TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA


Leave a commentPosted by dam trung phan on 03/05/2024

Vũ Thị Ngọc LêCP63

Lìa xa thành đô yêu dấu
Một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương
Vương sầu thương 


….
Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ em Hà Nội ơi…
(Giấc mơ hồi hương – Vũ Thành)
Những ngày tháng lớn lên ở thủ đô Thăng Long/Hà Nội miền Bắc, những năm
đầu thập niên 50 đối với tôi là một thời gian êm đềm yên ổn sống trong tình
thương yêu của cha mẹ, anh chị em với một không khí thanh bình mặc dù chiến
tranh ở hậu phương vẫn tiếp tục tàn phá không ngừng. Bom đạn không hề có
ảnh hưởng gì tới đời sống của trẻ thơ vô tình.
Các anh chị đạp xe đạp đi học ở trường Bưởi và Albert Sarraut, em nhỏ ở tiểu
học Thanh Quan phố hàng Cót, đi bộ hoặc bằng xe chuyên chở học sinh. Những
ngày nghỉ học các anh chị lớn đạp xe đi chơi hoặc bơi, chèo thuyền trên Hồ Tây
hoặc Trúc Bạch rồi ăn bánh tôm rán nổi tiếng ở đó. Các em nhỏ được cha mẹ cho
đi chơi quanh Hồ Hoàn Kiếm gần nhà, ăn kem ở nhà Thủy Tạ đối diện với Tháp
Rùa. Những ngày Tết thiên hạ tấp nập qua cầu Thê Húc vào thăm đền Ngọc Sơn
thờ Đức Trần Hưng Đạo hoặc đi chơi chợ Phiên.
Sau lớp học tôi được phép chơi với các bạn trước nhà ở phố hàng Gai hoặc được
đi xem xi nê ở rạp Lửa Hồng, Olympia gần chợ Hôm. Các anh chị hay kể chuyện
của các tác giả Pháp như Alexandre Dumas, Jules Verne (Les Trois
Mousquetaires, Le Comte de Monte-Cristo…), các sách bằng tranh vẽ về các
chuyện phiêu lưu mạo hiểm của Tintin, các thần thoại của Brothers Grimm và
Hans Christian Andersen (Sleeping beauty, Little Match Girl, Little Mermaid…),
lớn một chút thì được nghe các chuyện của các tác giả Anh Mỹ như Dickens,
Mitchell, Alcott ( David Copperfield, Gone with the Wind, Little Women).

Tình yêu văn chương của tôi bắt đầu từ đó!
Khi hiệp định Genève chia cắt Việt Nam làm hai, gia đình phải di cư vào miền
Nam.
Tới Sài Gòn như sang một thế giới mới xa lạ! Đường xá đông đúc người đi tấp
nập hoa mắt, tiếng nói của người miền Nam rất khó hiểu và nhiều danh từ cũng
khác người Bắc!
Mấy tháng đầu phải học với “con nít” miền Nam là một điều khó khăn vì bị chê
bai về giọng nói và mặc áo dài!
“Bắc kỳ ăn cá rô cây!” ??
Trẻ em miền Nam đều mặc áo cánh và quần bouffant vì khí hậu nóng nực. Sau
vài tháng chính phủ cho mở thêm các lớp học cho các em di cư nên học sinh “Bắc
kỳ” được học với các bạn tâm đầu hợp ý hơn. Sau này tất cả đều mặc áo dài
đồng phục hết!
Thời gian trung học là một giai đoạn huy hoàng của các nữ sinh trước ngưỡng
cửa trở thành “người lớn”! Chưa đủ chín chắn để nghĩ đến chuyện tình cảm lãng
mạn nên chúng tôi chỉ chúc đầu vào học hành và lui tới các thư viện Quốc gia,
các phòng đọc sách của hội Việt Mỹ hoặc British Council… và trau giồi sinh ngữ
hy vọng sau này đạt được mộng viễn du!
Những ngày còn nhỏ chưa thông thạo ngoại ngữ và chịu ảnh hưởng của các anh
chị học trường Pháp nên tôi đọc nhiều sách Pháp văn hơn là Anh văn. Tôi vẫn
còn nhớ lần đầu đọc Charles Dickens và Louisa May Alcott bằng tiếng Pháp!
David Copperfield và Les Quatre Filles du Docteur March! Sau này đọc được bản
Anh ngữ mới thấy hay hơn biết bao!
Sau kỳ thi Đệ Tứ và lên Đệ Tam được thảnh thơi chưa phải lo thi Tú Tài nên tôi
bắt đầu tập tành viết văn! Có vài tập báo cho trẻ em cần người đóng góp nên tôi
mạnh dạn gửi bài dịch kể chuyện cổ tích cho các em nhỏ tiểu học. Lần đầu tiên
được xuất bản mặc dù không được trả tiền! Tha hồ viết không ai kiểm duyệt phê

