Thời sự Thứ Năm 15/12/2022: Thị trường chứng khoán thế giới xuống dốc; Liên Âu xoay trục sang ASEAN; Nga không ngưng chiến dịp Giáng sinh; Trung Quốc: sản xuất xuống thấp, tiêu dùng tiêu điều; Pháp thắng Morocco 2-0, vào chung kết với Argentina


Võ Thái Hà tổng hợp


Sau tuyên bố của Chủ tịch Fed, Phố Wall và thị trường chứng khoán khắp toàn cầu đỏ lửa

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/ntdvn_gettyimages-46060877023.jpg
Cổ đông quan sát thị trường chứng khoán tại một công ty giao dịch chứng khoán vào ngày 17/12/2014 ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: VCG/VCG qua Getty Images) 

Sau cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã phát đi thông điệp sẽ nhắm với mức lãi suất điều hành 5,1% chứ không phải là 4,6% như tuyên bố trước đó. Do vậy, dù tốc độ tăng lãi suất điều hành giảm đi với các 4 lần trước đó (0,5%) nhưng Phố Wall và hầu khắp thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng tiêu cực với tuyên bố chính sách diều hâu này của Fed.

Sau cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2022 đầy biến động, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) phát đi thông điệp sẽ tăng lãi suất lên tới 5,1%, cao hơn mức tuyên bố trước đó là 4,6% của cơ quan này.

Chính sách lãi suất diều hâu hơn để kiềm chế lạm phát, cuộc chiến mà Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố là “chưa hề chiến thắng”, đã gây thất vọng cho thị trường chứng khoán khắp toàn cầu.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ đã chậm lại trong tháng thứ năm liên tiếp xuống 7,1% vào tháng 11/2022, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái và thấp hơn mức dự báo là 7,3% sau khi mức 7,7% trong tháng 10/2022.

Thực tế, lãi suất điều hành của Fed hiện chưa đạt được mức lãi suất thực dương. Đây là lý do dù Fed đang giảm tốc tăng lãi suất nhưng lại hướng tới mức lãi suất điều hành tăng cao hơn kỳ vọng của thị trường cho tới khi đạt mức lạm phát mục tiêu 2% như tuyến bố.

Phố Wall mất điểm sau lo ngại chính sách lãi suất diều hâu hơn của Fed sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào đà suy thoái tồi tệ. Chỉ số Chỉ số Dow mất 300 điểm vào thứ Tư, trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm khoảng 1% với mỗi chỉ số. Các hợp đồng tương lai gắn liền với ba chỉ số chính đều tăng khoảng 0,2%.

Châu Âu, chỉ số GB100 của Anh giảm 7 điểm (0,09%) trong khi chỉ số DE40 của Đức giảm sâu hơn tới 38 điểm (mất khoảng 0,21%), chỉ số FR40 của Pháp cũng mất 63 điểm, tương ứng với 0,26%.

Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm hôm nay (thứ Năm, 15/12) sau tuyên bố của Fed. Châu Á đang chứng kiến doanh số bán lẻ và dữ liệu sản xuất công nghiệp đáng thất vọng ở Trung Quốc, thâm hụt thương mại lớn hơn dự kiến ​​ở Nhật Bản.

Chỉ số chứng khoán JP225 của Nhật mất 110 điểm, tương ứng với 0,41%. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) mất thêm 9 điểm, tương ứng 0,28%, chỉ số này đã giảm 13,8% so với cùng kỳ. Chỉ số chứng khoán của 300 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn giao dịch Trung Quốc cũng mất 9 điểm (0,23%); đánh dấu mức giảm giá tới 21% so với cùng kỳ. Tại Việt Nam, chỉ số HNX-Index mất 0,76% trong phiên giao dịch sáng nay.

