Việt Nam: Điều tra Buôn bán ngầm đất hiếm. Kỳ 1


Quang Thế – Phạm Tuấn – 29/6/2023

Đất hiếm – một loại khoáng sản chiến lược của quốc gia – đang bị đào trộm, rao bán ngầm qua chợ “đen”, nhóm chat kín trên mạng xã hội. 

Kỳ 1: Đường dây ngầm buôn bán đất hiếm –Những kho đất hiếm giá hàng ngàn tỷ đồng

Ông Hạnh (phường Tân Phong, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu) giới thiệu bán đất hiếm đã tuyển thành dạng bột giá 50.000 đồng/kg - Ảnh: Q.T.

Ông Hạnh (phường Tân Phong, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu) giới thiệu bán đất hiếm đã tuyển thành dạng bột giá 50.000 đồng/kg – Ảnh: Q.T.

Đất hiếm có giá trị và đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực: điện tử, kỹ thuật nguyên tử, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất đến lĩnh vực luyện kim và cả chăn nuôi, trồng trọt…

Theo tài liệu địa chất từ năm 1958 đến nay, nước ta có khoảng 18 triệu tấn đất hiếm. Theo số liệu thống kê của Cục Địa chất Mỹ (USGS) năm 2020, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới. Chính vì tầm quan trọng này mà ngày 9-1-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02 yêu cầu việc “khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”.

Thế nhưng việc một “thế giới ngầm” các đường dây đào trộm, buôn bán đất hiếm vẫn diễn ra.

Lần theo manh mối

Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi tiếp cận được ông Pèng (ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, Lai Châu) cạnh mỏ đất hiếm Đông Pao.

Sau cuộc hẹn, chúng tôi gặp ông Pèng thì người này liên tục dò xét, buộc phải trả lời hàng loạt câu hỏi: “Các ông là người ở vùng nào? Sao lại biết tôi? Biết cả thông tin tôi đang gom hàng? Các ông có thực sự cần đất hiếm không?”. Sau màn dò xét, hết nghi ngờ, ông Pèng bất ngờ đưa chúng tôi ra sau nhà, cạnh mấy bó củi khô tích trữ từ lâu là nhiều bao tải bên trong chứa lõi đất hiếm.

“Tôi có khoảng 8 tạ đào ở mỏ Đông Pao, giá 7.000 đồng/kg. Trước đây tôi đã gom hàng Đông Pao cho một ông anh đưa đi Trung Quốc. Khách thích test (kiểm tra) chất lượng thì cứ thoải mái vì đây là hàng tốt nhất rồi”, ông Pèng nói.

Ông Pèng cho biết mình chỉ là tay thu mua nhỏ lẻ từ dân đào trộm. Sau khi gom hàng đủ chuyến (khoảng vài tấn) ông sẽ bán lại cho một đầu mối khác tên Hạnh ở TP Lai Châu. “Để không bị phát hiện, ngoài gùi từng ít một thì chỉ có thể chờ đến đêm, trăng sáng để đi đào trộm. Mỗi người đào một ít thì tháng cũng dồn được 30 tấn hàng thô, giá 7 triệu đồng/tấn”, ông Pèng tiết lộ.

Chúng tôi giả vờ chê hàng ít, muốn tìm mối có sẵn hàng lớn hơn, ông Pèng liền giới thiệu gặp ông Hạnh (quê Nam Định), đang ở bản Tả Làn Than, phường Tân Phong, TP Lai Châu. Cũng như ông Pèng, trước khi nhận lời hẹn gặp trực tiếp, ông Hạnh cũng dò xét rất kỹ. “Pèng gọi điện tôi cũng e ngại vì hàng này nhạy cảm lắm. Vừa rồi có một mối ở Lào Cai trả giá hơn 20.000 đồng/kg nhưng cũng đang phải xem xét đã”, ông Hạnh nói.

Qua điện thoại, chiều 13-4, ông Hạnh hẹn chúng tôi đến một quán cà phê ở góc đường Tôn Thất Tùng – Nguyễn Đình Chiểu (phường Đông Phong, TP Lai Châu) để xem mẫu đất hiếm. Vào quán cà phê, ông Hạnh chọn góc vắng để chào hàng: “Hàng Đông Pao là số 1 rồi, còn hàng Nậm Xe (huyện Phong Thổ, Lai Châu) có thể lấy được số lượng nhiều hơn nhưng chất lượng kém không so được với Đông Pao. Với đất hiếm, mỗi lần vận chuyển 7 – 8 tấn là nhiều, vì hàng này phức tạp lắm”.

