Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 16/12/2022: Nạn nhân của ngân hàng SCB – 59% công nhân không có tiền dự trữ – VinFast VF8 chưa sẵn sàng ở Mỹ – 82 tuổi tự thiêu trước tòa án vì uất ức


Quê Hương tổng hợp


Vụ Ngân hàng SCB, có ai nghĩ tới các nạn nhân? – 15/12/2022

Nguyễn Lễ 

Gửi BBC News Tiếng Việt từ Washington DC, Hoa Kỳ 

Ngân hàng SCB

Vụ trái phiếu SCB vẫn đang gây ra phẫn uất trong người dân ở Việt Nam. Nếu tôi nói ‘trái phiếu SCB’ mà bạn bảo nghe có gì đó sai sai thì tôi xin khẳng định: Đúng là tôi nói về trái phiếu SCB. 

Không phải mình tôi nói đâu. Thử hỏi những người đã mua trái phiếu ở SCB, có ai gọi ‘trái phiếu An Đông’ không? Có ai đến công ty An Đông đòi tiền không? Và họ cũng không lầm đâu. 

Đơn giản là vì vào cái ngày họ đi ‘mua trái phiếu’, họ không đi đến công ty An Đông, mà họ cũng không biết có Công ty đầu tư An Đông gì đó. Họ cũng không tìm đến Công ty Chứng khoán Tân Việt, bởi nhiều người trong số họ có biết chứng khoán, trái phiếu là gì đâu? 

Họ tìm đến SCB. Họ đến ngân hàng là để gửi tiết kiệm. Họ không tìm đến ngân hàng để mua trái phiếu. Làm sao họ biết ngân hàng có bán trái phiếu mà mua? 

Họ đến SCB gửi tiết kiệm, nhưng ra về lại là mua trái phiếu. Họ mua trái phiếu ở trong nhà SCB, mua từ người SCB, đưa tiền cho SCB và được SCB giới thiệu trái phiếu như là một gói sản phẩm của SCB có tên ‘tiết kiệm linh hoạt’. Từ đầu đến cuối họ chỉ biết SCB chứ có biết An Đông gì đâu? 

Vậy mà đùng một cái xảy ra chuyện thì SCB bán cái qua An Đông, còn bản thân SCB phủi tay, nói họ chỉ là môi giới bán giùm. Có chuyện gì thì quý vị cứ kiếm An Đông mà hỏi. 

Đầu tư trở thành nạn nhân

Câu chuyện tôi muốn nói là về ‘các nạn nhân đáng thương’ dù chắc nhiều người không đồng ý. 

Họ là nhà đầu tư. Họ có bạc tỷ mua trái phiếu thì họ giàu có chứ nghèo khổ gì?Họ hám lợi tham lời thì họ chịu. Hơn nữa, khi lời thì họ hưởng, giờ ‘sụp hầm’ thì chịu chứ kêu ai? 

Hãy nhìn những người dân khắp cả nước xuống đường, trương biểu ngữ đòi tiền, kêu cứu hay đến các chi nhánh SCB ăn dầm nằm dề, ròng rã từ tuần này sang tuần khác. Họ còn công ăn chuyện làm phải lo, còn gia đình, còn người thân phải chăm sócnữa. Điều gì khiến họ phải khổ sở như vậy? 

Nếu quả thực họ là nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu thì họ có uất ức vậy không? Nếu là nhà đầu tư thì họ biết lỗ lã là chuyện bình thường, đầu tư sai thì họ chịu. Đằng này, họ không biết gì về trái phiếu bỗng dưng thành nạn nhân trái phiếu. Họ là nhà đầu tư từ trên trời rơi xuống. 

Đúng là họ có tiền để mua trái phiếu thì họ không nghèo. Nhưng họ cũng không giàu. Bao nhiêu người giàu đem tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn để ăn lời vài phần trăm? Nếu họ giàu sụ thì họ có so đo thêm 1% lãi suất không? 

Đó là đồng tiền họ cực khổ làm ra, họ dành dụm, chắt bóp nên họ muốn gửi tiết kiệm ở ngân hàng cho an toàn, và đương nhiên khi gửi thì chọn chỗ có lời nhỉnh hơn, dù chỉ 1%, mà gửi vào để mong thêm được đồng nào hay đồng nấy để cuộc sống thoải mái hơn một chút. Nói họ tham cũng không thỏa đáng. Tham chi chỉ thêm có 1% tiền lời? Nói công bằng, họ là nạn nhân của sự lừa đảo chứ không phải thủ phạm của lòng tham. 

Tôi nghe gia đình bạn bè từ Sài Gòn kể về cảnh những người bỏ tiền vào An Đông-SCB giờ đây bao nhiêu tiền bạc, của cải bỗng chốc mất hết khi Tết nhất gần kề. 

Tôi có nghe nhiều hoàn cảnh của các nạn nhân. Đó có thể là số tiền họ dành dụm dành cho những lúc ngặt. Giờ rủi trong nhà có người bệnh nặng hoặc có việc cần kíp thì lấy tiền đâu trang trải? 

