Chuyện Việt Nam Thứ hai 22/5/2023: *Cắt điện nhiều nơi tại Hà Nội *Mỹ mất nhiều thời giờ với VN, PM Chính gặp Zelensky *TG kêu gọi bảo vệ tị nạn Việt tại Thái *Sinh viên Mỹ du học tại VN? *Hơn 4.400 công nhân Pouyen chấm dứt hợp đồng lao động


Quê Hương tổng hợp


Nhiều nơi của Hà Nội bị cắt điện liên tục trong ngày 22/5 và 23/5

EVN đã tăng giá điện lên hơn 1.920 đồng một kWh từ hôm 4/5. (Ảnh: moit.gov.vn) 

Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết ngày 22/5 và 23/5 sẽ có nhiều khu vực bị cắt điện, có nơi đã bị cắt từ 1h sáng đến 10h cùng ngày, có nơi sẽ cắt điện liên tục 2 ngày.

EVN Hà Nội vừa cho biết đã phê duyệt lịch cắt điện tại nhiều khu vực ở các quận, huyện như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Đông Anh,…

Tại Quận Hai Bà Trưng, toàn trạm Tuệ Tĩnh 2 sẽ cắt điện từ 1h-10h ngày 21/5, toàn trạm Ô Đống Mác 6 sẽ cắt điện từ 1h-10h ngày 22/5.

Ở Quận Đống Đa, khu vực cắt điện gồm các ngõ 56 và 84 Trần Quang Diệu, ngõ 95 và ngõ 113 Hoàng Cầu từ 8h30 – 12h30 ngày 22-5. Trong khi đó, chung cư A4, A5 An Bình City sẽ bị tạm ngưng cấp điện từ 13h45 – 16h30.

Trong khi đó, một phần khu đô thị Mỹ Đình 2 tạm mất điện từ 4h – 10h ngày 22/5. Khu đô thị Xuân Phương hoãn cắt điện đợt này.

Ngày 23/5, chung cư A8 An Bình City có lịch cắt điện từ 8h30 – 11h30. Còn khu vực chợ đầu mối Minh Khai dự báo ảnh hưởng bởi cắt điện từ 14h – 17h chiều 22/5.

Sang đến ngày 24/5, hàng loạt địa điểm do Công ty Điện lực Hoàn Kiếm quản lý bị cắt điện từ 4h – 10h.

Cụ thể, phố Lê Duẩn có các hộ từ các số 18 – 106, 5 – 37 và 118 – 120. Ngõ 29 phố Nguyễn Thái Học và nhiều hộ dân từ số 2 – 8 và 3 – 9 ở phố Nguyễn Khuyến bị ảnh hưởng.

Trước đó, trong ngày chủ nhật (ngày 21/5), nhiều địa điểm tại quận Bắc Từ Liêm bị cắt điện. Một phần các phường Xuân Tảo, Đức Thắng, khu dự án nhà ở Cầu Diễn ngõ 332 đường Hoàng Công Chất và tổ dân phố Đức Diễn 2, phường Phúc Diễn bị tạm ngưng cấp điện từ 8h – 17h.

Các trung tâm chăm sóc khách hàng của 5 tổng công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết có dịch vụ tra cứu thông tin trên website. Theo đó, người dân có thể theo dõi thời gian, trạng thái và khu vực cắt điện cụ thể dựa trên tỉnh/thành phố hoặc mã khách hàng (nếu có).

Tại Hà Nội: Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI)

Tại TP.HCM: Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC). Người dùng cần đăng nhập tài khoản liên kết với mã khách hàng để tra cứu thông tin.

Khu vực miền Bắc (không tính Hà Nội): Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC).

Khu vực miền Nam (không tính TP.HCM): Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC).

Khu vực miền Trung: Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC). Người dùng cũng cần đăng nhập tài khoản liên kết với mã khách hàng.

Tuấn Minh 


Có thể Mỹ đã ý thức rằng, họ mất quá nhiều thời giờ với Việt Nam

Trương Nhân Tuấn

21/5/2023

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bắt tay ông Zelensky tại Hội nghị G7 diễn ra hôm 21.5.2023 tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: TTXVN 

Thượng đỉnh G7 (bảy đại cường quốc dân chủ phồn thịnh nhứt thế giới gồm Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Pháp, Ý, Canada) năm nay hiện đang được tổ chức tại Hiroshima, Nhựt. Việt Nam được mời, cùng như các quốc gia Brazil, Úc, Nam Hàn, Comoros, đảo quốc Cook, Ấn Độ và Nam Dương, với tư cách “khách tham quan”. Tổng thống Ukraine Zelensky cũng được mời tham gia như một khách danh dự.

