Quê Hương tổng hợp
Tài phiệt Mỹ liệu đã có tin tưởng vào chế độ Việt Nam?
Trương Nhân Tuấn
20-9-2023
Trên BBC có bài ghi lại nội dung phỏng vấn Giáo sư Vuving tựa đề: ‘Việc nâng cấp quan hệ cho thấy Việt Nam đã tương đối tin tưởng Mỹ‘.
Theo tôi vụ “tin tưởng” này có thể đúng một chiều. Nội bộ Cộng sản Việt Nam có thể đã manh nha một “niềm tin chiến lược” đối với Mỹ, rằng Mỹ đã nhìn nhận và tôn trọng nét đặc thù về chính trị (rập khuôn Trung Quốc) của Việt Nam.
Chiều ngược lại, Mỹ đối với Việt Nam, có hai “luồng” khác biệt.
Luồng thứ nhứt. Từ nhiều năm nay phía nhà nước Mỹ luôn thúc hối Việt Nam nâng tầm quan hệ giữa hai bên. Gần đây nhứt là lời đề nghị của bà phó tổng thống Mỹ năm 2021. Điều này cho thấy Mỹ luôn tin tưởng vào một Việt Nam “có lợi cho các chính sách quốc gia của Mỹ”. Mỹ đã sẵn sàng bắt tay với Việt Nam, ở bất kỳ mức quan hệ nào.
Trái banh “nâng tầm quan hệ” vì vậy nằm trong chân Việt Nam. Đến khi Việt Nam quyết định “ô kê” với Mỹ, dĩ nhiên đảng CSVN đã có “niềm tin chiến lược” vào Mỹ.
Luồng thứ hai là tư bản Mỹ. Chuyện tư bản Mỹ có tin tưởng vào chế độ của Việt Nam hay không, theo tôi vẫn là một ẩn số.
Từ lúc Việt Nam “đổi mới” đến nay, tính chẵn 30 năm. Tư bản các quốc gia Đông Á (Nhật, Hàn, Đài…) ồ ạt đầu tư vào Việt Nam. Tài phiệt các nước ASEAN cũng tìm cách thâu tóm thị trường Việt Nam (như tài phiệt Thái). Trong bối cảnh chen chúc đó ta thấy tư bản Mỹ hầu như vắng mặt. Vì sao?
Tại sao Việt Nam có chế độ rập khuôn Trung Quốc nhưng tài phiệt Mỹ Âu vẫn đầu tư vào Trung Quốc mà xem nhẹ Việt Nam?
Câu trả lời có thể là vì Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn Việt Nam, như trình độ nhân công và hạ tầng cơ sở tốt hơn Việt Nam.
Việt Nam hiện thời đã “mở” hết mức với thị trường thế giới, với 16 FTA đã ký kết (và 3 FTA đang thương lượng). Nhưng tài phiệt thế giới vẫn không “chen lấn” để vào Việt Nam. Trong khi hàng hóa của Việt Nam phần lớn xuất qua Mỹ.
Tức là ngoài các lý do trình độ nhân công (tay nghề kém) và thiếu thốn hạ tầng cơ sở (như khả năng cung cấp năng lượng, sức chứa cảng biển…) Lý do còn lại là tài phiệt Mỹ (và ngày cả Tây Âu) vẫn còn nghi kỵ chế độ CSVN.
Nghi ngờ về cái gì?
Về yếu tố “quyền biến” trong việc giải thích và thực thi pháp luật.
Việt Nam khác với Trung Quốc ở điểm là đảng CSVN không có tư cách pháp nhân. TBT đảng CSVN không có trách nhiệm trước pháp luật nhưng vị này được (mặc nhiên đồng thuận) đứng đầu, thay mặt nhà nước và chính phủ. Còn Chủ tịch nước Trung Quốc kiêm nhiệm luôn chức TBT đảng.
Luật lệ Việt Nam, nói là “Nhà nước Pháp quyền – Etat de Droit”, nhà nước xây dựng trên các hệ thống luật lệ”. Thực tế là “nhà nước Việt Nam nằm trong tay đảng”.
Tài phiệt Mỹ và Châu Âu có thói quen “làm ăn sòng phẳng”, cái gì cũng có “luật” của cái đó, trắng đen minh bạch, tất cả thể hiện trên giấy tờ.
