Quê Hương tổng hợp
Việt Nam xuất khẩu gạo với giá cao nhất từ 15 năm nay
Thu Hằng /RFI – 16/8/2023
Khoảng 500.000 tấn gạo Việt Nam sẽ được bán với giá cao hơn trong tháng 8 sau khi các nhà xuất khẩu Việt Nam thương lượng lại thành công. Thông tin được hai nguồn tin xác nhận với Reuters ngày 16/08/2023 trong bối cảnh giá gạo thế giới đạt đỉnh điểm từ 15 năm qua.
Ảnh minh họa: Thu hoạch lúa trên một cánh đồng ở Cần Thơ, ngày 28/02/2023. AFP – NHAC NGUYEN
Một nhân viên của một công ty giao dịch quốc tế cho Reuters biết « bên mua đã chấp nhận trả giá cao hơn đối với một số lô gạo được chuyển cho họ trong tháng 8 ». Cụ thể, khoảng 200.000 tấn gạo sẽ được giao trong tháng Tám, 300.000 tấn còn lại sẽ được chuyển đến các cảng của Việt Nam.
Các nước nhập khẩu, trong đó có Indonesia và Philippines, đã trả thêm từ 30 đến 80 đô la/tấn gạo thơm Việt Nam so với giá 550 đô la/tấn trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng của nước này từ tháng 07. Như vậy, bên bán thu thêm được từ 15 đến 40 triệu đô la so với giá thỏa thuận trước các lệnh hạn chế của New Delhi.
Phát biểu trước Quốc Hội Việt Nam ngày 15/08, bộ trưởng Nông Nghiệp thẩm định Việt Nam có thể xuất khẩu từ 7-8 triệu tấn gạo trong năm 2023 sau khi đã bảo đảm được an ninh lương thực trong nước.
Giá gạo tăng ở mức kỷ lục từ 15 năm qua
Nhìn chung, giá gạo châu Á đã tăng khoảng 20% từ tháng 07 năm nay. Gạo thơm Thái Lan cũng đã tăng thành 648 đô la/tấn vào đầu tháng 8. Đây là mức cao kỷ lục kể từ tháng 10/2008. Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos phân tích hai lý do chính.
Thứ nhất là thiên tai do hiện tượng El Niño trở lại. Thái Lan phải đối mặt với nguy cơ hạn hán gia tăng. Trước tình trạng thiếu nước – đến 40% ở một số vùng nông nghiệp – chính quyền yêu cầu nông dân canh tác các giống cây cần ít nước hơn. Còn tại Trung Quốc, mưa lũ, nắng nóng, sâu bọ ở miền bắc đã khiến mùa màng thất thu, buộc chính quyền Bắc Kinh phải nhập khẩu gạo.
Thứ hai là do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo trắng, trừ gạo basmati. Quyết đinh được đưa ra vào tháng 07 nhằm bình ổn giá thị trường trong nước trong bối cảnh Ấn Độ chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử. Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thị trường.
Bộ trưởng Shoigu đảm bảo vũ khí mới của Nga sẽ ‘đáp ứng nhu cầu’ của Việt Nam
VOA Tiếng Việt – 15/8/2023
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang cùng phái đoàn thăm một gian trưng bày tại Diễn đàn Quân sự-Kỹ thuật Quốc tế, Army-2023 ở Moscow, Nga, hôm 14/8.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói rằng các phát triển quốc phòng của Nga sẽ chứng tỏ sự hữu ích đối với quân đội Việt Nam, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng Việt Nam vẫn là một đồng minh tin cậy của Moscow ở khu vực, TASS đưa tin hôm 15/8.
Hãng Thông tấn Nga cho biết ông Shoigu đã nói như vậy khi gặp mặt người đồng cấp phía Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, bên lề Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần thứ 11 (MCIS-11).
“Tôi tin tưởng rằng các vũ khí, thiết bị quân sự và những công nghệ tiên tiến đang được trưng bày tại Diễn đàn Quân sự-Kỹ thuật Quốc tế Army-2023, sẽ thu hút sự chú ý của phía Việt Nam và được triển khai trên thực tế trong các lực lượng vũ trang quốc gia”, ông Shoigu được TASS trích lời nói với ông Giang.
