VNCS: Nghịch lý kinh tế tăng trưởng nhanh và tham nhũng nghiêm trọng đe dọa sự tồn vong của chế độ


Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

01/8/2023

Nghịch lý kinh tế tăng trưởng nhanh và tham nhũng nghiêm trọng đe dọa sự tồn vong của chế độ

Những người bán hàng ngồi bên ngoài những cửa hàng đang đóng cửa ở Hà Nội vào tháng 1/2022 (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Đường lối Đổi mới từ năm 1986 giúp kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh trong suốt thời kỳ gần 30 năm với tỷ lệ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình năm trên 7%, nhưng đồng thời kéo theo quốc nạn tham nhũng nghiêm trọng, mang tính hệ thống đe dọa sự tồn vong chế độ. Đây là nghịch lý khiến giới lãnh đạo ‘đau đầu’ khi chính sách cải cách thể chế được tiến hành theo hướng duy trì chế độ Đảng Cộng sản (CS) thúc đẩy tăng trưởng nhờ chuyển đổi kinh tế sang thị trường.

Việc lạm dụng quyền lực hoặc chức vụ để trục lợi, tham nhũng từ lâu đã được xác định là một vấn đề phổ biến ở mọi quốc gia, tham nhũng kinh tế cản trở tăng trưởng và tham nhũng chính trị làm suy yếu quản trị tốt. Nghĩa là, tham nhũng có liên quan đến năng lực yếu kém  của thể chế với sự phân bổ các nguồn lực không hợp lý, kiềm hãm sự tăng trưởng kinh tế, phân hoá giàu nghèo, gây ra những cái bẫy nghèo đói và rủi ro cho đầu tư. Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang thị trường ở các nước có chế độ CS như trong mô hìnhTrung Quốc và Việt Nam đang cho thấy nghịch lý: bất chấp vấn nạn tham nhũng tràn lan nhưng kinh tế tiếp tục tăng trưởng?

Nghịch lý này phản ánh mối quan hệ ‘hai bên cùng có lợi’, phức tạp giữa các doanh nghiệp tư nhân và chế độ. Doanh nghiệp cần sự khuyến khích như động lực phát triển trong khi chế độ Đảng CS toàn trị cần tăng trưởng để đảm bảo tính chính danh. Các doanh nghiệp nhà nước dựa vào sở hữu công và năng lực quản trị yếu kém đã dần đánh mất vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cho chế độ đã dần làm ăn thua lỗ khi không thể thích nghi với chính sách tự do hoá, tư nhân hoá, cổ phần hoá. Thậm chí,  sai lầm chính sách tăng trưởng nóng vội khiến cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phá sản hàng loạt, điển hình là trường hợp tập đoàn công nghiệp hàng hải Vinashin vào đầu những năm 2000 đã gây thiệt hại nặng nề. Các doanh nghiệp tư nhân đã dần thế chỗ, phát triển năng động và ‘bùng nổ’. Môi trường kinh doanh, luật pháp và thể chế, thực thi chính sách tỏ ra quá ‘chật hẹp’ khi thị trường đòi hỏi khiến các doanh nghiệp tư nhân, quy mô từ hộ kinh doanh cá thể, nhỏ, vừa và lớn đều tìm kiếm ‘đặc ân’ từ các quan chức chính quyền để có thể hoạt động kinh doanh. 

Các doanh nghiệp tư nhân dần chứng tỏ ưu thế, phương thức kinh doanh tư bản dần thắng thế, và vì vậy mối quan hệ này, về thực chất, được gọi là tư bản thân hữu. Chế độ CS buộc phải ‘kết thân’ với chủ nghĩa tư bản. Đây là thời kỳ tư bản dân tộc ‘lên ngôi’, trong đó các nhà tài phiệt càng khéo ‘chiều’ chế độ, ‘ủng hộ ‘nhiệt tình’ chủ trương phát triển “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”, dù chỉ về hình thức mỗi khi có cơ hội, trên các diễn đàn hay làm từ thiện, để tạo độ tin cậy và có quan hệ sâu rộng với các quan chức các cấp, biết điều và biết cách ‘chia sẻ lợi nhuận’ bằng cách hối lộ. Đổi lại, họ có thể được ‘tạo điều kiện thuận lợi’ để kinh doanh. Vụ án có liên quan đến Công ty Tiến bộ Quốc tế (AIC group) mới xử phúc thẩm gần đây là minh chứng rõ rệt.

Nhờ mối quan hệ thân hữu này, thực chất là nhờ tư bản, nhờ thị trường mà tăng trưởng cao được duy trì và, từ đó công ăn việc làm được tạo thêm, chính sách xoá đói giảm nghèo được thúc đẩy… Ngoài ra, nhờ thu thuế của dân mà ngân sách nhà nước được mở rộng giúp chế độ có thêm nguồn lực để tiến hành nhiều chính sách xã hội…, không chỉ tri ân những người có công với chế độ mà còn có điều kiện để duy trì bộ máy nhà nước cồng kềnh, chế độ biên chế, tăng lương cho lực lượng vũ trang, an ninh, tưởng thưởng cho sự trung thành và tuân phục chế độ, cản trở cải cách phân phối thu nhập và chính sách tiền lương theo hướng thị trường… Tóm lại, tư tưởng thực dụng “mèo đen mèo trắng không quan trọng miễn bắt được chuột” được hiện thực hóa, ý thức hệ CNXH được củng cố nhờ tuyên truyền rằng tăng trưởng là do đổi mới – sự lãnh đạo sáng suốt của đảng!