Thủ tướng CS Việt Nam chiêu dụ đầu tư Hoa Kỳ vào lĩnh vực công nghệ vi mạch
20/9/2023
Chuyến đi Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam diễn ra sau chuyến công du của Tổng thống Biden đến Hà Nội vào ngày 10-11/9 vừa qua.
Báo Nhân dân
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào chiều ngày 18/9 (giờ miền tây Hoa Kỳ) đến tại trụ sở một số tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ ở Silicon Valley gồm Nvidia, Meta và Synopsys.
Reuters loan tin ngày 19/9 cho biết chuyến đi Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam diễn ra sau chuyến công du của Tổng thống Biden đến Hà Nội vào ngày 10-11/9 vừa qua.
Lần này ông Chính đến Mỹ để dự họp Đại Hội đồng Liên hiệp quốc; nhưng trước khi sang New York, ông đã dừng tại miền Tây và gặp doanh giới Hoa Kỳ như vừa nêu.
Tại diễn đàn đầu tư ở San Francisco, ông Chính lặp lại rằng “Việt Nam mong muốn mở cửa đón tất cả các nhà đầu tư” và cam kết tạo điều kiện cho những khoản đầu tư trong tương lai của những tập đoàn như Nvidia, Synopsys.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, nhân chuyến thăm của ông Phạm Minh Chính, Synopsys ký kết hai biên bản hợp tác về phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam và về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Tập đoàn Meta cũng bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục sản xuất các thiết bị của metaverse (vũ trụ ảo).
Tập đoàn Nvidia cho biết mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin, và trí tuệ nhân tạo (AI).
Thủ tướngCS Việt Nam gặp các tập đoàn công nghệ Mỹ, tìm kiếm hợp tác về lĩnh vực bán dẫn
20/9/2023
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc với một số tập đoàn công nghệ Mỹ tại Thung lũng Silicon ở California, chứng kiến việc ký kết hợp tác cũng như khuyến khích các công ty Hoa Kỳ đầu tư thêm vào Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn.
Ông Chính cho biết chuyến thăm của ông là nhằm cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới được thiết lập giữa Việt Nam và Mỹ trong chuyến công du của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội, trong đó xác định hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá trong quan hệ song phương, theo báo Điện tử Chính phủ.
Tờ báo chính thức của Chính phủ Việt Nam cho biết ông Chính hôm 18/9 tới thăm trụ sở chính của Nvidia và Synopsys.
“Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón tất cả doanh nghiệp tới đầu tư kinh doanh đúng pháp luật, ổn định, hiệu quả vì sự hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước,” ông Chính được báo Chính phủ trích dẫn nói tại “Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo” tại San Francisco hôm 18/9.
Ông Chính cho rằng “đây là cách tốt nhất” để hai cựu thù Việt Nam và Mỹ “hàn gắn vết thương, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.”
Khi tiếp đoàn chính trị gia vùng Vịnh San Francisco cùng ngày 18/9, ông Chính đề nghị Thị trưởng Oakland, bà Sheng Tao, mời gọi thêm nhiều người dân và doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam để “tăng cường giao lưu nhân dân và tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.”
Còn khi gặp mặt các lãnh đạo của Nvidia và Synopsys tại Thung lũng Silicon, ông Chính cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư trong tương lai của các tập đoàn Mỹ tại Việt Nam.
Chủ tịch Nvidia, Jensen Huang, được báo Chính phủ trích lời nói với ông Chính rằng tập đoàn này “muốn hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo” cũng như kỳ vọng Việt Nam “trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này tại Đông Nam Á.”
Nvidia hiện là nhà cung cấp máy chủ và trí tuệ nhân tạo hàng đầu ở Việt Nam, theo báo Chính phủ.
Trong khi đó Synopsys, công ty có kế hoạch xây dựng các trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam, hôm 18/9 đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác với các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền Thông cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam.
Nhà sản xuất chip Intel của Mỹ hiện đang có nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn thất của họ trên thế giới ở TPHCM trong khi đối thủ Amkor đang xây dựng một nhà máy lớn để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn ở gần Hà Nội.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau khi Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt hôm 10/9, Hoa Kỳ “cam kết hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam và cùng hợp tác tích cực để nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.”