Quang Nhật


Liên Hiệp Châu Âu cam kết đầu tư 10 tỉ đô la vào Đông Nam Á – Thu Hằng /RFI

15/12/2022

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel trò chuyện với tổng thống Joko Widodo, trong lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN, Bruxelles, Bỉ, ngày 14/12/2022. AP – Geert Vanden Wijngaert 

Trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 14/12/2022 giữa Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, khối 27 nước cam kết một khoản đầu tư lớn vào Đông Nam Á. Bruxelles muốn « kết nối lại » với khu vực hiện là đối tác thương mại chính của Trung Quốc. 

Khoảng 10 tỉ đô la, trích từ quỹ của Liên Hiệp Châu Âu, sẽ được đầu tư vào các nước Đông Nam Á, theo danh sách các dự án được chuẩn bị nhân dịp này. Theo trang web của Hội Đồng Châu Âu, kế hoạch hành động cho giai đoạn 2023-2027 tập trung vào nhiều lĩnh vực, như phục hồi sau đại dịch, thương mại bền vững, kết nối bền vững và dựa trên luật lệ, khuyến khích lao động hợp pháp, chuẩn bị phòng chống thiên tai, hợp tác an ninh.

Hậu quả kinh tế do cuộc chiến của Nga tại Ukraina dẫn đến khủng hoảng toàn cầu cũng được thảo luận. Tuy nhiên, theo AFP, các nước thành viên ASEAN bị chia rẽ về lập trường đối với Nga. Liên Hiệp Châu Âu đã không thuyết phục được các đối tác ASEAN. Trong thông cáo chung, hai bên chỉ nêu « những lập trường và cách đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt » nhắm vào Nga . Tổng thống Indonesia Joko Widodo cảnh báo : « Không có chuyện áp đặt lập trường cho người khác. Không ai có thể áp luật riêng cho người khác ».

Về vấn đề an ninh, trong thông cáo chung, hai khối cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền qua lại vô hại, cũng như thương mại hợp pháp trong mỗi vùng và kể cả ngoài những khu vực đó, chiểu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.

Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nhận định trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh rằng: « Với hậu thuẫn chiến lược » của Liên Hiệp Châu Âu, ASEAN ở « thế mạnh » để « đàm phán về những khó khăn mà tất cả chúng tôi (các nước ASEAN) đang phải đối mặt về những vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông ».

Cuộc họp thượng đỉnh lần này nhằm thắt chặt mối quan hệ từ 45 năm qua giữa hai khối, được nâng cấp lên thành « đối tác chiến lược » năm 2020. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo hai khối, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh : « Dù hàng nghìn km ngăn cách chúng ta (hai khối), nhưng có rất nhiều giá trị kết nối chúng ta ».


EU xoay trục sang ASEAN để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

15/12/2022

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại Bruxelles, Bỉ, ngày 14/12/2022. AP – Olivier Matthys 

Mỹ tổ chức thượng đỉnh với các nước châu Phi tại Washington cùng thời điểm với Liên Hiệp Châu Âu họp với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Bruxelles. Dù Trung Quốc không hề xuất hiện nhưng vẫn là đối tượng bị nhắm đến trong chiến lược của phương Tây thắt chặt quan hệ với những khu vực vẫn bị cho là chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh. 

Theo nhiều quan chức châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu, luôn « từ chối khuynh hướng ‘vùng ảnh hưởng’ », đang tìm cách « đa dạng hóa các nhà cung cấp để bảo đảm an ninh cho nguồn cung ứng » trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Matxcơva và quan hệ nguội lạnh với Bắc Kinh. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được công bố năm 2021 xác định rõ Trung Quốc là « đối thủ có hệ thống » của Liên Âu.

ASEAN: Đối tác giúp EU giảm phụ thuộc vào Trung Quốc 

Đông Nam Á trở thành khu vực quan trọng về an ninh, ngoại giao và thương mại đối với Liên Hiệp Châu Âu vì theo một nhà ngoại giao, « khu vực vô cùng năng động này đang trở thành nền kinh tế thứ năm thế giới từ nay đến 4-5 năm nữa ». Nhìn chung, tiềm năng của khu vực này « rất lớn », « đó là một thị trường rộng lớn, rất trẻ và rất có trình độ », theo nhận định với báo Le Figaro của nhà nghiên cứu Eva Pejsova, Đại học Bruxelles.

