Quê Hương tổng hợp
HRW: Liên Âu nên thu hồi các lợi ích của Việt Nam hưởng lợi từ EVFTA vì vi phạm nhân quyền
RFA – 04/01/2024
Lễ ký EVFTA giữa EU và Việt Nam tại Hà Nội hôm 30/6/2019
AFP
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Liên minh Châu Âu không cho Việt Nam hưởng các lợi ích từ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) do sự vi phạm nhân quyền trầm trọng của Hà Nội trong nhiều năm gần đây.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, có phát biểu như vừa nêu sau tuyên bố của riêng Nhóm tư vấn trong khối Liên Âu (viết tắt là EU DAG) về EVFTA về sự lo ngại của họ cho tình hình nhân quyền Việt Nam.
Nhóm này tự đưa ra tuyên bố hôm 14/12 sau cuộc họp lần thứ ba với Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam tại Bỉ cuối tháng 11 năm ngoái mà không đưa ra được tuyên bố chung.
DAG của mỗi bên bao gồm các tổ chức xã hội dân sự được thành lập theo hiệp định trên với mục tiêu tư vấn về việc thực hiện chương Thương mại và Phát triển bền vững bằng cách đưa ra quan điểm hoặc khuyến nghị cho các bên tham gia.
Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 04/1, ông Phil Robertson bình luận về thông cáo của EU DAG:
“EU DAG đã quá lịch sự, xét đến mức độ nghiêm trọng của việc vi phạm nhân quyền của Việt Nam và việc vi phạm trắng trợn những lời hứa cho phép xã hội dân sự giám sát và tham gia thực hiện Chương Thương mại và Phát triển bền vững (TSD).
Chính phủ Việt Nam đang tiến hành một cuộc đàn áp toàn diện đối với các nhà bảo vệ môi trường, các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu và bất kỳ nhà lãnh đạo xã hội dân sự nào dám nêu lên việc Việt Nam không tôn trọng nhân quyền và quyền lao động.”
Ông cho rằng việc Chính phủ Việt Nam không đưa ra thời gian biểu phê chuẩn các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) như đã hứa, cho thấy mức độ dối trá mà họ đang làm.
Ông kêu gọi khối 27 quốc gia nên có các hành động cụ thể đối với sự vi phạm nhân quyền của Việt Nam:
“Thay vì tiếp tục bị đùa giỡn, EU nên bắt đầu vạch ra các biện pháp để bắt đầu thu hồi các lợi ích theo EVFTA cho đến khi Hà Nội thực sự duy trì các cam kết bảo vệ quyền lợi, cho phép thành lập các công đoàn độc lập và thực hiện các cải cách môi trường thực sự, song hành với xã hội dân sự.”
Trong tuyên bố của mình, Nhóm tư vấn trong khối EU nêu ra các vụ việc bỏ tù lãnh đạo một số tổ chức xã hội dân sự có đăng ký và có ý định tham gia DAG Việt Nam như nhà báo Mai Phan Lợi và luật sư Đặng Đình Bách về tội danh trốn thuế.
Về vi phạm nhân quyền của Việt Nam, tuyên bố viết:
“EU DAG quan ngại sâu sắc về các báo cáo từ các tổ chức phi chính phủ, như FIDH (Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế) và Theo dõi Nhân quyền (HRW), nêu chi tiết các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Chúng bao gồm các hạn chế về quyền tự do hội họp cũng như quấy rối và bắt giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, nhiều nhà lãnh đạo xã hội dân sự và nhiều nhà báo, dựa trên việc áp dụng tùy tiện Bộ luật Hình sự và Luật Thuế, đã bị lên án bởi EU, cũng như Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc và Nhóm công tác về bắt giữ tùy tiện.
Công đoàn, phương tiện truyền thông, tổ chức xã hội dân sự và cơ quan tư pháp cần được tự do giám sát, vạch trần và thực thi việc tôn trọng tất cả các quyền, bao gồm cả quyền lao động. Những lo ngại đáng kể đã được nêu lên trong cuộc họp về việc thu hẹp không gian dành cho xã hội dân sự và việc bắt giữ, bỏ tù và kết án một số nhà bảo vệ môi trường nổi tiếng ở Việt Nam.”