Đó là chưa kể gia đình lục đục, bất hòa, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em chì chiết, cắn đắng nhau hay thậm chí từ mặt nhau vì đó là số tiền sống còn của gia đình “bay hơi” nên nhà lâm vào cảnh lao đao khốn đốn. 

Hậu quả to lớn vì niềm tin tan vỡ 

Nhìn rộng ra, vụ trái phiếu SCB đổ bể vào lúc tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đang manh nha những mầm mống khủng hoảng, nếu không xử lý thỏa đáng thì nó sẽ bồi thêm một cú vào nền kinh tế đang ốm yếu và thổi bùng ngọn lửa bất ổn xã hội. 

Nhà máy thiếu đơn hàng, công nhân thất nghiệp tràn lan, bất động sản kiệt quệ vì kẹt vốn, nợ trái phiếu của các doanh nghiệp dồn cục. Nếu cộng thêm nguồn vốn huy động trong dân bế tắcthì kinh tế Việt Nam sốc toàn tập. 

Ngân hàng là định chế được xây dựng trên lòng tin. Nếu lòng tin không còn thì ngân hàng sập. 

Một người làm sai, cả hệ thống bị vạ lây. Giờ nghe đến trái phiếu doanh nghiệp ai mà không sợ. Không chỉ trái phiếu mà tiền bạc trong nhà người dân cũng cân nhắc có nên đưa vào ngân hàng hay không. 

Tác hại không chỉ về kinh tế. Nạn nhân chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu, thành phần xã hội nền tảng. Lâu nay họ vẫn sống yên lành, chí thú làm ăn, tích cóp tiền của bỗng đùng một cái họ thấy mình là nạn nhân của xã hội. Mà đâu phải họ bị lừa bởi kẻ xấu nào đấy. Họ bị lừa đảo bởi một định chế thuộc sự quản lý của Nhà nước. Như vậy họ còn tin vào xã hội nữa không? 

Nạn nhân SCB không phải là các nhà đầu tư chuyện nghiệp như trong vụ Tân Hoàng Minh, không co cụm một chỗ như trong vụThủ Thiêm, không tập trung vào một ngành nghề như vụ xả thải Formosa, họ trải khắp cả nước, khắp các ngành nghề, các tầng lớp xã hội. Hơn 40.000 người cộng thêm gia đình, người phụ thuộc của họ thì con số nạn nhân thực sự sẽ lên đến bao nhiêu? 

Vai trò Nhà nước ở đâu? 

Có lập luận rằng đây là chuyện giữa SCB và người dân, có liên quan gì mà lôi Nhà nước vào? Vụ SCB hẳn cơ quan quản lý không thể không biết. Nếu không biết thì quản lý kiểu gì? Còn đã biết nó sai thì sao không chặn ngay từ đầu mà để cho bung bét ra thế này? 

Trong một buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ giữa tháng trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nói ‘cần xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế để quản lý chặt chẽ hơn’ trái phiếu doanh nghiệp. Có thể hiểu quản lý Nhà nước này có lỗ hổng, và có người đã lợi dụng lỗ hổng đó. Đành rằng Nhà nước không thể ba đầu sáu tay và có những việc đến chừng xảy ra mới biết mà sửa. Nhưng người dân có tội tình gì mà phải gánh chịu hậu quả của lỗ hổng đó vốn không phải lỗi của họ? 

Tại sao một doanh nghiệp như An Đông lại được phát hành trái phiếu ra công chúng? Tại sao SCB chào bán trái phiếu rác? Tại sao SCB bán trái phiếu cho những người không biết gì về trái phiếu? Và SCB tự tin là họ không làm gì sai pháp luật. Có thể hiểu là một thời gian dài thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thả lỏng cốt là để các doanh nghiệp huy động vốn trong dân, và mới đây, khi thị trường gặp khó, Bộ Tài chính lại đề xuất hoãn áp dụng các quy định về điều kiện nhà đầu tư hay đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp. 

Phải chi Nghị định 65 siết chặt các điều kiện mua bán trái phiếu và quy định chặt chẽ trách nhiệm của nhà phân phối trái phiếu được ban hành sớm hơn thì đâu có mấy chục ngàn người trở thành nạn nhân trái phiếu SCB như vậy. 

Trong phiên họp chính phủ hồi cuối tháng 11, ông Chính khẳng định rằng “trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chính phủ sẽ đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan”. 

Hy vọng ông Chính nói được làm được vì đó cũng chính là điều mà các nạn nhân trái phiếu SCB mong mỏi nhất hiện nay. 

Nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn ca ngợi tính ưu việt của chế độ là biết lo cho dân nghèo. Nhưng một xã hội sẽ ưu việt hơn nếu không chỉ cứ bỏ tiền lo cho dân nghèo mà còn phải bảo vệ được đồng tiền mồ hôi nước mắt do người dân lao độnglàm ra, để họ yên tâm làm ăn sinh sống. 