Hiện tại, Liên Hiệp Châu Âu là nhà đầu tư lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN (sau Trung Quốc và Mỹ), với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 280 tỉ euro. Nhưng Bruxelles muốn « kết nối lại » với các nước Đông Nam Á vì một mặt, ASEAN được kỳ vọng giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác nhiều nước Đông Nam Á rất giầu tài nguyên, khí đốt, như các mỏ lithium ở Indonesia.

Do đó, thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhấn mạnh châu Âu « phải trở thành một đối trọng với ảnh hưởng mà những cường quốc khác đang cố mở rộng trong vùng » Đông Nam Á. Còn theo người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell, Bruxelles phải « đưa ra nhiều đề xuất hơn trong cuộc chiến đề xuất trên đấu trường địa-chính trị ». Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thực hiện phần nào tham vọng này khi đưa ra nhiều đề xuất giá trị, đầy hấp dẫn với các đồng nhiệm ASEAN.

Khoản đầu tư 10 tỉ euro, trích từ quỹ Global Gateway của Liên Âu cạnh tranh với Sáng kiến một Vành đai một con đường của Trung Quốc, tập trung vào phát triển bền vững, kết nối, an ninh cho các nước ASEAN từ giờ đến năm 2027. Về thương mại, theo thủ tướng Đức Olaf Scholz, khối 27 nước « sẽ tạo điều kiện cho trao đổi thương mại giữa các nước thành viên của hai khối và cải thiện những điệu kiện đó », dù vấn đề nhân quyền vẫn được các hiệp hội đề cập. Sau hiệp định tự do thương mại với Singapore và Việt Nam, Bruxelles không giấu tham vọng mở rộng thỏa thuận tự do mậu dịch với các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, trong đó hai thỏa thuận khung với Malaysia và Thái Lan đã được ký tại hội nghị thượng đỉnh ngày 14/12. Ngoài ra, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng khởi động dự án tự do trao đổi giữa hai vùng.

ASEAN tìm « con đường thứ ba » với EU

Về phía ASEAN, các nước Đông Nam Á tìm thấy « nhiều điểm tương đồng chiến lược » với khối 27 nước. ASEAN luôn từ chối « chọn phe » giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh Đông Nam Á trở thành đấu trường cạnh tranh kinh tế và an ninh khốc liệt giữa hai cường quốc. Trả lời đài RFI ngày 14/12, nhà nghiên cứu Sophie Boisseau-Durocher cho rằng « những điểm đồng nhất về chính trị, kinh tế, ngoại giao giữa Đông Nam Á và Liên Hiệp Châu Âu dường như được khai thác để giúp ASEAN thoát khỏi sự kìm kẹp Mỹ – Trung ngày càng đè nặng đối với hiệp hội ». 

Liên Hiệp Châu Âu trở thành« con đường thứ ba » cho khối 10 nước. Theo tổng thống Philippines, với« sự ủng hộ chiến lược »của Liên Âu, các nước Đông Nam Á sẽ ở « thế mạnh » trong các cuộc đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông, ý muốn nói đến Trung Quốc dù ông không nêu đích danh. Tuy nhiên, một quan chức Đức cảnh báo Bruxelles sẽ phải cận trọng vì dù là một đối tác quan trọng với các nước ASEAN, nhưng « Trung Quốc còn quan trọng hơn về trao đổi thương mại, hơn cả Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu ».

Dù sao một giai đoạn mới đang mở ra cho quan hệ giữa hai khối. Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, đánh giá cuộc họp thượng đỉnh là « cơ hội biến » mong muốn xích lại gần nhau giữa hai khối thành một kế hoạch « cụ thể và có lợi cho cả hai vùng cho vài thập niên tới ».