EU DAG nói quyền của các tổ chức xã hội dân sự trong việc xem xét, giám sát việc thực hiện các cam kết Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) của EVFTA, bao gồm cả các cam kết trong TSD, phải được tôn trọng. Các cơ chế TSD chỉ có thể thực hiện đúng lời hứa nếu xã hội dân sự có thể giám sát và xem xét kỹ lưỡng việc thực hiện chúng một cách minh bạch.
Nhóm này cũng thúc giục EU quyết liệt hơn với Việt Nam:
“Chúng tôi nhắc nhở Việt Nam rằng nhân quyền là một yếu tố thiết yếu của Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-VN và do đó bao trùm toàn bộ EVFTA. Việc đe dọa và quấy rối các chủ thể xã hội dân sự đang giám sát các cam kết mà các bên cam kết phải được EU đề cập một cách quyết đoán.”
Giữa tháng 8/2021, Bộ Công thương Việt Nam công bố quyết định thành lập DAG Việt Nam với ba thành viên chính thức là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- đại diện giới sử dụng lao động, Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU) trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD).
Năm sau, bộ này bổ sung thêm bốn thành viên nữa, nâng tổng số thành viên của DAG Việt Nam lên thành bảy. Bốn thành viên mới là Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), và Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA).
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với ba tổ chức gồm Viện Công nhân và Công đoàn, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững, và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên với đề nghị bình luận về tuyên bố của EU DAG nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, cho rằng nhiều tổ chức trong DAG Việt Nam thân thiết với chính quyền và ông nghi ngờ sự độc lập trong việc giám sát thực thi EVFTA.
Từ Đức, bà Thục Quyên, một người hoạt động nhân quyền và theo dõi sát việc thực thi EVFTA, cho biết Chương “Thương mại và Phát triển bền vững” của EVFTA là một phần không thể thiếu của hiệp định này. Sự tham gia của xã hội dân sự và giám sát EVFTA không phải là một yếu tố tùy chọn của hiệp định, nhưng cần được bảo đảm và áp dụng như một vấn đề cấp bách.
Bà nói trong tin nhắn gửi RFA:
“Để Hiệp định thành công và mang lại lợi ích cho đất nước và người dân, về phía Việt Nam cần nghiêm chỉnh tạo một khung chính sách để xã hội dân sự tham gia một cách tự do và an toàn vào việc thiết kế, ra quyết định, giám sát và thực hiện.
Việt Nam có bổn phận thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho xã hội dân sự đã được quy định trong Hiệp ước, nhằm tạo ra và duy trì, về mặt luật pháp và trên thực tế, một môi trường thuận lợi an toàn cho xã hội dân sự tự do hoạt động, cần nhất hiện nay là luật pháp và chính sách liên quan đến đăng ký, và các đòi hỏi về thuế má phải minh bạch và phù hợp với các quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do hội họp, lập hội và biểu đạt.”
Bà cho rằng việc bắt bớ, kết án và giam giữ vô cớ các nhà hoạt động nhân quyền và môi trường bất chấp luật pháp quốc gia và quốc tế phải cần phải chấm dứt.
Trong Tuyên bố của mình, EU DAG kêu gọi Việt Nam thực hiện đúng cam kết đưa ra trước khi thực thi EVFTA và ngay lập tức phê chuẩn Công ước C87 (Công ước của ILO về tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội).
Nhóm này cũng nhắc nhở Việt Nam về cam kết tuân thủ các yêu cầu của TSD, đó là tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các công ước cơ bản của ILO – đặc biệt là về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, thương lượng tập thể, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
EU DAG hoan nghênh cam kết của Chính phủ Việt Nam trong Diễn đàn chung EU-Việt Nam 2023 nhằm mở rộng sự tham gia trong DAG để cân bằng với sự tham gia rộng rãi hơn trong EU DAG.
Hai nhóm sẽ có cuộc họp chung ở Hà Nội vào năm 2024.
HRF kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Phan Vân Bách
04/01/2024 – VOA Tiếng Việt
Nhà hoạt động Phan Vân Bách. Photo Facebook Phan Vân Bách.
