Võ Thái Hà tổng hợp – Tựa đề: HD Press
Diễn đàn APEC khai mạc, tổng thống Pháp kêu gọi chấm dứt « đối đầu » tại châu Á – 18/11/2022
Phòng hội nghị Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương tại Bangkok,Thái Lan, ngày 18/11/2022. REUTERS – ATHIT PERAWONGMETHA
Cuộc họp cấp cao thường niên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), khai mạc hôm nay, 18/11/2022, tại Bangkok, Thái Lan, với sự tham dự của 21 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ khu vực. Cuộc họp năm nay diễn ra trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương đối mặt với cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Triều Tiên cùng ngày lại cho bắn thử loại tên lửa mới.
Thông tín viên đài RFI, Carole Isoux tại Bangkok, trước tiên, điểm ra một số mục tiêu của cuộc họp năm nay :
« Khủng hoảng năng lượng, lạm phát sẽ là tâm điểm các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh này. Chính phủ Thái Lan hy vọng làm được một việc mà thượng đỉnh G20 thất bại, đó là ra được một tuyên bố chung quan trọng về những vấn đề trên và cuộc xung đột tại Ukraina, dù rằng chẳng có chút cơ may nào đạt được.
Một thỏa thuận tự do mậu dịch tại vùng châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ được trình bày với các lãnh đạo của nhiều nước có liên quan trong ngày hôm nay. Đây là sáng kiến của Nhật Bản và được nhiều lãnh đạo trong khu vực ủng hộ, văn bản này là một nỗ lực của vùng nhằm làm đối trọng với những thỏa thuận do Mỹ đề xướng cho khu vực.
Vả lại, thủ tướng Nhật Bản đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày hôm qua. Hai cường quốc châu Á này tái khẳng định “tình hữu nghị” giữa hai nước. Chính phủ Thái Lan có ý định đề xuất với các nước tham gia một văn bản có tiêu đề “Những mục tiêu Bangkok”, được mô tả như là một văn bản “thực thi thỏa thuận Paris” vì sự phát triển bền vững, bao gồm những cam kết pháp luật và đầu tư. Việc ký kết văn bản sẽ cho phép tin tưởng là thượng đỉnh APEC được xem như là một thành công. »
APEC : Pháp phản đối « đối đầu », Mỹ khẳng định « ở lại lâu dài »
Tại diễn đàn APEC, theo AFP, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuyên bố : « Chúng ta không tin vào thế bá quyền, sự đối đầu. Chúng ta tin tưởng vào sự ổn định, chúng ta trông cậy vào sự cải cách ». Nguyên thủ Pháp cho rằng châu Á – Thái Bình Dương, hiện đang là đấu trường cho cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc, cần phải dựa vào thế mạnh của vùng, kể cả nước Pháp để bảo đảm sự cân bằng.
Trong hoàn cảnh này, tổng thống Pháp đề nghị một giải pháp thứ ba, khi đưa ra hình ảnh ví von hai con voi to trong rừng rậm, bắt đầu « nổi khùng » và lao vào « gây chiến », thì « đây sẽ là một vấn đề lớn cho cả khu rừng ». Do vậy, « chúng ta cần phải có sự hợp tác giữa những loài thú khác, giữa hổ, khỉ…».
Cuộc đối đầu Mỹ – Trung trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong hồ sơ Đài Loan, đặt nhiều nước của vùng trong thế khó xử, vốn dĩ không muốn phải chọn lựa giữa hai đại cường.
Cũng tại diễn đàn APEC, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, đã có những phát biểu mạnh mẽ, « Hoa Kỳ tự hào là cường quốc của Thái Bình Dương », và những mối liên minh an ninh được Mỹ thành lập từ bao lâu nay đã giúp châu Á được phồn thịnh. Bên lề thượng đỉnh, trước sự hiện diện của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, phó tổng thống Mỹ, cam kết Hoa Kỳ « hiện diện ở đây là để ở lại ».
Bà phát biểu : « Thông điệp đưa ra rất rõ ràng. Hoa Kỳ có một cam kết kinh tế bền vững đối vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, một cam không chỉ đo lường theo từng năm mà là nhiều thập kỷ và nhiều thế hệ ». Bà Harris khẳng định, quan hệ đối tác kinh tế tại châu Á, vẫn là « một ưu tiên tuyệt đối » cho chính quyền Biden, khi nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 1.000 tỷ đô la mỗi năm trong vùng.
