Thời sự Thứ Ba 27/12/2022: Gián điệp Nga ụ trong tình báo Đức – Ukraine: thượng đỉnh hòa bình tại LHQ – TQ mở cửa biên giới, bỏ cách ly COVID-19 – Ukraine muốn loại Nga khỏi LHQ – Lý do Israel không giao Vòm Sắt cho Ukraine


Võ Thái Hà tổng hợp


Phương Tây chấn động: Gián điệp Nga hoạt động ngay trong cơ quan tình báo Đức – 26/12/2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/1025397354_0_19_3070_1754_1920x0_80_0_0_cda3cc0c1b2c3a9cdfc38ee8dee206c8-1280x723.jpg

Hình minh hoạ: Sputnik News 

Chính phủ Đức luôn ca ngợi sự cảnh giác của các cơ quan tình báo và phản gián, trong khi phe đối lập thì lại nghi ngờ độ tin cậy của họ. Các chính trị gia, cùng với giới truyền thông, đang cảnh báo người Đức về cuộc chiến hỗn hợp của Putin.

“Nếu nghi ngờ được xác nhận, thì các hoạt động gián điệp của Nga đã bị giáng một đòn mạnh”. Đây là phản ứng của Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann về vụ bắt giữ một nhân viên của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (Bundesnachrichtendienst, BND) vì nghi ngờ làm gián điệp cho Nga. Cụ thể, công dân Đức Carsten L., một nhân viên của BND, đã bị bắt tạm giam phục vụ điều tra trước khi xét xử.

Trên tài khoản Twitter của mình, Bộ trưởng đại diện cho Đảng Dân chủ Tự do (FDP) trong chính phủ đã chúc mừng Văn phòng Tổng Công tố và Tòa án Tư pháp Liên bang về việc phát hiện gián điệp Nga trong cơ quan tình báo hải ngoại của Đức và nhấn mạnh: “Điều này cho thấy chúng ta cần phải cảnh giác như thế nào”.

 “Mọi phương tiện đều tốt cho người Nga”

Nils Schmid, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), nói với đài phát thanh Deutschlandfunk rằng vụ bắt giữ điệp viên bị tình nghi cho thấy “chúng ta phải theo dõi sát sao mong muốn gây ảnh hưởng của Nga đối với Đức”. Theo ông, Nga gây ra mối đe dọa không chỉ từ quan điểm quân sự mà còn về việc tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp.

“Trong nhiều năm, Nga đã tin rằng họ đang xung đột, thậm chí là chiến tranh với phương Tây, và xuất phát từ tiền đề rằng mọi biện pháp đều tốt: Kể cả giết hại những người chống đối trên lãnh thổ Đức và hoạt động gián điệp. Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác và kiên quyết”, ông Schmid nói.

Khi được một nhà báo hỏi liệu người dân Đức có nhận thức đầy đủ về điều này hay không, Niels Schmid trả lời rằng do cú sốc trước hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, người dân Đức “chắc chắn đã nhận thức rõ hơn về điều này”. Đồng thời, theo ý kiến của ông, xã hội Đức vẫn đang trong quá trình suy nghĩ lại về những gì đang xảy ra.

Theo chuyên gia này, “sự thay đổi của thời đại” (Zeitenwende) do Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố có nghĩa cụ thể là “vai trò của thành phần quân sự trong quan hệ quốc tế đang tăng lên đáng kể”. Niels Schmid chỉ ra rằng cách tiếp cận với Nga nên được định hướng lại, từ “đối thoại nhiều hơn” sang “ngăn chặn” và giải thích: “Sau 30 năm rất chú trọng vào đối thoại với Nga, giờ đây chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến việc chống lại chiến tranh hỗn hợp từ nước Nga”.

“Cuộc chiến bí mật đằng sau chiến tuyến ở Ukraine”

“Cần đề phòng!” là tiêu đề của một bài bình luận trên tờ báo bảo thủ Frankfurter Allgemeine Zeitung, mà tác giả chính là Tổng biên tập của tờ báo này, Berthold Kohler.