Tổ chức Quỹ Nhân quyền (HRF) hôm 3/1 lên án mạnh mẽ việc Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhà hoạt động và kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động Phan Vân Bách, người vừa bị công an Hà Nội bắt tạm giam 3 tháng nhưng không tiết lộ cáo buộc.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York, Mỹ, đưa ra lời kêu gọi này trên trang X, cùng ngày gia đình ông Phan Vân Bách đến trụ sở Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội và nhận được một thông cáo về việc tạm giam ông sau hơn 5 ngày bắt giữ.
Bà Nguyễn Thị Yêu, vợ ông Bách, nói với VOA rằng ông bị bắt từ hôm 29/12 nhưng cơ quan chức năng không trưng lệnh bắt.
Bà cho biết rằng ông Bách trước đây từng bị công an mời làm việc nhưng cuối ngày thì cho về nhà.
“Anh ấy có lên trên đấy 1-2 lần nhưng đến chiều thì anh về, chứ không phải bị ở lâu như thế này.
“Chồng em từ lâu rồi không làm cái gì cả. Không hiểu tự nhiên lại bị như thế”, bà Yêu cho biết khi được hỏi về lý do chồng bà bị tạm giam.
Theo HRF, ông Bách một nhà hoạt động nhân quyền và cựu thành viên của kênh YouTube CHTV (Chấn Hưng TV), lên tiếng chỉ trích chính quyền, và tham gia một số cuộc biểu tình ôn hòa, bao gồm cả các cuộc biểu tình phản đối các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong thông báo ký ngày 29/12 mà bà Yêu nhận được hôm 3/1, Cơ quan An ninh Điều tra nói rằng thông báo này căn cứ từ một “lệnh bắt” có từ ngày 19/12. Tuy nhiên, gia đình không nhận được lệnh bắt này.
Công an Tp. Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi của HRF.
Hàng loạt các blogger và các nhà hoạt động Việt Nam gần đây bị chính quyền bắt giam theo cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 331 Bộ Luật Hình sự) hay “Tuyên truyền chống phá nhà nước” (Điều 117 Bộ Luật Hình sự).
Vào tháng 3/2022, ông Lê Văn Dũng, người điều hành kênh CHTV, bị phạt 5 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên lên tiếng bênh vực cho giới tranh đấu và lên án việc chính quyền bắt giam họ để bịt miệng các tiếng nói ôn hòa. Ngược lại, chính quyền Việt Nam cho rằng họ luôn đảm bảo các quyền con người cho mọi người và chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Vụ Việt Á: Cựu Bộ trưởng Y tế ra tòa, khai nhận hối lộ 2,25 triệu USD
03/01/2024
Cựu Bộ trưởng Y tế Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long, tại phiên tòa ngày 3/1/2024 ở Hà Nội.
Cựu Bộ trưởng Y tế Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long, và 37 người khác tiếp tục bị đưa ra xét xử tại tòa án ở Hà Nội hôm thứ Tư (3/1) với cáo buộc tội nhận hối lộ, hối lộ và đóng vai trò trong việc sản xuất, phân phối và “thổi giá” bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 lên quá cao.
Vụ bê bối liên quan đến kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á cho thấy nhiều quan chức cấp cao đã tạo điều kiện cho công ty này đạt được các thỏa thuận trị giá hàng triệu đô la trong việc cung cấp cho bệnh viện và cộng đồng ở các địa phương những thiết bị xét nghiệm với mức giá bị đẩy lên rất cao.
Tại phiên tòa hôm 3/1, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khai đã nhận 2,25 triệu USD từ ông Phan Quốc Việt – Tổng giám đốc Công ty Việt Á, trong đó 2,2 triệu USD nhận thông qua cựu thư ký Nguyễn Huỳnh và 50.000 USD nhận trực tiếp từ ông Việt.
Cựu bộ trưởng Y tế, được mô tả ra tòa với dáng vẻ tiều tụy, tóc bạc trắng và gầy đi rất nhiều, nhiều lần nói “Tôi sai, tôi xin lỗi” vì đã nhận hối lộ, nhưng phủ nhận đã gợi ý đòi hỏi tổng giám đốc Việt Á đưa tiền như lời khai của thư ký Nguyễn Huỳnh, theo Tuổi Trẻ.