Bản Thông cáo chung ngày 20-5 cho biết, các quốc gia G7 “đoàn kết hơn bao giờ hết, với quyết tâm đối phó trước những thách thức toàn cầu” đồng thời “vạch ra một lộ trình cho tương lai tốt đẹp hơn”. Việc làm của G7 “bắt rễ từ sự tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và quan hệ đối tác quốc tế”.

Về những biện pháp cụ thể mà G7 đã và đang thực hiện, qua bản Thông cáo, trọng tâm của “các thách thức toàn cầu” là “chiến tranh Ukraine”.

G7 lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga: “Một lần nữa chúng tôi cực lực lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống Ukraine. Hành vi này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp quốc”.

G7 cho rằng, “cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Nga là mối đe dọa đối với toàn thế giới, là vi phạm các chuẩn mực, quy tắc và nguyên tắc cơ bản của cộng đồng quốc tế”.

Đồng thời G7 “tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc” và lâu dài cho Ukraine “cho đến khi điều này còn cần thiết để thiết lập lại một nền hòa bình toàn diện, hợp lý và bền vững”. G7 cũng cam kết, “tăng cường hỗ trợ ngoại giao, tài chính, nhân đạo và quân sự cho Ukraine”, với mục đích “làm gia tăng chi phí cho Nga và các bên ủng hộ cuộc chiến này”.

Trên thực tế ta thấy, Ukraine vừa qua đã nhận được thêm nhiều vũ khí tối tân của G7, như chiến xa hạng nặng, hỏa tiễn tầm trung (ngoài 300km). Tổng thống Zelensky từ nay có thể “mượn” phi cơ của Tổng thống Pháp để làm phương tiện công du. Ngoài ra Tổng thống Biden cũng “bật đèn xanh” cho phép các quốc gia viện trợ chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. “Lằn ranh đỏ” ngày một đẩy ra xa hơn.

Mục tiêu song song của G7, ngoài chiến tranh Ukraine, là Trung Quốc.

Ta thấy nội dung bản Thông cáo có khoản đề cập đích danh Trung Quốc, hoặc nói về các vấn đề liên quan, hay có ám chỉ đến Trung Quốc.

Việc tìm sự ủng hộ của các quốc gia về “khu vực Ấn Độ – Thái Bình dương tự do và rộng mở” cũng như việc “phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc bằng sự áp chế” hiển nhiên ám chỉ đến Trung Quốc.

Các hành vi của Trung Quốc như cản trở eo biển Đài Loan, đe dọa “thống nhứt Đài Loan bằng vũ lực”, hay các việc đơn phương áp đặt lịnh cấm biển ở Biển Đông, để tập trận hay bảo vệ tài nguyên cá, hay các hành vi cho tàu hải giám quấy nhiễu vùng biển của Phi, của Việt Nam… hiển nhiên Trung Quốc muốn “thay đổi hiện trạng” bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực và áp chế.

Về khu vực Ấn Độ – Thái Bình dương, G7 nhấn mạnh tầm quan trọng “của một khu vực Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do và rộng mở, bao trùm, thịnh vượng, an toàn, dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật và bảo vệ các nguyên tắc chung bao gồm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các quyền tự do cơ bản và quyền con người”.

Về Biển Đông và Biển Hoa Đông, G7 biểu lộ sự “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở hai khu vực này. G7 “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”.

Về vấn đề Đài Loan, ý kiến của G7: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Đây là điều không thể thiếu cho an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế. Không có sự thay đổi nào về lập trường cơ bản của các thành viên G7 về vấn đề Đài Loan, bao gồm cả các chính sách một Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề giữa hai bên bờ eo biển”.

G7 cũng tuyên bố những điều ủng hộ cho Việt Nam, như về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: “Không có cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách quá lố về biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực. Chúng tôi nhấn mạnh tính phổ cập và thống nhứt của UNCLOS và tái khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS trong việc đặt ra khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Chúng tôi xin nhắc lại rằng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12 tháng 7 năm 2016 là một cột mốc quan trọng, có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tham gia tố tụng đó và là cơ sở hữu ích để giải quyết tranh chấp giữa các bên một cách hòa bình”.

Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam có khai thác được nhũng gì ở các tuyên bố lập trường của các đại cường G7? Thông qua việc này, Việt Nam có biện pháp nào để bảo vệ hữu hiệu quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông trước sự lấn lướt của Trung Quốc?

Ngoài ra G7 còn “chọc nhột” Trung Quốc ở các vấn đề nhân quyền, đặc biệt ở Tây Tạng và Tân Cương.

Vì vậy, vừa sau khi bản Thông cáo được công bố, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gởi công hàm phản đối Nhật, (quốc gia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7) đồng thời lên tiếng kịch liệt phản đối G7, cho rằng 7 đại cường dân chủ đã sử dụng những vấn đề của Trung Quốc để tấn công và “làm mất uy tín” Trung Quốc.

Dĩ nhiên ở một số vấn đề về dân chủ, về nhân quyền, về nguyên tắc “thượng tôn pháp luật – rule of law”… G7 cũng ám chỉ đến tình trạng tệ hại ở Việt Nam, về mọi mặt.

Một số tấm hình chụp thủ tướng Việt Nam bắt tay với Tổng thống Biden. Theo nhận xét cá nhân, có thể Nhật muốn lôi kéo Việt Nam để nước này không quá ngả về phía Trung Quốc. Nhưng đối với Mỹ, thái độ “cầu tài” thể hiện qua gương mặt của thủ tướng Việt Nam sẽ “không ăn thua”. Việt Nam đã bỏ qua nhiều dịp để “thân thiết hơn” với Mỹ.

Có thể Mỹ đã ý thức rằng, họ đã mất quá nhiều thời giờ với Việt Nam. Vấn đề là, từ nay Mỹ sẽ giữ khoảng cách nào với Việt Nam?


Các tổ chức quốc tế kêu gọi bảo vệ người tị nạn Việt Nam trên đất Thái Lan

22/5/2023 

Hình: Bài trên VOA 

Theo tin từ VOA đăng ngày 19/5, 22 tổ chức quốc tế đã gửi thư kêu gọi Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, ông Filippo Grandi, để bảo vệ người tị nạn Việt Nam và những người xin tị nạn trên đất Thái Lan, khỏi bị bắt cóc và trả lại quê hương. Đây là phản ứng của các tổ chức quốc tế đối với việc mất tích của ông Đường Văn Thái, một người Việt đang sinh sống và làm việc trên đất Thái Lan.

Trong bức thư của các tổ chức quốc tế, họ lo ngại về sự an toàn của người tị nạn Việt Nam và người xin tị nạn khác trên đất Thái Lan, bởi có nguy cơ bị bắt cóc và đưa về Việt Nam. Theo các tổ chức, việc bắt cóc và giam giữ tùy tiện là một sự vi phạm rõ ràng đối với luật tị nạn quốc tế và luật nhân quyền.

Các tổ chức nhấn mạnh rằng, các hành động đàn áp xuyên quốc gia này làm tắt đi tiếng nói bất đồng chính kiến và đe dọa quyền tự do biểu đạt. Họ kêu gọi Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tị nạn Việt Nam và những người xin tị nạn khỏi bị bắt cóc đưa về nước.

Ngoài ra, các tổ chức này còn đề xuất rằng, cơ quan Liên Hiệp Quốc cần đánh giá rủi ro để đối phó với các cá nhân đang xin tị nạn và thực hiện các biện pháp bảo vệ hiệu quả. Họ còn kêu gọi, các cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục tái định cư ở các nước thứ ba, để tránh nguy cơ bị buộc phải trở về Việt Nam.

Các sự kiện và hành động của các tổ chức quốc tế này đòi hỏi sự quan tâm và phản ứng của cộng đồng quốc tế, để bảo vệ những người tị nạn và người xin tị nạn trên đất Thái Lan. Sự giữ gìn và đảm bảo quyền lợi của họ trên đất nước khác là một cách giúp những người tị nạn cảm thấy an toàn và có cơ hội tạo ra một cuộc sống mới.