bình! Dịch các thần thoại của Charles Perrault, Hans Christian Andersen… ra
tiếng Việt “Giai Nhân và Ác Thú” (La belle et la Bête) , “Công chúa ngủ trong
rừng” (Sleeping beauty)… Các bạn cứ cười về việc dịch thuật này của tôi! Lê ơi
coi chừng phiên dịch thành mắc dịch đấy! Traduction c’est trahison! Phản dịch??
Sau này thấy mình còn non nớt quá nên thôi gác bút!
“Bonjour Tristesse!”
Đến lớp Đệ Nhất “phải” đọc các văn sĩ Anh, Mỹ như Shakespeare, Nathaniel
Hawthorn… cũng “khó nuốt” nên tìm lấy các nhà văn “dễ nuốt” hơn như
Somerset Maugham và Hemingway. Một lần Giáo sư Anh ngữ giảng cuốn chuyện
“A Farewell to Arms” của Hemingway có hai nghĩa “Giả từ vũ khí” hoặc “Vĩnh
biệt Tình yêu” tôi bắt đầu nhận ra được sự uyển chuyển của các ngôn ngữ bất cứ
loại nào ở đâu cũng đều có những hàm ý vô cùng giàu có.
Một khi bắt đầu làm quen với các văn sĩ nổi tiếng của Anh, Mỹ tôi thấy đời sống
tự nhiên phong phú hẳn lên! Những trường thiên tiểu thuyết như “Gone with
the Wind”, “Of Human Bondage”… làm mất ăn mất ngủ vì đọc! Có những chuyện
hay mà không thể quên được chỉ vì một vài câu, thí dụ câu cuối cùng của “The
Great Gatsby” làm tôi nghĩ ngợi mãi!
Năm Đệ Nhất ban C là năm các học sinh phải bắt đầu học môn Triết học. Với
những ý niệm mới và những danh từ mới, nhất là Luận lý học, chúng tôi thấy
môn này “khó nuốt” quá! 
Học ở trường không đủ nên rủ nhau đi học thêm lớp riêng của Giáo sư Trần Bích
Lan. Ông không những là một giáo sư Triết giỏi lại còn là một thi sĩ rất được
ngưỡng mộ của lớp tuổi 16, 17… trong những năm 50, 60. Bài thơ nào của ông
cũng được các nữ sinh cỡ tuổi này thi nhau chép để ghi vào các thi tập riêng! 
Thơ Nguyên Sa hay quá!
Áo lụa Hà Đông tuyệt vời!
Tôi nhớ mãi một lớp học của ông giảng về Luận lý học. Các ý niệm “diễn dịch” và
“quy nạp” (bạn bè hỏi nhau: cái gì thế?) được ông dạy là “vơ đũa cả nắm” và “suy bụng ta ra bụng người” thế là chúng tôi hiểu ngay! Cách giảng dạy của ông
thật là giản dị nôm na nên Triết học khó khăn cũng thành những giờ học thích
thú! Xin cảm ơn Thầy!
Rất tiếc ông đã qua đời quá sớm, chỉ mới 66 tuổi đời.
Những ngày nghỉ học hoặc chiều thứ bảy chủ nhật bạn bè rủ nhau đi bát phố
trên các con đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê thánh Tôn quanh chợ Bến Thành…
xem hoặc mua các tạp chí Pháp Mỹ như Cinémonde, Ciné Revue, Photoplay và
Seventeen và viết thư cho Hollywood để xin chữ ký và hình ảnh của các minh
tinh ưa thích. Đi học về mở radio để nghe nhạc ngoại quốc yêu cầu của đài phát
thanh Quân Đội hoặc nghe các nhạc vàng của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… chép
thơ của Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương… Rủ nhau đi xem xi nê rẻ tiền ở các rạp Lê
Lợi, Vĩnh Lợi… chuyên chiếu các phim permanent không ngừng! 
Ngày tháng trôi qua đến khi phải quyết định cho tương lai!