Tỷ phú TQ đối mặt với việc bị dẫn độ sang Mỹ vì cáo buộc hối lộ quan chức San Francisco

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/ti-phu-TQ-bi-truy-to.jpg

Tỷ phú Zhang Li (Reuteurs) 

Một ông trùm bất động sản Trung Quốc đang đấu tranh pháp lý nhằm tránh né việc bị dẫn độ từ Anh sang Hoa Kỳ do vai trò của ông trong việc hối lộ các quan chức thành phố San Francisco.

Tỷ phú Zhang Li, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của công ty R&F Properties đặt tại Quảng Châu, đang bị truy nã ở California vì bị cáo buộc hối lộ các quan chức nhà nước từ năm 2015 đến năm 2020. Ông Zhang bị cáo buộc đã hối lộ các nhân viên chính quyền để nhận được giấy phép cho một dự án xây dựng lớn ở San Francisco.

Ông trùm 69 tuổi này đã bị bắt ở London vào ngày 30/11 theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ. Tại phiên tòa hôm 12/12, Thẩm phán John Zani đã cho phép ông Zhang được tại ngoại với số tiền bảo lãnh kỷ lục 18,4 triệu đô la trước khi các thủ tục dẫn độ được tiến hành. Ông Zhang đã không tham dự phiên điều trần, mà ủy quyền cho luật sư của ông.

Giờ đây, ông Zhang đang sống dưới sự quản thúc tại gia 24/24 trong tòa nhà chọc trời sang trọng ở London. Ông không được phép truy cập vào bất kỳ thiết bị nào có kết nối internet và phải bị còng tay với một thành viên trong đội an ninh tư nhân do tòa án chỉ định khi ông rời khỏi nơi ở đến tham dự phiên tòa.

Ông Zhang trước đây là một quan chức trong chính quyền cộng sản Trung Quốc. Sau đó ông đã đồng sáng lập công ty R&F, một công ty bất động sản được niêm yết ở Hồng Kông. Ông cũng đồng sáng lập Z&L, một công ty bất động sản ở California, Hoa Kỳ, thông qua công ty này ông đã hối lộ các quan chức chính quyền tiểu bang. Một đại diện của cơ quan công tố Hoa Kỳ mô tả Z&L là chi nhánh ở Mỹ của công ty R&F.

Trong một thông báo hôm 12/12, R&F tuyên bố các cáo buộc là “cáo buộc sai sự thật”. Cáo buộc này bắt nguồn từ chuyến thăm Trung Quốc của một cựu quan chức phụ trách các vấn đề công cộng của thành phố San Francisco. Chuyến thăm được cho là bao gồm các bữa ăn và chỗ ở sang trọng.

Trong một hồ sơ chứng khoán đệ trình hôm 13/12, R&F khẳng định họ không cung cấp bất kỳ khoản tiền nào để bảo lãnh ông Zhang và họ không có lợi ích nào ở công ty Z&L. Mặc dù công ty này tuyên bố rằng vụ việc này sẽ không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến việc kinh doanh và hoạt động của công ty, nhưng cổ phiếu của R&F đã giảm hơn 13% vào ngày 13/12.
Sòng bài Loyale

Đây không phải là vụ việc đầu tiên các quan chức địa phương ở California bị cáo buộc có quan hệ tham nhũng với Trung Quốc.

Hồi tháng 11, một tỷ phú người Trung Quốc, chủ sở hữu một công ty bất động sản ở Los Angeles, đã bị kết tội hối lộ hơn 1 triệu đô la cho một ủy viên hội đồng thành phố Los Angeles, bao gồm các chuyến du lịch trên biển sang trọng, các chuyến đi đến sòng bài tiêu xài rất nhiều tiền và mại dâm.

