Thế giới hôm nay: 07/07/2025 (The Economist)

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Một phái đoàn đàm phán của Israel đã đến Qatar để tiến hành đàm phán gián tiếp với Hamas nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza và trả tự do cho các con tin đang bị giam giữ tại vùng đất này. Thủ tướng Israel, Binyamin Netanyahu, cho biết Hamas đã yêu cầu những thay đổi “không thể chấp nhận được” đối với đề xuất do Mỹ hậu thuẫn. Ông Netanyahu sẽ gặp tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington vào thứ Hai. Ông Trump tuyên bố một thỏa thuận về Gaza đang “gần kề” và có thể đạt được trong tuần này.
Bộ trưởng tài chính Mỹ, Scott Bessent, cho biết các quốc gia không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ phải đối mặt với thuế quan “boomerang” cao hơn vào ngày 1 tháng 8. Lệnh hoãn 90 ngày đối với các mức thuế nặng nhất của ông Trump dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 9 tháng 7. Ông Trump cho biết ông sẽ gửi thư tới khoảng 12 nước (chưa được tiết lộ) vào thứ Hai để thông báo chi tiết về kế hoạch của mình.
Ông Trump cũng nói ông sẽ áp mức thuế bổ sung 10% đối với các quốc gia ủng hộ “các chính sách chống Mỹ” của BRICS, một nhóm các nước đang phát triển tự nhận là thúc đẩy hợp tác phương Nam toàn cầu. Các quan chức BRICS hiện đang họp thượng đỉnh tại Rio de Janeiro. Song có dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của nhóm đang suy yếu: chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt và tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ phát biểu từ xa.Bài đang hotThế giới hôm nay: 16/06/2025
Ít nhất 82 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích sau trận lũ quét nghiêm trọng ở Texas. Nhiều nạn nhân là các bé gái đang tham gia trại hè gần sông Guadalupe; 27 người vẫn chưa được tìm thấy. Nhà Trắng gọi cáo buộc rằng việc chính quyền Trump cắt giảm ngân sách cho Cơ quan Thời tiết Quốc gia đã khiến tình hình tồi tệ hơn là “ghê tởm.” Ông Trump cho biết ông có thể sẽ đến thăm Texas vào thứ Sáu.
Israel đã tấn công ba cảng và một nhà máy điện tại Yemen. Một người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết một trong các mục tiêu là tàu Galaxy Leader, vốn bị lực lượng Houthi cướp năm 2023 và được cho là đang được sử dụng để theo dõi tàu thuyền tại vùng biển quốc tế. Cuộc tấn công là nhằm phản ứng lại các vụ phóng tên lửa thường xuyên từ Yemen nhắm vào Israel.
Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng mua một số thiết bị y tế từ các công ty châu Âu để trả đũa các biện pháp hạn chế mà Liên minh châu Âu công bố tháng trước. Quy định này áp dụng cho các hợp đồng trị giá trên 45 triệu nhân dân tệ (6,3 triệu USD) và không áp dụng cho các công ty châu Âu sản xuất thiết bị tại Trung Quốc. Vào thứ Sáu, Trung Quốc cũng đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số loại rượu brandy từ châu Âu.
Các công tố viên Hàn Quốc cho biết đã yêu cầu lệnh bắt cựu tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến các cáo buộc lạm quyền và cản trở công lý. Các cáo buộc này xuất phát từ nỗ lực ngắn ngủi của ông Yoon nhằm áp đặt thiết quân luật hồi tháng 12, vốn đã dẫn đến việc ông bị luận tội. Các quan chức cho biết cựu tổng thống đã bị thẩm vấn vào thứ Bảy như một phần của cuộc điều tra.
Con số trong ngày: 19 đô la Mỹ, là giá của một quả dâu Nhật Bản được bọc riêng lẻ tại Erewhon, một chuỗi siêu thị cao cấp ở Los Angeles.
TIÊU ĐIỂM
Liệu Netanyahu có mang đến cho Trump món quà ngừng bắn ở Gaza?
Thủ tướng Israel, Binyamin Netanyahu, đang có chuyến thăm Washington lần thứ ba kể từ khi Donald Trump trở lại cầm quyền. Trước thềm cuộc gặp của họ vào tối thứ Hai, mọi ánh mắt đang đổ dồn về các cuộc đàm phán cách đó hơn 11.000 km ở Doha. Tại thủ đô Qatar, các cuộc thương lượng gián tiếp giữa Israel và Hamas đang hướng tới việc chốt một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Ông Trump hy vọng có thể công bố thỏa thuận này cùng ông Netanyahu tại Nhà Trắng.
Hai bên đã đồng ý về nguyên tắc: giai đoạn đầu tiên sẽ bao gồm một lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày và việc thả một nửa số con tin Israel bị giam giữ ở Gaza suốt 21 tháng qua. Song vẫn còn nhiều bất đồng. Hamas yêu cầu có tự do đi lại trong toàn dải Gaza trong giai đoạn đầu tiên và muốn có đảm bảo chắc chắn rằng thỏa thuận sẽ dẫn đến ngừng bắn lâu dài. Israel vẫn chưa đưa ra những đảm bảo đó. Mọi chuyện có thể phụ thuộc vào việc ông Trump sẵn sàng gây áp lực đến mức nào.