Sau lớp Đệ nhất bắt đầu mơ ước một chân trời mới xa xôi… Vài người bạn “theo
chồng bỏ cuộc chơi!” Người thì tiếp tục lên các Đại học Văn khoa, Sư phạm,
Luật… người nghỉ học đi làm thực sự trở thành “người lớn”! Ôm mộng viễn du
và được gia đình thầy cô khuyến khích tôi ghi tên xin học bổng đi Úc.
Những ngày tháng đầu tiên bỡ ngỡ ngập ngừng tại Sydney cuối năm 1963 với các
bạn đồng học trước lạ sau quen rồi trở thành tri kỷ suốt đời. Đây là một thời
gian tuy ngắn ngủi nhưng chúng ta cùng nhau xây dựng được nhiều kỷ niệm thân
ái mà mấy chục năm sau vẫn còn luyến nhớ và đôi lúc nhắc nhở lại cho nhau để
tìm về dĩ vàng tuyệt vời của một thời son trẻ.
Một triết gia Tây phương đã để ý:
Memory is everything, without memory you are nothing!
Eric Kandel 
Tạm dịch:
Kỷ niệm thật là đáng quý , nếu không cuộc đời thành vô nghĩa!
Những năm ’60, ’70 là thời gian Việt Nam trải qua nhiều biến cố kinh hoàng, chiến tranh tàn phá từ Bắc vào Nam không ngơi… gia đình tôi lại một lần nữa khuyến khích tôi vượt biển không phải chỉ qua biển Đông hoặc nam bán cầu mà xuyên qua Thái Bình Dương sang tận xứ coi như quanh năm tuyết phủ: Canada!
May mắn đã có vài bạn bè và họ hàng đã định cư và thành công tại xứ này và có
thể giúp đỡ những bước đầu lập nghiệp.
Sau biến cố 1975 Việt Nam rơi vào tình trạng khốn khổ làm biết bao gia đình tan
vỡ, sự nghiệp sụp đổ. Nhiều người không chịu nổi chính sách ngu dân của chính
quyền mới nhất quyết liều mạng vượt biển ra đi, nếu thành công thì được tới
các hòn đảo tạm định cư, sống lay lắt chờ đợi được định cư ở bất cứ nước nào
nhận. Không may thì gặp hải tặc tàn ác giết chóc hoặc làm mồi cho cá biển…
Những người ở lại sống bấp bênh cho qua ngày, không may thì vào trại cải tạo
làm lao động cho đến chết! Nhiều người liều mạng bỏ trốn rồi mất tích để lại bao
đau đớn thương nhớ cho gia đình.
Các bạn tôi kể lại những năm từ 1975 tới 1985 như là một ác mộng, như đã chết
đi rồi sống lại! Nhưng đời sống mới có khá gì hơn đâu! Phải chờ tới mười năm
sau mới gọi là hoàn hồn!
Những năm 2000 tôi được dịp về thăm quê hương khi Việt Nam bước sang một
thế kỷ mới tràn đầy hy vọng!
Sau mấy chục năm chiến tranh tàn phá đất nước nghèo khó dân chúng khốn khổ,
nay chính quyền cố chú trọng vào việc xây dựng lại một quốc gia mới cởi mở hơn
để các nước ngoài “tha thứ” và trở lại đầu tư! Giao thông đi lại dễ dàng thủ tục
giấy tờ được giản dị hóa nên các “Việt kiều” được hoan nghênh tiếp đón không
bị xem như “ngụy” nữa! Nhất là nếu đem về nhiều quà “dollars xanh!”
Được dịp đi thăm từ Bắc vào Nam qua Trung tôi được nhìn thấy nhiều tài
nguyên thiên nhiên và văn hóa lịch sử của đất nước vô cùng phong phú xứng
đáng với những lời ca ngợi “Giang sơn gấm vóc!”
Về lại Hà Đông nơi tôi sinh ra đời, thành phố này chỉ cách Hà Nội khoảng 10 cây
số mà hồi di cư bằng đường bộ và đòn gánh thấy sao xa xôi thế!