Tỷ phú Wei Huang, cũng là người sở hữu một trong những công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã chi khoản tiền hối lộ trên trong nỗ lực lâu dài để phát triển một tòa nhà chọc trời 77 tầng ở Los Angeles. Ông đã mua chuộc người đại diện và là người phụ trách lập kế hoạch của khu vực này từ năm 2013 đến năm 2018.

Phát quyết kết tội đó là một trong chín phán quyết được thực hiện tại riêng thành phố Los Angeles. Tất cả các vụ án này đều do Bộ Tư pháp Mỹ thực hiện như một phần trong “Chiến Dịch Sòng bài Loyale”, một cuộc điều tra quy mô lớn của Bộ Tư pháp Mỹ về tham nhũng tại Tòa thị chính Los Angeles.

Chỉ riêng trong năm nay, khoảng 10.000 cá nhân giàu có (những người có tài sản trên 1 triệu đô la) từ Trung Quốc đã đổ xô đến Hoa Kỳ, với một phần ba trong số họ mua bất động sản ở California với giá trung bình hơn 1 triệu đô la cho mỗi giao dịch. 58% trong số đó trả tiền mua bất động sản bằng tiền mặt.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)


Nga: Sẽ không ngừng bắn tại Ukraine vào dịp Giáng sinh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/Tên-lửa-của-Nga-tấn-công-vào-một-trung-tâm-thương-mại-ở-Kyiv-vào-tháng-2_2129530487.jpg

Moscow hôm Thứ Tư (14/12) tuyên bố, sẽ không có “ngừng bắn dịp Giáng sinh” vì không nhận được yêu cầu thành ý từ Kyiv, trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc ở Ukraine đã sang tháng thứ 10. Quyết định trao đổi thêm hàng chục tù binh, trong đó có một người Mỹ, cho thấy hai bên vẫn đang duy trì liên hệ ở một cấp nhất định, theo Reuters đưa tin.
Chiến tranh Nga – Ukraine đã sang tháng thứ 10 (Ảnh: evan_huang/ Shutterstock)

Nga và Ukraine hiện vẫn chưa tiến tới đàm phán tìm cách chấm dứt các chiến trận đang diễn ra ác liệt ở phía Đông và phía Nam, và lại lan đến Kyiv một lần nữa hôm 14/12. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, hàng triệu người phải sơ tán, các thành phố trở nên tan hoang kể từ khi Nga phát động chiến tranh xâm lược vào ngày 24/2.

“Không, [chúng tôi] không nhận được yêu cầu ngừng bắn dịp Giáng sinh nào [từ phía Ukraine],” người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với phóng viên hôm Thứ Tư 14/12. “Điều này không có trong lịch trình.”

“Tiền tuyến sẽ không yên bình,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh trong bài phát biểu qua video hàng ngày, mô tả việc Nga phá hủy các thị trấn ở phía Đông bằng pháo binh rằng, “chỉ còn lại những đống đổ nát”.

Tuần này, ông Zelensky nhận định, Nga nên bắt đầu rút quân trước Giáng sinh như một bước để chấm dứt cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu kể từ Đại Thế chiến II. Nhưng phía Moscow đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị này, nói rằng Ukraine phải chấp nhận mất lãnh thổ vào tay Nga trước khi đạt được bất kỳ tiến bộ nào về đối thoại hai bên.

“Phía Ukraine phải tính đến thực tế đã diễn biến trong thời gian này,” ông Peskov cho hay khi được hỏi về đề xuất Nga hãy rút quân.

“Và thực tế đó chỉ ra rằng các đối tượng mới đã xuất hiện trong Liên bang Nga. Chúng xuất hiện là do kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý trên những vùng lãnh thổ này. Nếu không tính đến thực tế mới ấy thì không thể có bất kỳ tiến bộ [đàm phán] nào.”

Ông còn nói, “đừng nhắc đến” việc Nga thu binh trước khi kết thúc năm nay.