Nhân quyền Việt Nam bao giờ tường minh tin tức?
Thới Bình /VNTB
20/9/2023
Truyền thông của Nhà nước Việt Nam hoàn toàn không đưa tin về việc trả tự do cho hai tù nhân trước thời hạn là ông Nguyễn Bắc Truyển và Mai Phan Lợi.
Ngày 19-9-2023, một bài báo trên Reuters bất ngờ đưa tin là có ít nhất bốn nhà hoạt động xã hội dân sự đã được nhà nước Việt Nam buộc phải lưu vong nước ngoài. Reuters nêu hai danh tánh cụ thể là ông Nguyễn Bắc Truyển và ông Mai Phan Lợi. Người thứ ba được úp mở với gợi ý rất dễ nhận ra là luật sư Võ An Đôn.
Tại Hoa Kỳ, dự kiến gia đình của luật sư Võ An Đôn sẽ được tái định cư theo chương trình tị nạn “Ưu tiên 1”. Nhân vật thứ ba là một giáo dân Công giáo Cồn Dầu bị đuổi khỏi nhà.
Luật sư Võ An Đôn trong ngày 19/9 xác nhận với RFA, ông là một trong hai người được nhắc đến tuy nhiên ông vẫn đang ở tại quê nhà và chưa rõ thời điểm được xuất cảnh. Ông nói: “Hai ngày trước khi ông Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, công an tỉnh Phú Yên có gọi điện thông báo cho tôi biết là Bộ Công an Việt Nam đã bỏ lệnh cấm xuất cảnh đối với tôi. Sau đó tôi gọi điện cho Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TPHCM để nói về vấn đề này thì họ đang sắp xếp cho tôi và gia đình đi sang Mỹ.”
Điểm chung là hai nhà hoạt động vừa kể dù chưa bị cầm tù nhưng bị cấm rời khỏi Việt Nam.
Phía Reuters không dẫn cụ thể quan chức nào trong chính phủ Hoa Kỳ, bài báo chỉ cho biết là “Việt Nam cũng đồng thời ký một thỏa thuận riêng nhằm đạt tiến bộ về tự do tôn giáo và về các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam, về các điều kiện giam cầm và về luật lao động, một quan chức cho hay”.
Reuters cũng dè dặt nhấn rõ rằng, “Reuters chưa được xem qua và cũng chưa được loan tin trước đây. Thoả thuận được ký kết khi Việt Nam đồng ý nâng cấp quan hệ ngoại giao với Washington lên vị thế ngoại giao tương tự như Trung Quốc và Nga, nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden”.
Tính cho đến hiện tại thì tình hình tự do ngôn luận, tự do biểu đạt niềm tin tôn giáo ở Việt Nam về cơ bản chưa thấy bước tiến triển nào.
Đơn cử như mới đây khi báo chí và nhiều cá nhân nhà báo, học giả,… lên tiếng chỉ trích Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cá nhân người đứng đầu Bộ này đã hành xử quá kém trước thảm họa nhân đạo đưa đến 56 người chết cháy đầy tức tưởi ngay giữa thủ đô, thì gần như lập tức thay vì tiếp thu những yếu kém được chỉ rõ đó, phía quan chức của Bộ này lại nhân danh bảo vệ Đảng để yêu cầu “phối hợp xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc”.
Về liên quan đến quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo, khá khó hiểu khi mới đây Bộ Nội vụ yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện việc giải tán, thu hồi giấy phép đối với các nhóm sinh hoạt tôn giáo “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” tập trung, không để tổ chức này tái nhóm, hình thành các tụ điểm hoạt động mới.
Khó hiểu vì ngay cả khi không phát hiện sai phạm hay vi phạm pháp luật gì thì vẫn “thu hồi giấy phép”. Văn bản này do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng ký ban hành. Theo đó, “Xử lý theo quy chế, kỷ luật của cơ quan, đơn vị, tổ chức đối với người tham gia đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, văn bản của Bộ Nội vụ nêu rõ, và đề nghị các địa phương báo cáo kết quả, thông tin kịp thời những phát sinh phức tạp về Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) để phối hợp xử lý.
Tín hiệu có phần cởi mở hơn đối với một số tổ chức tôn giáo nội sinh của miền Tây Nam bộ.