“Putin đang tiến hành một cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ trở thành thảm họa đối với chế độ của ông ta, khi mà đất nước bị Nga tấn công nhận được sự hỗ trợ lớn từ ‘phương Tây tập thể’. Điện Kremlin đang cố gắng làm suy yếu khối đoàn kết này (phương Tây) bằng các biện pháp phi quân sự, sử dụng mọi cơ hội: Thông qua các hoạt động tình báo trong giới chính trị, kinh tế và công chúng, với sự trợ giúp của thông tin sai lệch và tấn công mạng”, tác giả khẳng định.

 “Việc vạch trần điệp viên hai mang cho chúng ta, bao gồm cả công chúng, thấy rằng Moscow đang tiến hành một cuộc chiến bí mật đằng sau chiến tuyến ở Ukraine. Do đó, sẽ rất đáng giá, kể cả ở Đức, để nhắc lại phương châm của NATO: Cảnh giác là cái giá của tự do”, ông Berthold Kohler kết luận.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Robert Habeck từ Đảng Xanh cho biết, các cơ quan tình báo Đức đã thể hiện rõ sự cảnh giác. Ông nói với các kênh truyền hình RTL và NTV: “Chúng ta phải bảo vệ lợi ích của mình, và cơ quan an ninh của chúng ta, như đã thấy, đang làm rất tốt”.

“Mức độ đe dọa hoàn toàn mới và đáng sợ”

Chuyên gia tình báo của Đảng Cánh tả đối lập André Hahn lại có quan điểm khác. Trên các trang của tờ báo Rheinische Post, ông bày tỏ quan ngại về tình trạng của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức. “Nếu được xác nhận rằng ngay cả một trong những nhân viên trong hàng ngũ của Cơ quan Tình báo Liên bang đã làm gián điệp cho Nga, thì đây sẽ là một mức độ đe dọa hoàn toàn mới và đáng sợ”.

“Các cơ quan an ninh đáng tin cậy như thế nào?” – câu hỏi này cũng được tờ báo cánh tả TAZ đặt ra trong định hướng chính trị của mình. Tờ báo viết: “Gầy dựng được một điệp viên trong cơ quan tình báo của đối phương là đỉnh điểm trong lĩnh vực gián điệp. Bất cứ ai không thể tự bảo vệ mình khỏi điều này thì đều không đáng tin cậy”.

Trong một bài bình luận có tiêu đề “Chất độc cho mối quan hệ bí mật với Kyiv”, TAZ chỉ ra chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Hoa Kỳ và tuyên bố: “Trong khi Washington đang củng cố liên minh chống Putin, Berlin không thể chắc chắn rằng kẻ xâm lược (Moscow) không nhận được những thông tin bí mật” bị rò rỉ từ các cơ quan an ninh Đức”.

Cổng thông tin Focus trực tuyến viết về điều tương tự khi tham khảo các nguồn trong các cơ quan an ninh – tình báo của Đức: “Cơ quan Tình báo Liên bang Đức rất lo lắng rằng Carsten L., người bị bắt vì nghi ngờ tội phản quốc, có thể chuyển tài liệu tình báo quan trọng cho người Nga”.

Henning Otte, một chuyên gia quốc phòng của đảng đối lập lớn nhất, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đã nêu yêu cầu trong một cuộc phỏng vấn với nhóm truyền thông Funke: “Chúng ta phải nhanh hơn và hiệu quả hơn trong việc chống lại gián điệp nước ngoài. Đáng tiếc là chúng ta biết quá ít về những gì các cơ quan tình báo nước ngoài đang làm ở Đức”.

Nguồn: DW


Viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine làm lu mờ hầu hết ngân sách quân sự thế giới

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/he-thong-patriot.jpg

Theo nhận định của Breitbart hôm 26/12, tổng viện trợ được duyệt trị giá 113 tỷ USD trong năm 2022 của Hoa Kỳ dành cho Ukraine đã làm lu mờ ngân sách quân sự hàng năm của mọi quốc gia trên thế giới. 