Theo truyền thông Việt Nam, ông Giang, cùng một đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 14/8 đã tham dự lễ khai mạc Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự Quốc tế (Army-2023) tại Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tới Nga để tham dự MCIS-11 và dự kiến sẽ có bài phát biểu tại đây.
Khi gặp mặt ông Giang, Bộ trưởng Nga Shoigu nói rằng Việt Nam đã và vẫn tiếp tục là một đồng minh đáng tin cậy cũng như là một đối tác chủ chốt của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo TASS. Ông Shoigu còn nói rằng sự hợp tác giữa hai nước có thể được xem là toàn diện và chiến lược.
Trong các kỳ bỏ phiếu lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm ngoái, Việt Nam luôn bỏ phiếu trắng. Việt Nam thậm chí phản đối nghị quyết của LHQ nhằm loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này.
Dù Nga bị phương Tây và một số nước ở châu Á cô lập, Việt Nam vẫn tiếp tục hợp tác với Nga, một đồng minh lâu năm và đang cung cấp hầu hết các loại vũ khí khác nhau cho quân đội Việt Nam. Việt Nam vào năm ngoái đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và cho phép 3 tàu hải quân nước này cập cảng Cam Ranh, nơi từng là căn cứ hải quân của Mỹ trong chiến tranh.
“Có một điều chắc chắn, hợp tác nhiều mặt giữa Nga và Việt Nam là lợi ích cốt lõi của hai nước chúng ta”, Bộ trưởng Nga được TASS trích lời nói, và cho rằng cuộc gặp của ông với người đồng cấp Việt Nam “sẽ tạo động lực mới cho hợp tác quốc phòng song phương” giữa hai nước.
Truyền thông Việt Nam không đưa tin về cuộc gặp bên lề MCIS-11 hôm 14/8 hay những gì ông Shoigu nói với ông Giang tại đây nhưng một bản tin của báo Quân đội Nhân dân cho biết hai bộ trưởng Quốc phòng Nga và Việt Nam hôm 15/8 đã hội đàm chính thức với nhau.
Theo cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam, ông Giang khẳng định Việt Nam và Nga “có mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, gắn bó từ lâu” và rằng Việt Nam “luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga”.
Hai bộ trưởng Việt Nam và Nga đã thống nhất tiếp tục hợp tác để đưa mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước được “mở rộng và đi vào chiều sâu”, theo Quân đội Nhân dân.
Các báo Việt Nam cho biết Army-2023, một sự kiện được tổ chức thường niên ở Moscow, “đã trở thành một trong những triển lãm hàng đầu thế giới ở lĩnh vực quốc phòng”. Việt Nam trong nhiều năm qua luôn cử các phái đoàn từ Bộ Quốc phòng đến tham dự.
Cũng đưa tin về Army-2023, báo Tiền Phong trích lời ông Shoigu tuyên bố khi khai mạc diễn đàn hôm 14/8 rằng “nhiều cải tiến từ tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã được triển khai trên chiến trường để hỗ trợ quân đội thực hiện các hoạt động quân sự ở Ukraine”. Và theo tờ báo này, ông Shoigu gợi ý rằng những vị khách tham dự diễn đàn có thể tự mình kiểm chứng điều này bằng cách xem bộ sưu tập chiến lợi phẩm vũ khí phương Tây được trưng bày tại đây.
Còn theo Dân Trí, ông Shoigu tuyên bố rằng “vũ khí phương Tây chuyển giao cho Ukraine không hoạt động như mong đợi trên chiến trường trong khi vũ khí Nga chứng minh được tính hiệu quả”.
Nga bị xem là đang sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraine hơn 1 năm qua mà ban đầu Tổng thống Vladimir Putin kỳ vọng sẽ giành chiến thắng nhanh chóng. Mỹ và các đồng minh NATO đã cung cấp các loại vũ khí, khí tài sự cho Ukraine trị giá hơn 100 tỷ USD để chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Việt Nam được cho là đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga và theo các chuyên gia, việc đa dạng hóa này được đẩy nhanh hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.
‘Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu gạo nhưng người trồng lúa vẫn nghèo’
Anh Minh
Gạo ST25 bày bán tại một đại lý trên đường 3/2, quận 10 (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, thu nhập người trồng lúa đang rất thấp dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chiều 15/8, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn tỉnh Hải Dương đặt vấn đề Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng người nông dân trồng lúa gạo vẫn rất nghèo.