Ukraine và các đồng minh phương Tây bác bỏ những yêu cầu nhường lãnh thổ vì “trưng cầu dân ý” đó là giả dối và phi pháp.

Trao đổi tù binh

Mặc dù thiếu các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng hàng trăm người bị giam giữ đã được trả tự do qua trao đổi tù binh trong những tuần gần đây. Việc trao đổi tù binh này, cùng với tiến trình đàm phán nối lại xuất khẩu một thành phần phân bón của Nga, và gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, đã cho thấy hai bên vẫn duy trì liên lạc ít nhất là ở cấp độ nhất định.

Cuộc trao đổi mới nhất có hàng chục người bị giam giữ, bao gồm một công dân Hoa Kỳ, theo cả Kyiv và Washington đưa tin hôm 14/12.

Người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak xác định người Mỹ là Suedi Murekezi, người mà ông nói đã “giúp đỡ người dân của chúng tôi” trước khi bị Nga giam giữ. Theo Washington Post, ông Murekezi là cựu quân nhân Không lực Hoa Kỳ sinh ra ở Uganda.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby không nêu tên người Mỹ được trả tự do, với lý do lo ngại về quyền riêng tư.

“Chúng tôi chắc chắn hoan nghênh tin tức tốt này,” ông Kirby nói với các phóng viên. Ông còn lưu ý, quy mô của bạo lực đang diễn ra đã dập tắt đi hy vọng ngừng chiến.

“Chỉ với những gì chúng ta đang thấy trên không và trên mặt đất ở Ukraine, khó mà có thể kết luận rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc vào cuối năm nay,” ông Kirby trả lời câu hỏi về các tiến trình đàm phán hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Vậy là giao tranh vẫn tiếp diễn. Hẳn là vẫn sẽ tiếp tục trong một thời gian tới.”

Ngày 14/12, người đứng đầu Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) nhận xét, một thỏa thuận theo cách tất cả đổi tất cả khi trao đổi tù binh là một lựa chọn trong cuộc chiến này. ICRC chỉ rõ, việc đạt được thỏa thuận như vậy là tùy thuộc vào hai nước.

Chủ tịch ICRC Mirjana Spoljaric cũng nhìn nhận, một cuộc trao đổi tù binh lớn theo cách đó có thể tạo dựng niềm tin, và trong quá khứ những cuộc trao đổi như vậy đã tạo thành “bước đầu tiên cho một thỏa thuận rộng lớn hơn”.

Cả ICRC lẫn hai bên đều không công khai con số chính xác về những người bị giam giữ trong chiến tranh của mỗi nước, nhưng người ta tin rằng có hàng nghìn tù nhân như vậy.

Ukraine đã thúc đẩy trao trả thêm nhiều người bị bắt giữ như một phần của cuộc đàm phán với các đại diện của Nga nhằm tìm cách mở lại đường ống dẫn khí amoniac qua Ukraine. Đường ống này được nhiều người coi là quan trọng trong việc hạ giá phân bón có làm từ khí đốt trên thị trường thế giới.

Phan Anh


TT Zelensky muốn Nga và Belarus bị “cô lập hoàn toàn” khỏi Olympic 2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang thúc giục Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hướng tới “cô lập hoàn toàn” các vận động viên Nga trước Thế vận hội 2024 để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Trong một cuộc gọi điện thoại với Chủ tịch IOC Thomas Bach hôm thứ Tư, ông Zelensky được cho là “bày tỏ sự thất vọng” về ý định của ủy ban trong việc xem xét khả năng các vận động viên Nga và Belarus trở lại thi đấu Olympic dưới tư cách trung lập. Theo NBC Sports, động thái này đã được các quan chức Olympic hàng đầu nhất trí thông qua tại hội nghị thượng đỉnh của IOC vào tuần trước.

Tuy nhiên, văn phòng của ông Zelensky đã viết trong một thông cáo liên quan đến cuộc điện đàm rằng “phản ứng công bằng duy nhất” đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine là “cô lập hoàn toàn nhà nước khủng bố trên trường quốc tế.”