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cl4gxdmzgp8o


Khảo sát cuối năm của công đoàn cho kết quả gần 59% công nhân không có khoản tích lũy và thu nhập giảm còn 5,9 thay vì 6,7 triệu đồng/tháng như thống kê quý III.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) công bố khảo sát đời sống công nhân trong bối cảnh doanh nghiệp bị mất đơn hàng tại tọa đàm chiều 8/12. Ảnh: Gia Đoàn

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) công bố khảo sát đời sống công nhân trong bối cảnh doanh nghiệp bị mất đơn hàng tại tọa đàm chiều 8/12. Ảnh: Gia Đoàn 

Tam giác công nghiệp Bình Dương – Đồng Nai – TP HCM là nơi có nhiều lao động chịu ảnh hưởng nhất. Ông Đặng Tiến Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương có 240.000 người giảm giờ làm và 30.000 lao động đang tạm hoãn hợp đồng. Từ đầu năm đến nay hơn 140.000 người làm hồ sơ lĩnh trợ cấp thất nghiệp.
…Lao động thâm niên, có tay nghề, đang hưởng lương 7- 8 triệu đồng. Nếu chấm dứt hẳn hợp đồng và tìm việc khác thì thu nhập lại như lao động mới vào nghề, chỉ 3-4 triệu đồng.
VNExpress 9-12-2022 

Khảo sát cuối năm của công đoàn cho kết quả gần 59% công nhân không có khoản tích lũy và thu nhập giảm còn 5,9 thay vì 6,7 triệu đồng/tháng như thống kê quý III.

Tại tọa đàm thực trạng lao động khi doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng chiều 8/12, Viện trưởng Công nhân Công đoàn Vũ Minh Tiến cho biết khảo sát thực hiện trong tháng 11 với trên 6.200 công nhân ở trên cả ba miền còn cho kết quả nếu mất việc thì 11,7% có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được 1-3 tháng và 12,7% được trên ba tháng.

38% công nhân tham gia khảo sát cho biết đang nợ nần và 14% trong số đó khó trả nợ đúng hạn, dễ sa vào tín dụng đen.

Thời gian làm việc bình thường của công nhân giảm còn 7,25 tiếng mỗi ngày thay vì 8 tiếng như quy định và không có tăng ca. Thu nhập từ đó giảm xuống 5,9 thay vì 6,7 triệu đồng trong quý III như Tổng cục Thống kê công bố.

Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu mỗi tháng, nhưng mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng. Thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu nên 18% công nhân được khảo sát nói rằng từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần nếu mất việc.

“Nhiều công nhân đã trả phòng về quê. Tết năm nay đến sớm, thời gian nghỉ với họ dài hơn mọi năm nhưng lại không vui vẻ gì”, ông Tiến nói, dẫn thống kê hiện tại hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao. Bình quân mỗi gia đình 2-3 người, nhân lên hơn 100.000 người chịu ảnh hưởng. Trong số đó có hàng chục nghìn lao động nữ đang mang bầu, nuôi con nhỏ.

Tam giác công nghiệp Bình Dương – Đồng Nai – TP HCM là nơi có nhiều lao động chịu ảnh hưởng nhất. Ông Đặng Tiến Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương có 240.000 người giảm giờ làm và 30.000 lao động đang tạm hoãn hợp đồng. Từ đầu năm đến nay hơn 140.000 người làm hồ sơ lĩnh trợ cấp thất nghiệp.

Ông Đạt lo lắng không biết nhóm tạm hoãn hợp đồng sẽ sống thế nào khi mức hỗ trợ 500.000 đồng từ công đoàn không thể giúp họ cầm cự. Công đoàn kết nối song doanh nghiệp còn đơn hàng không dám nhận họ vì hồ sơ còn dính dáng tới công ty cũ, chỉ nhận người chấm dứt hẳn hợp đồng. Công nhân rơi vào thế “đi cũng dở ở không xong” bởi chủ yếu là lao động thâm niên, có tay nghề, đang hưởng lương 7- 8 triệu đồng. Nếu chấm dứt hẳn hợp đồng và tìm việc khác thì thu nhập lại như lao động mới vào nghề, chỉ 3-4 triệu đồng.

Theo ông Đạt, cần xem xét lại quy định pháp luật để tạo điều kiện cho nhóm này tìm việc thời vụ, “trám” vào những tháng tạm hoãn, giúp họ có nguồn sống. Dự báo khó khăn kéo dài tới giữa năm 2023, số lao động tạm hoãn hợp đồng sẽ còn tăng nhiều.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TP HCM, cho biết 108.000 công nhân trên địa bàn đang bị mất việc, giảm giờ làm, trong đó 40.000 người trên 35 tuổi và 8.000 người đang mang thai, nuôi con nhỏ. Công đoàn thành phố lo ngại doanh nghiệp ồ ạt thải lao động trên 35 tuổi. Nhóm này rất khó quay lại thị trường bởi tuổi cao. Ngoài ra, 59% doanh nghiệp trên địa bàn có nợ bảo hiểm xã hội.

Làn sóng cắt giảm việc làm cũng đang lan rộng ra phía bắc khi Hà Nội ghi nhận hơn 2.000 công nhân giảm giờ làm, chủ yếu trong ngành điện tử. Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội so sánh cùng kỳ năm 2021, công nhân phải tăng ca cho kịp đơn hàng, nhưng giờ nhiều nhà máy đã ngừng làm thêm.