Bà Lê Thị Song An (Phó đoàn chuyên trách tỉnh Long An) lo ngại, lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước đẩy giá gạo, lúa tăng cao. Tình trạng mua gom gạo ồ ạt xuất hiện ở một số địa phương. “Giải pháp nào để đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững?”, bà chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế, và người trồng lúa có thu nhập kém nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng ông cho rằng “có thể làm khác đi” để tăng thu nhập cho họ.
Cụ thể, theo ông, giá gạo Việt tăng từng ngày, là thời cơ để bà con trồng lúa cải thiện thu nhập. Hiện nay, khi Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, các nước tăng nhập gạo của Việt Nam. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần.
“Nhưng cải thiện thu nhập nông dân trồng lúa không chỉ là vấn đề giá, mà cần giảm chi phí sản xuất”, ông nói thêm.
Vừa qua, nhờ ứng dụng quy trình canh tác khoa học, chi phí sản xuất đã giảm 20-25%, tương ứng mức thu nhập tăng thêm cho người trồng lúa. Ông kể vừa cùng Thủ tướng thăm một hợp tác xã 400 ha với 85 hộ là thành viên, nhưng chỉ có 40 nông dân ở ngoài đồng, họ dùng và điều khiển máy móc. “Giờ làm gì cũng có máy móc nên nếu tận dụng quỹ thời gian này để chuyển đổi nghề nghiệp, sẽ tăng thêm thu nhập cho người nông dân”, ông nói.
Bên cạnh đó, trưởng ngành nông nghiệp khuyến nghị người trồng lúa, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, vào hợp tác xã để mua chung, bán chung, tạo thu nhập ở nhiều phân khúc.
Việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho là “cơ hội nhưng cũng cần bình tĩnh”.
Ông dẫn công điện của Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh hiện nay phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Với thị trường trong nước, điều hành cần tránh những cú sốc giá trên thị trường nội địa. Bởi việc đẩy giá tiêu dùng trong nước sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, thu nhập thấp.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo và năm nay dư địa cho xuất khẩu vẫn còn. Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, thu về gần 2,6 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu truyền thống chủ yếu ở châu Á là 3,3 triệu tấn (chiếm hơn 77%), tăng gần 36% so cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường tăng trưởng vượt bậc như EU chiếm 2% tổng sản lượng nhưng đạt hơn 84.000 tấn, tăng 28% so cùng kỳ năm trước.
Về kế hoạch an ninh lương thực, ông Hoan thông tin, Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và yêu cầu xuất khẩu (khoảng 7-8 triệu tấn).
Tuy vậy, trưởng ngành nông nghiệp lưu ý, giá lúa, gạo được quyết định bởi cung – cầu. Cầu tăng nhưng cung ít thì giá sẽ bị đẩy lên, đó là quy luật thị trường. Ngoài bài toán cung cầu, thực tế có hiện tượng đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn tới thị trường.
“Lúc này, bà con nông dân, doanh nghiệp phải tôn trọng nhau, chia sẻ thời cơ và phải hướng tới hợp tác lâu dài”, ông đề nghị.
Ngoài ra, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến”, là biến đổi khí hậu, thị trường và xu hướng tiêu dùng. Theo ông, trong điều kiện, chính sách các nước thay đổi liên tục, dự báo “cũng khó cầu toàn trước xu hướng biến động”.
Chuyện nông sản “được mùa rớt giá”, chưa được giải quyết căn cơ cũng được nhiều đại biểu đề cập.
Ông Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) dẫn chứng thực tế, người dân ùn ùn phá bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng do giá mặt hàng này đang cao và đề nghị Bộ trưởng cho biết về giải pháp “cứu” nông sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại quan điểm không nên đi giải cứu, hay dùng từ giải cứu nông sản. “Nông sản sẽ càng rớt giá nếu được coi là hàng giải cứu. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy này”, ông nói.
Nhắc tới câu chuyện khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long) hay sầu riêng, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, cần cấu trúc lại ngành hàng, phát triển hình thức hợp tác xã và kết nối người trồng, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ mới phát triển bền vững.