Ngay sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới thăm Washington DC và có bài phát biểu trước Quốc hội vào tuần trước, khoản 45 tỷ USD viện trợ quân sự, nằm trong Dự luật chi tiêu lên đến 1.700 tỷ USD thuộc về ngân sách sang năm, đã được thông qua cho Ukraine, nâng tổng số duyệt chi trong năm nay cho Ukraine lên tới 113 tỷ USD.

Hai chuyên gia Ben Freeman và William Hartung của Viện Quincy chỉ ra một số phương diện mà viện trợ cho Ukraine đã vượt trội:

– Viện trợ lớn nhất từ Hoa Kỳ cho chiến tranh tại bất kỳ quốc gia nào từ trước đến nay, “ít nhất” là từ thời chiến tranh Việt Nam (người Mỹ gọi cuộc chiến mà họ có dính líu đến ở Việt Nam những năm 1960 – 1970 của thế kỷ trước là chiến tranh Việt Nam).
– Đè bẹp ngân sách quân sự 84 tỷ USD cả năm 2023 của Nga.
– Lớn hơn ngân sách quân sự hàng năm của bất kỳ một quốc gia nào (không tính Hoa Kỳ và Trung Quốc).
– Nhiều hơn tổng số của tất cả các khoản trợ giúp khác của Hoa Kỳ cho cộng đồng dân chúng thuộc loại về hạn hán, bão lũ, cháy rừng, và các loại thiên tai, nhiều hơn khoảng 4 tỷ USD.
– Gần bằng tổng chi tiêu cơ bản của Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa cộng lại.
– Gần bằng số tiền 118 tỷ USD mà Hoa Kỳ sẽ chi cho việc chăm sóc y tế cho tất cả các cựu chiến binh Hoa Kỳ.
– Nếu giả sử Ukraine là một tiểu bang của Hoa Kỳ, thì họ sẽ xếp thứ 11 về số tiền tài trợ từ liên bang mà họ nhận được.

“Nói cách khác, trong 12 tháng qua, Ukraine đã được trao tiền đóng thuế của Hoa Kỳ nhiều hơn 40 bang của Hoa Kỳ,” hai ông Hartung và ông Freeman nhận xét.

Các nhà lãnh đạo Quốc hội như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ), Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Đảng Dân chủ) và Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Đảng Cộng hòa) vẫn ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho Ukraine, bất chấp sự hoài nghi ngày càng tăng của người Mỹ vướng mắc ở Ukraine.

Một cuộc thăm dò của Morning Consult cho thấy, 48% cử tri đã đăng ký của Đảng Cộng hòa muốn giảm việc cung cấp viện trợ nước ngoài. Cuộc khảo sát cũng tiết lộ rằng 48% đảng viên Cộng hòa muốn giảm can dự vào các vấn đề của các quốc gia khác.

Còn theo cuộc thăm dò vào tháng 12 của Harvard CAPS/Harris, lạm phát, kinh tế, việc làm và nhập cư là những vấn đề hàng đầu đối với người Mỹ chứ không phải Ukraine.

Hai ông Hartung và Freeman bình luận: “Lẽ ra người Mỹ phải được có một cuộc trò chuyện thực sự về việc người nộp thuế ở Mỹ phải trả bao nhiêu cho viện trợ này từ trước.”

Thiên Đức (Theo Breitbart)


Ukraina dự tính tổ chức thượng đỉnh vì hòa bình tại Liên Hiệp Quốc

27/12/2022

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba trả lời phỏng vấn hãng tin AP tại Kiev, Ukraina, ngày 26/12/2022. AP – Efrem Lukatsky 

Thùy Dương /RFI

Trả lời hãng tin Mỹ AP hôm qua, 26/12/2022, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cho biết Kiev dự tính tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình vào cuối tháng 02/2023. Thượng đỉnh này sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và diễn ra tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc. 

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba nhấn mạnh Nga chỉ được mời tham gia đàm phán hòa bình nếu Matxcơva đáp ứng điều kiện tiên quyết do Kiev đặt ra. Đó là Matxcơva phải  bị truy tố trước một tòa án quốc tế về những tội ác chiến tranh mà quân Nga đã gây ra từ khi xâm lược Ukraina. Kiev muốn tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres làm nhà trung gian hòa giải.