Sau đợt dịch cuối năm 2021, công đoàn Hà Nội ghi nhận có sự chuyển dịch lao động khi khảo sát nhiều khu trọ thấy công nhân trả phòng về quê. Theo ông Thắng, nhiều địa phương có khu công nghiệp vừa và nhỏ dễ hút lao động tại chỗ. Thu nhập có thể không cao bằng thành phố lớn, song công nhân lựa chọn vì không phải thuê nhà, đỡ tốn tiền gửi con.

Người lao động xếp hàng làm thủ tục rút BHXH một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM), ngày 8/12. Ảnh: Văn Tùng

Người lao động xếp hàng làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM), ngày 8/12. Ảnh: Thanh Tùng 

Dự báo ra Tết sẽ có thêm gần 287.000 lao động tiếp tục bị cắt giảm giờ làm, mất việc, công đoàn các tỉnh kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sớm đề xuất Chính phủ có biện pháp hỗ trợ trước mắt và lâu dài. “Thống kê công bố CPI tăng chỉ 4% nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng tăng rất cao, cứ theo chân công nhân ra chợ thì biết”, ông Nguyễn Đình Thắng nói.

Đại diện Công đoàn Hà Nội mong mỏi giá lẫn lạm phát được kiểm soát tốt để tiền lương công nhân không bị vơi thêm. TP Hà Nội cần tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân, lao động dịp cuối năm. Các cơ quan tăng thanh kiểm tra tại doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng nợ, trì hoãn đóng bảo hiểm ảnh hưởng quyền lợi lao động.

Chung quan điểm, đại diện công đoàn TP HCM kiến nghị chính phủ hỗ trợ vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp thiếu đơn hàng ngoài gói 2% hiện hành. Chính sách cho lao động mất hoặc cắt giảm việc làm cần bỏ đi các thủ tục rườm rà. Trước mắt, công đoàn thành phố tích cực kết nối giới thiệu việc làm thời vụ cho lao động để cầm cự qua Tết.

Ông Kiều Minh Sinh, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn lao động Đồng Nai, cho rằng cần gấp rút hỗ trợ cho lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng Nai dự báo hết quý II/2023 sẽ có khoảng 30.000 người rơi vào tình cảnh này. Chính phủ đồng thời xem xét gia hạn gói tiền trọ để công nhân có thêm một khoản trong khi tìm việc mới và Quốc hội cân nhắc trích tiếp Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vì còn kết dư nhiều.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thống kê tới ngày 7/12, hơn 42.000 công nhân mất việc, hơn 500.000 người thiếu việc làm tại 1.500 doanh nghiệp trên cả nước. Dự báo từ nay đến hết quý II/2023, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 15.000 lao động, 271.700 người bị giảm giờ làm. Ngoài ra sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác.

Hồng Chiêu


VNTB – VinFast VF8 vẫn chưa sẵn sàng ở  Mỹ (Phần 1)

Tác giả: Kevin Williams

Khánh An dịch

16/12/2022

VNTB – VinFast VF8 vẫn chưa sẵn sàng ở  Mỹ (Phần 1)

Vinfast đã đưa tôi đến trụ sở chính tại Việt Nam để lái chiếc xe hơi điện đầu tiên sẽ được đưa vào thị trường Hoa Kỳ. Đó là trải nghiệm kỳ lạ nhất trong đời tôi.

VinFast đã đưa tôi từ Columbus, Ohio, đến San Francisco, đưa tôi đến qua đêm trong một khách sạn rất đẹp, sau đó đưa tôi và ít nhất 100 nhà báo khác, những người có ảnh hưởng, YouTuber, TikTokers, những người đã đặt xe Vinfast (được gọi là VinFirst), nhân viên VinFast và những người quan tâm khác từ San Francisco đến Việt Nam trên một chiếc máy bay bao thuê, tất cả là để chúng tôi có thể thử chạy xe hơi điện mới của công ty. Chúng tôi lưu trú tại hai khu nghỉ dưỡng trên đảo riêng và nghỉ đêm tại Hà Nội tại cùng một khách sạn nơi Donald Trump và Kim Jong Un gặp nhau lần đầu tiên.

Tôi lấy điện thoại ra và bắt đầu điên cuồng chụp ảnh hộ chiếu của mình khi hàng trăm người xếp hàng làm thủ tục hải quan dần tiến về phía trước. “Chút nữa anh sẽ nhận lại hộ chiếu,” một người ở đầu hàng nói với tôi. “Họ sẽ giữ hộ chiếu lại một chút.” Tôi không chắc liệu người này có phải là một nhân vật có ảnh hưởng hay là một nhà báo mà tôi không nhận ra, hay một nhân viên của VinFast. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi làm được gì đâu nào? Nhân viên hải quan Việt Nam nhìn tôi và để hộ chiếu của tôi vào cùng một đống hộ chiếu của những người khác. 