Đơn cử mới đây tại An Bình tự, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Ánh Chức, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ trao Quyết định số 632/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc công nhận tổ chức tôn giáo đối với Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn cho Hội đồng Trị sự Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn.
Đây là tôn giáo nội sinh do ông Nguyễn Ngọc An khai đạo vào năm 1915, tại tỉnh Kiên Giang. Ông Nguyễn Ngọc An là một cao đồ của Phật thầy Tây An.
Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn hoạt động theo tôn chỉ, mục đích là “Đạo pháp, hiếu nghĩa, dân tộc, an bình, bác ái, từ tâm”. Có cơ cấu tổ chức gồm 02 cấp: cấp Trung ương là Hội đồng Trị sự và cấp cơ sở (tổ chức tôn giáo trực thuộc) là ban quản tự các chùa, am, cốc tại nhiều tỉnh, thành phố.
___________
Tham khảo:
Reuters: Các nhà hoạt động Việt Nam đi Mỹ sau thỏa thuận của chính quyền Biden
Tác giả: Trevor Hunnicutt
WASHINGTON, ngày 18 tháng 9 (Reuters) – Hai nhà hoạt động Việt Nam mà chính quyền Biden tin rằng đã bị chính quyền Cộng sản nước này bắt giữ sai trái đang được đưa đến Hoa Kỳ theo một thỏa thuận được đàm phán trước chuyến thăm Hà Nội gần đây của tổng thống, các quan chức Mỹ nói với Reuters. Một luật sư nhân quyền, người vận động đòi trách nhiệm giải trình cho các hành vi ngược đãi của cảnh sát, một giáo dân Công giáo bị đuổi khỏi nhà cùng gia đình rời Việt Nam đến Hoa Kỳ, một trong những quan chức cho biết.
Tại Hoa Kỳ, các gia đình này dự kiến sẽ được tái định cư theo chương trình tị nạn “Ưu tiên 1”. Các nhà hoạt động này không bị cầm tù nhưng bị cấm rời khỏi Việt Nam.
Một quan chức Mỹ cho biết, chính phủ Việt Nam cũng đã đồng ý trả tự do cho hai nhà hoạt động Việt Nam theo yêu cầu của Hoa Kỳ trước chuyến thăm của ông Biden vào tuần trước, đồng thời ký một thỏa thuận riêng nhằm đạt được tiến bộ về tự do tôn giáo, các hoạt động của tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam, điều kiện giam giữ và luật lao động, một trong những quan chức cho biết.
Các chủ đề của thỏa thuận riêng tư mà Reuters chưa xem xét độc lập và chưa được đưa tin trước đây. Chúng được ký kết khi Việt Nam đồng ý nâng quan hệ ngoại giao với Washington lên vị thế cao nhất của Hà Nội cùng với Trung Quốc và Nga trong chuyến công du của ông Biden. Trong chuyến đi này ông Biden tán thành tầm nhìn trở thành một quốc gia dẫn đầu về công nghệ cao của Việt Nam.
Các thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Biden phải đối mặt với những chỉ trích về ngoại giao với Việt Nam, Ấn Độ và Ả Rập Saudi cũng như về các cuộc đàm phán xung quanh vấn đề trao đổi tù nhân với Iran. Chính phủ của Việt Nam, Ấn Độ và Ả Rập Saudi từ chối các quyền tự do chính trị được hưởng ở phương Tây.
Những tù nhân Việt Nam được ta trả tự do là luật gia chuyên về tôn giáo đã được thả sang Đức và một cá nhân khác bị kết án vì trốn thuế liên quan đến tổ chức phi chính phủ của ông ta.
Các quan chức không nêu tên bất kỳ ai trong số 4 người này vì lý do nhạy cảm về ngoại giao và an ninh, nhưng tên của 2 cựu tù nhân này đã được biết. Luật sư Nguyễn Bắc Truyền xác nhận việc ông được trả tự do và chuyến đi cùng vợ sang Đức vào đầu tháng này. Việc trả tự do cho nhà báo độc lập Mai Phan Lợi cũng đã được xác nhận vào đầu tháng này.
“ Đại diện của một nhóm lớn hơn nhiều”
Cộng đồng nhân quyền Việt Nam coi tình hình ở đó thật thảm khốc.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hồi đầu tháng này rằng Việt Nam đang giam giữ ít nhất 159 tù nhân chính trị và 22 người khác. Tổ chức này cho biết họ đã kết án 15 người với mức án tù nặng mà không được xét xử công bằng trong năm nay.