Muốn làm được như vậy, theo ông, cần sự vào cuộc của cả hệ thống, từ các cấp ngành, tới hiệp hội ngành hàng để tạo gắn kết chặt chẽ.
A.M.
Nguồn: vnexpress.net
Dương Quốc Chính – Ngày trọng đại
Hôm nay là một ngày kỷ niệm trọng đại đối với Việt Nam. Tất nhiên Tuyên giáo không nói vậy.
Vì là ngày mà Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh, mà bản chất là đầu hàng Mỹ, đặt dấu chấm hết cho Thế chiến 2 cũng như đế quốc Nhật Bản và khối Đại Đông Á. Quân đội Nhật ở Đông Dương gần như không suy suyển gì nhưng cũng được nhận lệnh đầu hàng. Vì thế nên họ cũng không muốn can thiệp vào tranh chấp của người Việt.
Nhân cơ hội đó, dựa vào điện tín của đội Con Nai (OSS – tiền thân của CIA) đang ở bên cạnh, Việt Minh cũng tổ chức Đại hội quốc dân ở Tân Trào vào ngày 16/08, quyết định Tổng khởi nghĩa, lập nên Chính phủ Lâm thời. Ngày 17/08, Việt Minh cướp diễn đàn của Tổng hội công chức ở quảng trường Nhà hát lớn để tuyên truyền cách mạng. Ngày 19/08, cách mạng ở Hà Nội chính thức nổ ra sau hai ngày biểu tình mà không bị đàn áp.
Ngày 02/09, khi chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập tại Hà Nội, cũng chính là ngày Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng trên tàu USS Missouri, với sự giám sát của tướng Richard K. Sutherland, ngoài khơi vịnh Tokyo.
Như vậy, ngày 15/08 là cái mốc mấu chốt dẫn tới Cách mạng tháng Tám thành công. Cái mốc này lại đến từ việc Mỹ đánh bại Nhật. Những người nước ngoài đầu tiên sát cánh bên ông Hồ Chí Minh và Việt Minh trong những ngày này là người Mỹ với toán Con Nai, chứ không phải người Trung Quốc hay Liên Xô. Cũng ngay trong năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã gửi thư cầu viện tổng thống Mỹ Truman nhưng không nhận được hồi âm. Chỉ 4 năm sau, hai bên đã biến thành thù địch khi Mỹ công nhận Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và hỗ trợ Pháp chống cộng sản ở Đông Dương.
Tháng Chín này dự kiến tổng thống Biden đến thăm Việt Nam, nhằm đẩy mạnh mối quan hệ song phương. Nghe đồn tổng thống Putin cũng muốn sang Việt Nam sau đó vài tháng. Đây là bài toán ngoại giao khó cho Việt Nam. Liệu có thể đón cả hai người hay buộc phải buông một ? Phù thịnh hay phù suy ?
Trùng hợp thay, hôm nay cũng là ngày VinFast lên sàn Nasdaq của đế cuốc Mỹ! Liệu VinFast có chăn được gà Mỹ không? Sáu tháng nữa sẽ rõ.
Như vậy, Cách mạng tháng Tám thành công là nhờ đế cuốc Mỹ thắng Nhật. Bây giờ VinFast có thắng được hay không chắc cũng phải nhờ đế cuốc Mỹ ? Sad but true !
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 15.08.2023
Lỗi ở sách giáo khoa hay ở việc giảng dạy?
Thới Bình/VNTB
16/8/2023
Sách giáo khoa bây giờ là mỏ vàng của các nhà “giáo dục” (lớn) với đủ thứ lý sự cao siêu…
Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận kiến thức…
Quốc hội Việt Nam đang diễn ra tranh luận rằng liệu có nên trở lại với việc thống nhất cả nước chi có một bộ sách giáo khoa theo đúng định hướng của Đảng về giáo dục.
Một báo cáo về vấn đề sách giáo khoa của đoàn giám sát thuộc Quốc hội, ghi nhận rằng mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá sách giáo khoa môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.
Liên quan chi phí phát hành sách giáo khoa, theo báo cáo là cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.