Về phía Nga, ngoại trưởng Sergueï Lavrov hôm qua nhấn mạnh, hoặc Ukraina phải đáp ứng các yêu cầu của Nga về « phi quân sự hóa » và « phi phát xít hóa » các vùng lãnh thổ do chế độ Kiev kiểm soát, hoặc quân đội Nga sẽ “tự giải quyết vấn đề”. Ngoại trưởng Nga cũng yêu cầu Kiev chấm dứt các hành vi “đe dọa an ninh” của nước Nga và của các « tỉnh mới » của Nga, ý nói đến các vùng lãnh thổ của Ukraina mà Matxcơva mới sáp nhập.

Cũng trong một bài phát biểu được hãng tin nhà nước Nga TASS công bố hôm qua, ngoại trưởng Sergei Lavrov tố cáo Hoa Kỳ, cùng các đồng minh NATO và Ukraina muốn đánh bại Nga « trên chiến trường » để làm suy yếu và thậm chí để hủy diệt nước Nga.


Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ tăng 7,6% trong mùa lễ cuối năm – 27/12/2022 

Reuters 

Thẻ tín dụng MasterCard và American Express.

Thẻ tín dụng MasterCard và American Express. 

Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ đã tăng 7,6% trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 11 đến ngày 24 tháng 12, khoảng thời gian gồm phần lớn mùa lễ cuối năm, do các đợt giảm giá mạnh đã thu hút những người tiêu dùng đi “săn” hàng giảm giá, một báo cáo của Mastercard cho biết hôm thứ Hai.

Mức tăng này cao hơn mức 7,1% mà Mastercard đã dự báo vào tháng 9, khi họ dự đoán người tiêu dùng sẽ đi mua hàng nhiều vào tháng Mười để mua các mặt hàng giảm giá sớm.

Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ trong dịp lễ năm nay thấp hơn mức tăng 8,5% của năm ngoái do lạm phát tăng cao nhất trong hàng thập kỷ, lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng trong chi tiêu.

Các nhà bán lẻ bao gồm Amazon và Walmart tại Hoa Kỳ đã đưa ra mức giảm giá lớn trong dịp lễ cuối năm để bán tháo hàng tồn kho, dư thừa và đưa hàng tồn kho trở lại mức bình thường.

Điều đó dẫn đến nhu cầu mạnh mẽ đối với mọi thứ, từ đồ chơi đến đồ điện tử trong khoảng thời gian kéo dài 5 ngày giữa Lễ Tạ Ơn và ngày thứ Hai mua sắm trên mạng gọi là Cyber Monday.

Tuy nhiên, doanh số bán hàng điện tử đã giảm 5,3% trong khoảng thời gian hơn hai tháng, theo báo cáo gọi là Mastercard SpendingPulse.

Nhưng doanh số bán hàng may mặc và nhà hàng lần lượt tăng 4,4% và 15,1%, giúp thúc đẩy con số chung.

Báo cáo của Mastercard cho biết, doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng 10,6% trong thời kỳ này, thấp hơn một chút so với mức tăng 11% của năm ngoái.

Trong khi đó, trong tuần lễ mua bán trên mạng, tổng doanh số bán lẻ đã tăng khoảng 11%, một báo cáo riêng của Mastercard SpendingPulse vào cuối tháng 11 cho thấy.

Mastercard SpendingPulse đo lường doanh số bán lẻ tại cửa hàng và trực tuyến bằng tất cả các hình thức thanh toán. Nó không bao gồm doanh số bán ôtô.


2023: Năm chạy đà cho bầu cử tổng thống Mỹ

Nước Mỹ sẽ bước vào một kỷ nguyên chính trị mới hay một trận tái đấu đầy tẻ nhạt? Câu trả lời phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra với Donald Trump. Liệu ông có vượt qua được các đối thủ Cộng hòa để gặp lại Joe Biden trong trận tái đấu năm 2024? Hay các đối thủ trẻ hơn sẽ đánh bại một hoặc cả hai tổng thống để giành đề cử của đảng mình?