Hồng Kông siết chặt quản lý tù nhân
Vào thứ Hai, ủy ban an ninh của chính quyền Hồng Kông sẽ thảo luận một đề xuất hạn chế quyền thăm gặp các tù nhân bị kết án vì tội danh an ninh quốc gia. Đề xuất này cho phép quản ngục có quyền giới hạn hoặc cấm hoàn toàn khách thăm – kể cả các nhân vật tôn giáo hoặc luật sư – nếu bị nghi ngờ sử dụng “viện trợ nhân đạo” để làm vỏ bọc kích động phản kháng. Ngoài ra, người bị giam chờ xét xử cũng có thể bị cấm mặc đồ riêng hoặc ăn đồ ăn không phải của trại giam.
Chính quyền Hồng Kông đã mạnh tay đàn áp các tiếng nói đối lập kể từ năm 2020, sau khi ban hành luật an ninh quốc gia nhằm đáp trả làn sóng biểu tình đòi dân chủ. Gần như tất cả các nhà hoạt động nổi bật đều đã bị bắt hoặc phải sống lưu vong. Nhưng chính quyền muốn chứng tỏ với Bắc Kinh rằng họ vẫn luôn cảnh giác. Trong tuyên bố nhân kỷ niệm luật an ninh vào ngày 30 tháng 6, họ cam kết sẽ “bảo vệ luật này một cách liên tục và không ngừng nghỉ.” Ngay cả những người đã ở sau song sắt cũng sẽ cảm thấy áp lực ngày càng lớn.
Chiến dịch đàn áp sinh viên ủng hộ Palestine của Trump ra tòa
Vào thứ Hai, một phiên tòa sẽ bắt đầu tại tòa án cấp quận nhằm xét xử việc chính phủ Mỹ nhắm mục tiêu vào các sinh viên biểu tình ủng hộ Palestine để bắt giữ và trục xuất. Vụ kiện Hiệp hội Các Giáo sư Đại học Hoa Kỳ kiện Rubio được đệ trình vào ngày 25 tháng 3 sau hàng loạt vụ bắt giữ gây tranh cãi, trong đó nổi bật là trường hợp Mahmoud Khalil – một cựu sinh viên Đại học Columbia và thường trú nhân hợp pháp – người từng tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Gaza. Hồi tháng 3, anh bị lực lượng di trú bắt với cáo buộc có hoạt động “ủng hộ khủng bố” và bài Do Thái. Hiện anh được tại ngoại chờ xét xử yêu cầu trục xuất.
Nguyên đơn cáo buộc chính sách “ý thức hệ” của chính phủ đang “khủng bố” sinh viên và giảng viên chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Chính phủ phản bác rằng không có chính sách cụ thể nào nhắm đến người hoạt động chính trị, và rằng tòa án không có thẩm quyền xét xử các hành động cưỡng chế về nhập cư. Cốt lõi của vụ kiện nằm ở chỗ tòa án có coi đây là một vấn đề nhập cư thông thường – hay một cuộc tấn công vào tự do ngôn luận.
Cuộc cạnh tranh toàn cầu về khai thác đáy biển sâu
Hội đồng Cơ quan Đáy biển Quốc tế (ISA) sẽ bắt đầu phiên họp tại Kingston, Jamaica, vào thứ Hai, trước thềm đại hội đầy đủ của 169 quốc gia thành viên và EU diễn ra vào cuối tháng. Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ISA là việc ban hành một bộ quy tắc cho hoạt động khai thác khoáng sản dưới đáy đại dương – một nỗ lực không thành suốt nhiều năm qua. Ít nhất 37 quốc gia đang ủng hộ một lệnh tạm hoãn, do lo ngại ảnh hưởng của khai thác đối với các hệ sinh thái biển sâu vốn chưa được hiểu rõ.
Song hồi tháng 4, Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ đơn phương hành động, cấp phép không chỉ cho vùng biển thuộc chủ quyền Mỹ mà còn cho cả các khu vực vượt ngoài thẩm quyền quốc gia.
Động thái này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế – bởi đáy biển ngoài phạm vi quốc gia được coi là “di sản chung của nhân loại.” Việc Mỹ đơn phương cấp phép đã khiến các cuộc thảo luận tại Kingston trở nên cấp bách hơn, dù vẫn còn nhiều điểm bất đồng lớn. Một trong số đó là thống nhất một bộ quy tắc và quy định cụ thể cho việc khai thác biển sâu. Một vấn đề khác là làm sao để chia sẻ công bằng lợi ích thu được từ khai thác. Một đề xuất đang được xem xét là thành lập “quỹ di sản chung,” nhưng nhiều chi tiết của kế hoạch này vẫn chưa được thống nhất.
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế