Tuệ Sỹ Nhà Thơ – Đỗ Quý Toàn


25/11/2023

Tranh: Đinh Trường Chinh

Hãy tưởng tượng có mình, người nói, và có thế giới chung quanh, trong đó có người nghe mình nói. Đó là giả thuyết đầu tiên khi làm thơ –bất cứ khi nào mở miệng cất nên lời.

Nhưng người làm thơ có nhất thiết muốn nói cho một người nào đó nghe mình hay không? Các thi sĩ vẫn tự đặt câu hỏi này. Luis Cernuda khi kể kinh nghiệm làm thơ, đã thú nhận: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi dám nói trực tiếp với mọi người. Cảm giác thật lạ lùng, vì người làm thơ thường không giả thiết có một công chúng đang nghe mình …”

Ít nhất, Cernuda giả thiết có mình và có công chúng ở thế giới bên ngoài – Do giả thuyết ngã, pháp. Nếu không thì ở đâu ra thơ?

Nhưng Cernuda không cần giả thiết một đối tượng đang nghe mình nói. Những người làm thơ khác có nghĩ mình nói cho người nào nghe hay không?

Trong bốn câu thơ này Tuệ Sỹ nói cho ai nghe?

Một thời thân đá cuội

Nắng chảy dọc theo suối

Cọng lau già trầm ngâm

Hỏi người bao nhiêu tuổi

(Bài số 10 trong Thiên Lý Độc Hành)

Nhà thơ nói với ai? Viên đá cuội? Nói với chính mình, với mình trong viên đá cuội? Mình là viên đá cuội, “Bởi ta hồn đá phơi mầu nắng – Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn.” (Bài số 4)

Hay nhà thơ nói với dòng suối và ánh nắng chảy theo dòng suối? Hay với cọng lau già trầm ngâm? Nhà thơ đang thủ thỉ với suối, nắng, viên đá, cọng lau, hay nói một mình?

Tại sao bỗng bật lên câu “hỏi người bao nhiêu tuổi?” Người đặt câu hỏi tuổi tác vì đang trải qua kinh nghiệm sống trong một dòng thời gian. Những hình ảnh trước mắt khuấy cho một niệm vụt qua chạy dài vô lượng kiếp. Có phải vì hình ảnh viên đá cuội trong dòng nước chảy? Viên đá cuội nằm yên bất động dưới ánh sáng lung linh của mặt trời. Nắng theo suối tuôn chảy không bao giờ ngừng; những mảnh sáng lấp lánh lớp lớp dạt dào vừa cuốn đi lại một cơn sáng lấp lánh khác nhào tới. Nước cuốn nắng trôi, trôi mãi mãi, sâu, xa, tít tắp, sinh sinh diệt diệt bất tận không biết sẽ tới bến, bờ, sông, biển, đại dương nào ào, “hằng chuyển như bộc lưu” hay tới những thái dương hệ, những tinh hà nào khác?

Viên đá cuội hầu như bất động. Dòng suối đổ dốc từ cao xuống thấp hầu như không ngừng nghỉ. Tự nhiên trong các tế bào não “nơ rôn” trong óc nảy ra khái niệm thời gian tiếp nối trôi chảy. Bật lên như một câu hỏi: Hỏi người bao nhiêu tuổi?

Nhưng ai hỏi ai bao nhiêu tuổi? Cọng lau già hỏi con người hay con người hỏi cọng lau già? Anh đã trầm ngâm đã bao nhiêu năm tháng rồi? Anh đã thấy gì chưa?

Hay con người đặt câu hỏi với viên đá sỏi – Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt!

Hay người hỏi tuổi dòng nước? Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!

Hỏi người bao nhiêu tuổi. Đây thật sự là một câu hỏi hay chỉ là những lời nói trống trơn? Cọng lau, dòng suối, ánh nắng, viên đá cuội, lần lượt hiện ra, Hay tất cả có mặt cùng một lúc? Ở bên ngoài hay bên trong người làm thơ?

Người làm thơ bước chân đi,

Bước đi nghe cỏ động

Đi mãi thành tâm không

Hun hút rừng như mộng

Chập chùng mây khói trông

(Bài 11)

Người bước đi và nghe dù không cố ý lắng nghe. Có tiếng cỏ động sột soạt trong đầu. Bước đi. Nghe. Bước nữa, Vẫn nghe. Chân bước, tai nghe, trong đầu dần dần phẳng lặng, tĩnh mịch, bình an, trống rỗng. Đi mãi thành tâm không.

Nhưng mắt vẫn thấy rừng. Ai đã lang thang trong rừng đều biết mỗi lần nhìn một thân cây lại thấy cây cối như đang ngó lại mình. Chào cây, cây chỉ nhìn nhưng im lặng. Rừng lặng lẽ không lời, chập chùng, hun hút, như cảm giác của Boris Pasternak: Và rừng nhìn bạn, và bạn nhìn rừng. Chập chùng mây khói trông.

Nhà thơ có ý định nói cho ai nghe không? Có lẽ không cố ý nói cho ai nghe, khi tự nói với mình:

Trầm luân từ thủa ban sơ

Thân sau ta vẫn bơ vơ bụi đường.”

(Bài số 7)

Những người làm thơ cuối cùng đều nói với chính mình, trước hết nói cho mình nghe, dù bài thơ có dụng ý thảo một bản tuyên ngôn. Nếu không biết nói cho một mình nghe thì khó truyền đạt được điều gì cho người khác.

Câu thơ chót bài số 2 trong Thiên Lý Độc Hành thổ lộ: “Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao.” Chúng ta có thể đọc Thiên Lý Độc Hành của Tuệ Sỹ như vậy. Người đọc và người viết chia sẻ một cái nghiệp chung. Một ngôn ngữ. Một dân tộc. Một đất nước. Một lịch sử. Một nền giáo dục. Và bao nhiêu thứ khác ràng buộc trùng trùng.

Những câu thơ xuất hiện, vì nghiệp đã chín mùi. Tiếng nói bật ra, tuôn trào vì cơn thôi thúc tự bên trong không kiềm chế được! Nhà thơ không dùng tiếng nói. Chính ngôn ngữ đã sử dụng một con người để biểu hiện. Người, tiếng nói, câu thơ, cùng trong vũ điệu của một nghiệp dĩ, không ai là tác giả. “Tùy kỳ sở hành nghiệp – như thị quả báo sanh – tác giả vô sở hữu – chư Phật chi sở thuyết” (Hoa Nghiêm, Phẩm số 10) 隨其所行業  如是果報生   作者無所有  諸佛之所說

Tuệ Sỹ mở đầu Thiên Lý Độc Hành với câu thơ “Ta về một cõi tâm không.” Và kết thúc: “Mưa lạnh đèo cao không cõi người.” Cứ như thế. Đi một mình. Ngàn dậm. Chưa hết.

Đỗ Quý Toàn

—————

Chú Thích Luis Cernuda sanh năm 1902 ở Seville, Tây Ban Nha, mất năm 1963 ở Mexico. Đoạn trích trong bài này lấy từ một tiểu luận Cernuda viết trong tuyển tập “Công Việc của Nhà Thơ” (The Poet’s Work) do Riginald Gibbons chọn và dịch, NXB Houghton Mifflin, Boston, Mass. USA,1979.

https://www.diendantheky.net/2023/11/o-quy-toan-tue-sy-nha-tho.html


Comments are closed.