Theo đó, mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành là các công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục miền, công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục miền phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022, cụ thể: Đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Báo cáo cũng chỉ rõ việc biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng. Việc triển khai thực hiện chủ trương “xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa” có một số nội dung chưa phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục…
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước…
Xem ra thì “quan điểm của Đảng, Nhà nước” là lý do chính của chuyện cần kết thúc việc cạnh tranh trong sử dụng sách giáo khoa do các nhóm tư nhân biên soạn. Điều này cho thấy Hà Nội đã không chấp nhận kế thừa những gì mà nền giáo dục ở miền Nam trước đây trong chuyện sách giáo khoa.
Nhân chuyện sách giáo khoa ‘tư – công’ đang trên bàn nghị sự ở Quốc hội, nhà báo Vũ Thế Thành – một người bạn vong niên của người viết bài này, nói rằng ông nhớ đến thời niên thiếu tiểu học.
Ông kể: “Hồi nhỏ tôi học trong sách Tập đọc lớp Năm (lớp Một bây giờ) là Tô canh hẹ. Chuyện kể đại khái có một người bị tội phải giam trong ngục. Lính gác đưa vào cho người tù tô canh hẹ. Anh ta cầm tô canh không ăn, chỉ nức nở khóc. Anh lính hỏi vì sao, người tù trả lời, ở nhà tôi thích canh hẹ, mẹ tôi thường nấu cho tôi ăn. Nhìn tô canh hẹ này, tôi chắc mẹ tôi nấu canh lặn lội đường xa đến thăm nuôi tôi. Tôi chưa báo hiếu ngày nào, lại để mẹ già khổ cực vì tôi thế này, nên tôi khóc.
Truyện chỉ có thế, hai trang: một trang in chữ to, trang kia là hình minh họa. Tôi còn nhớ tranh vẽ người lính mặc đồ như lính thú ngày xưa, đội nón lá đứng nhìn, còn người tù ngồi bệt dưới đất, mặc áo rách, một chân co lên, hai tay bưng tô canh trước mặt, nước mắt rơi lã chã.
Phần kết câu chuyện là anh lính gác nghe chuyện, thấy cảm động, trình lên quan, và quan đã tha tội cho người tù.
Ngày trước, ở miền Nam, sách giáo khoa được tự do biên soạn theo chương trình khung của Bộ Giáo dục, dài chừng hai trang giấy cho mỗi môn học, mỗi cấp lớp. Sách nào viết hay thì thầy cô giới thiệu với phụ huynh, chứ không có người chủ biên hay nhóm biên soạn, rồi thêm hội đồng đánh giá, thẩm định bạc tỷ…
Thật ra, Trung tâm Học liệu thuộc Bộ Giáo dục cũng nhờ người biên soạn sách giáo khoa, xuất bản. Sách in đẹp, bìa dày, giấy trắng, giá rẻ vì được viện trợ từ cơ quan văn hóa Hoa Kỳ, nhưng… bán ế, vì chẳng học sinh nào dùng, và cũng không có thầy cô nào giới thiệu nên dùng.
Quyển Tập đọc lớp Năm đó, tôi nhớ mang máng do nhà xuất bản tư nhân Thanh Đạm nằm dưới chân cầu Trương Minh Giảng ấn hành, nhưng không nhớ tác giả biên soạn là ai. Còn nhiều câu chuyện hàng tuần khác tương tự như Tô canh hẹ trong sách này, đến giờ vẫn còn trong đầu tôi như in, thậm chí cả hình minh họa.
Sách giáo khoa bây giờ là mỏ vàng của các nhà “giáo dục” (lớn) với đủ thứ lý sự cao siêu trong đấy. Những thứ cao siêu này sẽ đeo đuổi cuộc đời học sinh sau này. Khi nào chúng hiểu ra sự thật về “mặt trời chân lý”, thì lúc đó mặt trời không còn “chói qua” tim, mà sẽ đốt cháy con tim…”.
Kết thúc câu chuyện, nhà báo Vũ Thế Thành nói rằng câu chuyện Tô canh hẹ và người tù đã gây ấn tượng và kéo dài suốt sáu mươi năm sau trong đầu một đứa trẻ như ông, “vậy thì có xứng đáng nằm trong sách giáo khoa lớp Một không? Có phải là một trong những chỉ tiêu giáo dục nhân cách cho trẻ không? Tôi không đủ tư cách trả lời câu hỏi này”.
