành phần đến từ các lãnh vực khác nhau như luật pháp, triết học, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, chính trị, ngoại giao, kinh tế, phụ nữ, nhà tranh đấu… và từ nhiều khu vực địa lý, quốc gia khác nhau trên thế giới như Trung Hoa, Chi Lê, Lebanon, Úc, Anh, Pháp, Mỹ, Ấn kể cả cộng sản Liên Xô. (1)

Sau hơn 2 năm soạn thảo công phu với nhiều tranh cãi và sửa đổi, Bản Tuyên Ngôn cuối cùng đã được chấp thuận trong Đại Hội Đồng gồm 58 thành viên với 48 phiếu thuận, 0 phiếu chống, 8 phiếu trắng, 2 không bỏ phiếu.

Bản TNQTNQ gồm 30 điều (3), được tổ chức Ân Xá Quốc Tế ghi nhận và tóm lược như sau (2):

“UDHR là một tài liệu rất quan trọng. Lần đầu tiên, thế giới đã có được một văn bản thống nhất toàn cầu đánh dấu tất cả loài người đều được tự do và bình đẳng, không phân biệt giới tính, màu da, tín ngưỡng, tôn giáo hay các đặc điểm khác.

30 quyền và tự do nêu trong UDHR bao gồm quyền  không bị tra tấn , quyền tự do ngôn luận , quyền được  giáo dục,  quyền  tìm kiếm  tị nạn . Nó bao gồm các quyền dân sự và chính trị, chẳng hạn như quyền  được sống ,  quyền tự do  và  quyền riêng tư . Nó cũng bao gồm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, chẳng hạn như quyền về  an sinh xã hội ,  sức khỏe  và   nhà ở đầy đủ.”

Một khuyết điểm ban đầu là bản TNQTNQ khi được chấp thuận chỉ có tính “nghĩa vụ đạo đức” mà  thiếu tính ràng buộc pháp lý. Mãi đến năm 1976, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị được ra đời mới có tính nghĩa vụ thi hành pháp lý, và có ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia. (4)

Có thể nói sự ra đời của Bản TNQTNQ là lần đầu tiên nhân quyền được chính thức thừa nhận cho toàn thể nhân loại, được dịch ra trên 500 ngôn ngữ khác nhau. Bản TNQTNQ là cơ hội của  loài người, là nguồn cảm hứng, là động lực để từ đó đã tạo thêm 70 hiệp ước về nhân quyền (treaties) để bảo vệ các quyền của con người vốn là nạn nhân của bạo lực trước đây.

Nói tóm lại, TNQTNQ là công cụ được áp dụng trên cơ sở thường trực toàn cầu, bất cứ quốc gia thành viên nào của LHQ đều phải tôn trọng và tuân thủ.

Chúng ta hãy xem lời mở đầu của Bản Tuyên Ngôn để thấy được tầm quan trọng của nó:

LỜI MỞ ĐẦU

  • Xét rằng: Sự thừa nhận nhân cách của mọi người trong đại gia đình nhân loại và những quyền bình đẳng không thể tước đoạt là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
  • Xét rằng: Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Sự kêu gọi thiết lập một thế giới trong đó tất cả mọi người phải được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, quyền được giải thoát khỏi sự sợ hãi và nghèo khó, phải được tuyên xưng như là ước vọng cao nhất của con người.
  • Xét rằng: Nhân Quyền cần phải được triệt để bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức.
  • Xét rằng: Mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia cần được khuyến khích và mở rộng.
  • Xét rằng: Trong Hiến Chương, các dân tộc của cộng đồng Liên Hiệp Quốc đã lại một lần nữa xác định niềm tin vào những quyền căn bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị nhân vị, vào quyền bình đẳng nam nữ và cũng đã quyết định cổ vũ cho các tiến bộ xã hội và cải tiến mức nhân sinh trong bối cảnh ngày càng tự do hơn.
  • Xét rằng: Các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc, nhằm cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản.
  • Xét rằng: Một khuôn mẫu chung về nhân quyền và tự do là điều tối quan trọng để có thể thực hiện đầy đủ sự cam kết trên.

Do đó, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc long trọng công bố Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi dân tộc và quốc gia, nhằm giúp cho mọi cá nhân và thành phần của xã hội luôn luôn theo sát tinh thần của Bản Tuyên Ngôn, dùng sự truyền đạt và giáo dục, để nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này.

Mặt khác, bằng những phương thức tiến bộ trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, phải bảo đảm sự thừa nhận và tuân hành Bản Tuyên Ngôn một cách có hiệu lực, không những giữa các dân tộc của các nước hội viên với nhau, nhưng còn giữa những dân tộc sống trên các phần đất thuộc thẩm quyền họ cai quản.

(Trích từ: https://phamthientho.wordpress.com/tuyen-ngon-va-cong-%C6%B0%E1%BB%9Bc-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-nhan-quy%E1%BB%81n-2/ )

NHỮNG NGHỊCH LÝ HIỆN NAY

Mặc dù Bản Tuyên Ngôn QTNQ đã được chính thức công bố 73 năm qua, cùng với trên 70 công ước về nhân quyền đã được chấp thuận, nhưng nhân loại vẫn chưa hoàn toàn được hưởng quyền căn bản của con người đúng nghĩa. Hầu hết mọi người đều phải thừa nhận: Chỉ khi nhân quyền được thừa nhận và áp dụng triệt để, thế giới mới có hòa bình thịnh vượng, một quốc gia mới được xem là một nước văn minh.