Chứng ái kỷ của ông Trump vẫn đang phủ bóng lên nền chính trị Mỹ, nhưng Ron DeSantis, thống đốc Florida, đã nổi lên như một nhân vật quyền lực mới của Đảng Cộng hòa. Người đồng cấp của ông ở Virginia, Glenn Youngkin, và cựu phó tổng thống Mike Pence cũng đang thu hút sự chú ý. Trong khi đó, ông Biden có thể sẽ tuyên bố tái tranh cử, bất chấp tuổi tác và tỷ lệ ủng hộ thấp. Các thống đốc Dân chủ như Gavin Newsom của California và Gretchen Whitmer của Michigan vẫn có thể thách thức, và nếu ông Biden đủ khôn ngoan để lùi bước, các quan chức chính quyền hiện tại như Kamala Harris và Pete Buttigieg sẽ bước vào cuộc đua.

Người Mỹ lo lắng cho nền dân chủ của họ, nhưng nếu hai đảng có thể đưa ra một thế hệ lãnh đạo mới, họ sẽ được nhìn thấy sức sống trong mô hình quản trị của nước mình.

Triển vọng kinh tế Mỹ trong năm tới

Nước Mỹ đang bước vào một cuộc suy thoái. Trong nửa thế kỷ qua, bất cứ khi nào lạm phát đạt tỷ lệ năm hơn 5%, thì một cuộc suy thoái sẽ xảy ra để ngăn chặn nó.

Nhưng tỷ lệ thất nghiệp hiện tại đặc biệt thấp, đồng nghĩa cuộc suy thoái sắp tới sẽ tương đối nhẹ. Và bức tranh kinh tế sẽ còn thay đổi nhiều trong năm. Áp lực lạm phát rồi cũng sẽ thuyên giảm. Đến cuối năm 2023 nhiều khả năng người ta sẽ nói về việc Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu giảm lãi suất.

Trong khi đó, chính phủ sẽ dốc toàn lực thực hiện các chương trình đầu tư khổng lồ đã được ký thành luật trong những tháng gần đây — chất bán dẫn, xe điện, năng lượng tái tạo, v.v. Đây là một bước tiến táo bạo trong chính sách công nghiệp. Tuy nhiên chính quyền Biden đang gặp rắc rối khi các đồng minh từ Âu đến Á chỉ trích họ theo chủ nghĩa bảo hộ. Và sẽ còn nhiều thách thức trong chi tiêu để không lãng phí hàng tỷ đô la.


Vấn đề ma tuý tiếp tục phủ bóng lên Mỹ Latinh 

Mối quan hệ giữa Mỹ Latinh và siêu cường phía bắc chưa bao giờ dễ dàng. Trong năm 2023, khi các nhà lãnh đạo cánh tả được bầu gần đây bắt đầu thực hiện các chính sách của họ, căng thẳng có thể gia tăng xoay quanh các câu hỏi muôn thuở về an ninh và di cư, đặc biệt là về “cuộc chiến chống ma túy” do tổng thống Richard Nixon phát động từ năm 1971.

Ý tưởng tự do hóa cocaine đang thu hút sự chú ý ở Colombia. Tổng thống cánh tả đầu tiên của đất nước, Gustavo Petro, đã ủng hộ việc đàm phán với các băng đảng, bảo vệ những người nông dân nghèo trồng cây coca, và quản lý tiêu thụ cocain cho mục đích y tế. Ngay cả một thử nghiệm nhỏ trong việc hợp pháp hóa sản xuất ma túy ở nước này đó cũng sẽ có ý nghĩa rất lớn lên “mô hình cấm” của Mỹ. Colombia sản xuất tới 60% nguồn cung cocaine trên thế giới và Bắc Mỹ là nơi tiêu thụ lớn nhất. Trong khi đó, chính phủ Mexico lại gây khó khăn cho hoạt động của Cục Chống Ma túy Hoa Kỳ, theo một cựu quan chức Mỹ. Năm mươi năm sau khi Nixon phát động cuộc chiến, Mỹ Latinh đang ít lắng nghe Mỹ hơn bao giờ hết.