Đến cuối chuyến đi này, việc hộ chiếu của tôi biến mất thậm chí sẽ không được xếp hạng trong top 10 điều điên rồ nhất mà tôi sẽ chia sẻ.

Tôi đã ở Việt Nam để thử nghiệm thành quả của VinFast; công ty khởi nghiệp xe hơi đang phát triển nhanh chóng hiện đã bắt đầu bán xe hơi điện ở Việt Nam và đã hứa hẹn sẽ mang xe hơi điện đến Hoa Kỳ. Tôi chắc chắn đã biết được điều gì đó về VinFast, nhưng không phải là những gì mà Vinfast muốn cho tôi thấy.

Cuối cùng, sau khi xuống xe buýt, tắm rửa và ngủ trưa, họ đã trả lại hộ chiếu của tôi. Ngay sau đó, tôi đã có mặt trên một chiếc du thuyền giữa Vịnh Hạ Long trong khi cứ mỗi 45 giây nhân viên VinFast lại phấn khích nâng cốc chúc mừng thành công của công ty. Bài hát “Glad You Came” của The Wanted được phát lớn. Tôi bị mất ngủ và kiệt sức; cà phê đá Việt Nam ngọt ngào cũng không thể xoa dịu sự mệt mỏi độc đáo do khác múi giờ. Cảm giác lạc lõng này sẽ đeo theo tôi trong suốt chuyến đi.

VinFast bắt đầu sản xuất xe hơi vào năm 2017. Các sản phẩm đầu tiên của hãng là những chiếc xe cải tiến từ các hãng xe hơi lớn, do Pininfarina thiết kế và dự định sẽ bán ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ. VinFast Lux A 2.0 tương tự như BMW 530i, VinFast Lux SA 2.0 là một chiếc BMW X5 đã được sửa đổi, và mẫu xe VinFast Fadil nhỏ gọn là Chevy Spark được thiết kế lại. Mẫu SUV President 500 là một chiếc Lux SA lắp động cơ General V8 thay cho động cơ BMW.

Những nỗ lực mạnh mẽ của VinFast đã đưa được thương hiệu này vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng doanh số bán hàng Việt Nam, với một công ty chưa bắt đầu bán xe cho đến năm 2019 thì là không tệ. Xe hơi của họ cũng không rẻ: một chiếc VinFast Lux SA 2.0 có giá bán lẻ tương đương hơn 68.000 USD — đắt, nhưng cũng chỉ bằng khoảng một phần ba giá của một chiếc BMW X5 nhập khẩu tại Việt Nam. Vào tháng 7 năm 2022, mẫu Lux A 2.0 nay đã ngưng sản xuất cói doanh số bán hàng tại Việt Nam nhiều gấp đôi doanh số bán hàng của xe Kia K5, Toyota Camry, Mazda 6 và Honda Accord cộng lại. (Kế hoạch bán những mẫu xe VinFast đầu tiên này tại Mỹ vào năm 2021 không bao giờ trở thành hiện thực.)

Vào tháng 1 năm 2022, VinFast tuyên bố ý định chấm dứt sản xuất xe đốt trong và chuyển sang dòng xe hơi điện hoàn toàn. Xe hơi thiết kế dựa theo BMW và GM đã biến mất và được VinFast thay thế bằng xe điện. Công ty tuyển dụng nhân tài kỹ thuật hàng đầu như cựu nhân viên của GM đã làm việc trên nền tảng Ultium EV mang tính cách mạng.

Mốc thời gian rất ngắn. Trong khi trình bày đầy đủ kế hoạch sản xuất xe hơi điện tại CES vào tháng 1 năm 2022, hãng xe tuyên bố họ sẽ ngừng bán xe chạy xăng vào cuối năm nay, mặc dù chỉ giới thiệu các mẫu xe đầu tiên vào năm 2019. Vào thời điểm đó, VinFast tuyên bố họ sẽ có ít nhất hai mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện, VF8 và VF9, trên đường phố Mỹ vào cuối năm nay. Đầy tham vọng, nhưng trong một lúc mọi thứ dường như đang đi đúng hướng: đầu tháng 7, hãng xe đã mở các điểm bán lẻ đầu tiên ở California. Xe điện VinFast e34 được đưa vào thị trường nội địa Việt Nam, chỉ ba tháng sau khi tuyên bố ngừng sản xuất xe chạy xăng. Đến giữa tháng 7 năm 2022, công ty đã chấm dứt nhận đơn đặt hàng xe chạy xăng. Rõ ràng, họ không phải chỉ nói suông.

VinFast chỉ là một bộ phận của một công ty mẹ, tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng đứng đầu. Sinh năm 1968, lớn lên ở Hà Nội, doanh nhân này  tốt nghiệp Đại học Triển vọng Địa chất Moscow – Nga năm 1992. Phạm Nhật Vượng đã làm giàu nhờ sản xuất mì ăn liền hàng loạt tại một doanh nghiệp sau đó đã được bán cho Nestle. Cuối cùng, ông đã mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, xây dựng một doanh nghiệp giúp ông trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.