AFP lưu ý, nếu như Mỹ có một giọng điệu cứng rắn đối với Trung Quốc, một số quan chức châu Á vẫn tỏ ra nghi ngại về mức độ cam kết kinh tế của Mỹ.
Mỹ kết án cán bộ tình báo Trung Quốc 20 năm tù – 18/11/2022 – VOA News
Cán bộ tình báo Trung Quốc Xu Yanjun bị kết án 20 năm tù về tội đánh cắp bí mật của các công ty hàng không và không gian Mỹ.
Cán bộ tình báo Trung Quốc đầu tiên bị dẫn độ sang Mỹ và bị xét xử vì âm mưu ăn cắp bí mật thương mại sẽ phải ngồi tù 20 năm.
Ông Xu Yanjun, phó giám đốc một khu vực trong Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, bị bắt vào tháng 4 năm 2018 trong chuyến sang Bỉ để gặp một nhân viên của một công ty hàng không Hoa Kỳ, người đã làm việc với Cục Điều tra Liên bang.
Ông Xu bị kết tội vào tháng 11 năm 2021 với hai tội danh cố ý làm gián điệp kinh tế, hai tội danh cố ý ăn cắp bí mật thương mại và một tội danh âm mưu thực hiện hành vi trộm cắp bí mật thương mại.
Các công tố viên mô tả ông Xu là một cán bộ tình báo có số má của chính phủ Trung Quốc và cho biết ông ta là một phần của nỗ lực nhiều năm nhằm đánh cắp công nghệ hàng không từ các công ty Mỹ.
Theo các tài liệu của tòa án, ông Xu đã sử dụng nhiều bí danh khác nhau để liên hệ với các nhân viên gốc Hoa tại một số công ty và lừa họ chia sẻ “thông tin rất nhạy cảm”.
Vào năm 2017, ông Xu đã liên hệ với một nhân viên của GE Aviation, mời ông ta đến Trung Quốc trước khi sắp xếp cuộc gặp với ông ta ở Bỉ để ăn cắp công nghệ đằng sau chiếc quạt động cơ máy bay composite độc quyền của GE.
Ông Xu không nhận tội và sau khi bị bắt, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng nói với các phóng viên sau vụ bắt giữ: “Cáo buộc của Hoa Kỳ là điều mơ hồ.”
Được báo giới yêu cầu bình luận hôm 16/11, Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington nói họ “không biết các chi tiết cụ thể của việc này”.
Các quan chức Hoa Kỳ ca ngợi bản án, mặc dù nó ít hơn 5 năm so với yêu cầu của các công tố viên.
“Bản án lịch sử đối với một quan chức chính phủ Trung Quốc vì phạm tội gián điệp chống lại Hoa Kỳ là một thành tích quan trọng và cũng là lời cảnh báo cho các chính phủ nước ngoài rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho loại hoạt động bất hợp pháp này,” Đặc vụ FBI J. William Rivers cho biết trong một tuyên bố được đưa lên Twitter.
“Đối với những người còn ngờ vực mục tiêu thực sự của Trung Quốc, đây nên là một hồi chuông cảnh tỉnh,” Trợ lý Giám đốc FBI Alan Kohler nói trong một tuyên bố riêng. “Họ đang ăn cắp công nghệ của Mỹ để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và quân sự của họ.”
Cũng trong ngày 16/11, Hoa Kỳ tiết lộ rằng họ đã thắng một bản án chống lại một trong những đặc vụ của ông Xu ở Hoa Kỳ.
Ông Ji Chaoqun, 31 tuổi, quốc tịch Trung Quốc và từng là cư dân Chicago, bị kết án vào tháng 9 vừa qua với cáo buộc âm mưu hoạt động như một đặc vụ của chính phủ Trung Quốc mà không thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền và khai gian với Quân đội Hoa Kỳ.
Các công tố viên Hoa Kỳ nói rằng ông Ji đã gặp ông Xu nhiều lần ở Trung Quốc và làm việc theo chỉ đạo của ông Xu để thu thập thông tin về các kỹ sư và khoa học gia ở Mỹ để có thể tuyển dụng, kể cả một số làm việc theo hợp đồng cho quân đội Hoa Kỳ.
Ông Ji, gia nhập Quân đội Hoa Kỳ theo một chương trình tuyển dụng những người không phải là công dân Mỹ có kỹ năng ngôn ngữ quan trọng, phải đối mặt với án tù 15 năm.