Năm đầu nhiệm kỳ của tân tổng thống Brazil

Sau bốn năm thảm họa của Jair Bolsonaro, Brazil sẽ có tổng thống mới vào năm 2023: Luiz Inácio Lula da Silva, nhân vật cánh tả từng giữ chức vụ này từ năm 2003 đến 2010. Lula muốn chống biến đổi khí hậu, khôi phục tính chính danh cho các thể chế của Brazil và theo đuổi các chương trình kinh tế xã hội cánh tả.

Nhưng trước mắt ông là một đất nước chia rẽ và một nền kinh tế khó khăn. Chủ nghĩa Bolsonaro vẫn là một thế lực hùng mạnh, với tầm ảnh hưởng còn vươn xa hơn cả 2023. Để thực hiện kế hoạch giúp đỡ người nghèo, Lula sẽ muốn có ủng hộ của Quốc hội, đồng nghĩa phải phân phát quyền lợi và hứa hẹn. Đồng thời, ông phải đảm bảo với thị trường là sẽ không chi tiêu phung phí. Nếu không, lãi suất sẽ tăng và đồng tiền sẽ bị ảnh hưởng. Để giảm tỷ lệ phá rừng, ông cũng cần khôi phục các cơ quan liên bang đã bị ông Bolsonaro làm cho suy yếu. Cuối cùng, Lula phải thu hút nhiều đầu tư hơn từ các nhà tài trợ quốc tế để biến “kinh tế xanh” của Brazil từ một giấc mơ thành hiện thực.


Trung Quốc sắp mở cửa biên giới, gỡ bỏ mọi biện pháp cách ly do COVID-19

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/TQ-mo-cua.jpg

(Ảnh minh họa: Robert Way/Shutterstock) 

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ mở cửa biên giới và gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch COVID-19 kể từ ngày 8/1/2023, theo tờ SCMP.

Quyết định gỡ bỏ hạn chế nêu trên được xem là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc hủy bỏ chính sách phòng dịch Zero-COVID được Trung Quốc áp dụng trong suốt 3 năm qua.

Được biết, kể từ năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã xếp COVID-19 vào loại bệnh truyền nhiễm cấp độ A, ngang với các căn bệnh nghiêm trọng như dịch hạch và bệnh tả.

Theo tờ SCMP, ba quan chức thuộc các cơ quan y tế và bệnh viện tại tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Giang Tô cho hay rằng họ đã nhận được thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 26/12. Thông báo này yêu cầu chính quyền các địa phương nói trên chuẩn bị cho việc hạ cấp dịch COVID-19-19 xuống thành bệnh truyền nhiễm loại B kể từ ngày 8/1/2023.

Cấp độ phân loại này đồng nghĩa với việc các cơ quan y tế chỉ cần áp dụng những biện pháp chữa trị và ngăn ngừa cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cũng theo SCMP, trước khi thông tin trên được công bố, đã có những dấu hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc chuẩn bị thay đổi cách đối phó với COVID-19, trong đó có việc dừng yêu cầu người dân thực hiện các xét nghiệm PCR.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 tại Trung Quốc, gần đây đã yêu cầu chính quyền địa phương tập trung vào việc điều trị cho các bệnh nhân thay vì số lượng ca nhiễm.

Hôm 25/12 vừa qua, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết rằng cơ quan này sẽ dừng việc công bố số ca mắc COVID-19 hàng ngày, đồng thời chuyển giao vai trò này cho cơ quan kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc.

Phan Anh


Tướng Israel tiết lộ lý do Tel Aviv không giao hệ thống Vòm Sắt cho Ukraine

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/vom-troi.jpg

(Ảnh: ChameleonsEye/Shutterstock) 

Theo cựu Cố vấn An ninh quốc gia Israel, Tướng Jacob Nagel, có nhiều lý do dẫn đến việc Israel khó có thể cung cấp hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) cho Ukraine, trong đó có lo ngại loại vũ khí này có thể rơi vào tay Iran và phản ứng gay gắt từ phía Nga, theo hãng tin RT.