Vingroup hoạt động ở khắp Việt Nam. Mua hàng tạp hóa ở VinMart và quần áo ở VinPlaza. Đi nghỉ dưỡng cả gia đình trong công viên VinWonder giống như Disney hoặc có thể đặt một kỳ nghỉ dành cho người lớn tại một khu nghỉ dưỡng VinPearl. Điện thoại là VinSmart. Văn phòng có thể thuộc sở hữu của Vincom Office, nhà ở hoặc một căn chung cư của VinHomes. Sinh con cái trong một bệnh viện VinMec, cho con theo học VinSchool, và sau khi học xong thì theo học tại VinUniversity vừa ra mắt. Cấu trúc này giống như một vòng quay hiện đại của thị trấn công ty Mỹ thế kỷ 19, nhưng cũng tương tự với những gì Samsung và Hyundai đã làm ở Hàn Quốc vào những năm 1990.

Vào tháng 7 năm nay, tôi đã ghé thăm một cửa hàng trưng bày hàng mẫu VinFast VF8 ở San Mateo. Vào thời điểm đó, VinFast đang đẩy mạnh một mô hình giá khác thường. VF8 và VF9 không có bán kèm theo pin. Mức giá mục tiêu khởi điểm của xe VF8 là 39.999 USD là khá thấp vì người mua sẽ phải thuê pin của VinFast. Giá pin sẽ thay đổi tuỳ vào việc khách hàng muốn đi xe nhiều hay ít: 310 dặm trong một tháng có giá 55 đô la/tháng. Hợp đồng thuê pin không giới hạn dặm sẽ có giá lên đến 130 đô la/ tháng trong thời gian muốn lái xe. (Kể từ chuyến thăm showroom của tôi vào tháng 7, có vẻ như hãng xe đã bỏ tùy chọn dặm giới hạn, yêu cầu khách hàng trả 169 đô la mỗi tháng cho VF8 hoặc 219 đô la mỗi tháng cho xe VF9.)

Tôi tham quan phòng trưng bày ở vùng Bay Area, làm quen với xe VF8 và hỏi về chính sách giá. Tôi không nghĩ chiếc xe được trưng bày tuyệt vời đến vậy, nhưng rõ ràng nó nằm trong vỏ bọc hàng sản xuất thử nghiệm, có  đầy đủ các chi tiết trang trí kỳ lạ, các chi tiết còn thiếu, và vật liệu kỳ lạ chưa được quyết định. Nhân viên bán hàng tử tế, nhưng cả họ lẫn bất kỳ đại diện nào của VinFast mà tôi liên hệ đều không thể trả lời được những câu hỏi hóc búa về kế hoạch cho thuê pin sẽ được thực hiện ra sao. Làm sao họ biết được nếu người ta sẽ lái xe hơn 310 dặm? Nếu không trả tiền thuê pin thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ngay cả bây giờ để nhận được bất kỳ thông tin chi tiết nào về giá từ trang web VinFast dường như cũng bị yêu cầu đặt cọc 199 đô la và chờ nhân viên tư vấn của VinFast gọi điện và đưa thông tin chi tiết về xe của khách.

Dù vậy, tôi vẫn giữ thái độ cởi mở. Hãng xe này đã mở cửa hàng bán xe chỉ sáu tháng sau khi công bố ý định bán xe hơi điện tại Hoa Kỳ. Tôi muốn biết thêm, vì vậy tôi đã gửi email cho nhóm quan hệ công chúng của công ty tại Hoa Kỳ và yêu cầu họ thông báo cho tôi nếu VinFast có kế hoạch tổ chức bất kỳ sự kiện ra mắt nào ở Mỹ.

Hai ngày sau, công ty này mời tôi đi Việt Nam.

Vào ngày 18 tháng 9, tôi cùng một nhóm gần một trăm nhà báo, người có ảnh hưởng, khách hàng tiềm năng và nhân viên VinFast lên một chuyến bay thuê bao từ San Francisco đến Việt Nam. Nhóm chúng tôi đến nơi khác biệt 12 giờ và được đưa đến gần Vịnh Hạ Long, một Di sản thế giới của UNESCO. Từ sân bay, chúng tôi đi xe buýt và thuyền đến VinPearl Vịnh Hạ Long, một khu nghỉ dưỡng trên một hòn đảo riêng thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup.

Tôi đã tìm hiểu trước chuyến đi. Tôi biết tập đoàn Vingroup rất lớn. Nhưng tại thời điểm đó, tôi nhận ra rằng tôi đã đánh giá quá thấp quyền lực của công ty này, chưa kể đến sự hào nhoáng và xa hoa lồ lộ. “Tôi không nghĩ Elon hay Peter Rawlinson có khu nghỉ dưỡng trên đảo riêng,” tôi tự lẩm bẩm. Phạm vi của việc này rất lớn: Trước khi nhóm chúng tôi đến, VinFast đã tổ chức ba chuyến tham quan như thế này trước đó cho nhà báo và người hâm mộ.

Sau khi nghỉ ngơi một chút, VinFast đã đưa đoàn của chúng tôi lên một du thuyền ở Vịnh Hạ Long để dùng bữa tối chào mừng nồng nhiệt, cùng với đại diện và nhân viên của VinFast đầy hào hứng nói cho chúng tôi biết về hãng xe và lịch trình chuyến thăm của chúng tôi.