Hiện nay vẫn còn đầy dẫy những điều được xem là nghịch lý cho nhân quyền trên thế giới:

  1. Không tôn trọng hoặc bóp méo NQ: Nhiều quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc vẫn không tôn trọng, hoặc bóp méo, hoặc giải thích sai lạc ý nghĩa của bản TNQTNQ, thí dụ như: “Nhân quyền là chuyện nội bộ của một nước, không ai có quyền xen vào”. Hoặc: “Nhân quyền chỉ là sản phẩm của Tây Phương,” hoặc “do các nước tư sản đặt ra, không liên hệ hoặc giá trị gì đến các nước khác.” Trong những quốc gia loại này phải kể các nước theo chủ nghĩa cộng sản như Trung Cộng, CHXHCNVN, Cuba… cũng như một số các nước độc tài.
  2. Dùng quyền phủ quyết bác bỏ cáo buộc về mình: Một số quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An, đáng lẽ phải là gương mẫu về nhân quyền trên thế giới, ngược lại, họ lại là những nước vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất đồng thời dùng quyền phủ quyết để gạt bỏ những biện pháp chế tài về mình.
  3. Mua chuộc để bảo vệ những vi phạm: Một số quốc gia dùng phương pháp mua chuộc, hoặc đút lót bằng tài chánh để có số đông các nước nhỏ và nghèo bỏ phiếu tán thành hoặc loại bỏ những cáo buộc vi phạm của chính mình, như vụ vi phạm nhân quyền đối với người Uy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân cương, TQ đã mua chuộc nhiều nước nhược tiểu đã lên tiếng cho rằng không có vi phạm, hoặc tương tự đối với những vi phạm tại Hong Kong.
  4. Xem thường nhân quyền: Nhiều quốc gia xem thường nhân quyền cho mục tiêu độc tài, toàn trị của mình, vì quốc tế không có biện pháp trừng phạt hữu hiệu

GIẢI QUYẾT NHỮNG NGHỊCH LÝ

Như trên đã nói, chỉ khi nào nhân quyền được tôn trọng, lúc đó xã hội, quốc gia, thế giới mới được an lành, hòa bình và thịnh vượng. Vì thế loài người cần phải giải quyết những nghịch lý nói trên bằng những biện pháp hữu hiệu, xin đề nghị như sau:

  1. Đánh thức lương tâm nhân loại về giá trị của nhân quyền trong đời sống bằng các p-hương tiện truyền thông xã hội để phổ biến và cổ xúy nhân quyền do LHQ công bố.
  2. Cải tổ cơ quan LHQ để không còn quốc gia nào đứng trên luật pháp hoặc xem thường giá trị của quyền con người. Các nước có quyền phủ quyết không được dùng quyền này liên quan đến vấn đề nhân quyền của chính mình.
  3. LHQ cần thành lập tòa án nhân quyền, có tính cách cưỡng chế pháp lý, không một nước nào được miễn trừ.

Trên đây chỉ khái lược về những nghịch lý và cách giải quyết những vấn đề liên quan đến nhân quyền nhân ngày kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Hy vọng thế giới sẽ cùng nhau thúc đẩy tiến trình hoàn chỉnh những biện pháp giúp cho nhân quyền được thực thi, có như thế loài người mới được hưởng được cảnh an lành, công bằng, thịnh vượng và hạnh phúc.

BS Đỗ Văn Hội

10 tháng 12 năm 2021


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) Liên Hiệp Quốc: về việc soạn thảo bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

https://research.un.org/en/undhr/draftingcommittee

https://en.wikipedia.org/wiki/Drafting_of_the_Universal_Declaration_of_Human_Rights

(2) Ân Xá Quốc Tế tóm lược về Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyềnhttps://www.amnesty.org/en/what-we-do/universal-declaration-of-human-rights/embed/#?secret=0n31c5GhnV

(3) Nguyên văn bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền:

Anh ngữ:

https://www.un.org/en/about-us/universal-declaration-of-human-rights

Việt ngữ:Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

(4) Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị:

Các công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ( ICCPR ) là một hiệp ước đa phương được thông qua bởi Đại hội đồng LHQ qua Nghị quyết 2200A (XXI) ngày 16 Tháng 12 1966, và có hiệu lực kể từ 23 tháng 3 năm 1976 theo quy định tại Điều 49 của công ước. Điều 49 cho phép công ước sẽ có hiệu lực sau ba tháng kể từ ngày nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ ba mươi lăm. Công ước cam kết các bên tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của cá nhân, bao gồm quyền sống , tự do tôn giáo , tự do ngôn luận , tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền dược áp dụng theo thủ tục tố tụng và xét xử công bằng. [3] Tính đến tháng 9 năm 2019 , Công ước có 173 quốc gia và sáu bên ký kết khác mà không cần phê chuẩn. [1] Các tổ chức quốc gia đáng chú ý là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cuba, Bắc Triều Tiên đã cố ý muốn rút lui.

ICCPR là một phần của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế , cùng với Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR) và Tuyên ngôn Nhân quyền (UDHR). [4]

ICCPR được giám sát bởi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (một cơ quan riêng biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ), cơ quan này xem xét các báo cáo thường xuyên của các Quốc gia thành viên về cách các quyền đang được thực hiện. Các quốc gia phải báo cáo lần đầu một năm sau khi gia nhập Công ước và sau đó bất cứ khi nào Ủy ban yêu cầu (thường là bốn năm một lần). Ủy ban thường họp tại Geneva và thường tổ chức ba phiên mỗi năm.

Xem: https://en.wikipedia.org/wiki/International_Covenant_on_Civil_and_Political_Righhttps://en.wikipedia.org/wiki/International_Covenant_on_Civil_and_Political_Rightsts

Tags: , ,

Comments are closed.