Giá đất hiếm ở cạnh mỏ Đông Pao chỉ 7.000 đồng/kg nhưng sau khi đưa xuống TP Lai Châu giá đã được ông Hạnh đẩy lên gấp 3 lần. Ông Hạnh cho biết ngoài đất hiếm giá 22.000 đồng/kg thì ông còn có cả hàng đã tuyển thành dạng bột giá 50.000 đồng/kg.

“Bọn tôi ở đây có thằng tự chiết suất đất hiếm thô thành dạng tinh. Thường thì 1 tấn nó chiết ra chỉ còn 5 tạ như bột sắn, bột mì ấy. Mối hàng của tôi bên Trung Quốc có bao nhiêu là họ lấy hết nhưng thi thoảng lại tạm dừng không hiểu lý do vì sao”, ông Hạnh nói.

Để khách tin tưởng, ông Hạnh nói chúng tôi ngồi chờ ở quán cà phê rồi về kho lấy mẫu. Khoảng 30 phút sau ông mang về hai túi bóng, một túi khoảng 4kg đất hiếm, túi còn lại hơn nửa ký đất đã tinh chế.

Ông Hạnh dặn dò hình thức mua bán: “Trước khi giao dịch anh chuyển tiền cọc trước 30% vào tài khoản ngân hàng của tôi. Tuyệt đối không ghi nội dung mua đất hiếm mà phải ghi là mua hàng nông sản”.

Từ 7 triệu đồng đến 180 triệu đồng/tấn

Lần theo một mẩu tin nhắn rao tìm khách, giữa tháng 4-2023 chúng tôi tìm gặp người đàn ông có tên trên Zalo là Đại Lâm Mộc. Qua tìm hiểu và đối chiếu với căn cước công dân số 02608700… ông Mộc cung cấp thì người này tên thật là Thế Anh (thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc).

Để bảo mật vị trí lô hàng như đã giới thiệu, ông Anh hẹn gặp chúng tôi tại một điểm dừng nghỉ trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai (thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc). Hàng ông này chào là đất hiếm còn nguyên cục bên ngoài màu nâu sẫm, vàng nhạt và loại còn lại đã nghiền thành bột.

Giá đất hiếm ông Thế Anh chào lên đến 50 triệu đồng/tấn do đây là hàng đã tuyển, đóng bao để sẵn trong kho. “Hiện giờ hàng có sẵn trên 200 tấn đã tuyển, nghiền thành bột đạt hơn 40% hàm lượng đất hiếm, giá 50 triệu đồng/tấn, giao hàng tận nơi tất cả các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội”, ông Thế Anh nói.

Người này cho biết thêm: “Đang có khách người Trung Quốc muốn đặt cọc, đây là mối làm ăn lâu dài. Trước họ đã từng lấy hàng nay lại lấy tiếp. Hết dịch COVID-19 rồi, có bao nhiêu lấy bấy nhiêu, vậy nên chú phải đặt cọc nhanh còn kịp”.

Trong thế giới ngầm mua bán đất hiếm, ông Chung (xã Cao Minh, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) được giới buôn khoáng sản đồn thổi như một tay trùm ở phía Bắc. Ngày 18-4, trong vai người mua, chúng tôi được ông Chung chào hàng đất hiếm số lượng lớn với giá 180 triệu đồng/tấn. Chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì giá quá cao, ông Chung liền giải thích đây là hàng có hàm lượng quặng cao, đang nằm trong kho tại Quảng Ninh chứ không phải ở mỏ. Theo ông Chung giới thiệu, lô hàng này lên đến 7.000 tấn, tổng giá trị khoảng 1.200 tỉ đồng.

Vài ngày sau, ông Chung cho biết sẽ gửi mẫu qua chuyển phát nhanh cho chúng tôi xem. Sau đó chúng tôi nhận được một bưu kiện được chuyển từ phường Phù Khê (TP Từ Sơn, Bắc Ninh) đến Hà Nội nhưng không có thông tin người gửi. Bên trong bưu kiện có bốn túi nhỏ, trọng lượng chỉ vài lạng với màu sắc khác nhau, kèm bảng test đất hiếm.

Khoét quả đồi

Dân buôn khoáng sản lâu năm khẳng định nếu không có người bảo lãnh thì để vào mỏ đất hiếm còn “khó hơn lên trời”. Thông qua một “người bảo lãnh” ở TP Việt Trì (Phú Thọ), chúng tôi tiếp cận ông Anh (phường Hồng Hà, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) ngỏ ý xem mỏ để ký hợp đồng mua số lượng lớn.