“Chúng tôi rất hân hạnh thông báo rằng VinFast VF8 đã hoàn thành trước thời hạn hai tháng”, một đại diện của VinFast cho biết. Bà cũng nói với nhóm chúng tôi rằng VF8 đã được phép bán hàng chính thức của Việt Nam chỉ hai ngày trước khi chúng tôi đến, ngụ ý rằng mẫu xe này đã gần sẵn sàng sản xuất. Các nhà báo chuyên về xe khác cho biết ấn tượng ban đầu khi lái xe VF8 cho thấy một sản phẩm chưa hoàn tất. Tuy nhiên, tôi đã thề sẽ luôn cởi mở: sản xuất xe là một quá trình, và các sự kiện do VinFast tổ chức đã diễn ra được gần ba tháng. Có thể họ có rất nhiều cải tiến trong một khoảng thời gian ngắn, và hãng xe bị ám ảnh với việc đi nhanh. Tôi vẫn tự nhắc nhở bản thân rằng có khả năng thực sự VinFast sẽ có một xe hoàn thiện hơn nhiều để xem xét.

Vài ngày nữa mới có cơ hội cho chúng tôi  lái VF8. Cho đến lúc đó, VinFast sẽ cho chúng tôi thấy họ đã có thêm nhiều mẫu xe tại Việt Nam. Để khái niệm hóa quy mô của VinGroup thật khó, nhưng may mắn là có đội ngũ VinFast ở đó để chứng minh cho chúng tôi những gì hãng xe đã đạt được ỏ khắp Hà Nội. Ngày hôm sau, họ chúng tôi từ Vịnh Hạ Long đến cơ sở sản xuất và trụ sở toàn cầu của VinFast cách thành phố Hải Phòng hơn một giờ đồng hồ.

Giống như Tesla, VinFast đang hướng đến một mô hình sản xuất tích hợp, tự sản xuất các bộ phận trong xe. Các nhà máy của VinFast mới toanh, đầy đủ trang thiết bị lấp lánh. Mặc dù công ty đã thông báo kết thúc sản xuất xe đốt trong, nhưng khi chúng tôi đến nhà máy, lô xe sedan theo mẫu BMW cuối cùng đã được lắp ráp để đáp ứng các đơn đặt hàng cũ. Và trong khi dây chuyền sản xuất VF8 và VF9 đã hoạt động, có vẻ như họ không có việc gì làm trong chuyến tham quan nhà máy của chúng tôi. Một số nơi không người làm việc, và có cảm giác như chỉ có một hoặc hai đội nhóm làm việc vặt trong cả nhà máy. Có vẻ như dây chuyền sản xuất xe máy điện của VinFast lại tất bật hơn.

“Ủa, công nhân đi đâu cả rồi?” Tôi đã hỏi một người đại diện của VinFast.

“Ồ, họ đang ăn trưa!” người đại diện nói với tôi.

Lúc đó là 10 giờ sáng.

Mặc dù kỳ lạ, tôi rất có ấn tượng. Có vẻ như công ty đang đi đúng hướng cho việc bắt đầu sản xuất xe hơi điện hàng loạt. Họ cho dập thân xe, và lắp ráp xe VF8 và VF9. Bao quanh nhà máy là các bãi đậu xe có toàn xe mới tinh, và một đại diện của VinFast trong chuyến công du đã đảm bảo với chúng tôi rằng chỉ còn vài rào cản pháp lý thì VF8 sẽ được cho bán tại Hoa Kỳ.

Sau bữa trưa, đã đến lúc thảo luận với Giám đốc điều hành toàn cầu của VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy. Cuối cùng tôi đã tiếp xúc trực tiếp được với người phụ trách. Tôi không thể có thể xác định nhiều lắm từ một PowerPoint trình chiếu trong bữa ăn tối cùng một chuyến tham quan nhà máy; tôi có thể hỏi một số câu hỏi về chương trình cho thuê pin của VinFast ở đây.

Bà Thuỷ khẳng định, mặc dù VinFast vẫn cam kết về kế hoạch đăng ký thuê pin nhưng công ty đã quyết định bổ sung thêm phương án mua mới. Với tôi đây là tin tức; ngay cả khi tôi xác nhận vé máy bay, thì vẫn chỉ mới có chương trình đăng ký thuê pin. Tôi kiểm tra trang web VinFast trên điện thoại. Công ty này hẳn đã lặng lẽ thêm một tùy chọn mua pin, và tăng giá xe lên. Theo bài viết này, giá gốc của VF8 bắt đầu ở mức 42.200USD, hoặc  57.000 USD nếu khách hàng quyết định mua pin ngay; VF9 sẽ bắt đầu ở mức 57.500 USD nếu đăng ký thuê pin, tăng lên 76.000 USD nếu mua pin. Hay quá.