Ông Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc trực tiếp can thiệp và chỉ đạo cấp dưới tác động để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá, phân bổ và thanh toán tiền kit xét nghiệm. Cựu bộ trưởng bị cho là đã đứng ra giới thiệu Công ty Việt Á với lãnh đạo một số địa phương để giúp cho công ty này tiêu thụ kit xét nghiệm.
Trong vụ này, ngoài ông Nguyễn Thanh Long, một quan chức cấp cao khác là cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng bị bắt và bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Tại tòa, ông Chu Ngọc Anh nói “rất đau xót” khi không có cơ hội gặp lại ông Phan Quốc Việt để trả lại khoản tiền 200.000 USD đã nhận.
Ít nhất 100 quan chức và doanh nhân đã bị bắt liên quan đến vụ bê bối.
Vụ bắt tay thao túng giá giữa các quan chức và doanh nhân này ước tính đã thu về khoảng 172 triệu USD cho Việt Á, trong đó 34 triệu USD được cho là đã đổ thẳng vào túi các quan chức, theo AFP.
Truyền thông nhà nước cho hay Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm trong đại dịch, phần lớn được gửi đến các cơ sở y tế trên cả nước.
Tại tòa án Quân sự ở Hà Nội tuần trước, Tổng giám đốc Phan Quốc Việt bị kết án tổng cộng 25 năm tù, bao gồm 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 10 năm tù do “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, ông Việt cũng đối mặt với những cáo buộc khác trong phiên tòa sẽ kéo dài ba tuần bắt đầu vào ngày 3/1.
Việt Nam ban đầu được cả thế giới biết đến nhờ các biện pháp hiệu quả trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19. Tuy nhiên sau đó, khi các quan chức bị phát hiện đút túi hàng triệu đô la từ việc nhận hối lộ dính dáng đến kit xét nghiệm và từ việc tổ chức các “chuyến bay giải cứu” đưa người Việt ở hải ngoại về, đã gây ra nhiều tai tiếng và phẫn nộ trong công chúng.
Năm ngoái, ba quan chức đã bị bỏ tù chung thân trong khi hàng chục người khác bị kết án tù dài hạn vì tội hối lộ và tham nhũng trên các chuyến bay hồi hương.
Vào năm 2022, Quốc hội Việt Nam đã bãi chức hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Ông Minh cũng kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao, là người đứng đầu tổ chức các “chuyến bay giải cứu”, trong khi ông Đam phụ trách xử lý công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 trong nước.
Cuộc thanh trừng, do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, cũng đã hạ bệ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người “chịu trách nhiệm chính trị” về những thiếu sót của nhiều quan chức, AFP dẫn một tuyên bố của ủy ban trung ương đảng vào thời điểm đó cho biết.
Giảm tội cho quan tham là thất nhân văn với Dân
Lưu Trọng Văn
04/01/2024
Liên tiếp chủ tịch An Giang, chủ tịch Lâm Đồng đương ngôi đầu tỉnh bị khởi tố. Rồi nguyên uỷ viên trung ương, bí thư Thanh Hoá và nguyên chủ tịch Thanh Hoá bị bắt ói ra 45 tỷ tiền ăn cướp của Dân. Trước đó mấy ngày thứ trưởng Bộ Công thương bị tra tay còng số tám.
Rồi hôm nay 3.1.2024 ba uỷ viên trung ương gồm bí thư Hải Dương, chủ tịch Hà Nội, bộ trưởng Y tế ra toà.
Nói lên điều gì?
Chưa bao giờ sự hư hỏng của quan chức nhiều đến vậy ư? Đất nước làm sao mà rạng rỡ khi nhan nhản mặt lũ quan đẫm bùn đen?
Không thể thanh minh được sự thật này: Một thời gian dài của Đất nước, tiêu cực do bọn phản Nước hại Dân công khai lộng hành và được cả một hệ thống cơ chế do khuyết tật thành ra dung túng.
Nhìn qua thì có cảm tưởng đến giai đoạn hôm nay khi quyền lực hầu hết thuộc về Tổng bí thư và Ban chống Tham nhũng dẫn đến làn sóng liên tục bọn quan tham bị vạch mặt, bị vạch túi, tống vào lò. Nhưng nhìn lại thì mọi biện pháp có vẻ lờn thuốc vì án tử hình chưa đụng đến bất cứ ai dù tội tày trời.