“Kể từ tháng 2, 184 vận động viên Ukraine đã thiệt mạng do các hành động của Nga,” ông Zelensky nói. “Người ta không thể cố gắng trung lập khi nền tảng của cuộc sống hòa bình đang bị phá hủy và các giá trị phổ quát của con người đang bị phớt lờ.“

IOC trước đây đã cấm các vận động viên Nga thể hiện bất kỳ hình ảnh đại diện nào của đất nước họ sau khi chính quyền quốc gia bị bắt quả tang che đậy doping của các vận động viên Nga trong Thế vận hội mùa đông 2014. Thay vào đó, các đối thủ được coi là “trong sạch” được phép tham gia dưới biểu ngữ của Ủy ban Olympic Nga (ROC) trong Thế vận hội Mùa đông 2018 ở Hàn Quốc.

Quốc kỳ Nga và quốc ca đã bị cấm trong các môn thi đấu, được thay thế bằng một bài hát trung lập và cờ của Ủy ban Olympic Nga, hiển thị màu sắc của quốc kỳ Nga cùng với các vòng tròn Olympic.

Nếu các vận động viên Nga và Belarus được phép thi đấu tại Thế vận hội 2024 ở Paris, Pháp, IOC có thể sẽ có các quy định chặt chẽ hơn về tính trung lập, bao gồm cả việc cấm hiển thị màu sắc của quốc gia, theo một thông cáo từ IOC vào tuần trước.

Chủ tịch Ủy ban Olympic và Paralympic Hoa Kỳ Susanne Lyons cũng nói với NBC rằng động thái cho phép các vận động viên Nga và Belarus ở trạng thái trung lập chỉ là một ý tưởng vào lúc này.

“Chúng tôi không đồng ý rằng các vận động viên sẽ quay trở lại,” bà Lyons nói. “Chúng tôi đã đồng ý rằng hiện tại sẽ có một cuộc thăm dò và tham khảo ý kiến ​​với các bên liên quan để xem liệu có thể có một con đường nào để những vận động viên cá nhân đó trở lại với tư cách là những người trung lập hay không.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã phải đối mặt với áp lực ở quê nhà để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, với một số cuộc thăm dò cho thấy 53% người Nga nghĩ rằng đã đến lúc bắt đầu đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, ông Putin cũng nói với Hội đồng Nhân quyền của mình vào tuần trước rằng “hoạt động quân sự” của ông ở Ukraine có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành.

Một số ủy ban thể thao quốc tế đã cấm Nga thi đấu ngay sau cuộc xâm lược. Danh sách do BBC tổng hợp vào tháng 3 bao gồm việc FIFA cấm đội tuyển bóng đá nam Nga tham dự World Cup 2022. World Rugby (bóng bầu dục) cũng đã đình chỉ Nga và Belarus thi đấu tại World Cup 2023 và Cuộc đua Công thức 1 đã chấm dứt hợp đồng với Grand Prix Nga vào tháng 9.

Ngân Hà (theo Newsweek)


Sản lượng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc thấp nhất trong 6 tháng, tiêu dùng tiêu điều

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/ntdvn_ntdvn-gettyimages-1245143371-1200x798-2.jpeg

Cảnh sát và người dân xô xát trong cuộc biểu tình phản đối chính sách ‘zero-COVID’ của chính quyền Trung Quốc tại Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 27/11/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images) 

Sản lượng công nghiệp và bán lẻ thương mại của Trung Quốc đều giảm thấp nhất trong 6 tháng qua vào tháng 11/2022. Đợt đóng cửa kéo dài và đóng băng trên thị trường bất động sản được cho là nguyên nhân của các kết quả này.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ vào tháng 11/2022, thấp hơn ước tính của thị trường là tăng 3,6% và giảm so với mức tăng 5,0% trong tháng trước. Đây là mức tăng so cùng kỳ thấp nhất trong 6 tháng qua.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc suy giảm mạnh mẽ cùng với sự suy giảm của thị trường bất động sản. Bất động sản là thị trường đầu ra của ít nhất 40 ngành sản xuất nguyên vật liệu và xây dựng khác. Sản lượng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc thấp nhất trong 6 tháng vào tháng 11/2022 vừa qua (Nguồn: Trading Economics)