Chủ tịch Trung Quốc: Châu Á không nên trở thành đấu trường thi thố của các cường quốc – 17/11/2022 – Reuters
Chủ tịch Trung Quốc dự hội nghị APEC ở Thái Lan từ ngày 17/11/2022.
Trong một bài phát biểu được gửi ra ở dạng văn bản hôm thứ Năm 17/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng châu Á-Thái Bình Dương không phải là sân sau của bất cứ nước nào và không nên trở thành đấu trường thi thố của các cường quốc, đồng thời ông cũng kêu gọi thế giới bác bỏ mọi tâm lý chiến tranh lạnh.
“Mọi nỗ lực gây ra một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ không bao giờ được người dân hoặc thời đại của chúng ta cho phép”, ông Tập nói trong bài phát biểu được soạn cho một phiên họp của giới kinh doanh bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok. Ông Tập không tham gia được phiên này do lịch họp của ông.
“Chúng ta nên đi theo đường lối cởi mở và bao trùm”, ông nói trong bài phát biểu, được ban tổ chức gửi ra. Ông cũng nói thêm rằng khu vực này không nên biến thành “đấu trường thi thố của các cường quốc”.
“Chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ nên bị tất cả các nước bác bỏ; bất kỳ nỗ lực nào nhằm chính trị hóa và vũ khí hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại cũng nên bị tất cả các nước bác bỏ”, vẫn lời ông Tập.
Cuộc họp APEC diễn ra sau một loạt các hội nghị thượng đỉnh trong khu vực mà cho đến nay vấn đề căng thẳng địa chính trị về cuộc chiến ở Ukraine là chủ đề bao trùm.
Tại cuộc họp của Nhóm G20 ở Bali, các quốc gia đã nhất trí thông qua một tuyên bố nói rằng hầu hết các thành viên đều lên án cuộc chiến Ukraine, nhưng tuyên bố cũng ghi nhận rằng một số quốc gia có quan điểm khác về cuộc xung đột.
Ông Tập dự kiến hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào tối 17/11.
Cuộc gặp của ông diễn ra một ngày sau khi có căng thẳng ở Bali, tại đó, ông Tập chỉ trích đích danh Thủ tướng Canada Justin Trudeau vì có cáo buộc là nội dung cuộc họp kín giữa hai ông bị lọt ra ngoài. Đây là một trong vài lần hiếm hoi nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện sự khó chịu một cách công khai. Thủ tướng Trudeau cũng có mặt ở Bangkok.
(Reuters)
Bắc Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa – 18/11/2022
Ảnh qua màn hình vô tuyến Bắc Triều Tiên bắn tên lửa. Ảnh ngày 18/11/2022 AP – Ahn Young-joon
Theo thông báo của Bộ tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc, được hãng tin AFP trích dẫn, hôm 18/11/2022, Bắc Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa, mà theo Nhật Bản có thể bắn tới lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ. Ngay sau vụ bắn tên lửa mới này, tại Bangkok, Hoa Kỳ đã họp khẩn cấp với lãnh đạo 5 quốc gia trong khu vực.
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình:
Theo thông báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc, một tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên đã được bắn vào 10 giờ 15 phút sáng hôm nay, 18/11/2022, từ khu vực Sunan của Bình Nhưỡng. Tên lửa đạt độ cao tối đa 6100km, bay được 1000 km và đạt vận tốc Mach 22. Đây là thông số khi tên lửa của Bắc Triều Tiên được phóng ở góc cao, còn nếu bắn ở góc bình thường vào khoảng 30 – 45 độ, thì tầm bắn của tên lửa sẽ là hơn 15000 km, tức là có thể bắn tới lãnh thổ lục địa của Mỹ. Tên lửa liên lục địa này có tên là Hwasong-17 và đã từng được bắn vào ngày 3/11. Tuy nhiên, vụ bắn hôm đó đã thất bại và tên lửa đã rơi xuống vùng biển Nhật Bản.
Cho đến nay, Bắc Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo 35 lần trong năm nay và ba lần phóng tên lửa liên lục địa. Và đây là vụ phóng tên lửa thứ 25 dưới thời chính quyền Yoon Seok Yeol.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã ra tuyên bố : “Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên. Bất kỳ hành động nào liên quan đến các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên bị cấm theo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và đều không thể được biện minh với bất kỳ lý do gì. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế để buộc Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về những hành động khiêu khích của mình dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ”.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của “Hội đồng tư vấn chính sách đối phó tên lửa”, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Bắc Triều Tiên sẽ sớm thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 7.