Các cụ ta nói chí lý: chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.
Thưa bác chủ lò:
Nhân văn lớn nhất là đặt Lợi ích người Dân lên trên hết, dứt khoát không giảm tội cho bọn quan tham ăn cướp tiền mồ hôi nước mắt của Dân.
Giảm tội cho bọn quan tham đồng nghĩa với đồng loã với chúng!
Đồng loã với chúng là thất Nhân văn với Dân!
Đất nước cần thu lại Niềm tin Luật pháp hơn thu lại tiền bọn ăn cướp.
L.T.V.
Khởi tố 331 bị can trong vụ bốn tiếp viên hàng không xách hơn 11kg ma tuý
RFA
04/01/2024
Ma túy được ngụy trang dưới vỏ bọc các túyp kem đánh răng.
VTCNews
Liên quan vụ vali của bốn tiếp viên hàng không mang từ Pháp về Việt Nam hôm 16/3/2023 có ma tuý, Cơ quan điều tra đến nay đã khởi tố 331 bị can.
Đại diện Công an thành phố Hồ Chí Minh cho truyền thông hay tin trên trong chiều 3/1 tại buổi gặp mặt báo chí nhằm thông báo tình hình trật tự an toàn xã hội năm 2023 và công tác của năm 2024.
Vào ngày 16/3/2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TP.HCM phát hiện nhóm nữ tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines mang khoảng 11kg ma túy tổng hợp được ngụy trang trong 327 tuýp kem đánh răng, 17 chai nước súc miệng được bốn tiếp viên hàng không xách tay, vận chuyển từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM xác nhận đến nay đã khởi tố 130 vụ án, 331 bị can, thu giữ hơn 70kg ma túy các loại, bốn khẩu súng và nhiều công cụ phương tiện phạm tội có liên quan, giá trị ma túy các đối tượng mua bán trên 22.000 tỷ đồng.
Công an cũng cho biết, qua kết quả điều tra, các tiếp viên trên khai không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp bị người nhờ mang cất giấu ma túy. Do vậy, chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự bốn nữ tiếp viên.
Vào ngày 22/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định trả tự do cho bốn tiếp viên hàng không trên vì không có đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Tiktoker Việt Nam bị phạt vì clip quay ở Angkor Wat nhưng ghép hình cờ Thái Lan
RFA – 04/01/2024
TikToker Hứa Quốc Anh (phải) tại buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cũng như cơ quan an ninh.
Sở TT-TT TPHCM/LĐO
Một TikToker của Việt Nam bị cơ quan chức năng phạt hành chính do đăng tải clip dài khoảng 90 giây có hình ảnh Angkor Wat (Campuchia) nhưng ghép với quốc kỳ Thái Lan.
Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 3/1, nêu rõ, người bị Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh phạt hành chính 7,5 triệu đồng là Tiktoker Hứa Quốc Anh.
Tiktoker này bị phạt về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo Nghị định số 15/2020 của Chính phủ.
Trước đó, vào ngày 30/10/2023, TikToker Hứa Quốc Anh, người có 700.000 người theo dõi trên mạng xã hội này, đăng tải một video tại đền Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap của Campuchia cho thấy một cô gái mặc trang phục truyền thống Thái Lan và cầm một cây gậy đi quanh khu đền. Video có cả hình ảnh cờ Thái Lan và nhà vua Thái Lan cùng âm thanh nội dung “xin chào Thái Lan”.
Vào ngày 12/11/2023, Cơ quan Bảo vệ Di sản Thế giới Angkor Wat của Campuchia đã yêu cầu mạng TikTok phải chặn video này và thúc giục những người theo dõi không tiếp tục chia sẻ video có “nội dung không phù hợp”. Cơ quan này cho rằng đoạn video ảnh hưởng đến văn hoá và di sản của Campuchia
Ngày 3/1/2024, Sở thông tin và Truyền thông TPHCM và cơ quan an ninh đã có buổi làm việc và xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hứa Quốc Anh (chủ thể sử dụng tài khoản TikTok “Hứa Quốc Anh”) về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… với mức phạt 7,5 triệu đồng.