Ngày 13/4, blogger Đường Văn Thái – một người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan – đã mất tích và bị cho là bị bắt cóc. Đây là trường hợp mất tích thứ hai của người tị nạn Việt Nam, được biết đến có liên quan tới các đặc vụ Việt Nam trong việc bắt cóc và đưa về Việt Nam để xử phạt, vì các thông tin mà họ đưa ra.

Vào tháng 1/2019, nhà báo Trương Duy Nhất cũng đột ngột mất tích khi đang xin tị nạn ở Thái Lan. Ông được cho là đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc đưa về nước, sau khi báo chí đưa tin ông xuất hiện tại Việt Nam. Ông bị kết án 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Blogger Đường Văn Thái trốn sang Thái Lan vào năm 2018 và đã được cấp quy chế tị nạn. Trước khi mất tích, ông Thái đã được phỏng vấn và cho phép sang một nước thứ ba theo chương trình tái định cư cho người tị nạn của Liên Hiệp Quốc.

Chính quyền Việt Nam hiện chưa đưa ra thông tin gì về tình trạng của ông Thái, ngoài bản tin duy nhất được đăng hàng loạt trên báo chí chính thống ngay sau ngày ông Thái mất tích. Theo đó, Công an Hà Tĩnh vào ngày 14/4 phát hiện một đối tượng “không có giấy tờ tuỳ thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1” “đối tượng khai nhận tên Đường Văn Thái”.

Theo các tổ chức nhân quyền, việc bắt cóc và đưa trở lại Việt Nam đối với những người xin tị nạn là vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Họ cũng chỉ ra rằng, chính quyền Việt Nam đã sử dụng các cơ quan an ninh để đàn áp người dân và giới trí thức, bao gồm cả những người đang tìm kiếm sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, việc bắt cóc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Thái Lan, một quốc gia được công nhận là đất nước đang trên đường đi đến chế độ dân chủ. Các tổ chức quốc tế đã kêu gọi Chính phủ Thái Lan đảm bảo an toàn cho người tị nạn và tôn trọng quyền của họ.

Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)


Đại học Việt Nam tìm cách thu hút sinh viên Mỹ sang du học, liệu có khả thi? 

22/5/2023 

Khánh An-VOA 

Một số trường đại học Việt Nam gần đây tìm cách thu hút sinh viên Mỹ sang du học trong một nỗ lực nhằm nâng cao vị thế của các cơ sở đào tạo đại học trong nước. 

Trước thực tế sinh viên Việt Nam đổ sang du học Mỹ ngày càng đông trong khi số sinh viên Mỹ đến Việt Nam du học chỉ là một con số rất nhỏ, một số trường đại học Việt Nam gần đây đang tìm cách thu hút sinh viên Mỹ sang du học trong một nỗ lực nhằm nâng cao vị thế của các cơ sở đào tạo đại học trong nước. Tuy nhiên, một số nhà giáo dục dày dạn kinh nghiệm nói với VOA rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức, nếu không muốn nói là khó khả thi giữa bối cảnh nền giáo dục Việt Nam còn quá nhiều điều bất cập.

Tại một cuộc hội thảo do Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức gần đây với sự tham dự của hơn 30 tổ chức giáo dục đại học của Việt Nam, một số cử tọa thảo luận về xu hướng của các chương trình giáo dục nước ngoài tại các cơ sở đào tạo đại học Mỹ, trong đó bao gồm các biện pháp nhằm thu hút sinh viên Mỹ đến các nước đang phát triển như Việt Nam để du học.

“Các đối tác trong ngành giáo dục ở Việt Nam chia sẻ với chúng tôi về nhu cầu mở rộng các chương trình tiếng Anh và quốc tế hóa cơ sở đào tạo. Chúng tôi ghi nhận và đó là lý do chúng tôi tổ chức chương trình này, Thanh Niên dẫn lời quyền Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, ông Graham Harlow, cho biết.

Theo báo cáo thường niên Open Doors năm 2022 về trao đổi giáo dục quốc tế của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) của Mỹ, trước dịch COVID-19, số sinh viên Mỹ theo học các chương trình tại nước ngoài là hơn 347.000 sinh viên. Do ảnh hưởng của đại dịch, số lượng này giảm còn hơn 14.500 sinh viên trong năm học 2020-2021. 