Về lại ngôi nhà cũ chị Châu lớn nên còn nhớ nhiều chi tiết như gác hai vẫn còn sàn đá hoa đen trắng mát mẻ khi mùa hè nóng nực oi ả gia đình ngủ không cần chăn chiếu! Bực cửa gạch trước nhà vẫn như xưa nơi trẻ em ngồi chờ mẹ đi chợ về để được ăn kẹo lạc, kẹo vừng… Những kỷ niệm của một thời thơ ấu xa xưa.
Về tới Hà Nội vừa lúc chính quyền sửa soạn đánh dấu một ngàn năm kỷ niệm thành lập thủ đô Thăng Long nên đường xá sạch sẽ tươm tất. Quanh hồ Hoàn Kiếm có những trình bày mỹ thuật, các cây hoa đào mai trang điểm các con đường quanh co. Tháp Rùa vẫn như xưa không thay đổi, linh hồn vua Lê Thái Tổ
và thần Kim Quy vương vấn đâu đây! Một huyền thoại đẹp biết bao nhưngđường xá tắp nập ai có thì giờ để ý tới nữa!
Tôi đi qua những con đường cũ, phố hàng Gai, hàng Đào, hàng Trống, hàng Kèn, hàng Buồm, hàng Chỉ… những tên rất quen thuộc của ngày xưa ba mươi sáu phố phường không bị thay đối như ở Sài Gòn. 
Đi thăm Văn miếu Quốc tử giám nơi thờ Khổng tử và các thầy Chu Văn An và Lê Quí Đôn, các tháp chuông tháp trống được giữ gìn đẹp đẽ, các bia Tiến sĩ trên rùa đá tuy không còn rõ chữ nhưng vẫn còn nhiều không bị phá hủy.
Hà Nội và miền Bắc có những địa danh mà các nhà văn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn viết về rất nhiều. Đọc những tiểu thuyết họ viết như “Hồn Bướm Mơ Tiên”, “Đoạn Tuyệt”, “Gánh Hàng Hoa”, “Thoát Ly”, “Nắng Trong Vườn”… người đọc có thể hình dung được không khí xã hội của miền Bắc như thế nào trong những
năm ’40, ’50… Những tác phẩm độc đáo tuyệt vời mà lên trung học, đại học phải phân tích và bình luận về một giai đoạn quan trọng trong văn chương của Việt Nam.
Tới Hạ Long mà xưa nay chưa bao giờ được đặt chân đến là cả một ngạc nhiên thú vị! Vì nơi đây có những địa hình thiên nhiên đặc biệt cơ quan UNESCO đã công nhận Hạ Long là một kỳ quan của hoàn cầu. Các hòn đảo với hình giáng kỳ dị rải rác trên bãi nước trong xanh và được đặt tên như Hòn gà chọi, Hòn ấm trà, Hòn bút… Vì khung cảnh đặc biệt này các nhà đạo diễn tây phương đã dùng HạLong làm bối cảnh cho mấy phím ảnh của họ như “Indochine” và “TomorrowNever Dies”.
Các hang động nơi đây cũng đã được khai thác từ cả mấy trăm năm về trước khi các anh hùng Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo đã giấu các cọc gỗ sắc nhọn rồi trồng vào sông Bạch Đằng để đánh bại quân xâm lược Tàu hai lần! Nay hang này được gọi là Hang Đầu Gỗ. Nhiều hang động có chi chít thạch nhũ huyền ảo được thắp đèn sáng để các du khách chiêm ngưỡng rõ ràng! 
Về tới Ninh Bình Hoa Lư được du khách Tây phương gọi là “Hạ Long on land” vì có nhiều núi dựng đứng giữa các cánh đồng lúa xanh như một bức tranh sơn thủy! Các đàn vịt tha hồ bơi lội trước khi trở thành vịt quay cho các bữa tiệc ngày Tết!
Đây cũng là nơi sinh tiền của anh hùng Đinh Bộ Lĩnh sau thành Đinh Tiên Hoàng…
“Ngồi mình trâu phát ngọn cờ lau…” (Phạm Duy)
Hoa Lư cũng có các hang động mà du khách có thể chèo thuyền qua như Tam Cốc  (Hang Cả, hang Giữa và hang Cuối). Một du khách ngoại quốc khôi hài bình phẩm: “Just like Tunnel of Love!”
Các du khách Tàu cũng tấm tắc khen Hoa Lư và Hạ Long đẹp không thua gì Quế Lâm của Trung Quốc mà các hoạ sĩ và thi sĩ Tàu hết lời ca tụng trong văn chương và các bức tranh sơn thủy của họ. Chúng tôi cười bảo: Quế Lâm làm sao so sánh được với Hạ Long! Hạ Long rộng lớn hùng vĩ hơn Quế Lâm rất nhiều.
Kinh đô Huế nay được UNESCO giúp đỡ nên các cung điện được trùng tu lại, du khách được vào thăm các phòng lộng lẫy xưa vua chúa và các hoàng hậu tận hưởng các món ăn cung đình và thưởng thức trăng hoa bên hồ nước xa lánh dân gian!
M ột thời đại thật là phong kiến!Tôi nhớ mãi hai câu thơ khóc vợ của vua Tự Đức:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi”
Sao ông vua này lãng mạn tha thiết thể! Rất tiếc nhà vua đa tình lãng mạn này
không có người thừa kế mặc dù có nhiều hoàng hậu và cung phi rất quí mến ngài.
Nay các di tích của những thời vàng son đó chỉ còn các lăng tẩm rêu xanh với các
tượng đá đen đủi hình quan lại, ngựa, voi và lính hầu vẫn đứng giàn chào cho du
khách chụp ảnh.
Tới Đà Nẵng, một hải cảng quan trọng của miền duyên hải Việt Nam đã được
khai thác nhiều trong chiến tranh Việt Mỹ. Đây có nhiều núi đá sau được thiết
lập thành một kỹ nghệ mỹ thuật sản xuất nhiều bức tượng rất đẹp cho du khách
mua làm kỷ niệm và xuất cảng mọi nơi trên thế giới.
Du khách được tới thăm một viện bảo tàng nơi thu nhập được rất nhiều di tích
của một đế quốc Chàm phong phú và nhắc lại huyền thoại của công chúa Huyền
Trân đã hy sinh để Đại Việt được mở rộng thêm trong cuộc Nam tiến. Sự tích này
đã làm cảm hứng cho lời ca dao nôi tiếng:
“Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo!”
Về tới Phan Thiết, một thành phố lớn bên bờ biển Đông và là trung tâm sản xuất
nước mắm nổi tiếng khắp nơi. Đây có nhiều bãi biển rất đẹp với các hàng dừa
cao nghiêng ngả và các đồi cát đỏ, nơi các nhiếp ảnh gia khai thác thành những
bức ảnh đen trắng rất nghệ thuật!
Phan Thiết cũng có rất nhiều di tích lịch sử của Đế Quốc Chàm. Nhiều kiến trúc
tinh vi và đồ sộ, ảnh hưởng của Đế Thiên Đế Thích của Cao Miên mấy trăm năm
về trước. Các nhà khảo cổ đều khâm phục các di tích này và không nghĩ rằng đây
là một nền văn minh “Mường Mán”!
Về lại miền Nam xưa ít khi được đến vì chiến tranh nay tha hồ thăm viếng trong
yên bình.
Du khách được đi thuyền vào các sông lạch của Tiền Giang, Hậu Giang với nhiều
trang trại trù phú trồng đủ các loại trái cây đặc biệt của miền Nam như mãng cầu,
dứa, chuối, bưởi Biên Hòa, thanh long, sầu riêng… Các chợ nổi của Mỹ Tho , Cần
Thơ lúc nào cũng tấp nập người mua bán… Miền Nam thật là nơi nuôi dưỡng cho tất cả người dân!
Một chuyến hồi hương thật là dồi dào cảm động!
Tôi trở lại thăm ngôi trường cũ Gia Long ngày xưa nay đổi tên mới nhưng vẫn