Ngay sau vụ bắn tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên, tại Bangkok, bên lề thượng đỉnh diễn đàn APEC, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã họp khẩn cấp với lãnh đạo năm nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Canada. Theo thông báo của chính phủ Nhật, được hãng tin Reuters trích dẫn, trong cuộc họp này, lãnh đạo của 6 nước đã lên án “với thái độ cứng rắn nhất” vụ bắn tên lửa nói trên.
Cũng theo thông báo của chính phủ Tokyo, sau vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên, quân đội Hoa Kỳ và quân đội Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận chung hôm nay.
Về phần Hoa Kỳ, Nhà Trắng “cực lực” lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên hôm nay, xem đây là hành động “vi phạm vô số nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và làm gia tăng căng thẳng một cách vô ích, đồng thời có nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực.”
Do tên lửa của Bắc Triều Tiên hôm nay được cho là rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, thủ tướng Fumio Kishida lên án vụ bắn tên lửa này là “tuyệt đối không thể chấp nhận được”.
Bắc Triều Tiên cũng đã là vấn đề bao trùm cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với thủ tướng Nhật Bản Kishida hôm qua tại Bangkok trước cuộc họp thượng đỉnh diễn đàn APEC.
COP27 vẫn chưa có đột phá nào
Hội nghị khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc tại Ai Cập theo lịch sẽ bế mạc vào thứ Sáu. Nhưng khó có thể kỳ vọng các cuộc đàm phán kết thúc đúng thời hạn, nhất là vì đã bị đình trệ suốt hai tuần qua. Cho đến tối thứ Năm, tất cả những gì có được từ hội nghị thượng đỉnh là một bản phác thảo dài 20 trang về các đề xuất cho kế hoạch khí hậu toàn cầu, trong đó hầu hết mọi thứ vẫn chưa được hoàn thiện.
COP thường chạy quá giờ. Cả COP21, hội nghị ký kết Thỏa thuận Paris, và COP26 ở Glasgow năm ngoái đều kéo dài thêm một ngày. Hơn nữa đàm phán năm nay diễn ra đặc biệt chậm chạp.
Tranh chấp lớn nhất là về quỹ “tổn thất và thiệt hại”. Các nước nghèo muốn các nước giàu phải bồi thường thiệt hại do nhiệt độ tăng. Ngoài ra còn có tranh luận về việc liệu các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh có nên cam kết giảm dần việc sử dụng “tất cả nhiên liệu hóa thạch,” mà trong đó bao gồm cả khí đốt tự nhiên vốn sạch hơn các loại nhiên liệu khác. Không có nhiều hy vọng cho một kết quả thực chất.
Ông Lavrov về Nga sau khi rời G20 sớm
Vào thứ Sáu, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thảo luận về “môi trường địa chính trị mới” tại cuộc họp ở Moscow của Hội đồng Lãnh đạo Các Chủ thể của Liên bang Nga, một hội đồng gồm các thống đốc và quan chức cấp cao khu vực. Hầu hết các thống đốc đều hết sức trung thành với tổng thống Vladimir Putin, và do đó sẽ chào đón ông Lavrov một cách ấm áp sau một tuần đầy thử thách tại thượng đỉnh G20 ở Bali. (Ông Putin từ chối lời mời và cử ông đi thay.)
Các nhà lãnh đạo phương Tây tại G20 đã thể hiện rõ quan điểm của họ đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Nhưng ông Lavrov sẽ quan tâm đến nhận xét của các lãnh đạo vốn mập mờ hơn về vấn đề này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một đồng minh quan trọng của ông Putin, đã chỉ trích các hành vi “vũ khí hóa” lương thực và năng lượng, một ám chỉ rõ ràng về những hậu quả kinh tế đau đớn của chiến tranh. Việc Nga hôm thứ Năm đồng ý gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen có thể giúp xoa dịu những lo ngại của ông Tập. Nhưng những người bạn của Nga đang ngày càng mất kiên nhẫn.
Brazil bước đầu thay đổi chính sách khí hậu
Phải đến ngày 1 tháng 1 năm sau Luiz Inácio Lula da Silva mới chính thức nhậm chức tổng thống Brazil—chức vụ ông lần đầu nắm giữ cách đây gần 20 năm. Nhưng tân tổng thống đã bắt đầu các chuyến công du ngoại giao của mình. Hôm thứ Tư, ông đã ở Ai Cập để phát biểu tại COP27, hội nghị khí hậu của LHQ. Lula cho biết “Brazil đã trở lại” và cam kết chống nạn phá rừng ở Amazon. Và đến thứ Sáu, ông tới Lisbon để dự hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên giữa Brazil và Bồ Đào Nha kể từ năm 2016.