Với hành vi trên, tờ Lao động cho biết, chính quyền Campuchia cũng xem xét hình phạt đối với Tiktoker Hứa Quốc Anh, có thể cấm nhập cảnh Campuchia từ năm đến 10 năm.
VNCS truy triệt để những tiếng nói phản biện
03/01/2024
Các thành viên No-U Hà Nội, một nhóm dân sự chống đường Lười bò Trung Quốc ở Biển Đông
Reuters
“Chính quyền bắt hết “cá” lớn rồi, giờ đến “cá nhỏ” thì họ bắt nốt”, một nhà hoạt động ở Hà Nội cho biết.
Truy cùng, diệt tận
Ngày càng nhiều các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền tại Việt Nam bị các cơ quan chức năng bắt giữ và thậm chí kết án nặng, khiến những người còn lại (có liên quan ít nhiều hoặc từng liên quan) trở nên “kín tiếng và im ắng hơn”.
Tuy vậy, trong vòng sáu tháng trở lại đây, qua tìm hiểu của RFA, không ít nhà hoạt động trong nước đã bị an ninh mời làm việc – theo nhiều cách khác nhau, như gởi giấy mời lên đồn công an, ép buộc đi uống cà phê với an ninh hay thậm chí là bị công an xông thẳng vào nhà bắt giữ như trường hợp của nhà hoạt động Phan Vân Bách, cựu thành viên của kênh truyền hình độc lập CHTV mà RFA đã loan tin trong hai ngày qua (2 và 3/1/2024) .
Ba nhà hoạt động hiện đang ở trong nước, yêu cầu chỉ nêu tên viết tắt vì lý do an toàn, xác nhận với RFA rằng họ bị mời làm việc nhiều lần trong những tháng gần đây. Những người này nói rằng họ bị an ninh hạch hỏi về các hoạt động chính trị, nhân quyền từ cách đây đã vài năm trước.
Ông L, ở Hà Nội cho biết, trong nửa cuối năm 2023, ông bị mời làm việc hai lần:
“Năm ngoái là nó mời hết lượt. Tôi từ chối nhiều quá nhưng họ vẫn đòi gặp thì tôi phải chịu gặp ở quán cà phê.
Nó nói rằng những người có tiếng tăm là nó bắt hết rồi. Nó cũng nói thẳng là giờ đến những con cá nhỏ khác. Doạ xong thì nó chơi đòn tâm lý, khuyên tôi nên nghĩ tới gia đình, vợ con.
Nói thật là tôi cũng ngưng hẳn rồi, giờ mà tôi bị tóm thì gia đình tan nát hết.”
Ông L, cũng cho biết thêm rằng ngoài ông, hầu hết những người từng lên tiếng trước tình hình chính trị, xã hội đều bị an ninh “mời” làm việc:
“Còn lại những ai mà nó điểm mặt là hay lên mạng viết bài hay tham gia các hoạt động là nó mời lên hết.
Những người làm YouTube thì bị bắt ngưng làm, nếu không thì nó sẽ bắt.
Có người mời mãi không được là nó xộc luôn vào nhà.”
Tại TP.HCM, tình hình cũng căng thẳng không kém. Ông H, cho RFA biết mặc dù đã rất cẩn thận, kín tiếng và không tham gia các hoạt động dân chủ, nhân quyền hay chỉ trích lãnh đạo trên mạng từ hai, ba năm qua, nhưng ông vẫn bị Công an mời làm việc:
“Tôi bị mời làm việc ba lần.
Nó trao đổi, hạch hỏi về những chuyện ngày xưa mình đã làm. Thứ hai là nó cố bắt mình phải chứng minh Facebook đó là của mình, hỏi về những hình ảnh, clip và phóng sự nước ngoài làm về mình.
Nó răn đe bây giờ hồ sơ là đầy đủ rồi, cho đi (tù – PV) lúc nào là chuyện của nó.
Tôi nghe nói giờ đang có chiến dịch bắt hết những người từng có các hoạt động đấu tranh ngày trước, dù bây giờ họ còn hoạt động hay không.”