Trong số này, tỷ lệ sinh viên Mỹ sang học tập tại Việt Nam là 922 sinh viên trong năm 2014-2015 và tăng lên 1.235 sinh viên vào năm 2018-2019.

Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về số lượng học sinh sang Mỹ du học. Cụ thể, có 21,631 sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học năm 2020-2021 và 20,713 học sinh trong năm 2021-2022.

Những con số biết nói cho thấy khoảng cách khổng lồ trong lĩnh vực trao đổi, hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ.

“Theo chỗ tôi biết, một số học sinh viên của Mỹ sang Việt Nam học thì cũng chưa có chủ đề nào rất hấp dẫn, không có gì đáng nói. Có lẽ họ sang họ học về văn hoá Việt, tiếng Việt, cùng lắm là lịch sử Việt”, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà giáo dục nổi tiếng từ Bỉ đã trở về đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam suốt 20 năm qua, nói với VOA.

Giáo sư Charles Cường Nguyễn, Trưởng Khoa Kỹ thuật trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ, người đã thiết lập các chương trình đào tạo 2+2 cho phép sinh viên Việt Nam sau khi hoàn thành 2 năm đầu tại một trường đại học uy tín trong nước sẽ được sang học tiếp 2 năm cuối tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ và nhận bằng kỹ sư của trường này, cũng thừa nhận nhu cầu của sinh viên Mỹ về Việt Nam học không cao.

“Tôi đi dạy 42 năm ở Đại học Công giáo Hoa Kỳ thì chúng tôi cũng có khuyến khích, cũng mở những chương trình chuyển giao giữa hai bên Mỹ và Hong Kong. Nhưng đến khi khuyến khích các sinh viên Mỹ đi những nước mà không nổi tiếng lắm, như Việt Nam, không ai biết nhiều, thì họ rất là lo lắng về vấn đề như an ninh hay chỗ ăn, chỗ ở…”, GS. Cường nói với VOA.

“Cuộc sống ở Việt Nam tuy là giá sinh hoạt rẻ nhưng mà không đảm bảo an toàn lắm, thí dụ như an toàn thực phẩm, an toàn đi lại, an toàn về pháp luật… Đó là những lý do mà những người nước ngoài không có đông đảo người đi về sống tại Việt Nam hay tìm cách học hỏi tại Việt Nam. Tôi nghĩ môi tường Việt Nam chưa đủ hấp dẫn cho sinh viên quốc tế”, GS. Nguyễn Đăng Hưng nhận xét.

Theo ông, có nhiều yếu tố khiến cho môi trường học tại Việt Nam “chưa đủ hấp dẫn” đối với sinh viên quốc tế, nhưng yếu tố quan trọng nhất là chất lượng giáo dục. Nhận xét về “đẳng cấp” của giáo dục Việt Nam so với mặt bằng trong khu vực và quốc tế, GS. Nguyễn Đăng Hưng nói ngay “Khá bi đát!” mặc dù Việt Nam hiện nay không thiếu các “trường quốc tế” với nhiều hình thức khác nhau.

“Có nghĩa là giáo dục của Việt Nam vẫn giữ nguyên xi cái phương hướng mà tôi cho là sai lạc. Nó làm cho tinh thần hội nhập quốc tế khó mà có thể phát triển được. Bởi vì giáo dục Việt Nam nó là giáo dục một chiều. Giáo dục trên tinh thần lẫn lộn giữa tuyên truyền và giáo dục”, GS. Nguyễn Đăng Hưng giải thích thêm.

GS. Charles Cường Nguyễn cũng cho biết các sinh viên của Mỹ, mặc dù chỉ sang Việt Nam để lấy các lớp học ngắn hạn, cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng của các chương trình giảng dạy tại các trường ở Việt Nam không có liên kết hay phối hợp với các đại học ở Hoa Kỳ.

“Nếu về Việt Nam lấy một cái bằng ở Việt Nam, tôi thấy là sinh viên Mỹ họ không có thích. Tại vì cái bằng ở Việt Nam, nếu trên thế giới thì hiện tại không có bằng cái bằng ở Mỹ. Thường khi đi du học, tôi nghĩ (sinh viên Mỹ) chỉ du học ngắn hạn và lấy vài lớp để biết về văn hóa và có cơ hội để đi du lịch ở Việt Nam. Chứ còn nếu nghĩ rằng sinh viên Mỹ về Việt Nam để lấy bằng ở Việt Nam thì chuyện đó sẽ hơi khó khăn”, GS. Cường cho biết thêm.