Cách tiếp cận chính sách đối ngoại và môi trường của ông Lula khác biệt rõ rệt so với đương kim tổng thống Bolsonaro, người đã thất bại trong cuộc bầu cử tháng 10. Ông Bolsonaro không tham dự hai hội nghị COP trước đó và nạn phá rừng ở Amazon đã tăng vọt 73% trong giai đoạn 2018-2021 khi ông làm tổng thống. Trong khi ông Bolsonaro từ chối mọi sự giúp đỡ từ bên ngoài để bảo vệ rừng nhiệt đới, ông Lula yêu cầu được hỗ trợ. Và ông ngay lập tức được đền đáp: sau cuộc bầu cử của Lula, Đức và Na Uy cho biết sẽ một lần nữa đóng góp vào “Quỹ Amazon” được Brazil dùng cho mục đích bảo tồn.
Bữa tối Lễ Tạ Ơn năm nay sẽ đắt đỏ hơn 20% do ảnh hưởng của lạm phát – Tác giả Andrew Moran
Thứ sáu, 18/11/2022
Mọi người mua gà tây đông lạnh tại một cửa hàng thực phẩm ở Mount Prospect, Illinois, vào ngày 17/11/2021. (Ảnh: Nam Y. Huh/Ảnh AP)
Liên đoàn Cục Trang trại Hoa Kỳ (AFBF) cho biết trong một báo cáo mới rằng, các gia đình có thể phải trả thêm 20% để tổ chức bữa tối Lễ Tạ ơn năm nay khi lạm phát thực phẩm tiếp tục tăng.
Theo cuộc khảo sát hàng năm lần thứ 37 của tổ chức này, chi phí trung bình của một bữa tiệc Lễ Tạ Ơn cho 10 người sẽ là 64.05 USD, tương đương khoảng 6.50 USD mỗi người. Con số này tăng 20%, tương đương 10.74 USD, so với năm ngoái.
Giá của một con gà tây nặng 16 pound (7.2kg) đã tăng 21% so với cùng thời kỳ năm ngoái lên 28.96 USD, do nhiều yếu tố, bao gồm cúm gia cầm, giá dầu diesel, tình trạng thiếu lao động, và chi phí thức ăn chăn nuôi.
Dữ liệu của cục trang trại cho thấy các mặt hàng điển hình được bày trên bàn ăn tối ở khắp mọi nơi hoặc được sử dụng để nấu và nướng đã tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, giá một miếng giăm bông nặng 4 pound đã tăng hơn 7% lên 11.64 USD. Giá hỗn hợp bánh bí ngô đã tăng 17.51% lên 4.28 USD. Một gallon sữa nguyên chất đã tăng 16% lên 3.84 USD. Mười bốn ounce (0.4kg) nhân nhồi gà tây tăng vọt gần 70% lên 3.88 USD. 5 pound khoai tây nâu đỏ cũng tăng 23% lên 3.64 USD.
Tuy nhiên, đối với những người yêu thích nam việt quất trong gia đình quý vị, giá của một túi nam việt quất tươi 12 ounce (0.3kg) đã giảm 14% xuống còn 2.57 USD.
“Lạm phát chung làm giảm sức mua của người tiêu dùng là một yếu tố quan trọng góp phần làm tăng chi phí trung bình cho bữa tối Lễ Tạ ơn năm nay,” ông Roger Cryan, nhà kinh tế trưởng của AFBF, cho biết. “Các yếu tố khác góp phần làm tăng chi phí cho bữa ăn bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chiến tranh ở Ukraine. Giá gà tây bán lẻ cao hơn tại cửa hàng thực phẩm cũng có thể là do đàn gà tây năm nay nhỏ hơn một chút, chi phí thức ăn tăng và trọng lượng chế biến nhẹ hơn.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ giảm xuống 7.7% trong tháng Mười, nhưng chỉ số lương thực tăng lên 10.9% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Giá cả siêu thị cũng tăng 12.4%.
Hầu hết các mặt hàng thực phẩm được liệt kê trong Chỉ số giá tiêu dùng của Cục Thống kê Lao động đã tăng với tốc độ đặc biệt trong năm qua, chẳng hạn như bánh mì (14.8%), thịt gà (14.5%), trứng (43%), rau diếp (17.7%), cam (10.8%), và cà phê (14.8%).