Ông B, một người hoạt động nhân quyền cũng đang ở TPHCM lấy ví dụ vụ việc ông Phan Văn Bách vừa bị bắt hôm 29/12 vừa qua:
“Mấy năm nay Bách ngưng để kiếm miếng cơm manh áo nhưng mà tụi nó có tha đâu.
Nhiều khi mọi người sẽ thấy hụt hẫng là vì sao mình đã dừng lại rồi mà vẫn bị bắt, mấy anh em lên tiếng giờ đã im lặng rồi cũng bị bụp.
Nhưng từ nay sắp tới những gương mặt gạo cội sẽ bị bắt nữa.”
Ông Phan Vân Bách cầm tấm biển phản đối tăng giá xăng. Facebook/Phan Vân Bách
Xoá bỏ triệt để phong trào dân chủ ở VN
Nhận định về tình trạng này, cô Minh Trang, thạc sỹ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền cho biết:
“Tôi nghĩ hiện tại họ (an ninh VN-PV) không phân biệt ai còn hoạt động hay đã ngừng hoạt động đâu. Có lẽ mục đích của chính quyền qua việc này là:
Thứ nhất là đe doạ và cảnh cáo những người còn hoạt động để họ ngừng những công việc họ đang làm. Chiến lược này có hiệu quả vì FredHub mới đây đã tuyên bố giải thể để đảm bảo an toàn cho cộng sự.
Tất cả những nhà hoạt động nổi bật ở Việt Nam đều đã bị bắt hết hoặc đã ra nước ngoài sinh sống nên chính quyền mời những người còn lại lên làm việc để thu thập thông tin và lập án mới rồi bắt những người mới. Mục đích là xoá bỏ triệt để phong trào dân chủ và hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam.”
Ông Nguyễn Tiến Trung, người bị chính quyền Hà Nội truy lùng suốt trong năm 2023 và đã đến Đức tị nạn vào hồi tháng 12 vừa qua, thì cho rằng, lý do nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam “truy cùng diệt tận” đối lập dân chủ trong nước là vì tình hình thế giới đang biến động dữ dội và có thể ảnh hưởng, tạo biến động đến Việt Nam bất kì lúc nào:
“Nhà cầm quyền sợ khi có biến động và có lực lượng dân chủ lãnh đạo thì người dân sẽ vùng lên thiết lập chế độ dân chủ, từ bỏ chế độ độc đảng toàn trị.
Các siêu cường đang đối đầu nhau dữ dội, từ Ukraine đến Đài Loan. Điểm nóng Đài Loan và Trường Sa bộc phát sẽ khiến chính trị Việt Nam biến động. Giá lương thực, dầu hoả từ chiến tranh ở Ukraine cũng vậy.
Bản thân Đảng Cộng sản cướp chính quyền được là nhờ vào thế chiến thứ hai kết thúc và có khoảng trống quyền lực trong nước. Cho nên nhà cầm quyền sẽ tiêu diệt hết mọi mầm mống lãnh đạo dân chủ để không có đối lập lãnh đạo, dẫn dắt người dân xây dựng chế độ dân chủ thành công.”
XEM THÊM
Cựu thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị bắt
Thêm một nguyên lãnh đạo nữa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục vào lò, dù mới nghỉ hưu.
Ông Vượng từng là Chủ tịch hội đồng thành viên, Bí thư Đảng ủy tập đoàn EVN. Ba năm sau, ông thôi cương vị ở EVN để trở lại làm Thứ trưởng Công thương. Tháng 11/2020, ông Vượng được điều động, bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nghỉ hưu từ 1/1.
Lò dành cho EVN vẫn mở, lỗ vẫn tiếp tục lỗ lớn, giá điện có thể sẽ phải tăng. Liên quan vụ án tại EVN, Bộ Công Thương, hồi tháng 1112023 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 6 người để điều tra tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó có Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty mua bán điện.Chắc còn nữa, đặc biệt về quy hoạch điện VII và VII bổ sung có những điều lạ lùng rất dễ thấy…
*Ảnh: Ông Hoàng Quốc Vượng
Trich Facebook Nhi Dũ Lưu
https://www.facebook.com/nhidu.luu/