Để thu hút sinh viên Mỹ về học một số lớp tại Việt Nam, GS. Charles Cường Nguyễn khuyến nghị các trường đại học tại Việt Nam nên tìm kiếm sự hợp tác với các trường nổi tiếng ở Mỹ để các trường này khuyến khích sinh viên của họ về lấy một số lớp học tại Việt Nam vì “điều này rất có lợi cho sinh viên tại Việt Nam”.

Theo báo cáo của IIE, những quốc gia hàng đầu mà sinh viên Mỹ chọn sang du học là Ý, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hàn Quốc, với các ngành học phổ biến như kinh doanh và quản trị, khoa học nhân văn, khoa học đời sống, kỹ thuật, ngoại ngữ và nghiên cứu quốc tế, mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng, y tế, truyền thông báo chí.

Bà Mandy Brookins, Giám đốc các Chương trình và Đào tạo của Diễn đàn về Giáo dục Nước ngoài (Forum on Education Abroad), nói với tờ Zing của Việt Nam rằng mặc dù thực tế sinh viên Mỹ vẫn ưu tiên du học tại các nước châu Âu, nhưng châu Á cũng đang được coi là điểm đến tiềm năng và trên đà phát triển, với các cơ hội về tăng trưởng kinh tế.

Bà đề nghị các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam nên thiết kế các khóa thực tập hay khóa học phù hợp với kế hoạch học tập của sinh viên Mỹ, và giới hữu trách Việt Nam nên đơn giản hóa quy trình nhập cư và hỗ trợ thông tin cụ thể cho sinh viên về thủ tục xin thị thực.

Trong mục tiêu giáo dục giai đoạn 2022-2030, Việt Nam đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Trong đó, các lưu học sinh nước ngoài được xem là các “đại sứ văn hoá, cầu nối tình hữu nghị” giữa Việt Nam và quốc tế, theo lời Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc.

https://www.voatiengviet.com/a/7103378.html

Hơn 4.400 công nhân Pouyen đồng ý về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với hãng này

RFA

21/5/2023

Công nhân Pouyen sau khi họp trong ngày 20/5/2023 về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTTXVN 

Hơn 4.400 công nhân Pouyen Việt Nam vào ngày 20/5 đồng ý về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với hãng sản xuất này.

Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày dẫn lời Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Lâm, như vừa nêu.

Theo đó vào ngày 20/5 và 3/6, Pouyen tổ chức hai cuộc gặp với 5.744 công nhân phải chấm dứt hợp đồng lao động do tình trạng khó khăn về đơn hàng. Đợt 1 với 4.430 công nhân đã diễn ra và số này đồng ý với đề xuất hỗ trợ từ phía Pouyen. Cụ thể người lao động phải chấm dứt HĐLĐ cứ mỗi năm làm việc 0,8 tháng tiền lương cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại công ty, bao gồm cả những năm đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2009 đến nay.

Thống kê cho thấy những lao động bị chấm dứt HĐLĐ có độ tuổi từ 21 – 30 tuổi, chiếm 6,8%; từ 30 – 40 tuổi chiếm 39,6%; trên 40 tuổi chiếm 53,6%. Thâm niên công tác dưới 5 năm chiếm 4,1%; từ 5-10 năm 12,7%; từ 10-15 năm 44,1%; từ 15-20 năm 24,2%; trên 20 năm 14,9%.

Sau khi họp với công nhân, vào tháng 6 và tháng 7 tới đây, thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được hoàn tất.

Thông tin về việc Công ty TNHH Pouyen cho nghỉ việc hàng loạt vì thiếu đơn hàng phát xuất từ năm 2020 khi đại dịch COVID bùng nổ và các đơn hàng xuất khẩu giảm nhanh chóng. Trong năm 2020, Pou Yuen Việt Nam đã phải cho nghỉ việc 2.800 lao động.

Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen của Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất giày, là công ty đông lao động nhất ở TP HCM với khoảng hơn 50.000 người. Công ty Pouyen Việt Nam chuyên may gia công giày cho các hãng lớn như Nike, Adidas và Reebok

Comments are closed.