Cụ thể, Tướng Nagel tin rằng trước hết, Israel có những lo ngại chính đáng rằng nếu bất kỳ vũ khí nào của họ được triển khai ở Ukraine, cuối cùng chúng có thể rơi vào tay người Nga và những thông tin của hệ thống sẽ được chuyển tới Iran. Theo cựu cố vấn, điều này có thể giúp Tehran (đối thủ không đội trời chung của Tel Aviv trong nhiều thập kỷ) tìm ra cách vô hiệu hóa các hệ thống của Israel.

Ngoài ra, Israel không muốn điều động hệ thống Vòm Sắt đi sang quốc gia khác khi quân đội của chính mình đang trong nhu cầu cấp thiết cần thêm các hệ thống và thiết bị đánh chặn để bảo vệ quốc gia trước Phong trào Hezbollah của Lebanon và nhóm chiến binh Palestine.

Tướng Nagel cho hay rằng việc đào tạo binh sĩ Ukraine vận hành Vòm Sắt sẽ mất thời gian, khiến những hệ thống này vô dụng đối với Kyiv trong thời gian ngắn.

“Cuối cùng, Israel không muốn nhận phản ứng gay gắt từ Nga – quốc gia duy trì sự hiện diện đáng kể ở nước láng giềng Syria. Cho dù Israel có thích hay không, sự hiện diện quân sự của Nga có lẽ là một vấn đề lâu dài mà Israel phải xem xét”, Tướng Nagel cho biết.

Mặc dù Israel lên án hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine và đã gửi viện trợ nhân đạo cho Kyiv nhưng quốc gia Trung Đông này đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và từ chối cùng cấp vũ khí cho Ukraine bất chấp nhiều lần được yêu cầu.


Ukraine muốn Nga bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/lien-hiep-quoc.jpg

Ukraine đang yêu cầu loại bỏ Nga khỏi Liên Hợp Quốc, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông sẵn sàng đàm phán với “các giải pháp có thể chấp nhận được.”

Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Ukraine đã công bố một lá thư kêu gọi loại bỏ Nga khỏi Liên Hợp Quốc, cũng như thu hồi tư cách thành viên thường trực của nước này trong Hội đồng Bảo an do những vấn đề xung quanh tính hợp pháp của Nga sau sự sụp đổ của Liên Xô vào tháng 12 năm 1991 “vẫn chưa được giải quyết”. 

Liên bang Nga đã tiếp quản chiếc ghế của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bằng cách bỏ qua các thủ tục được xác định bởi hiến chương Liên Hợp Quốc, Ukraine tuyên bố, đề cập đến việc hiến chương hiện tại không có từ “Liên bang Nga”.

Bức thư viết: “Liên bang Nga chưa bao giờ thông qua thủ tục pháp lý để được kết nạp làm thành viên và do đó chiếm giữ bất hợp pháp chiếc ghế của Liên Xô trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. “Từ quan điểm pháp lý và chính trị, chỉ có thể có một kết luận: Nga là kẻ soán ngôi Liên Xô trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.”

Các quan chức cũng chỉ ra hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine trước cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2, với lý do “tám năm xâm lược vũ trang” bao gồm việc sáp nhập Crimea và cuối cùng dẫn đến cuộc xung đột đẫm máu hiện nay đã kéo dài hơn 10 tháng.

Các cuộc sáp nhập vào tháng 9 tại các vùng Donetsk, Zaporizhzhia, Luhansk và Kherson của Ukraine, được Ukraine và các đồng minh phương Tây cho là đã xảy ra thông qua trưng cầu dân ý giả, đã bị coi là “vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine.”