Truy tố Chủ tịch Louis Holdings tội thao túng thị trường chứng khoán, thu lời hàng trăm tỉ đồng

RFA – 16/12/2022

Truy tố Chủ tịch Louis Holdings tội thao túng thị trường chứng khoán, thu lời hàng trăm tỉ đồng

Ông Đỗ Thành Nhân, chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngLouis Holdings 

Ông Đỗ Thành Nhân-chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Louis Holdings bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố trong vụ thao túng thị trường chứng khoán.

Ngoài ông Nhân bị đề nghị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán, “thổi giá” hai mã cổ phiếu BII và TGG, thu lời bất chính hơn 154 tỉ đồng, bảy người khác trong nhóm lãnh đạo Louis Holdings và nhóm lãnh đạo Công ty chứng khoán Trí Việt cũng bị Bộ Công an đề nghị truy tố. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 16/12.

Trong nhóm lãnh đạo Công ty chứng khoán Trí Việt có ông Phạm Thanh Tùng-Chủ tịch HĐQT Công ty.

Cơ quan điều tra cho rằng nhóm ông Nhân đã sử dụng nhiều tài khoản để thao túng thị trường với hai mã cổ phiếu BII và TGG. Họ đã cấu kết sử dụng các tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè, người thân của ông Nhân để mua bán, thâu tóm cổ phiếu và giao dịch mua bán, khớp lệnh nhằm tăng tính thanh khoản, đẩy giá BII và TGG, thu lợi bất chính.

Ông Nhân còn chỉ đạo người thân đứng tên thực hiện việc nhận, chuyển tiền, nộp rút tiền vào các tài khoản chứng khoán để thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu BII, TGG; lập nhóm “Louis Family” trên mạng xã hội với khoảng 10.000 thành viên để hô hào, dụ dỗ các nhà đầu tư mua cổ phiếu. Bằng nhiều thủ đoạn đẩy giá cổ phiếu lên gấp hàng chục lần, nhóm ông Nhân đã bán và thu lợi bất chính qua các mã cổ phiếu với tổng số tiền hơn 154,7 tỉ đồng.


Một người tự thiêu trước Tòa án Bắc Giang – 15/12/2022

Một người tự thiêu trước Tòa án Bắc Giang

TAND tỉnh Bắc Giang –https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngDân Việt 

Cụ ông 82 tuổi tên Nguyễn Ngọc Hà, ngụ tại Thành phố Bắc Giang,  vào sáng ngày 15/12 mang xăng đến trước Văn phòng Tiếp dân, Tòa án tỉnh Bắc Giang châm lửa tự thiêu.

Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn xác nhận của Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang, ông Lương Xuân Lộc về vụ tự thiêu này. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng cho truyền thông biết bệnh nhân Nguyễn Ngọc Hà được chuyển từ Tòa án Nhân dân Tỉnh Bắc Giang đến. Chẩn đoán ban đầu cho thấy ông này bị cháy và trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ phải tìm cách đặt ống thở để chuyển gấp lên tuyến trên cấp cứu.

Ông Nguyễn Ngọc Hà từng là bị đơn trong một vụ án được nhiều người biết đến tại Bắc Giang là vụ án “tranh chấp di sản thừa kế”. Tòa Bắc Giang đã xử sơ thẩm vụ án vào năm 2006; rồi phúc thẩm vào năm 2007. Tuy nhiên các bản án của tòa sơ thẩm và phúc thẩm Bắc Giang đều bị Tòa án cấp cao tại Hà Nội bác bỏ, giao tòa án Thành phố Bắc Giang xét xử lại.

Tin không cho biết cụ thể các mức án mà tòa đã tuyên cũng như diễn tiến sau khi Tòa cấp cao Hà Nội yêu cầu Tòa TP Bắc Giang đưa vụ án ra xét xử lại từ đầu.

Tình trạng tự thiêu vì uất ức bởi bị oan từng xảy ra tại Việt Nam. Một vụ xảy ra mà RFA loan tin xảy ra vào tối ngày 31 tháng 1 năm 2022 tại đường Bãi Sậy, Phường 1, Quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Nạn nhân là ông Văn Quốc Quang, sinh năm 1974, ông có nhà nằm trên đường Bãi Sậy thuộc diện giải toả cho dự án cải tạo, khơi thông kênh Hàng Bàng. 

Thời điểm xảy ra sự việc là khoảng 8 giờ 30 tối, theo phản ánh của người dân sống gần đó thì ban đầu thấy ông này đứng ở trước nhà lớn tiếng mắng mỏ, sau đó tự đổ xăng lên người và châm lửa. 

Người dân xung quanh xông vào dập lửa, người từ công an và Ủy ban phường sau đó xuống hiện trường để đưa ông Quang đi bệnh viện và điều tra vụ việc, tuy nhiên ông này qua đời vào sáng ngày hôm sau, tức ngày 1 tháng 2 năm 2022. 

Theo như lời người thân của nạn nhân nói với đài RFA, thì buổi chiều hôm xảy ra sự việc, ông Văn Quốc Quang đã tới trụ sở UBND Phường 1 và có xảy ra cự cãi với cán bộ của phường về vấn đề đền hỗ trợ và đền bù giải phóng mặt bằng.

Tags: , , , ,

Comments are closed.