Ông Cryan lưu ý rằng gà tây nguyên con sẽ được cung cấp cho người tiêu dùng trong năm nay. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt tạm thời ở một số vùng của đất nước, nơi dịch cúm gia cầm đã được phát hiện trong 12 tháng qua.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack nói với các phóng viên rằng năm nay khó mà có thể mua được những con gà tây nặng 20 pound tại các siêu thị vì “một số con gà tây hiện đang được nuôi phục vụ cho Lễ Tạ ơn có thể không có đủ thời gian để đạt đến trọng lượng 20 pound. Ông lưu ý rằng các hộ gia đình có thể cần lựa chọn những con chim nhỏ hơn vì chúng có nhiều khả năng tồn kho hơn.”
Cúm gia cầm và giá dầu Diesel
Virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) đã gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi gia cầm trong năm 2022 do dịch bệnh này đã lan tràn khắp mọi nơi trong suốt cả năm. Thông thường, dịch cúm gia cầm xuất hiện vào những tháng lạnh hơn, nhưng các nhà sản xuất gà tây thương mại đã phát hiện ra dịch bệnh vào tháng Bảy, một thời điểm quan trọng vì đây là lúc họ bắt đầu nuôi đàn gia cầm để phục vụ cho cả Lễ Tạ ơn và lễ Giáng sinh.
Các đợt bùng phát cúm gia cầm chưa từng có không chỉ tập trung ở Hoa Kỳ. Dịch bệnh đã được phát hiện toàn thế giới, bao gồm cả ở Canada, Âu Châu, và Á Châu. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng virus đang lây lan ở các loài chim hoang dã, khiến việc ngăn chặn chúng trở nên khó khăn hơn.
“Tất cả chúng tôi đang cảm thấy đau đớn khi giá cả tại cửa hàng thực phẩm tăng cao,” Chủ tịch AFBF Zippy Duvall cho biết. “Các đợt bùng phát virus HPAI vào mùa xuân và số ca mắc gia tăng vào mùa thu đang gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng nông dân vẫn tận tâm bảo đảm nguồn cung lương thực của Mỹ được vững mạnh.”
Bên cạnh dịch cúm gia cầm, nông dân cũng đang phải đối mặt với chi phí dầu diesel tăng cao.
Theo Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ, mức trung bình toàn quốc cho một gallon dầu diesel tăng 47% so với năm ngoái lên 5.35 USD. Tuy nhiên, một số khu vực đang đương đầu với mức giá cao hơn mức trung bình toàn quốc, chẳng hạn như California (6.25 USD), Pennsylvania (6.17 USD), New York (6 USD), và Massachusetts (5.95 USD).
Xu hướng tăng giá dầu diesel hiện nay là do nhu cầu theo mùa, năng lực sản xuất trong nước thấp hơn và việc Hoa Kỳ cấm nhập cảng xăng dầu của Nga. Kể từ năm 2019, công suất sản xuất dầu diesel của Hoa Kỳ đã giảm 180,000 thùng mỗi ngày, trong khi một số nhà máy đã đóng cửa trong những năm gần đây.
Nhìn chung, ông Duvall nói, chi phí dầu diesel ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến nông dân và nguồn cung cấp lương thực của quốc gia.
“Nguồn cung cấp thực phẩm của quốc gia chúng ta được thúc đẩy bởi dầu diesel,” ông Duvall viết trong một bức thư gửi Tổng thống Joe Biden vào đầu tháng này. “Mọi đầu vào đến các nông trang và trại gia súc của chúng tôi đều được vận chuyển bằng động cơ diesel, cho dù đó là bằng thuyền hay sà lan, đường sắt hay xe tải. Cây trồng của chúng ta được trồng bằng động cơ diesel và thu hoạch bằng động cơ diesel. Giá dầu diesel cao đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông dân và chủ trang trại của chúng ta, làm tăng chi phí cho người tiêu dùng, và làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực.”
Người tiêu dùng đang thích ứng
Khi các hộ gia đình phải thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, người tiêu dùng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho bữa tối Lễ Tạ ơn đắt đỏ hoặc những con gà tây đắt tiền.
Một cuộc khảo sát do OnePoll thực hiện thay mặt cho tổ chức bất vụ lợi Farm Forward cho thấy 64% người Mỹ có thể chọn ăn ngấu nghiến các món ăn có nguồn gốc thực vật hoặc ăn ít thịt hơn trong Lễ Tạ ơn này.