Người bảo lãnh dặn dò: “Mỏ này trữ lượng cả triệu tấn, em cứ gọi vào số điện thoại 0964568… cho ông anh của chị sẽ có người đón, đưa đến thăm mỏ nhưng với điều kiện em phải thật kín miệng”. Như đã hẹn, 9h sang ngày 16-4, chúng tôi có mặt tại điểm hẹn, ông Anh đi xe bán tải màu đen mang biển kiểm soát 21C.059… đá đèn ra hiệu chúng tôi chạy theo.

Chiếc bán tải chạy trên quốc lộ 70 khoảng hơn một tiếng qua nhiều cung đường hẹp, quanh co, khi đến địa phận xã Tân Hương (huyện Yên Bình, Yên Bái) thì đột ngột hãm ga rẽ trái vào cổng làng văn hóa Khuân La. Qua cổng làng văn hóa Khuân La khoảng 10 phút, điểm đến trước mắt chúng tôi là một con đường bê tông chạy sát nách quả đồi bị khoét một góc lớn, um tùm cỏ dại. Lý giải về vị trí đã bị khoét sâu, ông Anh cho biết chỗ này ông đã múc 2 vạn tấn (20.000 tấn) bán đi Trung Quốc với giá 24 triệu đồng/tấn.

Để khách tin tưởng, ông Anh nói trước khi bốc hàng lên xe sẽ cho chúng tôi test nhanh. Khi chúng tôi hỏi về pháp lý, ông cho hay mỏ đất hiếm này chưa được cấp phép, ông chỉ có giấy tận thu, hạ cốt nền. “Giấy tờ tôi chỉ có thế này thôi. Không ai cấp cho khai thác đất hiếm cả. Mỏ của tôi còn hơn 1,5 triệu tấn, trữ lượng không chỉ ở quả đồi này mà còn âm xuống sâu 30m nên khai thác thoải mái”, ông giới thiệu.

Số tài khoản ông Anh gửi là của một chủ doanh nghiệp ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Chủ doanh nghiệp này là một phụ nữ có tên B.T.T. (37 tuổi, ở huyện Văn Chấn, Yên Bái). Ông Anh hướng dẫn ngoài tiền cọc bắt buộc chuyển khoản thì những lần thanh toán về sau phải dùng 100% tiền mặt.

“Thanh toán hàng 100% dùng tiền mặt chú em nhé. Mỗi tháng tài khoản tôi được dội về mấy chục tỉ đồng là chết luôn đấy”, ông Anh dặn dò.

Đất hiếm được dùng để làm gì?

Là công ty duy nhất ở Việt Nam có khả năng chiết tách từng nguyên tố đất hiếm, ông Lưu Anh Tuấn – giám đốc Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam – cho hay trong đất hiếm có 17 nguyên tố hóa học được ví như vitamin của các ngành công nghệ cao như: sản xuất con chip, tuốc bin điện gió, xe điện, robot, công nghiệp hàng không… Trong tương lai, đất hiếm sẽ là nguyên liệu rất cần thiết để chế tạo ra các thiết bị phục vụ sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Theo ông Tuấn, đất hiếm có giá 5.000 – 8.000 USD/tấn tùy biến động thị trường thế giới. Tuy nhiên cũng có thời điểm lên tới 20.000 – 30.000 USD/tấn. Năm 2010, 2011 do nguồn cung hạn hẹp, giá kim loại đất hiếm làm nam châm điện được giao dịch lên đến 300.000 USD/tấn.

Có được buôn bán, xuất khẩu quặng thô?

Trả lời Tuổi Trẻ, Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết theo quy định của pháp luật về thương mại, việc mua bán hàng hóa (trong đó có mua bán khoáng sản) phải có nguồn gốc hợp pháp, có giấy phép khai thác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Quá trình xác minh của Tuổi Trẻ cho thấy những người buôn bán ngầm đất hiếm được nêu trong bài đều không có giấy phép khai thác, không có nguồn gốc hợp pháp.

Ngoài ra, việc xuất khẩu khoáng sản phải thực hiện theo thông tư số 23 ngày 15-12-2021 của Bộ Công Thương, trong đó quy định sản phẩm tinh quặng với tổng oxit đất hiếm phải đạt từ 95% trở lên.

Muốn mua cả ngàn tấn cũng có

Trong giới buôn bán ngầm đất hiếm, phải kể đến một phụ nữ quê Vĩnh Phúc, hiện ở phường Bạch Hạc, TP Việt Trì (Phú Thọ). Đó là bà Thủy, người được dân buôn khoáng sản gọi là bà Thủy “bốn ngấn”. Bà Thủy có tiếng với mặt hàng lõi đất hiếm.

“Hàng của chị không thể nhầm lẫn được với ai cả. Mỗi khi chị quay clip lõi đất hiếm gửi cho đối tác thì họ luôn tin tưởng tuyệt đối. Vì nhìn vào ngón tay út sẽ phát hiện ra biết ngay đây là mỏ của nhà chị. Với người bình thường thì ngón tay út chỉ có ba ngấn nhưng chị tận bốn ngấn đốt tay”, bà Thủy nói.

Bà Thủy cho biết trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đặt lõi đất hiếm của bà sau đó bán lại kiếm lời. “Vấn đề ở đây không phải giá bao nhiêu một tấn mà là tìm được mối ngon hay không. Ông anh chị ở Hà Nội thi thoảng lại mua 1 tấn hàng lõi rồi bán lại rất đắt. Trôi mấy tấn lõi là lãi tiền tỉ ngay”, bà nói.

Mỗi viên lõi đất hiếm bà Thủy giới thiệu chỉ bằng ngón tay cái, tròn xoe như viên bi, có màu nâu sẫm, óng ánh. Bà Thủy cho biết phải dựa vào “tình hình” khai thác để đưa ra giá lõi đất hiếm. “Nếu khai thác được nhiều thì giá giảm nhưng khai thác được ít giá 3,5 tỉ đồng/tấn. Hàng này phải đẽo từng viên không phải múc hay đào được…”, bà Thủy cho hay.

Cũng theo bà Thủy, sau khi khách đặt cọc, thông báo ngày lấy hàng bà sẽ cho quân vào khai thác rồi bốc lõi đất hiếm ra đường lớn. “Hàng lõi khai thác thổ phỉ tại huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Tôi thuê người dân ở đấy đi lấy lõi, có ai hỏi thì phải nói là đi đẽo than. Dân không biết đất hiếm là gì cả”.

Gặp chúng tôi trong lần hẹn khác tại một quán cà phê trên đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), bà Thủy giới thiệu ngoài lõi đất hiếm, bà còn có cả đất hiếm số lượng lớn. “Ví dụ em lấy khoảng 2.000 tấn thì báo trước vài ngày để chị cho máy vào múc lên xe chở đi luôn. Với hàng đất hiếm chị đang bán 25 triệu đồng/tấn, còn hàng lõi đất hiếm như đã giới thiệu là 3,5 tỉ đồng/tấn, không hơn không kém”, bà Thủy nói.

Sau đó bà Thủy đề nghị chậm nhất đến ngày 10-5, phải đặt trước 20% giá trị lô hàng với số tiền hơn 2,2 tỉ đồng. Để khách tin tưởng, bà Thủy giới thiệu chuyển khoản đặt cọc qua Công ty TNHH VVH (có trụ sở tại khu 11, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, Phú Thọ), do ông Vũ Văn Hoa (65 tuổi) làm giám đốc.

Chúng tôi xin số điện thoại ông Hoa gọi để xác nhận. Cũng như bà Thủy, ông Hoa đề nghị chuyển hơn 2,2 tỉ đồng vào số tài khoản ở một ngân hàng chi nhánh Tam Nông, Phú Thọ. “Cái Thủy làm cùng với tôi. Công ty của chúng tôi trước đây chủ yếu làm gỗ nhưng dần chuyển qua làm đất hiếm. Sau khi cọc tiền thì chỉ cần vài ngày là có hàng, riêng lõi đất hiếm đã gom được cả tấn rồi. Trước đây tôi có bán cho Trung Quốc được khoảng 300 tấn đất hiếm, giá chỉ 17 triệu đồng/tấn thôi nhưng do COVID-19 nên tạm dừng lại. Dự kiến lõi đất hiếm mỗi tháng tôi gom được khoảng 2 tấn, còn đất hiếm thì cứ thế mà múc”, ông Hoa nói thêm.

Đến sáng 8-5, ông Hoa còn gửi cho chúng tôi thêm nhiều hình ảnh đất hiếm, một số vị trí đào đất hiếm ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã được khoét hố sâu như hầm vàng thổ phỉ và giục chuyển tiền cọc.

Đất hiếm bị “xẻ thịt”, trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Phương, phó cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Theo quy định hiện hành, trách nhiệm bảo vệ mỏ khoáng sản đã được cấp phép thuộc về doanh nghiệp. Đối với mỏ khoáng sản chưa cấp phép khai thác, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ.

Trước thông tin tại nhiều địa phương đang có tình trạng rao bán trái phép khoáng sản đất hiếm mà phóng viên Tuổi Trẻ cung cấp, ông Phương cho biết sẽ giao phòng kiểm soát nắm bắt thông tin, đề nghị các tỉnh báo cáo thực trạng và sẽ có những biện pháp xử lý.

(Còn tiếp)

Q.T. – P.T.

Nguồn: Tuoitre.vn

https://boxitvn.blogspot.com/2023/06/ieu-tra-buon-ban-ngam-at-hiem.html

Comments are closed.