“Các hành động của Liên bang Nga trái ngược với khái niệm về một quốc gia ‘yêu chuộng hòa bình’,” bức thư tiếp tục. “Ba thập kỷ hiện diện bất hợp pháp của nó tại Liên Hợp Quốc đã được đánh dấu bằng các cuộc chiến tranh và chiếm đoạt lãnh thổ của các quốc gia khác, thay đổi mạnh mẽ các biên giới được quốc tế công nhận và cố gắng thỏa mãn tham vọng xâm lược và tân đế quốc của nó.”

Tổng thống Nga Putin đã nói với đài truyền hình nhà nước Rossiya 1 vào ngày Giáng sinh rằng Kyiv, chứ không phải Moscow, có lỗi vì thiếu cam kết liên quan đến lệnh ngừng bắn.

“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với mọi bên liên quan về các giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng điều đó tùy thuộc vào họ – chúng tôi không phải là những người từ chối đàm phán, mà chính họ”, ông Putin nói.

Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo phương Tây rằng việc họ tiếp tục tham gia vào cuộc chiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.

Ông cũng cho biết phương Tây cuối cùng sẽ phải tham gia vào các cuộc đàm phán “dù muốn hay không”.

Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling cho rằng việc Nga đổ lỗi cho việc Ukraine và phương Tây không muốn đàm phán là một phần trong lịch sử “đánh lạc hướng” của nước này.

“Ngay cả trong những điều nhỏ nhặt, các quan chức Nga cũng không đàm phán… họ yêu cầu, sau đó họ nói dối, và sau đó họ từ bỏ các thỏa thuận,” ông Hertling đã tweet vào Chủ nhật.

Lê Vy (theo Newsweek)


Nga dạy học sinh trung học cách sử dụng súng trường và lựu đạn từ năm sau

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/12/anh-chup-man-hinh-2022-12-27-luc-65926-sa-700x366.jpg

Ảnh minh hoạ: Yonhap News. 

Theo truyền thông Nga TASS vào ngày 26/12 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Giáo dục Nga Sergei Kravtsov, gần đây đã thông qua một chương trình giảng dạy mới, bao gồm việc học sinh trung học Nga sẽ được huấn luyện quân sự cơ bản, về xử lý súng trường và lựu đạn từ năm tới.

Theo đó, học sinh lớp 10 và 11 ở Nga, được học cách xử lý súng trường Kalashnikov do Nga sản xuất, thông qua khóa học có tên ‘Những điều cơ bản về an toàn tính mạng’. Họ cũng sẽ tìm hiểu cách thức hoạt động, và cách sơ cứu của lựu đạn F-1 · RGD-5. Ngoài ra, học sinh còn học các bài về ‘lịch sử nước Nga’, bao gồm cái gọi là hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Chính quyền có kế hoạch dạy học sinh về tầm quan trọng và thành tựu của Nga, trong chính trị, xã hội và kinh tế thế giới, thông qua giáo dục như vậy.

Trước đó, Cơ quan Giám sát Khoa học và Giáo dục Liên bang Nga tháng trước cũng tuyên bố, sẽ gửi các câu hỏi liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine cho “EGE” do Nhà nước bảo trợ, một tổ chức xác minh việc tốt nghiệp trung học phổ thông, và kiểm tra năng lực đầu vào đại học.

Không chỉ ở các trường phổ thông, mà cả ở các trường đại học của Nga, chương trình ‘Huấn luyện quân sự cơ bản’ sẽ được đưa vào áp dụng. Đây là chương trình do các cơ quan giáo dục và Bộ Quốc phòng Liên bang Nga phối hợp phát triển, và được phản ánh trong các chương trình giáo dục cấp bằng cử nhân và chuyên nghiệp.

Cơ quan giáo dục cho biết: “Chương trình giảng dạy cho phép học sinh học cách tạo ra và duy trì một môi trường an toàn, không chỉ trong các tình huống khẩn cấp hoặc xung đột quân sự, mà còn trong cuộc sống hàng ngày”.

Trong khi đó, chính phủ Nga luôn có lập trường tiêu cực đối với lệnh động viên kể từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, nhưng đến tháng 9, nước này lại ban hành lệnh động viên một phần, như tuyển 300.000 quân dự bị.

Liên Thành 

Tags: , , ,

Comments are closed.