Giá nhà mới trung bình tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 11/2022; tốc độ giảm của tháng 11 bằng với tốc độ giảm giá vào tháng 10. Giá nhà mới đang giảm nhanh nhất kể từ tháng 8/2015, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài do vấn đề nợ nần chồng chất giữa các nhà phát triển cũng như tác động của các ca nhiễm COVID gia tăng và các lệnh phong tỏa hoặc hạn chế nghiêm ngặt.

Không chỉ sản lượng sản xuất công nghiệp giảm mạnh, tình trạng tiêu dùng của người Trung Quốc cũng suy giảm mạnh mẽ. Bán lẻ thương mại của Trung Quốc giảm sâu nhất trong 6 tháng, thu nhập suy giảm sau đợt đóng cửa kéo dài chống dịch được cho là nguyên nhân dẫn tới kết quả này (Nguồn: Trading Economics).

Chỉ số bán lẻ thương mại của Trung Quốc đã giảm 5,9% so với cùng kỳ vào tháng 11/2022; tốc độ giảm nhanh hơn nhiều so với mức giảm 0,5% của tháng 10/2022 và tệ hơn kỳ vọng của thị trường là giảm 3,7%.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp thương mại bán lẻ của Trung Quốc bị âm và suy giảm với tốc độ lớn nhất kể từ tháng 5/2022. Tiêu dùng suy giảm được cho là do tác động của phong toả Covid-19 kéo dài, các hạn chế đi lại đã thắt chặt tiêu dùng của quốc gia này. Ngoài ra, phong toả kéo dài suốt 3 năm cũng làm giảm thu nhập đáng kể của một bộ phận dân cư, làm ảnh hưởng tới sức tiêu dùng của họ.

Quang Nhật


Bổ sung:

Tòa án Hồng Kông phán quyết lệnh cấm tưởng niệm Thiên An Môn bất hợp pháp

Cảnh sát di chuyển mọi người khi họ tập trung tại quận Causeway Bay của Hồng Kông vào ngày 4 tháng 6 năm 2021.

Theo CNN, Tòa án tối cao Hồng Kông hôm thứ Tư đã ra phán quyết rằng quyết định của cảnh sát cấm tổ chức một buổi cầu nguyện vụ tại quảng trường Thiên An Môn vào năm ngoái là “bất hợp pháp”.

Trong ba thập kỷ, Hồng Kông là nơi duy nhất trên lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát được phép kỷ niệm công khai các sự kiện trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn , trong đó những người biểu tình chủ yếu là sinh viên không vũ trang đã bị quân đội Trung Quốc tàn sát vào năm 1989. Tại Công viên Victoria, một khu vực rộng lớn mở cửa khu vực ở trung tâm thành phố Hồng Kông đông đúc, là địa điểm mặc định nơi tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền Trung Cộng tại lục địa đã áp đặt luật an ninh quốc gia cấm mọi cuộc biểu tình tại Hong kong.

Theo CNN. https://www.cnn.com/2022/12/14/china/tiananmen-square-hong-kong-vigil-intl/index.html


Túc cầu Qatar: Pháp thắng Morocco 2-0 vào chung kết với Argentina

Lúc 2 giờ Thứ Tư 14/12/2022 Pháp thắng Morocco 2-0.

Pháp sẽ đá chung kết với Argentina vào Chủ Nhật – Moroccon tranh hạng 3 vào Thứ Bảy với Croatia (tất cả vào lúc 10 giờ sáng (giờ New York)

Comments are closed.