Theo một cuộc thăm dò từ Personal Capital, 33% có kế hoạch thay thế món trọng tâm là gà tây bằng bánh pizza. Nhưng 1/4 người Mỹ tiết lộ họ sẽ bỏ qua Lễ Tạ ơn năm nay để tiết kiệm tiền. Những người khác đang săn tìm giá rẻ, sử dụng phiếu giảm giá, bỏ qua việc đi du lịch, và so sánh giá cả.
Hoa Kỳ: Lạm phát khiến mức lương thực tế giảm mạnh nhất trong 25 năm – Tác giả Autumn Spredemann
Thứ sáu, 18/11/2022
Một phụ nữ mua thực phẩm tại một siêu thị ở Monterey Park, California, hôm 19/10/2022. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)
Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang của Dallas, người dân ở Hoa Kỳ ít có cơ hội ăn mừng vào ngày lãnh lương vì tiền lương được điều chỉnh theo lạm phát phải chịu đợt cắt giảm mạnh nhất trong một phần tư thế kỷ.
Báo cáo của ngân hàng tiết lộ mức giảm trung bình của tiền lương thực tế là hơn 8.5% một chút đối với hầu hết lực lượng lao động Hoa Kỳ trong 12 tháng qua — “mức cao nhất mà những người lao động có việc làm phải đối mặt trong 25 năm qua.”
Những người Mỹ làm việc cần mẫn đang chứng kiến sức mua của họ giảm dần khi giá cả tăng cao dưới thời Tổng thống Joe Biden. Tác động đặc biệt đáng chú ý trong các cửa hàng thực phẩm và tại trạm nhiên liệu.
Giá thực phẩm tại nhà đã tăng hơn 13% trong năm nay. Đồng thời, giá xăng thông thường tăng 49%, và người sử dụng dầu diesel phải chịu mức tăng 55% trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Sáu.
Một phân tích khác cho thấy lạm phát đã vượt xa tốc độ tăng lương của người dân Mỹ trong 18 tháng liên tiếp. Trong khi thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 5%, giá tiêu dùng tăng hơn 8%. Điều đó tương đương với mức giảm gần 4% trong tiền lương theo giờ thực tế kể từ tháng 10/2022.
Nhưng quan trọng hơn cả những con số, người Mỹ đang cảm nhận được những tác động trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.
Thời điểm khó khăn
Anh Dennis Shirshikov nói với The Epoch Times: “Dựa trên số tiền tiết kiệm ngày càng cạn kiệt của chúng tôi, chúng tôi có thể không còn khả năng trở thành gia đình có thu nhập từ một cá nhân nữa.”
Là người chu cấp duy nhất cho vợ và ba đứa con nhỏ, anh Shirshikov cho biết gia đình anh đã cắt giảm chi phí gia đình bất cứ khi nào họ có thể.
Anh giải thích: “Chúng tôi đã cắt giảm các chuyến đi mua sắm thực phẩm và quần áo,” đồng thời cho biết thêm. “Chúng tôi đã đưa bọn trẻ ra khỏi nhà trẻ và chúng tôi đang tìm những cách khác để lập ngân sách và tiết kiệm.”
Anh Shirshikov cho biết anh may mắn được làm việc với tư cách là một chiến lược gia từ xa cho Awning.com vì anh sống ở vùng nông thôn của New York. Chi phí sinh hoạt tương đối thấp hơn trong khu vực của anh là một điều may mắn trong bối cảnh lạm phát cao ngất ngưởng của quốc gia.
“Tôi nghĩ về tất cả các gia đình hiện đang sống ở các thành phố có nhiều trẻ em. Đây thực sự là một khoảng thời gian khó khăn.”
Một cuộc khảo sát với 3,000 người Mỹ trong năm nay cho thấy 41% số người được hỏi liệt kê chi phí sinh hoạt cho một gia đình là mối quan tâm hàng đầu của họ cho năm 2022. Đối với một số người, những thay đổi có ý thức trong thói quen chi tiêu đã trở thành một phần không thể thiếu để vượt qua khoảng cách lạm phát-tiền lương ngày càng lớn này.
Cô Melanie Edwards nói với The Epoch Times: “Nhìn chung, tôi thận trọng hơn trong việc chi tiêu của mình so với những năm trước.”
Cô Edwards làm giám đốc sản phẩm kỹ thuật số cho công ty soda Olipop. Cô nói rằng lạm phát cao đòi hỏi sự sáng tạo để giải quyết, đặc biệt là khi các ngày lễ đang đến gần.