Theo những người quen thuộc với kế hoạch này, Việt Nam cũng đang soạn thảo các quy định mới nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận trực tuyến, cấm người dùng mạng xã hội đăng nội dung liên quan đến tin tức của những nhà báo không đăng ký/giấy phép.
Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88 – một nhóm vận động nhân quyền đặc biệt cho Việt Nam, cho biết: “Thật phẫn nộ khi Tổng thống Biden chọn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào thời điểm nhà nước độc đảng đang đàn áp tàn bạo các hoạt động, người bất đồng chính kiến và xã hội dân sự”.
Việt Nam thường thả những tù nhân như vậy trước chuyến thăm của tổng thống [Hoa Kỳ]. Theo một trong các quan chức Mỹ, quan chức chính quyền Biden đã thúc đẩy việc cấp thị thực xuất cảnh để bổ sung thêm một bước trong các cuộc đàm phán cuối cùng về tuyên bố chung và hậu cần cho chuyến đi.
Quan chức Mỹ cho biết những người này là “đại diện của một nhóm lớn hơn nhiều mà chúng tôi tin rằng sẽ được tự do”.
“Mặc dù chúng tôi ước rằng chúng tôi có thể đón thêm nhiều người hơn trước chuyến thăm của tổng thống, nhưng chúng tôi tin rằng mối quan hệ hợp tác ngày càng gia tăng và mối quan hệ được củng cố này sẽ mang lại cho chúng tôi phương tiện và quy trình cần thiết để tiếp tục giải quyết những vấn đề này với những người bạn Việt Nam.”
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ hy vọng những cuộc đối thoại đó sẽ diễn ra cả trong các cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm với người Việt Nam – đôi khi bị một số nhà hoạt động nhân quyền và quan chức coi là một cuộc trao đổi không đáng kể về các luận điểm – cũng như trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và người đồng cấp Việt Nam, Bùi Thanh Sơn.
____________
Nguồn: Reuters – Exclusive: Vietnam activists to seek US refuge after Biden administration deal – US officials
Du khách quốc tế đến Sài Gòn chi tiêu ít
An Vui /SGN
19/9/2023
Laurine và mẹ mua tượng trưng một số món đồ lưu niệm trong chợ Bến Thành – Ảnh: VnExpress
Mặc dù mua sắm được xem là sản phẩm chính của ngành du lịch Sài Gòn, song tỷ lệ chi tiêu cho mua sắm của du khách quốc tế còn thấp so với các quốc gia ASEAN khác.
Tại Sài Gòn, du khách quốc tế chỉ dành 17% tổng chi tiêu cho mua sắm, trong khi ở Bangkok (Thái Lan) họ dành 23%, còn Singapore dành 28% và Kuala Lumpur (Malaysia) dành 32%!
Theo ghi nhận của Sở Du lịch Sài Gòn, du khách quốc tế đến thành phố thường mua sắm tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, nhưng sức mua rất thấp.
VnExpress ngày 19 Tháng Chín 2023 dẫn lời các chuyên viên du lịch đánh giá: Nạn nói thách là một phần nguyên nhân khiến mức chi tiêu cho mua sắm của du khách quốc tế khi đến Sài Gòn thấp so với khu vực.
Tờ báo này tường thuật câu chuyện của vài du khách quốc tế để dẫn chứng.
Chẳng hạn cô Laurine, du khách Pháp lần đầu đến Việt Nam và Sài Gòn. Trước chuyến đi, Laurine đã tham khảo tư vấn mua sắm tại Sài Gòn và được nhắc nhở nếu đến chợ Bến Thành thì phải trả giá thấp hơn ít nhất một nửa khi mua đồ ở đây.
Khi đến chợ Bến Thành, cô Laurine thấy hấp dẫn vì chợ có đủ loại hàng hóa lẫn dịch vụ, từ ăn uống, đến nông sản, đồ lưu niệm. Tuy nhiên, cô nhận xét sao cùng một mặt hàng nhưng “mỗi gian lại có mức giá khác nhau”!