Chuyên gia: Còn quá sớm để nói VinFast có vốn hóa 85 tỷ USD trên sàn chứng khoán Mỹ
Nguyễn Trường Sơn
16/8/2023
Xe VinFast 8 và giá trị cổ phiếu VinFast trên sàn Nasdaq sau ngày đầu niêm yết
AP/RFA edited
Công ty sản xuất xe điện của Việt Nam hôm 15 tháng 8 đã có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Nasdaq ở Mỹ với mã VFS.
Phiên giao dịch được cho là đã thành công khi giá trị cổ phiếu của công ty VinFast tăng hơn 250%, từ 10 USD lên 37 USD cho mỗi cổ phiếu của công ty này.
Việc này cũng biến VinFast trở thành một trong những hãng xe điện có giá trị vốn hoá cao nhất trên sàn chứng khoán Mỹ, ở mức 85 tỉ USD. Chỉ đứng sau cổ phiếu của hãng xe Mỹ, Tesla đình đám, và hãng BYD của Trung Quốc.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup – công ty mẹ của VinFast cũng lọt vào nhóm 30 người giàu nhất thế giới, theo danh sách The Real-time Billionaires của Forbes.
Tuy nhiên, theo ý kiến nhận định của chuyên gia các con số trên chưa phản ảnh thực chất giá trị cổ phiếu và vốn hóa của VinFast trên thị trường Mỹ, vì một vài lý do.
Trao đổi với đài Á châu Tự do, chuyên gia kinh tế – Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, cho biết tổng số lượng cổ phiếu của VinFast được giao dịch trong phiên đầu tiên là ở mức gần 7 triệu cổ phiếu, trong khi tổng số cổ phiếu mà hãng này phát hành là 2,41 tỉ cổ phiếu.
Tức là số cổ phiếu được giao dịch chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 0.3% tổng giá trị số cổ phiếu phát hành.
“Nếu muốn biết thị trường đánh giá giá trị của một công ty như thế nào thì phải xem số lượng giao dịch hàng ngày của cổ phiếu công ty đó.” Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho hay.
Do đó ông cho rằng với việc chỉ một lượng rất nhỏ cổ phiếu của VinFast được giao dịch như hiện nay, sẽ còn quá sớm để biết thị trường Mỹ đánh giá cổ phiếu này ra sao.
Ông này cũng đưa ra ví dụ về cổ phiếu của hãng xe điện Tesla, khi cho biết trung bình mỗi ngày có đến 133 triệu cổ phiếu của hãng xe Mỹ được giao dịch, chiếm hơn 4% tổng giá trị vốn hoá. So với con số gần 7 triệu cổ phiếu và 0.3% tổng giá trị vốn hoá của VinFast trong phiên giao dịch đầu tiên.
Ngoài ra, vị chuyên gia kinh tế sinh sống tại Na Uy này cũng cho biết VinFast vẫn đang giới hạn việc giao dịch cổ phiếu của họ, bằng cách không phép giới đầu tư bán khống (short sale), và không cho phép giao dịch quyền chọn (option). Đây là những dịch vụ phổ biến ở thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Việc thiếu vắng các dịch vụ chứng khoán phái sinh đã giúp đẩy giá của cổ phiếu VinFast lên cao do không có sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn, tránh được trường hợp bị bán khống. Giới quan sát cũng nhận đình rằng hầu các giao dịch liên quan đến chứng khoán của VinFast hiện nay vẫn chỉ diễn ra trong nội bộ những cổ đông của công ty này.
Do vậy, ông Nguyễn Huy Vũ kết luận “vẫn còn quá sớm để nói thị trường đánh giá vốn hoá của VinFast là bao nhiêu”.
VinFast là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam có cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ. Doanh nghiệp này cho biết việc quyết tâm “lên sàn” ở thị trường lớn nhất thế giới là để huy động vốn, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất xe điện của hãng.
Trước đó, hãng xe điện của Việt Nam này cũng công bố dự án đầu tư nhà máy sản xuất xe điện ở bang North Carolina, Hoa Kỳ, có tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỉ USD.
XEM THÊM:
NHẬN ĐỊNH VỀ NGÀY 19 THÁNG 8, 1945 – “CÁCH MẠNG” hay “CƯỚP QUYỀN”? – Những tài liệu lịch sử