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai hệ thống giá trị từ hai ý thức hệ đối nghịch, CNTB và CNXH, không sớm thì muộn tất yếu sẽ bùng phát, trong đó những rủi ro vốn có của tham nhũng làm tha hoá quyền lực quan chức, đe doạ sự tồn vong chế độ tập quyền. Như đã biết, trong thực tế ‘cung đình’ ở Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 2010 biểu hiện rõ rệt nhất bị phơi bày là sự thống nhất trong Đảng bị phá vỡ, sư ‘bất đồng’ lớn dần thành hai phe phái chủ yếu, phe đảng – chuyên tránh chính trị và phe chính phủ –  trực tiếp điều hành nền kinh tế được cho là khởi nguồn tham nhũng. Sự bất ổn thể chế, bất ổn xã hội đã xảy ra và, như hệ quả, tăng trưởng kinh tế trồi sụt theo xu hướng giảm sút.

Liên quan đến chủ đề của bài viết xin nêu cuốn sách “China’s Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption” của tiến sĩ Yuen Yuen Ang, Đại học Michigan, Thời hoàng kim của Trung Quốc: Nghịch lý bùng nổ kinh tế và tham nhũng tràn lan, NXB Đại học Cambridge, năm 2000. Tác giả của nghiên cứu này đã khái quát hoá bốn hình thức tham nhũng ở Trung Quốc. Một là, Trộm cắp lớn: tham ô hoặc biển thủ các khoản tiền công lớn trong giới tinh hoa chính trị; Hai là, Trộm cắp vặt: hành vi ăn cắp, lạm dụng công quỹ hoặc tống tiền ở các cán bộ cấp thấp; Ba là, Tiền ‘bôi trơn’: khoản hối lộ nhỏ, ‘lót tay’ mà doanh nghiệp hoặc công dân trả cho các quan chức để vượt qua rào cản pháp lý và thể chế; Bốn là, Tiền tiếp cận: những ‘phần thưởng’ mà giới kinh doanh ‘lại quả’ cho quan chức có được đặc quyền. Và, tác giả đã chỉ ra rằng từ 2012 khi nắm quyền Tổng bí thư Đảng CS Tập Cận Bình nỗ lực chống tham nhũng bằng chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” nhưng chỉ ba loại tham nhũng đầu bị ‘đẩy lùi’, còn loại thứ tư – dùng tiền để tiếp cận cán bộ, quan chức – “lại tăng phi mã.” Ngoài ra, để chống tham nhũng, ông Tập đã buộc phải tái thiết lập mô hình toàn trị kiểu cũ. Và, vừa chấn chỉnh cán bộ trong hệ thống chính trị vừa đàn áp tự do và, hơn thế, trấn áp các nhà tư bản ‘vô tổ chức’ như Alibaba, chính sách của ông Tập đã bóp nghẹt dân chủ cả trong xã hội và trong Đảng – Nhà nước là một trong những lý do khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm.

Trong nghiên cứu này Tiến sĩ  Yuen Yuen Ang đã chứng minh nghịch lý nêu trên ở Trung Quốc không là biệt lệ, thậm chí có những điểm tương đồng với ‘Thời đại Vàng son’ của tư bản Hoa Kỳ trong thế kỷ 19: sự lớn mạnh của giới giàu có mới nổi, tập đoàn kinh tế cấu kết với chính phủ, bất bình đẳng giàu nghèo… Nhưng, cuối cùng, thì những rủi ro vốn có của tham nhũng như vậy đã tạo ra cuộc khủng hoảng vào năm 1893, khiến các ngân hàng vỡ nợ và buộc Hoa Kỳ phải cải cách và đạt được Kỷ nguyên Tiến bộ (1890-1920). Rõ ràng là thông điệp từ cuốn sách không những chỉ cung cấp cách hiểu thấu đáo, sâu sắc hơn về tham nhũng, cảnh báo về ‘khủng hoảng’ có thể nếu thiếu giải pháp đột phá cần thiết về chống tham nhũng, mà hơn thế, còn gợi ý về con đường cải biến xã hội đến thịnh vượng.

Là một quốc gia có chế độ chính trị và mô hình phát triển tương đồng với Trung Quốc, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng năm 2012, ngay trong thập niên bất ổn, để thúc đẩy chiến dịch ‘đốt lò’. Tuy nhiên, do chứa đựng bản chất chế độ tập quyền, trong đó tham nhũng là do tha hóa quyền lực tuyệt đối, như các đại án tham nhũng đã và đang chỉ ra, chống tham nhũng vẫn “chưa đạt kết quả mong muốn”, trong đó nghịch lý nêu trên đang đối diện với thách thức kép, cả trong thúc đẩy tăng trưởng và chống tham nhũng, khiến giới lãnh đạo chế độ ‘quan ngại’ và công luận đặt vấn đề về triển vọng, hiệu quả chống tham nhũng và tiếp tục cải cách thể chế? Duy trì chế độ thế nào nếu nạn tham nhũng không được ngăn chặn?

https://www.rfa.org/vietnamese

Tags: , , , ,

Comments are closed.