Laurine hỏi mua vài thứ như hạt tiêu, nón lá trưng bày, tranh thêu nhỏ, mỗi món đều được chủ sạp báo giá trên 200,000 đồng. Cô Laurine thử trả giá mỗi món đồ bằng 50-70% mức mà chủ cửa hàng đưa ra.
Khi người bán hàng không đồng ý, cô quay người “giả vờ bỏ đi”, và được gọi lại bán với giá chỉ 40,000-80,000 đồng mỗi món.
Tổng chi sau một buổi mua sắm của Laurine ở chợ Bến Thành chưa đến 300,000 đồng.
Chia sẻ với VnExpress, cô nói không thấy sốc khi bị nói thách, vì nói thách là điểm chung của nhiều khu chợ truyền thống tại nhiều nước châu Á. Tuy nhiên, cô chỉ không rõ giá trị thật của món đồ là bao nhiêu, có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không.
Một nữ du khách New Zealand là Ash, cũng lần đầu đến Sài Gòn và được trải nghiệm “mặc cả khi mua đồ” ở các chợ truyền thống như Bến Thành, Tân Định và cả khu Saigon Square – vốn khởi đầu là khu chợ chuyên hàng Việt Nam gia công xuất cảng còn dư, nay toàn hàng Trung Quốc.
Cô nói ở điểm mua sắm nào cô cũng phải mặc cả và vì e ngại bị mua hớ, cô chỉ chọn vài món đồ lưu niệm ở chợ với giá chưa đến 200,000 đồng.
Để tránh bị nói thách, Ash chọn vào trung tâm thương mại vì giá đã được niêm yết, cô so sánh: “Ở New Zealand, dù ở chợ nhỏ lẻ hay trung tâm thương mại, giá đều như nhau, tôi không phải nài nỉ mặc cả như đi du lịch ở Việt Nam”.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch Sài Gòn, cho biết sáu tháng đầu năm thành phố đón 1.9 triệu lượt khách quốc tế, trong đó hoạt động mua sắm của du khách quốc tế chỉ đóng góp 9% tổng thu của ngành du lịch Sài Gòn!
Theo bà Hiếu, tình trạng nói thách của một số tiểu thương chợ truyền thống được lan truyền trên các trang mạng xã hội gần đây ngoài gây thiệt hại trực tiếp đối với chính họ, còn “ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch thành phố”.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, tình trạng nói thách có thể ảnh hưởng đến sức chi của du khách quốc tế khi đến Việt Nam, vì thế bà Hoàng đề xuất Sài Gòn nên xây dựng một “hành lang giá” thống nhất.
Đồng thời, thành phố phải quy hoạch và xây dựng các khu phố mua sắm khác nhau: chẳng hạn hàng thủ công mỹ nghệ, hàng qua mùa (factory outlet), hàng miễn thuế (downtown duty free).
Ngoài nạn nói thách, Sài Gòn cũng giống như Hà Nội, có rất ít hoạt động dành cho du khách quốc tế vào ban đêm, dù từng được mệnh danh là “thành phố không ngủ”.
Phố đi bộ Bùi Viện, con phố duy nhất dành cho du khách quốc tế vui chơi buổi tối ở Sài Gòn – Ảnh: VnExpress
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu chỉ ra nhu cầu chi tiêu của du khách quốc tế vào ban đêm tại Sài Gòn chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong một đường tour, còn mức chi tiêu ban ngày chỉ chiếm 30% bởi khách chủ yếu đi tham quan các địa danh, ăn uống theo chương trình có chi phí trọn gói.
Đến buổi tối, du khách mới có thời gian tự do để khám phá các hoạt động khác.
Hiện nay Sài Gòn có năm nhóm sản phẩm du lịch giải trí, hoạt động về đêm, bao gồm: biểu diễn văn hoá, nghệ thuật tổ chức thường xuyên tại các sân khấu, trung tâm và khu vui chơi giải trí; không gian văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại các khu phố chia theo từng quận; hoạt động mua sắm, giải trí đêm ở trung tâm thương mại; hoạt động tham quan thành phố về đêm; và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.
Bên cạnh đó, thành phố còn có gần 32,000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định và các quán ăn đường phố.