còn phong cách to đẹp với nét sơn màu vàng đậm. Sân trường vẫn còn các cây
phượng vĩ màu đỏ rực rỡ rợp bóng các lối đi khi mùa thi tới.
Tôi về lại các lớp học ngày xưa đã bao năm mài đũng quần với các bạn bè thân
yêu, cảnh vẫn còn đó nhưng những người muôn năm cũ nay còn đâu? Tan mác
khắp bốn phương trời!
Trường bây giờ có cả nam sinh học cùng và đồng phục cũng khác, các em mặc áo
cánh ngắn trắng và quần hoặc váy màu lam, còn đâu nữa các áo dài trắng thướt
tha dịu dàng trong sân trường và tung tăng trên các nẻo đường phố? Vật đổi sao
dời, bãi biển nương dâu là vậy!
Ngôi nhà cũ ở đường Gia Long kiến trúc vẫn như xưa tuy mặt tiền thành một cửa
hàng mới. Ban công từng hai nơi tôi và các bạn làm bài học mỗi buổi chiều vẫn
vậy, nhưng sân thượng với giàn hoa thiên lý thơm ngát đã làm bối cảnh cho
nhiều bức ảnh kỷ niệm thì bị phá đi thành bức tường xi măng xám hết sức vô
duyên! 
Ngôi biệt thự cao đẹp của anh tôi ở đường Nguyễn Du trước vườn Tao Đàn ngay
cạnh tòa Đại sứ Canada với khóm thanh trúc cao vút mà hàng năm ngày mồng
một Tết tất cả gia đình họp mặt chức mừng cha mẹ dưới bóng cây xanh. Nay cây
bị chặt bỏ, nhà bị phá hủy để trở thành một “cao ốc” ngân hàng… Thanh trúc trở
thành xi măng! Người quân tử biến thành sâu bọ!
Nhưng thôi thương tiếc làm gì cho thêm buồn phiền cay đắng!
Phật giáo dạy tất cả đều là vô thường ảo ảnh không nên ràng buộc bận tâm để
rồi không bao giờ có thể giải thoát được bánh xe luân hồi, thời gian và không
gian có tha thứ ai đâu!
Tôi chỉ mong ước trong tương lai các thế hệ mới sẽ có một Việt Nam thanh bình giàu mạnh xứng đáng với kho tàng lịch sử oanh liệt mà các tổ tiên anh hùng Lê
Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo đã cố công xây dựng… không để hổ danh “Con
rồng cháu Tiên”.
Nhất là không phải nghe những bài hát phản chiến của Phạm Duy và Trịnh Công
Sơn mà chính phủ nghĩ sẽ làm các chiến binh mất tinh thần nên không muốn các
đài phát thanh phổ biến:
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về.

Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về bại tướng cụt chân.
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.
(Kỷ vật cho em – Phạm Duy)

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một rừng xương khô
Gia tài của mẹ, một núi đầy mồ
(Gia Tài Của Mẹ – Trịnh Công Sơn)

Nhưng sẽ cùng nhau hát bài “Thanh Bình Ca” của Nguyễn Hiền :
Về nơi đây chung xây đắp quê hương
Và nơi nơi, vui câu hát yêu thương
Lúa reo mừng, mùa về ngát thôn làng
Đời vui tươi như muôn sóng trùng dương
….
Ôi! mừng sao khi sông núi thanh bình
Lau nước mắt xóa tan mùa chiến chinh

….
Khắp thôn làng rộn ràng tiếng yêu đời
Ngày mai ơi! thương yêu về ngàn nơi
(Thanh Bình Ca – Nguyễn Hiền)

NL
Toronto, Canada
Tháng năm 2024

&&&

Trang hình ảnh Việt Nam của Đàm Trung Phán, CP61 :

https://pbase.com/bac_ninh


Comments are closed.