Cô nhận xét: “Lạm phát đã ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu và mua sắm trong kỳ nghỉ của tôi. Đã qua rồi cái thời đợi đến phút cuối mới mua quà. Tôi mua sắm sớm hơn nhiều so với trước đây. Tôi cũng đang từ bỏ một số thương hiệu hoặc nhà thiết kế tên tuổi để tiết kiệm tiền.”
Tụt hậu
Thêm vào hiệu ứng quả cầu tuyết kinh tế này là một cuộc khủng hoảng nhà ở giá cả phải chăng.
Các nhà xây dựng đã không kịp đáp ứng nhà mới và nhà cho thuê trong 20 năm, tạo ra sự thiếu hụt 5.5 triệu nhà ở.
Giá trị của đồng lương do lạm phát và việc tăng lãi suất liên bang lên tới 6% trong tháng Chín đã khiến người Mỹ phải chật vật xoay xở để giữ một mái ấm.
Anh Shaun Martin nói với The Epoch Times: “Do tiền lương thực tế giảm, cuối cùng dẫn đến sức mua của một người giảm, những người mua nhà tiềm năng phải chịu nhiều thiệt hại. Và mặc dù tiền lương cao hơn trước, nhưng chúng không được điều chỉnh theo lạm phát.”
Anh Martin là một chuyên gia tài chính và bất động sản tại We Buy Houses ở Denver, Colorado.
Anh cho biết với lãi suất cao hơn, nhiều người mua tiềm năng không thể có được một khoản vay mua nhà hoặc thậm chí là một khoản vay thông thường.
Cùng với sức mua giảm sút, người bán nhà đã tăng giá. Các chủ nhà cũng đang làm điều tương tự với việc cho thuê nhà, điều mà anh Martin cho biết đặc biệt khó khăn đối với những người làm công ăn lương.
Anh cũng lưu ý rằng còn quá sớm để nói khi nào mọi thứ sẽ tốt hơn. Đó là lý do tại sao anh Martin đã nỗ lực đa dạng hóa doanh thu của mình.
“Tôi quyết định tăng dòng thu nhập của mình bằng cách đầu tư vào các lựa chọn có sẵn khác nhau. Nó sẽ làm tăng thu nhập được điều chỉnh theo lạm phát của tôi.”
Kiếm thêm tiền và tiết kiệm không phải là điều dễ dàng đối với những người có thu nhập thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn của Mỹ trong năm nay. Theo một cuộc khảo sát của Primerica, đối với các gia đình kiếm được từ 30,000 đến 100,000 USD, 75% cho biết thu nhập của họ đã giảm so với chi phí sinh hoạt.
Những ngôi nhà đang được xây dựng ở Valley Center, California, vào ngày 03/06/2021. (Ảnh: Mike Blake/Reuters)
Ông Derek Sall nói với The Epoch Times: “Hầu hết những người tôi biết đều thuộc tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu đặc biệt bị ảnh hưởng bởi lạm phát … điều này cũng có nghĩa là với sự gia tăng các chi phí cần thiết, tầng lớp trung lưu có thu nhập khả dụng ít hơn đáng kể so với trước đây.”
Ông Sall là một cố vấn tài chính và là nhà sáng lập của LifeandMyFinances.com.
Ông giải thích một trong những hậu quả là nhu cầu đối với hàng tiêu dùng đặc biệt giảm, dẫn đến sự thu hẹp của những ngành bị ảnh hưởng.
“Mọi người thích thú khi có thể chi tiền để thưởng cho chính mình. Không có nó, họ trở nên buồn phiền hơn và sự hài lòng chung của người dân giảm đi.”
Ông lưu ý rằng phản ứng dây chuyền này dẫn đến năng suất tổng thể và động lực làm việc thấp hơn, khiến thu nhập gia đình vốn đã không ổn định lại càng gặp rủi ro lớn hơn.
Mặc dù có những khó khăn, ông Sall cho biết điều quan trọng là cố gắng tiết kiệm tiền. Ngay cả những thay đổi nhỏ đối với thói quen và hóa đơn hàng tháng cũng có thể có tác động tích cực.
Ông Sall nói, “Kiểm tra các dịch vụ đăng ký như Netflix hoặc Amazon Prime và loại bỏ những dịch vụ đó là một sự khởi đầu. Điều tra xem giá của các chi phí như nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hoặc điện thoại có thể thay đổi hay không.”
Vân Du biên dịch