Thế nhưng, theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng đánh giá, những sản phẩm du lịch đêm kể trên hiện có vẫn quá ít so với một đô thị lớn như Sài Gòn, đa số lại chỉ mở cửa đến 22giờ, trong khi nhu cầu du khách quốc tế vui chơi giải trí sau 22 giờ rất lớn, mức chi tiêu cho các dịch vụ này cũng rất cao.
Bà Hoàng kể ra, du khách quốc tế có rất ít chọn lựa: tour khám phá trung tâm thành phố (city tour), trải nghiệm xe buýt hai tầng; đi thuyền ăn tối trên sông Sài Gòn hoặc đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc; vui chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đêm Bùi Viện, phố đêm chợ Bến Thành; thưởng thức múa rối nước, vở kịch xiếc.
Nhìn chung, Sài Gòn thiếu các chương trình nghệ thuật giải trí đêm. Tại Sài Gòn, vở kịch xiếc “À Ố show” đã rất thành công, thu hút hàng triệu lượt khán giả, nhưng từ năm 2013 đến nay đã 10 năm mà Sài Gòn chỉ có một vở “À Ố show” cho du khách quốc tế, thật quá nghèo nàn!
Bà Hoàng nhấn mạnh: “Hoạt động về đêm và giải trí nghệ thuật là sản phẩm rất quan trọng để níu chân du khách. Do vậy, những show diễn nghệ thuật phải vừa có chiều sâu văn hóa, lịch sử nhưng cũng vừa có độ hoành tráng và mới mẻ thì mới tạo ra khác biệt cho kinh tế đêm”.
Liên quan đến du lịch, cũng VnExpress ngày 2 Tháng Tám 2023 cho biết, với lượng du khách quốc tế thấp, công suất phòng khách sạn tại Sài Gòn chưa phục hồi nổi.
Trong nửa đầu năm 2023, Sài Gòn đón 18 triệu lượt khách, nhưng du khách quốc tế chỉ chiếm 11%, khoảng 1.9 triệu lượt khách, chỉ phục hồi khoảng 46% so với năm 2019, thấp hơn mức hồi phục cả nước là 66%.
Theo thống kê của Savills Việt Nam, tính đến Tháng Sáu 2023, Sài Gòn có 15,662 phòng khách sạn từ 110 dự án, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, có 404 phòng đóng cửa từ sau dịch COVID-19 nhưng chỉ 45% số phòng đang được sửa chữa.
Do lượng du khách quốc tế ít, công suất khai thác phòng của các khách sạn tại Sài Gòn chỉ đạt 64% trong sáu tháng đầu năm 2023. Riêng quý II/2023, công suất phòng khách sạn ở Sài Gòn chỉ đạt 60%, giá phòng cũng giảm 2% so với quý I/2023.
Báo cáo của Savills cũng chỉ ra tỷ lệ khách lưu trú qua đêm ở Sài Gòn chỉ đạt khoảng 19%, thấp hơn so với các điểm đến khác.
Bộ NN-PTNT Việt Nam chỉ thị đối phó nạn nhập lậu gia cầm qua biên giới
19/9/2023
Tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp tại các địa phương; trong đó có các tỉnh/thành phố như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang…
Sài Gòn Giải phóng
Cục Cảnh sát Phòng/Chống Tội phạm về Môi trường (C05) thuộc Bộ Công an và các tỉnh/thành phố phải tăng cường công tác kiểm soát tình trạng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin vào chiều tối ngày 18/9 dẫn công văn của Bộ NN-PTNT về chỉ thị vừa nêu.
Theo Bộ NN-PTNT Việt Nam thì tình trạng buôn bán gia cầm trái phép là nguyên nhân chính làm lây lan các chủng vi-rút cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào trong nước; từ đó gây ra dịch bệnh, tác động xấu đến ngành chăn nuôi gia cầm nội địa…
Bộ NN- PTNT Việt Nam nêu rõ tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp tại các địa phương; trong đó có các tỉnh/thành phố như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang…
Lãnh đạo các tỉnh được yêu cầu tập trung nguồn lực thực hiện kiểm tra đặc biệt tại các chợ đầu mối để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm sản phẩm gia cầm trái phép.
C05 tại các địa phương được yêu cầu lập chuyên án, đấu tranh với những người buôn lậu gia cầm qua biên giới; phối hợp xử lý, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm lậu để ngăn chặn dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm.